Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Sự biện giải cuối mùa của Ban Tuyên Giáo



 JPEG - 48.8 kb
Tượng đài Lenin tại Nga bị người dân giật đổ. Ảnh: Wikipedia


Chủ nghĩa cộng sản từ khi ra đời đã ôm ấp một tham vọng lớn lao sẽ là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản. Được sự cổ vũ của phong trào giải thực sau Thế chiến 2, trào lưu tư tưởng cộng sản mạnh mẽ bành trướng trên khắp thế giới, hình thành một thế lực chính trị mang màu sắc bạo lực núp dưới chiêu bài giải phóng dân tộc.

Nhưng chưa tới 100 năm sau, bất kể những thành công được ca tụng bởi một hệ thống tuyên truyền tinh xảo, thành trì cách mạng Liên Xô ồn ào sụp đổ kéo theo một hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa anh em trên dải đất Đông Âu. Tất cả quay về con đường mà hơn một lần họ đã từng đi qua, con đường của chủ nghĩa tư bản phương Tây.

Năm 2017, trong khi ở nước Nga kỷ niệm Cách mạng tháng 10 diễn ra đơn giản trong nội bộ đảng Cộng sản Nga thì ở Việt Nam, 3500 đại biểu cộng sản Việt Nam nghiêm trang, lặng lẽ ngồi nghe Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lên dây cót: “Cách mạng tháng 10 là một cuộc cách mạng làm rung chuyển thế giới, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử nhân loại”. Cho tới thế kỷ này, vẫn có không ít những nhà lãnh đạo cộng sản ở Việt Nam hiện nay có vẻ còn đặt niềm tin vô hạn vào cuộc cách mạng ấy và cứ loay hoay bào chữa, than tiếc cho sự sụp đổ của thành trì cách mạng thế giới.

Mới đây trên Tạp chí Cộng sản, tác giả Phạm Thắng khi viết về sự thay đổi chế độ chính trị ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng có cái nhìn tương tự. Để giải thích và bào chữa cho sự sụp đổ này, tác giả nêu ra 5 lý do khiến cho sức mạnh của chế độ Liên Xô và Đông Âu "mềm dần" rồi đi đến chỗ tan rã từ bên trong. Bài báo đã kể ra 5 lý do ấy như sau:

JPEG - 61.4 kb
Ông Nguyễn Phú Trọng đọc bài diễn văn khai mạc buổi lễ kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng Nga hôm 5-11-2017. Ảnh: Báo Điện Tử Gia Đình và Xã Hội.

Một là, cần khẳng định rằng, sự tác động từ bên ngoài là hiện hữu, có chủ đích, bền bỉ, dai dẳng.

Đây là quan điểm thuộc lòng cũ rích mà các nhà tuyên giáo đảng thường xuyên xử dụng để biện giải cho những thất bại cay đắng chẳng những của đảng Cộng sản Liên Xô (CSLX) mà còn cho đảng CSVN. Họ rất giàu tưởng tượng, tạo ra vô số lý do từ kẻ địch nhưng không bao giờ thừa nhận những sai lầm của một chế độ độc tài vừa cai nghiệt vừa giả dối. Từ đó chế độ tạo ra những khoảng cách bị đào sâu càng ngày càng xa giữa nhân dân và chính quyền, cuối cùng biến nhân dân thành kẻ thù của đảng.

Hai là, sự tác động đó được thực hiện trên cơ sở khoét sâu những hạn chế, yếu kém, bất cập, những mầm mống, nguy cơ có thể dẫn đến mất đoàn kết, đặc biệt là những yếu kém của cán bộ giữ các vị trí lãnh đạo,... rồi khuyếch trương những yếu tố bất lợi đó theo một kịch bản, lộ trình công phu, phát huy tác tối đa.

Với quan điểm này, những sai lầm trong chính sách nhà cầm quyền cộng sản chỉ là những hạn chế hay yếu kém do trình độ của cán bộ thừa hành. Một lần nữa, mọi tội lỗi đều được trút lên đầu các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng khai thác và khoét sâu thêm những khuyết điểm để làm suy yếu đảng, gây mất lòng tin trong nhân dân.

Ba là, những phương tiện thông tin đại chúng đã bị xâm nhập nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Điều dễ nhận thấy là trong những nước mà đảng cộng sản cầm quyền trước đây cũng như bây giờ, các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, truyền hình đều nằm trong tay đảng. Sự xâm nhập nếu có chính là sự xâm nhập từ bên trong mà Việt Nam thường rêu rao là “diễn biến nội bộ”. Không có tự do báo chí, trong khi tự do tư tưởng được định hướng theo lời đảng dạy thì thử hỏi báo chí của đảng bị xâm nhập bằng cách nào nếu không do sự tự giác ngộ?

Bốn là, chiến lược diễn biến hòa bình, chiến tranh tâm lý, chiến tranh thông tin đã tác động rất lớn đến tư tưởng được thực hiện lâu dài, tinh vi, có lộ trình, có cách tiếp cận, và có biện pháp cụ thể.

Đối với các ngòi bút tuyên giáo đảng, chiến lược diễn biến hòa bình là một trong những lý do cốt yếu nhất làm Liên Xô sụp đổ. Họ không hề đề cập đến bất cứ một nguyên nhân nội tại nào để cắt nghĩa tại sao một cường quốc thế giới như thế lại đi đến chỗ tiêu vong.

Năm là, sự sụp đổ của Liên Xô cũng làm nảy sinh sự thiên lệch, thậm chí cực đoan khi đánh giá, nhìn nhận sự kiện này.

Đây chính là điều mà nhiều người cộng sản còn lại không thể hiểu được. Vì chính sự sụp đổ nhanh chóng của Liên Xô năm 1991 đã đưa ra ánh sáng nhiều sự thật lâu nay bị che giấu để mọi người có thể đánh giá chính xác một thể chế đã từng lên tới đỉnh cao của sự thống trị bằng bạo lực. Các cây bút tuyên giáo lại càng không hiểu, nước Nga sau khi tận dụng, khai thác tất cả các khía cạnh tích cực cũng như tiêu cực của chủ nghĩa cộng sản, đã mạnh dạn thải hồi nó để quay lại với Tây Phương.

Năm cách phân tích nói trên của tác giả Phạm Thắng cho thấy sự suy nghĩ và nhìn nhận của cán bộ tuyên giáo không có gì thay đổi. Họ dễ dàng đổ thừa cho những thế lực thù địch bên ngoài làm suy yếu và tan rã Liên Xô chứ không phải do những yếu kém từ bên trong của đảng cầm quyền. Một luận điểm cũng thường thấy cho rằng đây chỉ là sự sụp đổ của một mô hình, không hề là sự thất bại của xã hội chủ nghĩa. Nhưng họ không cắt nghĩa nổi vì sao Liên Xô cũng như các nước cộng sản khác khăng khăng áp dụng mô hình phi xã hội chủ nghĩa một cách lâu dài để gánh lấy thất bại.

Ngày nay các nhà nghiên cứu lịch sử cho thấy chính hai nguyên nhân nội tại: Thứ nhất cán bộ cũng như người dân đã mất niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lê vì nó bất lực trong việc mang lại đời sống tốt đẹp cho dân như hứa hẹn. Nước Nga giàu tài nguyên thiên nhiên không kém quốc gia nào trên thế giới, người nông dân Nga cần cù nhưng lương thực vẫn thiếu thốn đến nỗi câu nói ví von “Mỹ trồng lúa mì, Liên Xô thu hoạch” vẫn thường được nghe thời trước. Đây chính là nguyên nhân thất bại trong đường lối kinh tế chỉ huy, được cho là quan trọng nhất làm cho chế độ Liên Xô đi từ lung lay đến sụp đổ mà không cách cứu vãn.

Nguyên nhân thứ hai là các phe nhóm trong đảng CSLX tranh giành nhau ăn chia các nguồn lợi để nắm giữ quyền lực đã khiến cho bộ máy cầm quyền bị tê liệt khi xã hội biến động. Trước năm 1953, xã hội Liên Xô ổn định giả tạo trong bàn tay sắt của Stalin. Sau khi Stalin qua đời, nội bộ đảng CSLX liên tục diễn ra những cuộc đấu đá, thanh trừng lẫn nhau trong khi vẫn duy trì cuộc chạy đua vũ trang. Sự bất công trong xã hội Liên Xô và sự bất lực của đảng cộng sản tới lúc chín muồi tạo nên những ngòi nổ đưa đến biến động. Nhưng hàng triệu đảng viên cộng sản vẫn khoanh tay thờ ơ, mặc nhiên để chế độ đi dần đến tan rã. Chính từ thời kỳ Khruschev cầm quyền đã khởi thảo chương đầu cho sự sụp đổ của Liên Xô mà năm 1991 Gorbachev là người đặt chữ ký cho chương cuối cùng.

Tình hình này hiện đang xảy ra ở Việt Nam không khác gì Liên Xô hay Đông Âu trước đây. Chủ nghĩa Mác-Lê mà đảng cương lấy làm kim chỉ nam ngày nay chỉ còn là một mớ kinh điển lỗi thời dùng để các lãnh đạo đảng hay các lý thuyết gia trong học viện chính trị Hồ Chí Minh trích dẫn, phô trương kiến thức triết học thâm sâu của mình.

Trong thực tế, thử hỏi ai trong đảng hiện tại còn tin vào giáo điều Mác-Lê mà họ đã từng nghiền ngẫm đến mòn ghế nhà trường? Ngay cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng thú nhận là “Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. Chính lời tuyên bố này giúp cho một số đảng viên cộng sản không còn mơ hồ gì về chủ nghĩa Mác-Lê, nhanh chóng diễn biến tư tưởng góp phần đẩy lùi nó vào quá khứ.

Đối với các phe nhóm tranh chấp để thâu tóm quyền lực trong đảng và chính quyền thì mọi người đều thấy rõ là ông Trọng cương quyết dựng lò để đưa phe ông Dũng vào đốt sạch. Song song với chủ trương nhất thể hóa và sàng lọc cán bộ, bão tố chính trường rồi lại diễn ra trong năm 2018 để ấn định ngôi vị tổng bí thư của ông Trọng. Chính những hệ quả này đang làm tan tác chế độ giữa lúc nền kinh tế rơi tự do vào vực thẳm nợ nần.

Đừng mang những tác động của “thế lực thù địch” bên ngoài làm con ngáo ộp lừa bịp nhân dân và chạy tội cho mình. Với những biện giải cuối mùa, Ban Tuyên giáo đã hoàn toàn bế tắc và tê liệt mọi nỗ lực thanh minh thanh nga cho đảng CSVN hiện nay.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét