Một số luật sư nhân quyền Trung Quốc bị bắt từ năm 2015 đến
nay. Ảnh: CNN.
Chiều thứ ba, 9/5, sau gần hai năm tù, Li Heping – một trong
những luật sư nhân quyền nổi tiếng nhất Trung Quốc – được tự do. Trước đó, vào
cuối tháng 4, ông đã bị xét xử trong một phiên tòa bí mật và nhận án treo vì tội
“phá hoại quyền lực nhà nước”. Một đồng nghiệp người Mỹ và là bạn của ông Li, Terry
Halliday, thốt lên: “Tôi phải nói rằng tôi không nhận ra Li trong ảnh nữa. Quá
gầy. Già đi phải tới 20 tuổi. Tôi thách ai có thể hình dung nổi một người có thể
bị biến dạng đến như thế sau hai năm”.
The Guardian số ra ngày 10/5 trích lời Terry Halliday như vậy trong một bài viết có nhan đề “Hốc hác, không thể nhận ra được – Trung Quốc thả một luật sư nhân quyền”.
Ông Terry Halliday cũng nói: “Chúng ta phải rất tỉnh táo để
biết rằng đây không phải là trả tự do theo tiêu chuẩn của bất kỳ nhà nước pháp
quyền nào. Ông ấy sẽ bị cách ly. Sẽ có camera đặt trong và ngoài cổng nhà ông.
Sẽ có những nhân viên an ninh trải chiếu hoặc kê ghế ngồi trước cổng. Ông và
gia đình sẽ bị nghe trộm, bị quay phim ngay trong nhà mình. Họ sẽ không thể đi
đâu mà không có nhân viên an ninh bám theo, dù là đi mua rau hay ra công viên”.
Li Heping bị bắt vào ngày 10/7/2015, trong những ngày đầu của
một chiến dịch tổng đàn áp của công an Trung Quốc nhằm vào giới luật sư nhân
quyền.
Luật sư nhân quyền Li Heping (ngồi, bên phải) khi mới được
trả tự do và hình trước khi bị bắt. Ảnh: The Guardian – ChinaChangeDotOrg.
Bắt giam, đe dọa, mời “uống trà”…
Chiến dịch bắt đầu cách đây gần hai năm. Tờ The Economist số
ra ngày 16/7/2015 mô tả: “Một số người bị bắt khỏi nhà lúc nửa đêm. Những người
khác bị khám xét nơi làm việc hoặc bị mời đi “uống trà” ở đồn công an sở tại –
một cách nói giảm nói tránh của việc “bị thẩm vấn”. Theo tổ chức Ân xá Quốc tế
(Amnesty International), khoảng 120 luật sư Trung Quốc, cũng như hơn 50 người
là nhân viên, người thân của họ, cùng các nhà hoạt động, đã bị bắt giam trên khắp
cả nước, kể từ rạng sáng ngày 9/7/2015”.
Nghĩa là, chỉ trong vòng một tuần, công an đã bắt tới gần
200 người, trong đó có xấp xỉ 120 luật sư nhân quyền. Số còn lại bị mời đi uống
trà – cũng giống như ở Việt Nam, giới hoạt động nhân quyền thường “được” công
an mời đi cà phê, nhiều khi trái với ý muốn của họ.
Bản tin của The Economist cũng đánh giá: “Chiến dịch bắt luật
sư gây ấn tượng với tốc độ triển khai nhanh, phạm vi rộng và số lượng người bị
bắt đông đảo. Teng Biao – luật sư, nhà hoạt động Trung Quốc hiện sống ở Mỹ –
cho biết đối tượng bị bắt là gần như tất cả các luật sư nhân quyền Trung Quốc”.
Sở dĩ gọi là luật sư nhân quyền, bởi vì họ được biết đến như
những người bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của dân thường trong các vụ án “chống
nhà nước”, bảo vệ nông dân mất đất sau các vụ cưỡng chế đất đai của nhà nước,
và bảo vệ nạn nhân của oan sai.
Sau những vụ bắt bớ luật sư, lệ thường sẽ là truyền thông quốc
doanh tung hàng loạt bài viết, bản tin truyền hình lên án họ, mô tả họ là “phần
tử kích động quần chúng”, làm việc chỉ để “đánh bóng tên tuổi và kiếm tiền”.
Hầu hết trong số 120 luật sư nhân quyền bị bắt năm 2015 đã
được trả tự do sau một thời gian bị giam kín. Tuy nhiên, tất cả đều bị đe dọa,
trong cái chiến dịch mà theo Teng Biao là “hành động có phối hợp cao độ nhất của
công an nhằm vào họ, kể từ khi các luật sư bắt đầu nổi lên và được biết đến nhiều
hơn vào đầu những năm 2000”.
Kể từ đó tới nay, công an Trung Quốc vừa thả vừa bắt thêm một
số luật sư khác, nâng tổng số người bị bắt từ đầu chiến dịch (9/7/2015) đến
tháng 4 vừa qua lên 317 người (tính cả số đã được thả) – theo tổng hợp của tổ
chức Nhân quyền ở Trung Quốc (Human Rights in China, HRIC).
Đòn đánh công khai vào giới luật sư
HRIC cho biết tính đến ngày 27/4/2017, vẫn còn 33 luật sư và
nhà hoạt động đang bị giam hoặc mất tích (tức là không nghe tin tức gì từ họ).
33 người này bị khép vào các tội như: xúi giục lật đổ chính quyền, phá hoại quyền
lực nhà nước, kích động mâu thuẫn…
Trong số các mục tiêu của chiến dịch, công an đặc biệt tập
trung chú ý vào Fengrui, một công ty luật ở Beijing (Bắc Kinh). Công ty này
thành lập năm 2007 và nổi tiếng là nơi bảo vệ người bất đồng chính kiến, cũng
như theo đuổi khiếu kiện, đại diện cho những người dân mất đất và dân oan nói
chung. Công an kết tội một số nhân viên của Fengrui là “tham gia một tổ chức tội
phạm lớn”, chuyên kích động quần chúng bất mãn với chính quyền trong hơn 20 vụ
“gây rối trật tự công cộng” ở Trung Quốc suốt ba năm qua.
Căn cứ để công an kết tội Fengrui là, vào tháng 5/2015, sau
một vụ nổ súng của công an ở tỉnh Heilongjiang (Hắc Long Giang, đông bắc Trung
Quốc), luật sư của Fengrui đã tham gia bảo vệ cho nạn nhân. Phía công an cho rằng
vụ nổ súng là hợp pháp, và các luật sư đã lợi dụng mạng xã hội để “thổi phồng vụ
việc”, lại còn tổ chức “tuần hành đòi công lý”.
Theo The Economist, “các luật sư nhân quyền ở Trung Quốc thường
gây tranh cãi bởi họ không tin tưởng vào hệ thống pháp luật hiện hành. Tư pháp
không độc lập, thẩm phán có nghĩa vụ phục vụ lợi ích cục bộ và luật không được
áp dụng bình đẳng giữa các công dân. Cảm xúc của đám đông có thể giúp ảnh hưởng
tới phán quyết của tòa”. Có nghĩa là, cũng giống như ở Việt Nam, luật sư nhiều
khi phải sử dụng công luận, cụ thể là cộng đồng mạng, để tác động tới kết quả
phiên tòa theo hướng họ mong muốn.
Nhiều vụ án chính trị ở Việt Nam cũng có tình tiết người bị
giam xuất hiện trên truyền hình để nhận tội. Đó là trường hợp của luật sư Lê
Công Định năm 2009, mặc dù sau này ông Định nói video nhận tội có nhiều dấu hiệu
cắt ghép và không phản ánh đúng hoàn cảnh khi đó. Mới đây nhất là vụ Nguyễn Văn
Hóa, một blogger 22 tuổi ở Hà Tĩnh tham gia làm truyền thông về thảm họa môi
trường biển miền Trung, nhận tội trong thời gian bị giam giữ. Video “Hóa nhận tội”
được lồng vào một bài viết trên VietNamNet và nhiều báo khác, đăng ngày
8/4/2017.
Wang Yu nhận tham gia bảo vệ nạn nhân trong vụ nổ súng
Heilongjiang và bà trở thành một trong những luật sư đầu tiên “mất tích” trong
chiến dịch trấn áp của công an. Đồng thời, chồng và đứa con trai 16 tuổi của bà
cũng bị bắt khi đang trên đường sang Úc, tuy nhiên, cậu con đã được trả tự do
vào ngày 11/7/2015.
Bà Wang Yu bị kết tội “phá hoại quyền lực nhà nước”. Tháng
10/2015, tức là ba tháng sau khi bị bắt, bà xuất hiện trên truyền hình quốc
doanh lên án âm mưu bắt cóc con trai bà sang Úc, ám chỉ những người đấu tranh ở
hải ngoại là những kẻ buôn người. Ngày 1/8/2016, bà tiếp tục lên tivi ca ngợi hệ
thống tư pháp Trung Quốc “văn minh, nhân đạo”.
Được biết, công an Trung Quốc có thông lệ ghi hình, quay
phim cảnh các nhà bất đồng chính kiến nhận tội và công chiếu đoạn video trên
truyền hình hoặc trên các trang mạng quốc doanh. Điều đặc biệt là các đoạn phim
này đều được thực hiện sau khi họ bị bắt giam và trước khi họ ra tòa.
Bắt luật sư để bảo vệ “nhà nước pháp quyền”?
Câu hỏi dễ được đặt ra là tại sao lại có chiến dịch đàn áp
nhằm vào giới luật sư trên toàn quốc ở Trung Quốc? Khó có câu trả lời chính
xác, nhưng có thể phỏng đoán là chiến dịch xuất phát từ chủ trương của đảng Cộng
sản và lãnh đạo tối cao của nó, Xi Jinping (Tập Cận Bình).
The Economist viết: “Kể từ khi nắm quyền lãnh đạo tối cao
vào năm 2012, Chủ tịch Xi Jinping đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có “nhà nước
pháp quyền”, nhưng cũng thể hiện rõ rằng ý của ông khác: củng cố sự lãnh đạo của
đảng, chứ không phải là đòi đảng phải có trách nhiệm. Vài năm trước đây, đảng
còn dung thứ cho các luật sư nhân quyền. Bây giờ thì đảng coi họ là bọn nổi loạn,
hoặc xúi giục nổi loạn. Một số bị bắt gần đây đã được cảnh báo là đừng có tham
gia các vụ án “nhạy cảm” nữa. Gia đình họ đều phải chịu những mối đe dọa ngấm
ngầm”.
Có nghĩa là, bắt bớ luật sư và khép họ vào tội “phá hoại quyền
lực nhà nước”, “kích động lật đổ”, là một cách để bảo vệ nhà nước, mà cụ thể là
nhà nước pháp quyền của Xi Jinping.
Câu kết luận của bài báo trên tờ The Economist là: “Tìm một
luật sư giỏi ở Trung Quốc ngày càng khó hơn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét