Nền kinh tế xấu sẽ dẫn đến nền chính trị xấu. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự hồi phục khó khăn sau đó đã tạo thuận lợi cho chủ nghĩa chính trị cực đoan. Từ năm 2007 đến 2016, sự ủng hộ dành cho các đảng cực đoan ở Châu Âu đã tăng gấp đôi. Các đảng như Đại hội Quốc gia Pháp (National Rally) tiền thân là Mặt trận Quốc gia (National Front), đảng Sự Lựa chọn cho Nước Đức [Alternative für Deutschland (AfD)], đảng Liên hiệp Italia (Italy’s League), đảng Tự do Áo [Freedom Party of Austria (FPÖ)], và đảng Dân chủ Thụy Điển (Sweden Democrats) đều giành được các bước tiến trong bầu cử hai năm qua. Đấy là còn chưa kể đến Donald Trump hay Brexit.
Chắc chắn là sự bùng phát chủ nghĩa chính trị cực đoan không thể chỉ giải thích được bằng mỗi nguyên nhân bất mãn kinh tế. Tuy vậy mối tương quan giữa tình trạng kinh tế xấu và chính trị tồi là quá rõ ràng đến mức không thể bỏ qua.
Chính trị tồi có nghĩa là chủ nghĩa dân tộc bài ngoại và việc đàn áp quyền tự do dân sự trong nước tại những quốc gia được lãnh đạo bởi chính quyền dân túy. Chính trị tốt, theo tôi là chủ nghĩa quốc tế, quyền tự do ngôn luận, và nền quản trị có trách nhiệm giải trình vốn thịnh hành trong kỷ nguyên thịnh vượng thời hậu Thế chiến II. Chúng ta có thể gọi ngắn gọn là chế độ phi tự do và nền dân chủ tự do.
Từ quan điểm của tôi, nền kinh tế xấu nghĩa là cho phép thị trường tài chính định hướng những gì diễn ra trong nền kinh tế thực. Nền kinh tế tốt, ngược lại, thừa nhận bổn phận của chính quyền phải bảo vệ cử tri khỏi sự bất mãn, mất an ninh, và thảm họa kinh tế.
Rất khó để những người ủng hộ chủ nghĩa tự do chấp nhận rằng nền chính trị xấu có thể mang lại nền kinh tế tốt, và ngược lại. Thế nhưng Hungary chính là ví dụ chính xác của vế trước. Dưới thời thủ tướng Viktor Orbán, quốc gia này ngày càng trở nên chuyên chế. Nhưng chương trình phát triển kinh tế của chính phủ, gọi là “Orbánomics,” lại được dựa trên các chính sách vững chắc theo hướng lý thuyết của Keynes. Cùng tương tự, chính trị tốt cũng có thể tồn tại song song với kinh tế tồi: chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng của cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Geogre Osborne khiến kinh tế Anh bị trì trệ trong nhiều năm.
Giữa những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc và ủng hộ chủ nghĩa tự do, thì những người trước dễ dàng ủng hộ việc theo đuổi các chính sách bảo trợ xã hội hơn. Trong tiến trình lịch sử, số này gồm có Đức Quốc Xã, hay còn gọi là đảng Quốc gia Xã hội chủ nghĩa, và Mussolini, người bắt đầu sự nghiệp chính trị trong vai trò một nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, những người tự do ủng hộ sự lưu thông tự do hàng hóa, con người, và thông tin, trái ngược với nền chính trị dân tộc chủ nghĩa tìm cách hạn chế cả ba.
Thực tế, các đảng cực tả cũng có nhiều bước tiến kể từ thời kì trì trệ hậu khủng hoảng. Thế nhưng lịch sử cho thấy rằng những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc dường giành được nhiều lợi thế hơn trong những thời kì sụp đổ kinh tế và xã hội. Không khó để hiểu tại sao. Chủ nghĩa xã hội cổ điển là con đẻ của chủ nghĩa quốc tế tự do, có nghĩa rằng đó là một tín điều toàn cầu hóa, về nguyên tắc, nó không có biên giới quốc gia. Tuy vậy khi đối mặt với sự rạn nứt kinh tế trên qui mô lớn, chủ nghĩa quốc tế chính là vấn đề. Khi không bị chính trị quốc gia trói buộc, nó không chịu trách nhiệm trước bất kì ai. Do vậy, khi hệ thống quốc tế sụp đổ, những người theo chủ nghĩa dân tộc có cơ hội thể hiện mình như là giải pháp thay thế duy nhất.
Với động lực này, phe cánh tả không có nhiều lựa chọn tốt. Cũng như những người tự do, họ không thể tận dụng sự thù địch của người dân đối với dân nhập cư và người tị nạn. Mặt khác, nếu phe cánh tả cố nhấn mạnh lợi ích từ người nhập cư, họ có thể xô thêm nhiều người ngã vào vòng tay của các đảng phái chống nhập cư.
Sẽ không thể phản đối chủ nghĩa tự do kinh tế nếu thị trường tự do hoàn thành lời hứa mang lại sự thỏa mãn các nhu cầu cá nhân thông qua tác dụng của “bàn tay vô hình”. Vấn đề nằm ở chỗ, như Joseph Schumpeter chỉ ra, ngay cả khi các thị trường thường hoạt động “hiệu quả” theo giả định, chúng cũng đôi khi thất thường và có xu hướng sụp đổ mang tính chu kỳ.
Ngoài ra, trong khi thị trường khuyến khích những phát minh công nghệ mang lại lợi ích thực tế xét về lâu dài, sau đó chúng có khuynh hướng để lại nhiều vấn đề xã hội và kinh tế. Hơn nữa, các lựa chọn của thị trường không phải là mối quan tâm duy nhất của con người. Một cuộc sống hoàn toàn bị dẫn dắt bởi thị trường thì quả là vô nghĩa.
Ngày nay một vài nhà bình luận cho rằng chúng ta đang chứng kiến chủ nghĩa phát xít quay trở lại. Tôi không mạo hiểm đưa ra sự tiên đoán như vậy. Cái gọi là Đại Suy thoái (Great Recession) đã không tồi tệ như cuộc Đại Khủng hoảng (Great Depression) những năm 1930, và nó đã không dẫn đến một cuộc đại chiến.
Những gì tôi muốn nói ở đây là tình trạng không tốt đẹp về kinh tế sẽ khiến các xu hướng chính trị tệ hại dịch chuyển từ bên lề vào dòng chủ lưu, như đảng Quốc xã Đức đã làm từ năm 1928 đến năm 1930. Việc các đảng phái xấu có nên lắm quyền không, và vận hành quyền lực như nào, phụ thuộc vào nhiều nhân tố. Mức độ bất mãn kinh tế chắc chắn là quan trọng. Nhưng cũng quan trọng không kém là tính chính danh và khả năng thích ứng của hệ thống chính trị hiện tồn, qui mô cung cấp phúc lợi, xu hướng chính trị của cử tri, năng lực lãnh đạo chính trị, và bối cảnh quốc tế.
Sự trỗi dậy nhanh chóng của chủ nghĩa cực đoan hiện nay được coi như là một lời cảnh tỉnh. Chúng ta phải cách ly nền chính trị tốt của chủ nghĩa tự do ra khỏi nền kinh tế tồi của chủ nghĩa tân tự do đã gây ra thảm họa năm 2008. Có nghĩa là cần phải khôi phục lại mô hình kinh tế vốn thịnh hành trong những năm 1940-1970, cho đến khi bị tổng thống Ronald Reagan ở Mỹ và thủ tướng Margaret Thatcher ở Anh loại bỏ. Friedrich Hayek đã sai khi lập luận rằng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa kiểu Keynes sẽ dẫn tới chế độ nô lệ. Trái lại, mô hình này chính là phương thuốc giải độc hiệu nghiệm.
Một nền kinh tế tốt trong thời đại chúng ta cần có 3 điều sau: cần đề phòng mọi sự sụp đổ kiểu như năm 2008; cần tạo ra các phản ứng chống khủng hoảng theo chu kỳ; và phải chú ý những nhu cầu của người dân về công bằng kinh tế.
Cũng vậy, để bảo vệ nền chính trị tốt ngày nay cũng đòi hỏi chúng ta phải dành sự chú tâm tức thì vào 4 chủ đề chính: những hạn chế chính trị và xã hội của toàn cầu hóa; sự tài chính hóa nền kinh tế thực; vai trò của chính sách tài khóa và tiền tệ; và việc giảm phúc lợi cho công nhân trong thời đại tự động hóa nhanh chóng.
Những người ủng hộ chủ nghĩa tự do và những người cánh tả sẽ đặt mình vào tình thế nguy hiểm nếu làm ngơ những điều này.
Robert Skidelsky, Giáo sư hưu trí chuyên ngành Kinh tế Chính trị tại Đại học Warwick và Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh chuyên ngành lịch sử và kinh tế, là một thành viên của Thượng Nghị viện Anh. Ông là tác giả của cuốn tiểu sử dài ba tập về John Maynard Keynes. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị trong Công Đảng, trở thành phát ngôn viên của Đảng Bảo thủ về các vấn đề Ngân khố trong Thượng Nghị viện, và cuối cùng đã bị ép rời khỏi Đảng Bảo thủ vì đã phản đối sự can thiệp của NATO tại Kosovo vào năm 1999.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét