Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Trong những trang cuối cuốn sách
mới đây của William Taubman viết về tiểu sử Mikhail Gorbachev, ông mô tả cựu Tổng
thống Nga và phu nhân Raisa đi dạo ven bờ biển tại khu nghỉ mát Foros – phía
nam bán đảo Crimea trong kỳ nghỉ, chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc đảo chính
thất bại năm 1991. Như thói quen sau nhiều năm, những buổi đi dạo của Gorbachev
và phu nhân thường là những cuộc trò chuyện sôi nổi. Họ tranh luận: Các nhà
lãnh đạo được định hình bởi nhân cách hay hoàn cảnh nhiều hơn? Và họ cho rằng
các nhà lãnh đạo coi việc trải qua lịch sử như cưỡi trên lưng một con cọp và điều
này tạo ra những nhà lãnh đạo xuất sắc. Theo Taubman, Gorbachev và phu nhân kết
luận: “Hoàn cảnh nâng tầm các nhà lãnh đạo, thường biến những thứ được coi là
điểm yếu thành điểm mạnh”.
Có một câu hỏi quan trọng về
Gorbachev và giai đoạn lịch sử kỳ vĩ mà ông tạo ra. Bằng cách nào mà con của một
tá điền đến từ một tỉnh lẻ ở Liên Xô, người đến Đại học Tổng hợp Quốc gia
Moskva “với dáng vẻ như một anh chàng nông thôn vụng về”, lại trở thành Bí thư
thứ nhất của một vùng và được Giám đốc KGB Yuri Andropov chống lưng, một người
“lưu giữ trên bàn làm việc các tuyển tập tác phẩm của Lenin với đầy những chỗ
đánh dấu trên sách” có thể lãnh đạo Liên Xô vượt qua thời khắc khó khăn, chấm dứt
Chiến tranh Lạnh và đánh bại thứ lý tưởng Cộng sản mà ông đã dày công nghiên cứu
từ các cuốn sách của Lenin?
Câu trả lời được đưa ra trong cuốn
sách nhiều thông tin sáng tỏ của Taubman, giáo sư hưu trí về khoa học chính trị
của trường Amherst College đồng thời là người giành giải Pulitzer với cuốn sách
viết về tiểu sử của Nikita Khrushchev. Taubman đã dành một phần ba cuốn sách để
viết về những năm đầu tiên của Gorbachev và với kỹ năng tuyệt vời, Taubman đã
làm sáng tỏ sự chuyển hóa vốn trở nên quan trọng đối với những hành động sau
này của ông. Taubman cho thấy rằng khi kinh qua các cấp bậc lãnh đạo, Gorbachev
nuôi dưỡng sự hoài nghi sâu sắc về tất cả những gì ông chứng kiến, rõ nhất là
vào lúc nhậm chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 3 năm 1985, trong
tuyên bố với phu nhân Raisa trong một lần đi dạo: “Chúng ta không thể tiếp tục
sống như thế này”. Gorbachev như là một máy ủi, một tác nhân chưa từng có của sự
thay đổi cấp tiến len lỏi trong Bộ chính trị đã xơ cứng của Liên Xô. Mục đích của
Gorbachev không nhằm để phá huỷ. Gorbachev nghĩ rằng ông có thể cứu Liên Xô và
làm cho chủ nghĩa xã hội vĩ đại trở lại. Dưới bàn tay của Taubman, cuốn sách là
một câu chuyện đặc biệt về một người đàn ông và lịch sử trong một cuộc đấu lộn
căng thẳng. Người đàn ông chiến thắng bằng cách chấp nhận thất bại.
Từ thời trẻ, Gorbachev chứng kiến
được khoảng cách khổng lồ giữa những tuyên ngôn của Đảng Cộng sản với điều kiện
sống nghèo nàn và hà khắc của cuộc sống thường ngày. Ông cũng hiểu biết hơn những
người bạn sinh viên năm nhất tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva của ông – những
người có thể chế nhạo ông, một anh chàng nông thôn vụng về gắn trên ve áo tấm
“Huy chương Cờ đỏ Lao động” mà ông nhận được sau năm mùa hè giúp đỡ người cha vận
hành một máy gặt đập khổng lồ – rằng tập thể hoá dưới thời Stalin đã biến vùng
nông thôn thành một thảm hoạ.
Sau này, khi có được vị trí đầu
tiên trong Đảng, Gorbachev viết cho người vợ tương lai rằng những bí thư đảng địa
phương thật “ghê tởm” trong cách họ cư xử: ngạo mạn, trơ tráo và cổ hủ.
Gorbachev với tư cách là lãnh đạo của Đảng Cộng sản tại một vùng đã sốc với cảnh
tượng làng quê hẻo lánh ở Gorkaya Balka, được tạo nên từ “những túp lều thấp với
đầy khói thuốc, những hàng rào xiêu vẹo tối đen”. Gorbachev tự hỏi: “Bằng cách
nào điều đó có thể xảy ra, bằng cách nào mà bất cứ ai có thể sống như vậy?”
Sau đó, Gorbachev cùng với một
đoàn đại biểu Liên Xô thăm Tiệp Khắc sau khi quân đội Xô-viết nghiền nát phong
trào Mùa xuân Praha năm 1968. Tại Brno, công nhân nhà máy quay lưng lại với
Gorbachev và bài học ông rút ra được là việc dùng vũ lực của Moskva không giải
quyết được vấn đề gì. Gorbachev bắt đầu nghi ngờ về sự tập trung quá mức của hệ
thống Xô-viết. Những nghi ngờ cũng bắt đầu lan tỏa trong chuyến thăm tới Canada
năm 1983, khi Gorbachev coi nhẹ sự cẩn trọng và trong một lần giải lao, ông đi
dạo trong một vườn cây ăn quả với Alexander Yakovlev – người lúc đó là Đại sứ
Liên Xô tại Canada – và chia sẻ với Yakovlev những mối quan ngại sâu sắc của
ông. Yakovlev sau này trở thành kiến trúc sư cho những tư tưởng mới của
Gorbachev.
Gorbachev đem theo những nghi ngờ
đó khi lên nắm quyền với tư cách là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và sau đó
là Tổng thống, tiên phong tiến hành những cải cách long trời lở đất. Tuy nhiên,
ông cũng luồn lách qua hệ thống chính trị một cách thận trọng, cố gắng không
làm bẽ mặt những phần tử cứng rắn, mong muốn những thay đổi nhanh chóng và cấp
tiến hơn, và thất vọng khi ông không thực sự biết bằng cách nào có thể đạt được
điều đó. Taubman phác hoạ Gorbachev như là một người nhìn xa trông rộng, quyết
tâm “đi xa”, một nhà lãnh đạo với “sự tự tin và lạc quan bẩm sinh, một trí thức
có tài thực sự”, với khát vọng mạnh mẽ chứng minh bản thân, nhưng đồng thời là
một người tiệm tiến bị cản bước sự thiếu chắc chắn cũng như sự không sẵn lòng từ
bỏ hệ thống Xô-viết thưở ban đầu.
Những ý định cấp tiến của Gorbachev
bị đánh giá thấp không biết bao nhiêu lần. Khi trò chuyện với các nhà lãnh đạo
Đông Âu vào năm 1985 về việc Moskva sẽ không đặt ra những mệnh lệnh với các nước
này – điều xuất phát từ sự phẫn nộ của Gorbachev trước cuộc đàn áp Mùa xuân
Praha và việc ông không muốn sử dụng vũ lực – các nhà lãnh đạo này đơn giản là
đã không hiểu được những điều ông nói. Taubman cho biết các lãnh đạo khối
Warsaw “rời cuộc gặp vẫn tin tưởng rằng Gorbachev sẽ không bỏ rơi họ, mà đúng
hơn là sẽ giải cứu họ khỏi những cái hố mà các lãnh đạo này đang đào ra cho
chính mình”. Bốn năm sau, Gorbachev đã làm những gì ông nói, ông không cứu các
nhà lãnh đạo này khi Bức tường Berlin sụp đổ và cuốn theo số phận của họ. Tương
tự, vào tháng 1 năm 1986 khi Gorbachev đưa ra đề xuất giải trừ tất cả vũ khí hạt
nhân vào cuối thế kỉ 20, ông chỉ đang nhắc lại tuyên truyền lâu nay của Liên
Xô, và người ta cho là chẳng có gì thực chất. Nhưng Taubman cho biết, Gorbachev
“rất nghiêm túc với chuyện này” và ông đã thúc đẩy cũng như làm Ronald Reagan ngạc
nhiên tại cuộc gặp thượng đỉnh kế tiếp. Vào tháng 10/1986, ông đã thực hiện cam
kết đó tại Reyjavik (thủ đô của Iceland). Dù nhiều người tại cuộc họp, trong đó
có tôi, cho rằng đó sẽ là một thất bại vì sự bế tắc gây nên bởi Sáng kiến Phòng
thủ Chiến lược mà Reagan đề xuất, nhưng Gorbachev lại nhận thấy đó là bước khởi
đầu hướng tới hãm phanh cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.
Tại Liên Xô, Gorbachev đã mở
toang hệ thống Xô-viết vốn đóng cửa và lỗi thời. Năm 1989, cơ quan lập pháp mới
gọi là Đại hội đại biểu nhân dân (tức Quốc hội) đã được bầu ra trong cuộc bầu cử
tương đối tự do đầu tiên kể từ sau cách mạng Bolshevik tháng 10 năm 1917.
Gorbachev yêu cầu các cuộc họp của quôc hội phải được truyền hình trực tiếp, và
cả nước đã trở nên rúng động với những chỉ trích và tranh luận mở. Những thay đổi
ngoạn mục của Gorbachev đã giải phóng tất cả các lực lượng ly tâm ra ngoài tầm
kiểm soát của ông, bao gồm khao khát độc lập của các nước cộng hoà trong Liên
bang Xô-viết. Taubman cũng chỉ ra ảnh hưởng gây suy yếu cho Gorbachev từ cuộc
ganh đua với một Boris Yeltsin đầy tự tin. Khi nhìn lại thì có thể thấy
Gorbachev đã đi chưa đủ xa. Ông nên ra khỏi Đảng Cộng sản, từ bỏ những nhà cộng
sản kỳ cựu và bắt đầu độc lập xây dựng một nền dân chủ xã hội. Sự chần chừ của
Gorbachev đã đẩy ông lên boong của một chiếc tàu đang chìm.
Nguyên nhân cốt lõi của sự mục ruỗng
trong hệ thống Xô-viết là nền kinh tế, nhưng Gorbachev đã áp dụng biện pháp nửa
vời và không thể làm một bước nhảy vọt sang chủ nghĩa tư bản khi từ chối kế hoạch
“500 ngày” quá độ sang nền kinh tế thị trường của Grigory Yavlinsky. Taubman
không điểm nhiều về kinh tế, nhưng một trong những thay đổi đáng kể nhất thời
Gorbachev mà ngày nay vẫn còn được nhắc đến đó là các hợp tác xã, các doanh
nghiệp tư nhân đầu tiên, những chủ thể kinh doanh mà từ đó những nhà đầu sỏ thời
Yeltsin sau này đã được nếm mùi ban đầu của lợi nhuận. (Tôi chia sẻ một số tài
liệu nghiên cứu với Taubman và từng dự một hội thảo chung với Gorbachev ở
Moskva).
Bất chấp những điểm yếu,
Gorbachev đã mở ra con đường đến dân chủ cho hàng chục triệu người, làm dịu đi
căng thẳng của cuộc Chiến tranh Lạnh vốn kìm hãm thế giới trong sự đối đầu suốt
4 thập niên, và đập tan chủ nghĩa cộng sản ở ngay chính Liên Xô – mảnh đất mà
nó được sinh ra. Taubman nhận định trong câu tóm tắt xuất sắc của ông: “Liên Xô
tan vỡ khi Gorbachev đã làm nhà nước suy yếu nhằm gia tăng sức mạnh cho cá nhân
người dân”. Ngày nay, những thành tựu và cuộc đấu tranh của Gorbachev không được
ghi nhận tại Nga cũng như các nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ. Nhưng có thể một
ngày nào đó, một bức tượng sẽ được dựng lên để vinh danh anh chàng nhà quê vụng
về, người đã vươn lên thời khắc trọng đại của lịch sử và đào mồ chôn cho chủ
nghĩa toàn trị.
David E.Hoffman là trưởng văn
phòng của Washiongton Post tại Moskva, đồng thời là tác giả của cuốn “The
Billion Dollar Spy: A True Story of Cold War Espionage and Betrayal”.
*
Đây là bài điểm cuốn Gorbachev:
His life and Times của William Taubman, NXB Norton, 852 trang, giá bìa $39.95.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét