FB Phạm Minh Hoàng
Ngày 13/7/2017, cả thế giới
bàng hoàng khi nghe tin Lưu Hiểu Ba, nhà văn, nhà hoạt động chính trị
người Trung Quốc, khôi nguyên Nobel Hòa Bình 2010, qua đời do căn bệnh
ung thư gan tại một bệnh viện thuộc thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc,
hưởng thọ 62 tuổi.
Khi phong trào đấu tranh dân chủ Thiên An Môn nổ ra vào năm 1989, ông
đang là giảng viên thỉnh giảng tại đại học Columbia, New York. Ông Lưu
sau đó trở về quê hương, tham gia phong trào vốn bị đàn áp dã man bởi
chính quyền Cộng sản Trung Quốc. Sau đó ông bị bắt với tội danh “giật
dây phong trào Thiên An Môn.” Mặc dù không phải chịu án hình sự nhưng bị
quản thúc tại gia. Ông Lưu Hiểu Ba được chính phủ Úc cấp quy chế tị
nạn, nhưng ông từ chối.
Sau sự kiện Thiên An Môn, ông Lưu bị giam tổng cộng ba lần, nhưng vẫn
tiếp tục tranh đấu cho những cải cách chính trị. Kể từ năm 1999 đến
2008, ông dành toàn bộ thời gian của mình cho việc viết văn, cũng như
giúp thành lập Trung tâm Văn bút Độc lập, một diễn đàn cho phép các nhà
văn, nhà báo tự do bày tỏ chính kiến của mình. Ông Lưu từng ba lần được
bầu làm chủ tịch của tổ chức này. Năm 2008, Lưu Hiểu Ba giúp soạn thảo
“Hiến Chương 08”, kêu gọi cho nhân quyền, tự do bầu cử. Hiến chương này
được cho lưu hành vào đúng ngày 10 tháng 12, ngày Nhân quyền Liên Hiệp
Quốc, cũng như kỷ niệm 60 năm ngày phát hành Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân
quyền.
Ngay trước khi Hiến Chương 08 được phát tán, Lưu Hiểu Ba bị bắt với
tội danh nghi ngờ kích động lật đổ quyền lực nhà nước với mức án 11 năm
tù. Tháng 10 năm 2010, ông được trao tặng giải Nobel Hòa Bình. Tại lễ
trao giải, Hội đồng Nobel của Na Uy đã đặt một chiếc ghế trống trên sân
khấu thay mặt cho Lưu Hiểu Ba, do ông không được phép tham dự.
- Ông Thorbjørn Jagland, Chủ tịch Hội đồng Nobel ngồi kế chiếc ghế trống thay mặt cho ông Lưu Hiểu Ba trong buổi trao giải Nobel Hoà bình năm 2010 tại Oslo. Ảnh: AFP
Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Đức, Pháp và nhiều nước khác cũng đồng
thời bày tỏ mối quan ngại tương tự. Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc
tế, cùng với cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela và 15 khôi nguyên
Nobel Hòa bình khác, cũng đã lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh trả tự do cho
Lưu Hiểu Ba. Mặc dù thế Ông vẫn bị giam khi tình hình sức khoẻ có những
chuyển biến xấu, và chỉ được đưa vào bệnh viện vài tuần trước khi ông
qua đời. Gia đình ông nhiều lần lên tiếng yêu cầu chính quyền Trung Quốc
cho phép đưa ông sang Mỹ hoặc Đức để chữa trị căn bệnh ung thư gan, tuy
nhiên đều bị từ chối.
Cuộc đời và tấm gương của Lưu Hiểu Ba làm chúng tôi không thể không nhớ tới Thầy giáo Đinh Đăng Định.
Thầy Định sinh năm 1963 tại Hải Dương, từng là trung úy quân đội nhân
dân Việt Nam. Do bất đồng quan điểm với đảng cộng sản, thầy rời khỏi
quân đội và chuyển sang làm nghề giáo, dạy môn hóa tại trường THPT Lê
Quý Đôn (Đắk Nông). Trước sự tàn phá của dự án Bauxite, thầy đã tích cực
tham gia kêu gọi người dân ký tên phản đối dự án gây ô nhiễm này. Hoạt
động trên đã thu hút sự hưởng ứng của nhiều người dân địa phương, và đó
là nguyên nhân khiến thầy bị sách nhiễu. Sau đó, thầy tiếp tục phổ biến
nhiều bài viết thể hiện quan điểm bất đồng với sự lãnh đạo của đảng cộng
sản, thầy mạnh mẽ kêu gọi dân chủ, đa nguyên và nhân quyền cho nhân dân
Việt Nam.
Tháng 10/2011, thầy giáo Đinh Đăng Định bị bắt giam với cáo buộc
“Truyên truyền chống phá Nhà nước” theo điều 88 Bộ luật hình sự. Trong
phiên tòa diễn ra 1 năm sau đó, tòa án tỉnh Đắk Nông kết án thầy 6 năm
tù giam.
Trong thời gian ở tù, thầy bị căn bệnh ung thư dạ dày hành hạ, cộng
với chế độ lao tù khắc nghiệt đã khiến sức khỏe thầy suy kiệt nghiêm
trọng. Mặc dù gia đình thầy đã nhiều lần yêu cầu được đưa đi bệnh viện,
nhưng công an trại giam vẫn cố tình trì hoãn và không đưa đi chữa trị
kịp thời.
Cuối năm 2013, khi sức khỏe đã trở nên vô cùng tệ hại, thầy Định mới
được đưa đến bệnh viện phẫu thuật cắt 3/4 dạ dày. Ngay khi sức khỏe còn
chưa hồi phục sau ca phẫu thuật, thầy lập tức bị đưa trở lại trại giam
giữa lúc cơ thể vẫn còn đau đớn.
Tại trại giam, sức khỏe thầy ngày càng trở nên suy kiệt, trong khi
phía công an tiếp tục cố tình trì hoãn lời kêu cứu của gia đình.
Đầu năm 2014, thầy Định được công an trại giam đưa về Sài Gòn điều
trị trong lúc căn bệnh ung thư đã chuyển sang giai đoạn cuối, không còn
khả năng chữa trị.
Ngày 21/03/2014, thầy giáo Đinh Đăng Định nhận được “quyết định đặc
xá” của chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi đang cận kề cái chết. Lý do
việc đặc xá được nói là “để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của nhà
nước”.
Những ngày sau cùng
Khi đang điều trị ở bệnh viện, con gái lớn của thầy là Phương Thảo,
đã liên lạc với tôi và nói thầy muốn gặp tôi vì “vừa là tù nhân lương
tâm vừa là đồng nghiệp nên chắc hai anh em có nhiều chuyện để nói”. Thế
là vào một buổi tối của tháng 4/2014, lúc còn đang bị quản chế, tôi lén
đến thăm thầy trong một khách sạn. Tình trạng của thầy lúc này là hoàn
toàn tuyệt vọng và đây là chỗ thầy nằm chờ để được đưa về Đắk Nông sống
những ngày cuối đời.
Khi tôi đến, vợ và các con thầy ngồi chung quanh. Thấy tôi, thầy đưa
tay ra cho tôi nắm. Anh em chúng tôi mới trao đổi được vài câu thì thầy
ói ra một búng máu. Về sau tôi mới biết đó là một loại thuốc có màu đỏ
như máu, và cứ mỗi lần nói là một lần ói. Chúng tôi chỉ còn biết trao
đổi nhau bằng ánh mắt. Được một lúc thì chị Dinh vợ thầy lại phải xoa cổ
và ngực cho thầy. Trong hoàn cảnh đó, tôi không nỡ dựng thầy dậy để
chụp một tấm hình cuối cùng. Ngày hôm sau thầy được đưa về Đắk Nông và
vĩnh biệt cõi đời tại đấy. Trước khi nhắm mắt, ước nguyện cuối cùng của
thầy là được rửa tội để trở thành người con của Thiên Chúa. Linh cửu
thầy sau đó được đưa về Sàigòn và quàn tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ
Đồng.
Chia sẻ với đài VOA sau khi nhận lệnh đặc xá, thầy nói: “Cái lệnh này
cũng không mang lại giá trị gì nữa, bởi vì tôi cũng đã sắp sửa kiệt hết
sức rồi. (…) Không khoan hồng, không chút nhân đạo gì. Những người quan
tâm, xin hãy quan tâm đến phương diện chung đó là cuộc đấu tranh chống
độc tài của chế độ cộng sản. Còn cá nhân tôi thì cũng không còn gì để
quan tâm nữa.”
Đó là những lời nói sau cùng thầy gởi lại cho mọi người chúng ta.
Paris, 14/7/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét