Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Nhân vụ VN Pharma: sự khác biệt giữa tội "buôn lậu" và tội "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh"

Ls. Trần Hồng Phong



  Tranh minh hoạ (nguồn: báo Tuổi trẻ)



Vụ án VN Pharma nhập thuốc ung thư về bán tại VN đang gây sự chú ý lớn trong dư luận xã hội vì 2 yếu tố: em chồng đương kim Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là lãnh đạo tại công ty này; và việc truy tố, xét xử lãnh đạo công ty về tội "buôn lậu" bị phản ứng là không đúng bản chất, quá nhẹ. Nhân đây, tôi muốn trao đổi về khía cạnh khoa học pháp lý, vấn đề tội danh.


 VKSND Cấp Cao tại TP.HCM kháng nghị vì cho rằng tội "buôn lậu" chưa đúng bản chất

Liên quan đến vụ án lãnh đạo công ty VN Pharma vừa bị xét xử sơ thẩm về tội "buôn lậu" thuốc chữa bệnh ung thư, báo chi đưa tin ngày 22/9/2017 vừa qua, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đã có quyết định kháng nghị, đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm ngày 25/8/2017 của TAND TP.HCM.

Theo Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, cần phải:

- Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.

- Bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM xử phạt nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường và 9 đồng phạm về tội "buôn lậu", "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" là chưa đầy đủ, toàn diện và chưa phản ánh đúng bản chất của vụ án.

- Vụ án có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội và người phạm tội, từ đó dẫn đến hình phạt đã tuyên đối với các bị cáo là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã thực hiện, gây dư luận bất bình trong thời gian vừa qua.

- Trong vụ án này còn có nhiều vấn đề cần được điều tra làm rõ nhằm xử lý toàn diện, đúng người, đúng tội, đảm bảo tính nghiêm minh. Cụ thể gồm: 4 vấn đề chính, gồm: tội danh; án sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội, lọt hành vi phạm tội; kết quả giám định của Bộ Y tế có mâu thuẫn, không phù hợp với quy định pháp luật và thực tế khách quan của vụ án; làm rõ số tiền 7,5 tỉ đồng chi hoa hồng trong các bệnh viện...

Trước đó, ngày 25/8/2017, TAND TP.HCM xét xử vụ án “buôn lậu” 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet chữa bệnh ung thư không rõ nguồn gốc về Việt Nam tiêu thụ xảy ra tại Công ty VN Pharma, tuyên án 12 năm tù đối với nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng.

Trong những ngày vụ án đang xét xử, báo chí đã đăng tải ý kiến của nhiều chuyên gia, dược sỹ, cán bộ quản lý ... -  đều cho rằng thuốc H-Capita 500mg Caplet do VN Pharma nhập về có đủ cơ sở để kết luận đó là thuốc giả. (xem thêm ý kiến của ông Nguyễn Đăng Lâm, Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư (Bộ Y tế) bên dưới).


3 tội danh liên quan

Theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009, đang có hiệu lực), có 3 tội danh liên quan đến hành vi của VN Pharma. Cụ thể là các tội sau đây và dấu hiệu khách quan cấu thành tội danh (Ghi chú: xem nguyên văn điều luật và hình phạt bên dưới).

Điều 153. Tội buôn lậu. Dấu hiệu: "Buôn bán trái phép qua biên giới".

Điều 156. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Dấu hiệu: "Sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng".

Điều 157. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Dấu hiệu: "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh".

Trong vụ án VN Pharma, 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet chữa bệnh ung thư được cơ quan tiến hành tố tụng xác định là "không rõ nguồn gốc", nhưng được nhập khẩu vào Việt Nam trong điều kiện có Giấy phép nhập khẩu của Cục quản lý Dược.

Như vậy, yếu tố hàng hoá (thuốc) "qua biên giới" là có. Nhưng không phải là "trái phép" - vì có Giấy phép của Cục quản lý Dược. Như vậy rõ ràng không thoả các yếu tố khách quan để cấu thành tội "buôn lậu" - theo Điều 153 BLHS (1999).

Còn lại 2 tội danh là: "Buôn bán hàng giả" (Điều 156) và "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh'.

Dấu hiệu tội "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" rất rõ ràng

Vì tội "buôn lậu" đã bị loại trừ như ở trên. Nên chúng ta cần phân tích rõ hơn về yếu tố "hàng hoá" - là thuốc ung thư H-Capita 500mg Caplet.

Như đã nêu ở phần đầu, vì đã có đủ cơ sở xác định đây là thuốc giả. Nên ta có thể đi đến kết luận là các bị cáo đã "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh".

Và đối với hành vi "buôn bán hàng giả" hay "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh", điều luật không quy định rõ là có cần phải "qua biên giới" hay không. Mà chỉ cần có yếu tố "buôn bán" và "hàng giả". Thì rõ ràng ở đây VN Pharma nhập thuốc (hàng hoá) về là để bán (kinh doanh) và hàng hoá đó là giả. Nên thoả cả hai tội danh theo điều 156 và 157.

Tuy nhiên, tại Điều 157 đã tách riêng 3 loại hàng hoá đặc biệt, trực tiếp liên quan đến tính mạng, sức khoẻ của con người, là "lương thực", "thực phẩm" và "thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh". Hay nói cách khác, yếu tố "thuốc chữa bệnh" có thể xem là "chủ thể" (về mặt dấu hiệu hàng hoá) và phân biệt tội danh này với những tội danh khác. Tức là yếu tố "thuốc chữa bệnh" quyết định đến tội danh. Cùng là hành vi buôn bán hàng giả, nhưng nếu hàng giả đó là "thuốc chữa bệnh" - thì về nguyên tắc sẽ bị 'hút" về tội danh "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" mới chính xác, rõ ràng.

Điều này cũng giống như cùng hành vi hiếp dâm, nếu nạn nhân là người lớn thì là tội hiếp dâm, nhưng nếu nạn nhân là trẻ em - thì phải là tội "hiếp dâm trẻ em". Hai tội này có tính chất và hình phạt hoàn toàn khác nhau.

Cũng cần nói thêm, việc tách các loại hàng hoá giả là lương thực, thực phẩm và thuốc chữa bệnh, phòng bệnh thành một tội danh riêng (điều 157 BLHS) cho thấy nhà làm luật (Quốc Hội) nhận thức rõ sự nghiêm trọng của vấn đề. Xác định những hành vi trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng con người là rất nghiêm trọng. Do vậy, hình phạt cũng nghiêm khắc hơn nhiều, lên đến chung thân, tử hình. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu, vì con người và mạng sống của con người là quý nhất.

Vì những lẽ trên, tôi cho rằng việc các bị cáo cần và phải bị truy tố về tội "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" theo quy định tại Điều 157 BLHS (1999) mới là đúng về bản chất, phù hợp với quy định của pháp luật. Cũng là khách quan, công bằng.

Những ngày qua, trên báo chí, mạng xã hội cũng đã có rất nhiều báo chí nêu ý kiến, quan điểm của giới luật về tội danh trong vụ án này. Trong khi rất nhiều ý kiến của các luật sư cho rằng cần truy tố về tội buôn hàng giả mới đúng, thì Chánh án TAND TP.HCM và một cựu thẩm phán chuyên về hình sự (đã về hưu) cho rằng xử tội buôn lậu mới là hợp lý.

Trách nhiệm của người bán thuốc & Cục quản lý Dược

Cũng hơi liên quan đến vụ án này, tôi có được một tờ báo nhờ cho ý kiến về trách nhiệm của người/tổ chức bán loại thuốc giả như vậy và trách nhiệm của Cục quản lý Dược khi cấp phép cho nhập thuốc giả. Ý kiến của tôi như sau:


1. Trách nhiệm của người bán loại thuốc này như thế nào?

Người bán thuốc ở đây cũng chính là người nhập khẩu thuốc. Theo tôi, họ hoàn toàn chủ động, có đủ ý thức và nhận thức biết rõ mình đã nhập vào lãnh thổ Việt Nam và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Ở đây là thuốc chữa bệnh. Hành vi của họ có dấu hiệu phạm vào tội "Tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh" - theo Điều 157 Bộ luật hình sự (1999). Tôi muốn nhấn mạnh đây không phải là dấu hiệu của tội "buôn lậu" theo Điều 153, vì yếu tố "thuốc chữa bệnh" là điều kiện cơ sở, định danh của tội phạm buôn bán thuốc giả (Điều 157). Trong khi điều 153 chỉ nói chung về hành vi buôn lậu qua biên giới.

Vấn đề quan trọng hơn, là thuốc "giả", "kém chất lượng" này có ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khoẻ, sinh mạng của bệnh nhân hay không? Vì bệnh nhân điều trị, trả tiền để được chữa bệnh, sử dụng thuốc tốt. Thế mà bệnh viện lại cấp thuốc giả, thuốc kém chất lượng thì khác gì "lừa đảo", làm đảo lộn, sai lệch y trình điều trị. Tức là hành vi kinh doanh thuốc giả đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đây là tình tiết tăng nặng cần phải xử lý thật nghiêm. Việc này làm tôi nhớ vài năm trước đây ở Trung Quốc, từng có người bị tử hình vì kinh doanh sữa em bé giả.

2. Trách nhiệm của Cục quản lý Dược khi cấp phép cho loại thuốc đó, và không thu hồi khi phát hiện ra nó sai sót?

Cục quản lý Dược là người "gác cửa", ngăn chặn việc nhập khẩu, kinh doanh các loại thuốc giả, kém chất lượng. Thế mà lại "bỏ lơ", hành động chậm trễ, trong khi đã phát hiện, biết rõ đó những lô thuốc bất thường, giả, kém chất lượng, rõ ràng đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm ở mức rất nghiêm trọng về mặt công vụ, chức năng. Thể hiện sự vô cảm, bàng quan đến khủng khiếp xét về mặt đạo đức, lương tâm. Theo tôi, đây là những dấu hiệu đủ yếu tố cấu thành tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" - theo Điều 285 Bộ luật hình sự. Ngoài ra, nếu phát hiện có những dấu hiệu sai phạm khác như đưa nhận hối lộ, tiêu cực, trục lợi ..., thì những cán bộ sai phạm còn phải chịu trách nhiệm tương ứng với từng hành vi.

..........


Bài tham khảo, báo Thanh Niên:

H-Capita do VN Pharma nhập khẩu bản chất là thuốc giả

Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư Nguyễn Đăng Lâm cho rằng H-Capita do VN Pharma nhập khẩu bản chất là thuốc giả. “Nếu theo luật Dược hiện hành (có hiệu lực từ 1.1.2017) thì thuốc H-Capita do Công ty CP VN Pharma nhập khẩu là thuốc giả”, đó là khẳng định của ông Nguyễn Đăng Lâm, Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư (Bộ Y tế).

Liên quan đến tranh cãi thuốc H-Capita là thuốc giả hay thuốc thật, ngày 5.9.2017, trả lời phóng viên một số cơ quan báo chí, ông Nguyễn Đăng Lâm, Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư, cho biết theo luật Dược 2005, thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau: “Không có dược chất; Có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký; Có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; Mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác”.

Xin ông cho biết cụ thể về sự việc xác định bản chất thuốc H-Capita?

Khi vụ việc làm giả giấy tờ xin nhập khẩu thuốc của VN Pharma được cơ quan công an điều tra vào cuộc và yêu cầu trưng cầu giám định đối với thuốc H-Capita, Bộ Y tế đã thành lập tổ giám định độc lập để đánh giá thuốc H-Capita. Tổ giám định trong đó có thành viên là Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư đã phải nghiên cứu rất kỹ hồ sơ; tiến hành lấy mẫu thuốc H-Capita để xét nghiệm. Trên các kết quả có được, khi đó các thành viên của tổ giám định thống nhất khẳng định: “Thuốc H-Capita không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không đạt chất lượng và không được sử dụng cho người”.

Tôi xin nói rõ, khi sản phẩm thuốc kết luận không được dùng cho người thì về bản chất đó là thuốc giả. Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp với cơ quan điều tra, Bộ Y tế chỉ có ý kiến về chuyên môn, còn cơ quan điều tra mới có thẩm quyền xác định tội danh khi khởi tố điều tra, căn cứ trên các điều khoản luật định tại thời điểm đó (thời điểm cơ quan điều tra vào cuộc là 2014 - 2015). Hiện tại hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita này vẫn đang được niêm phong.

Là cơ quan kiểm nghiệm thuốc, ông cho biết việc giám sát chất lượng thuốc đang được thực hiện như thế nào?

Hiện VN có gần 30.000 số đăng ký thuốc với hơn 1.000 hoạt chất. Cả nước có 64 đơn vị kiểm nghiệm thuốc, mỗi năm toàn hệ thống kiểm nghiệm hơn 30.000 mẫu thuốc. Năm 2016 tỷ lệ thuốc kém chất lượng chiếm 2% trong tổng số mẫu xét nghiệm và thuốc giả chiếm 0,01% số mẫu. Các vi phạm về chất lượng thuốc được phát hiện là: thuốc không đạt chất lượng hàm lượng hoạt chất, không đạt độ hòa tan. Nhóm thuốc nào cũng có thể không đạt chất lượng, kể cả thuốc của các nước châu Âu, Mỹ, thuốc ung thư, tim mạch... nhưng kháng sinh là nhóm bị phát hiện vi phạm và thu hồi nhiều nhất.

Thực tế cho thấy, việc làm giả thuốc ngày càng tinh vi. Trước đây, thuốc giả nhìn trên bao bì cũng có thể nhận ra và phân biệt được sự khác biệt về kiểu chữ, màu sắc nhưng bây giờ quan sát bao bì nhiều khi không phân biệt được, có thuốc làm giả như thật; đến cả viên thuốc cũng có khi khó nhận ra; thậm chí tem chống hàng giả trên sản phẩm cũng bị làm giả.

Hằng năm, ước có khoảng 6.000 hồ sơ xin cấp số đăng ký thuốc, mỗi hồ sơ cả ngàn trang tài liệu, việc thẩm định không hề đơn giản. Trước vụ việc tại VN Pharma chúng ta cũng từng phát hiện việc giả giấy tờ, sửa đơn hàng nhập khẩu; phát hiện tình trạng bán thuốc quá hạn. Thậm chí ngay tại Hà Nội còn phát hiện các thuốc không rõ nguồn gốc tại phòng khám tư nhân.

Theo ông, làm thế nào để chúng ta kiểm soát chất lượng thuốc hiệu quả?

Về nguyên tắc, để đảm bảo chất lượng thuốc trước khi ra thị trường thì nhà sản xuất phải kiểm tra xét nghiệm chất lượng 100% các lô trước khi xuất xưởng. Hậu kiểm chất lượng thuốc do hệ thống kiểm nghiệm thực hiện. Căn cứ trên các kết quả xét nghiệm cơ quan quản lý sẽ ra quyết định xử lý phù hợp và kịp thời.

Với các công ty dược có thuốc vi phạm chất lượng thì cơ quan quản lý buộc phải tiền kiểm 100% sản phẩm thuốc trước khi công ty đó đưa thuốc ra lưu hành trên thị trường, thay vì hậu kiểm như đã áp dụng chung cho cả doanh nghiệp trong và nước ngoài. Các thuốc vi phạm tùy mức độ sẽ bị thu hồi lô thuốc hoặc rút số đăng ký lưu hành. Các thuốc bị phát hiện không đạt chất lượng sẽ không được đưa vào danh mục thuốc đấu thầu cung ứng vào bệnh viện.

Việc kiểm soát chất lượng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, quản lý thị trường, truy tận gốc hồ sơ nhập khẩu. Việc tăng cường phối hợp là rất quan trọng bởi vì hàng giả họ bán lén, trong khi cơ quan kiểm nghiệm chỉ được phép lấy các mẫu thuốc bày bán công khai.

Ngoài ra, chúng ta cũng có kênh tiếp nhận các thông tin cảnh báo thuốc không đạt chất lượng, thuốc giả từ các cơ quan quản lý nước ngoài để kịp thời xử trí, từ đó cơ quan quản lý trong nước ra thông báo thu hồi, đình chỉ lưu hành hay thu hồi số đăng ký lưu hành.
........
Luật Dược 2016, hiệu lực từ 1.1.2017

Thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không có dược chất, dược liệu;
b) Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu;
c) Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại khoản 32 điều này trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối;
d) Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ. (Trích điều 2, khoản 33)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét