Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Cambodia giải tán đảng đối lập: Nền dân chủ suy tàn?




         Lãnh đạo Kem Sokha trong một chiến dịch của CNRP năm nay. Ảnh: Heng Chivoan.


Thứ năm vừa qua, ngày 16/11/2017, Tòa án Tối cao Cambodia tuyên phán giải tán Đảng Cứu nguy Dân tộc CNRP, đảng đối lập chính của nước này. Cùng với phán quyết đó, 118 thành viên cấp cao của CNRP đều bị cấm tham gia hoạt động chính trị trong vòng 5 năm, kể từ ngày ra phán quyết. Không những vậy, CNRP còn bị mất toàn bộ 489 ghế lãnh đạo địa phương và 55 ghế trong quốc hội – tức phán quyết lần này đã bãi luôn kết quả dân bầu của kỳ bầu cử 2013.

Đây được coi là một động thái giúp đảm bảo rằng Thủ tướng Hun Sen – người đã cai trị Cambodia suốt 32 năm qua – cùng đảng cầm quyền của ông, sẽ không còn phải bận tâm về bất cứ đối thủ nào trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm tới.

Khi đảng cầm quyền nhúng tay vào lập pháp và tư pháp

Để dọn đường cho hành động này, trong nhiều tuần trước đó chính phủ Hun Sen đã đệ đơn kiện lên Tòa án tối cao, với cáo buộc rằng CNRP dính líu vào một âm mưu do Mỹ hậu thuẫn nhằm lật đổ Đảng Nhân dân Cambodia CPP đang cầm quyền.

Người đứng đầu Tòa án tối cao này, tức chánh án Dith Munty, lại chính là thành viên cao cấp của đảng cầm quyền, và là người có mối liên hệ gần gũi với Hun Sen suốt hơn ba thập kỷ. Trong vai trò chủ tọa phiên xử, Munty trực tiếp tham gia vào việc đưa ra phán quyết cuối cùng. Chính vì vậy, quyết định giải tán CNRP có lẽ là điều đã được nhiều người dự đoán trước.

Trong thông báo của Tòa án tối cao, Dith Munty nói rằng “đây là một tội nghiêm trọng, vì vậy đảng [CNRP] phải bị giải tán theo Điều 38 của Luật về các đảng chính trị”.


                 Thủ tướng Hun Sen của Cambodia. Ảnh: Ye Aung Thu/AFP/Getty Images

Vậy nếu xét theo luật pháp Cambodia, thì việc CNRP bị giải thể là chính đáng chăng?

Không hẳn. Bên cạnh mối nghi ngờ về tính độc lập và công bằng của tòa án đúng như quy định trong hiến pháp, thì chính pháp luật cũng đã bị CPP nhúng tay vào can thiệp.

Hồi đầu năm nay, Quốc hội với đa số thành viên là người của CPP, đã thông qua luật sửa đổi về các đảng chính trị, cho phép Tòa án Tối cao giải tán bất kỳ đảng chính trị nào, nếu các vị lãnh đạo của nó từng có lý lịch phạm tội, và các vị lãnh đạo này bị cấm tham gia chính trị trong vòng năm năm.

Luật này còn cho phép Bộ Nội vụ giải thể bất cứ đảng phái nào bị coi là có liên quan đến các hoạt động có thể dẫn đến “sự kích động làm tan rã quốc gia” và lật đổ “chế độ dân chủ tự do đa đảng”. Hàm ý của nó đã hết sức rõ ràng: kiểm soát đảng phái, mở đường cho CPP mặc sức thống trị.

Không những vậy, việc CNRP bị mất toàn bộ 489 ghế lãnh đạo địa phương và 55 ghế trong quốc hội – kết quả của cuộc bầu cử 2013 – vốn không hề nằm trong thẩm quyền của tòa án. Hành động này đi ngược lại ý chí của gần ba triệu người dân Cambodia, những người đã bỏ phiếu cho CNRP.

Trong Điều 80 của Hiến pháp Cambodia còn ghi rõ: “Đại biểu quốc hội được hưởng quyền bất khả xâm phạm. Bất kỳ đại biểu quốc hội nào đều không thể bị lên án, bị bắt giam do bày tỏ ý kiến hoặc do đưa ra quan điểm trong khi thi hành nhiệm vụ của mình”. Vậy thì tại sao khi nhiệm kỳ quốc hội còn chưa kết thúc, Tòa án tối cao đã bất chấp hiến pháp xóa bỏ tư cách dân bầu của 55 vị đại biểu CNRP?

Đàn áp triệt để tiếng nói đối lập

Nguyên nhân chính cho hành động lần này là nỗi lo sợ của Hun Sen và đảng cầm quyền CPP trước một đảng đối lập ngày càng được lòng dân. Trong cuộc bầu cử toàn quốc năm 2013 cũng như cuộc bầu cử địa phương vào tháng 6 vừa qua, CNRP giành được tới khoảng 44% số ghế. Tiên liệu được cái viễn cảnh có thể bị đánh bại trong cuộc bầu cử năm tới, Hun Sen không thể để yên.

Phán quyết giải thể CNRP lần này, có lẽ chỉ là một phần của chiến dịch đàn áp dài hơi mà Hun Sen đã kỳ công dàn dựng.


Tờ The Cambodia Daily, nhật báo độc lập lớn nhất Cambodia, đã bị buộc phải đóng cửa hồi tháng 9/2017. Ảnh: Reuters/Samrang Pring.

Trước đó, chính quyền Cambodia đã bỏ tù lãnh đạo đảng đối lập, đóng cửa các cơ quan truyền thông độc lập, sách nhiễu các chính trị gia và các nhà hoạt động xã hội, mà chủ yếu tập trung vào các nhóm có quan hệ với Mỹ.

44 nghị sĩ quốc hội thuộc đảng đối lập CNRP đã chạy khỏi đất nước từ đầu tháng 9 năm nay vì lo sợ bị bắt giữ. Trong số 11 nghị sĩ ở lại, có hai người bị giam, gồm cả lãnh đạo đảng Kem Sokha bị bắt giữ vào tháng Chín năm nay với cáo buộc tội phản quốc. Hàng trăm quan chức địa phương đã trở thành đối tượng bị đàn áp. Những người này bị ép buộc hoặc phải gia nhập đảng của Hun Sen, hoặc đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng cho bản thân.

Nguồn cơn vụ việc

Qua phán quyết này, giờ đây rất có thể chúng ta phải tuyên bố rằng, Hun Sen đang biến chính quyền Cambodia trở thành một nhà nước chuyên chế dưới sự cai trị độc tài của ông ta.

Mô hình dịch chuyển của Cambodia theo hướng toàn trị như lúc này đây, cũng chính là một phản ảnh cho dòng thay đổi trật tự chính trị toàn cầu.

Trước kia, phương Tây kiểm soát tiến trình dân chủ hóa của Cambodia thông qua các khoản viện trợ đi kèm nhiều điều kiện về dân chủ.

Tuy nhiên, ngày nay, Trung Quốc đã càng lúc càng vượt lên và cũng bắt đầu sử dụng dòng tiền hỗ trợ để lôi kéo các nước lân cận đi theo mô hình chuyên chế của mình. Nhờ dòng viện trợ từ Trung Quốc, Cambodia dường như không còn phụ thuộc nhiều vào phương Tây như trước nữa, do đó Hun Sen trở nên mạnh bạo hơn trong việc củng cố quyền lực.

Thêm nữa, ngay cả những nước đi đầu về giá trị dân chủ mà điển hình là Mỹ, thì ngày nay cũng không còn cam kết thúc đẩy dân chủ trên toàn cầu, nhất là từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Hun Sen trở nên mạnh bạo hơn trong việc đàn áp giới đối lập, bởi ông thấy hành động của mình sẽ không gặp nhiều phản ứng từ quốc tế.

Chẳng phải sao, mới trước đó Trump còn chào mời lãnh đạo phe đảo chính của Thailand tại Nhà Trắng, và ca ngợi Tổng thống Duterte của Philippines bất chấp chiến dịch đàn áp ma túy của ông này đã làm chết đến hàng ngàn thường dân và con số có thể còn nhiều hơn thế nữa.

Điều này cho thấy cán cân thúc đẩy dân chủ tự do trên thế giới đã thay đổi, với dấu hiệu ngày càng thắng thế của các khuynh hướng độc tài. Tình trạng lệch lạc như bây giờ càng khiến giới quan sát quốc tế hoài nghi về tầm nhìn của tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump, khi những cam kết thúc đẩy dân chủ tự do toàn cầu không còn mang vẻ mạnh mẽ như các vị tổng thống Mỹ trước đó.

Tương lai nào cho Cambodia?

Tháng trước, nhân kỷ niệm 26 năm Hiệp định Hòa bình Paris năm 1995 về Cambodia, 55 tổ chức xã hội dân sự đã đứng tên chung trong một bức thư gởi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và các đồng chủ tọa của Hiệp định. Mục đích của bức thư là để kêu gọi triệu tập lại các thành viên của Hiệp định cùng với các bên liên quan khác, và tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp, nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng nhân quyền ở Cambodia lúc này.

Đứng trước nguy cơ một nền dân chủ có thể sẽ tiêu biến, hàng loạt tổ chức quốc tế đã lên tiếng mạnh mẽ.

Tổ chức Ân xá Quốc tế mô tả phán quyết của Tòa án Cambodia là một “hành động đàn áp chính trị trắng trợn”.

Ủy ban Luật gia Quốc tế ICJ cũng công kích phán quyết này. Theo Kingsley Abbott, vị cố vấn pháp luật quốc tế cấp cao của ICJ, thì “Luật sửa đổi về các đảng chính trị cho phép Tòa án Tối cao giải thể các đảng chính trị ngay trước khi giải thể CNRP cho thấy toàn bộ ‘tiến trình pháp lý’ không gì khác hơn là một màn kịch chính trị, đi ngược lại với nhân quyền và pháp quyền”.

Chưa rõ những áp lực quốc tế lúc này liệu có thể tác động gì lên một cán cân vốn đã quá nghiêng về một tương lai suy tàn dân chủ, song những nỗ lực của giới xã hội dân sự hẳn là dấu hiệu cho thấy cuộc đấu tranh này chưa hề chấm dứt.


Liệu nền dân chủ Cambodia có hồi sinh hay thậm chí là mạnh mẽ hơn? Không nghi ngờ gì nữa, như mọi cuộc đấu tranh khác, câu trả lời nằm ở chỗ ý chí của người dân Cambodia quyết liệt đến mức nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét