Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Thêm 9000 tiến sĩ: “Một dự án sớm thất bại!”

RFA

 Bằng Tiến sĩ của Việt Nam.
Bằng Tiến sĩ của Việt Nam.

Công suất “lò ấp”

Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam vừa đưa ra dự thảo chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ từ năm 2018 đến năm 2025.

Theo nội dung của dự thảo này, số lượng 9000 tiến sĩ sẽ chủ yếu phục vụ việc giảng dạy tại các trường đại học. Số tiền 12.000 tỷ đồng để chi cho dự án phần lớn được lấy từ Ngân sách Nhà nước (94%), từ các dự án nước ngoài và nguồn xã hội hóa là 5% và 1% từ các nguồn kinh phí khác như học phí hay đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học.

Dự thảo này gây ra rất nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận, trong đó phần đông đều phản đối dự án này vì họ cho rằng hiện nay số lượng tiến sĩ ở Việt Nam quá nhiều mà chất lượng thì “chẳng ra sao”.

RFA trao đổi với chuyên gia Giáo dục, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng về dự thảo này. Giáo sư Hưng cho rằng đây chỉ là dự án chữa cháy cho dự án 911 mà dưới thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đề ra là phải đào tạo 23.000 tiến sĩ mới đến năm 2020:

Dự án này mới đây Bộ Giáo dục Đào tạo đã thú nhận là từ năm 2012 cho đến năm 2016, đề án này chỉ đem lại được 800 nghiên cứu sinh về nước công tác. Nghĩa là chỉ tiêu đạt được chỉ có 4%. Cho nên đây là một dự án bị phá sản.

Mặc dù thất bại nhưng họ không tìm cách cải tiến mà lại đòi hỏi tiền, một phần là tiền còn lại của dự án 911 để đào tạo 9000 tiến sĩ thì chuyện này hoàn toàn vô vọng.Trừ trường hợp các ông ấy đào tạo tiến sĩ y như cái lò ấp tiến sĩ ở Viện Xã hội học ở Hà Nội. Họ cho ấp mỗi năm ra nhiều tiến sĩ nhưng toàn tiến sĩ với các đề tài vớ vấn.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng chỉ ra 2 khó khăn lớn nhất khiến dự án này có nhiều nguy cơ thất bại, đó là để có được 9000 tiến sĩ chất lượng thì Việt Nam phải cần 9000 thạc sĩ có năng lực, có đam mê nghiên cứu và có khả năng ngoại ngữ tốt. Ngoài ra, Việt Nam cần tìm được 9000 giáo sư từ các nền giáo dục phát triển để hướng dẫn những thạc sĩ này nghiên cứu.

Trước những khó khăn này, giáo sư Hưng cho rằng đây rốt cuộc chỉ là một dự án tiêu tốn tiền bạc của người dân:

Tôi đánh giá họ chỉ có nhu cầu muốn sử dụng 12.000 tỷ tiền thuế của dân. Mà đòi số tiền đó trong điều kiện ngân sách quốc gia đang cạn kiệt là một điều rất đáng phàn nàn, mà không mang lại kết quả được đâu. Một điều làm tôi rất ngán ngẩm đó là họ thất bại một cách thê thảm nhưng không tự phê bình và rút kinh nghiệm như họ thường nói.

Việt Nam hiện có trên 24.300 tiến sĩ tuy nhiên chất lượng của những tiến sĩ này còn gây nhiều tranh cãi. Chính Bộ Giáo dục Đào tạo cũng thừa nhận là mặc dù tiến sĩ đông nhưng kết quả nghiên cứu khoa học của Việt Nam tụt xa so với các nước trong khu vực ASEAN. Cụ thể, số công trình nghiên cứu được Việt Nam công bố chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan, 1/3 so với Malaysia và 1/14 so với Singapore.

Trả lời báo chí trong nước, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo nói rằng Việt Nam nên dành số tiền đó để nâng cao đời sống giáo viên và chất lượng giảng dạy bởi vì hiện nay lương giáo viên còn thấp mà cơ sở vật chất nhiều trường học còn khó khăn.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng tỏ ra lo ngại về dự án này. Ông cho rằng nhiều tiến sĩ không đóng góp được bao nhiêu cho sự phát triển của xã hội:

Trong xã hội theo tôi có nhiều người có vị trí rất quan trọng nhưng không cần đến bằng cấp mà cần đến năng lực và kỹ năng khác. Trước đây chúng ta đã đào tạo hàng vạn tiến sĩ nhưng dư luận vẫn rất băn khoăn về vấn đề đó. Và rất nhiều người được đào tạo đó trở nên lãng phí khi mà những tri thức đó không ứng dụng vào đời sống được bao nhiêu.

Cá nhân tôi nghĩ rằng đối với các thầy cô ở bậc cao học thì việc phải có bằng cấp là cần thiết, cũng là theo quy chuẩn chung có nhiều nền giáo dục. Nhưng nếu các quan chức ông nào cũng thêm chữ Tiến sĩ hay Giáo sư thì tôi cho rằng đó là điều lãng phí lớn.

Tôi nghĩ nên xem xét lại chuyện này. Với giáo dục thì rất cần đầu tư, nhưng đầu tư cho chính đáng, đừng để cái danh nó át đi cái thực.

Giảng viên có nhất thiết phải là tiến sĩ?

Hôm vừa rồi Bộ trưởng Giáo dục ông Phùng Xuân Nhạ đã lên tiếng giải thích về dự án này, nói rằng do Việt Nam hiện nay còn thiếu tiến sĩ giảng dạy nên cần phải bổ sung. Ông Nhạ cho biết hiện nay Việt Nam  chỉ có 21% giảng viên đạt trình độ tiến sĩ nên cần nâng tỷ lệ này lên 35%. Ông nói thêm với đại ý là Bộ Giáo dục đã ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ với yêu cầu cao hơn nên những tiến sĩ này sẽ có chất lượng tốt hơn.

Đại biểu Dương Trung Quốc nhận xét về việc Việt Nam thiếu giảng viên học vị tiến sĩ:

Điều này tôi nghĩ nên có kiểm tra thật kỹ. Bởi vì đúng là trong hệ thống giảng dạy cần có thẩm hàm và tôi ủng hộ điều đó. Nhưng phải xem có thực là như vậy không. Đồng thời cũng cần khắc phục tình trạng nhiều người có nhiều danh vị nhưng hầu như không phát huy được điều đó và cuối cùng trở thành một lãng phí xã hội khá lớn.

Còn Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng lại phản đối lý do Bộ Giáo dục đưa ra rằng Việt Nam cần thêm giảng viên tiến sĩ. Bởi vì ông cho rằng chất lượng giáo dục không nằm ở việc giảng viên có phải là tiến sĩ hay không, mà thay vào đó cả sinh viên và giảng viên cần có được sự tự do trong học tập và giảng dạy để phát triển trí tuệ:

Đâu có phải bây giờ tăng số lượng tiến sĩ thì chất lượng đại học sẽ cao lên. Chất lượng đại học của Việt Nam tụt hậu là do Việt Nam đi lạc đường. Người ta không đào tạo con em người Việt theo hướng tự do, đa chiều để họ có thể có đầu óc phản biện và có được tinh thần độc lập. Phải như vậy họ mới có thể sáng tạo và phát minh.

Cho nên phải cải tiến môi trường và tư duy giáo dục của nhà chức trách Việt Nam và ban Tuyên giáo Việt Nam. Anh phải làm thế nào để bỏ đi việc dùng trường học làm cơ sở để tuyên truyền chính trị.

Cả hai nhân vật RFA có dịp được trò chuyện đều nói rằng hiện nay Việt Nam có quá nhiều tiến sĩ mà trong đó chỉ số ít là thật sự có chất lượng xứng với danh hiệu của họ. Còn lại số đông là những “tiến sĩ giấy” hữu danh vô thực. Vì vậy họ mong muốn đề án này cần được xem xét một cách kỹ lưỡng để Việt Nam có được đội ngũ giảng viên có cả học vị và trí tuệ cao trong tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét