Ánh Liên (VNTB)
Ông Đỗ Mười qua đời, tin được loan trên các báo chính thống. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, hai lãnh đạo cấp cao của đảng và nhà nước đã ra đi.
Ông Đỗ Mười qua đời, tin được loan trên các báo chính thống. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, hai lãnh đạo cấp cao của đảng và nhà nước đã ra đi.
Khổ cực, cay đắng
Cái chết của một người có thể gây ra nhiều đồn đoán, chia sẻ, với Chủ tịch nước Trần Đại Quang có thể là câu chuyện tranh giành quyền lực hoặc đàn áp nhân quyền; với TBT Đỗ Mười là bàn về câu chuyện đánh tư sản và tịch thu nhà phố cao trên hai tầng ở các tỉnh thành miền Bắc. Nhưng giá trị câu chuyện nhắc lại của TBT Đỗ Mười cao hơn ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang, đó là giúp người dân hiểu được giá trị khổ cực và cay đắng sau Giải phóng là gì.
Không chỉ những ai bị tịch thu nhà, bị quy vào hàng ngũ giai cấp tư sản bóc lột mới nhận ra giá trị nêu trên, mà cả những thế hệ sau này - khi đọc lại những chương hồi 'Giải phóng' [Huy Đức] sẽ nhận ra một thực tế, cả một đất nước rơi vào trạng thái lên đồng và đấu tố.
Nguyên TBT Đỗ Mười đã từ trần. |
Là kiến trúc sư của cuộc cải tạo tư sản miền Nam, là tác giả sáng kiến chiến dịch Z30, khi ông Đỗ Mười cứng rắn lên tiếng, 'Anh nào, chị nào nhụt ít chí thì lui ra một bên. Kẻ nào tỏ ra nhân nhượng với bọn tư sản là phản bội giai cấp, không phải Bôn-sê-vích, có tội với đảng với dân, sẽ bị trừng trị!', người cùng thời có lẽ thấy đó là một tấm gương sáng chói lòa về đạo đức và phong cách cách mạng. Cứng rắn, rõ ràng, mạch lạc, phân định rõ giới tuyến ta-địch, và ông Đỗ Mười trở thành thành trì của cách mạng, mũi tên tiên phong trong dọn dẹp và quét dọn căn nhà mới: Việt Nam XHCN.
Một số người biết rằng, quan điểm cứng rắn của ông Đỗ Mười là đi ngược lại đường hướng của ông Hồ Chí Minh thời kỳ mà ĐCSVN đang giai đoạn chập chững bước vào Việt Nam, đó là tư sản của có tư sản mại bản, tư sản dân tộc; tư sản cũng có loại tư sản yêu nước. Bản thân tư sản cũng chỉ là một con tin của chiến tranh và chế độ, nó sống nhờ vào chế độ và sẵn sàng phục vụ chế độ nếu như chế độ đó ứng xử đủ tốt. Thế nhưng, phút ngập ngừng ấy nhanh chóng trôi qua, nhường chỗ cho tư duy chiến thắng Bôn-sê-vích, tư duy đưa cả hệ thống chính trị quét sạch 'bọn tư sản', mà ông Đỗ Mười được lựa chọn là hình ảnh đại diện.
40 năm sau, trong bối cách các nhà tư sản được nâng niu, thì câu nói 'đầy tính cách mạng' nêu trên được đánh giá là 'quá kinh khủng'. Kinh khủng vì tính chất kìm tỏa, lỗi thời đã viết nên 1 chương lịch sử bi thương và mất mát cho dân tộc, cũng như kéo lùi sự phát triển của một quốc gia.
Ông Đỗ Mười qua đời, người thương tiếc ông nhất là gia đình ông. Còn nhân dân? Hầu như sẽ chẳng ai quan tâm đến việc ông ra đi, ngoại trừ những ai có quan tâm tình hình chính trị, lịch sử, bởi họ có lý do để phán xét ông Đỗ Mười một cách đầy đủ hơn, nơi mà công thì ít mà tội thì dày.
Quốc tang sẽ diễn ra, và vì ông là TBT nên đây là Quốc tang của những người Cộng sản, nhất là khi ông là người cuối cùng của thế hệ cộng sản đầu, nhưng liệu là sự kết thúc của tinh thần Bôn-sê-vích?
Tinh thần Bôn-sê-vích được lặp lại
TBT Nguyễn Phú Trọng, một GS chuyên ngành xây dựng đảng hẳn sẽ rất thần tượng người tiền nhiệm của ông, vì thuộc tính Bôn-sê-vích.
Vào tháng 04.2018, khi chủ trì cuộc họp Ban Bí thư Trung ương Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: Xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm.
Nếu gỡ bỏ 'chỉnh đốn đảng, phòng chống tham nhũng' thì câu nói nêu trên không khác câu nói của ông Đỗ Mười là bao nhiêu, thể hiện một quyết tâm sắt đá. Tuy nhiên, vì chống tham nhũng gắn với chỉnh đốn đảng nên quan điểm trên là đáng hoan nghênh. Dù vậy, vẫn tồn tại một thực tế - nó có duy ý chí, Bôn-sê-vích như cách ông Đỗ Mười không? Câu trả lời rất tiếc lại là có!.
Một trong những yếu tố khiến TBT Nguyễn Phú Trọng là học trò và là người kế nhiệm xuất sắc của TBT Đỗ Mười chính là duy ý chí. Tính chất này thể hiện rõ ở việc ông Trọng tin tưởng sức sống nội tại trong đảng, coi đó là yếu tố thắng lợi duy nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng; chiến trường chống tham nhũng là nơi không tồn tại xã hội dân sự, chống lạm dụng quyền lực nhưng không có tam quyền phân lập. Thậm chí về mặt tư duy pháp luật, tính pháp quyền XHCN, ông Trọng lại đặt tính đảng lên trên tính luật của bộ máy nhà nước.
Tuy nhiên, cũng như ông Đỗ Mười, ông Nguyễn Phú Trọng được hoan nghênh và tung hô, và hầu hết mọi người hào hứng với cuộc chiến đốt lò. Và chỉ một số ít nhận ra, đốt lò chỉ là bước đi vun vén quyền lực lại cho đảng,...
Tư duy chống tham nhũng bằng ý chí Bôn-sê-vích đã đưa cả hệ thống chính trị quét sạch 'bọn tham nhũng có chọn lọc', mà ông TBT Nguyễn Phú Trọng được lựa chọn là hình ảnh đại diện.
Nhưng rồi, khoảng tầm 20 năm sau nữa, có thể khi nhìn lại những phát ngôn và hành vi của TBT Nguyễn Phú Trọng, một bài viết mới lại ra đời: Cụ Trọng qua đời: giúp dân hiểu giá trị của khổ cực, cay đắng.
Cay đắng vì những người cộng sản chân chính nhất (Bôn-sê-vích) lại là những người làm nên giá trị khổ cực nhất cho đời sống và sự bền vững của xã hội Việt Nam.
* Bôn-sê-vích: ám chỉ những người cách mạng chuyên chính, được quản lý bằng nguyên tắc tập trung dân chủ và có tính kỷ luật cao, những người này tự cho mình là đội quân tiên phong của giai cấp vô sản cách mạng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét