Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017

Ngày 22/12/1894: Bê bối Dreyfus nổ ra tại Pháp

Vào ngày này năm 1894, viên sĩ quan người Pháp Alfred Dreyfus đã bị kết tội phản bội tổ quốc bởi một toà án binh và chịu án tù chung thân vì chuyển giao bí mật quân sự cho người Đức. Bốn tháng sau đó, vị đại úy pháo binh gốc Do Thái, vốn bị buộc tội vì những bằng chứng mong manh trong một phiên xử bất thường, đã bắt đầu thụ án tù chung thân tại nhà tù khét tiếng – Nhà tù Đảo Devil ở Guyana thuộc Pháp.
Vụ án của Dreyfus chứng minh rằng thuyết bài Do Thái đã xâm nhập quân đội Pháp và toàn nước Pháp nói chung, bởi vì nhiều người cũng ca ngợi phán quyết này. Vụ việc bị bỏ xó mãi cho đến năm 1896, khi bằng chứng bị lộ ra cho thấy rằng Thiếu tá Ferdinand Esterhazy mới thực sự là người có tội.

Quân đội đã cố gắng để ngăn chặn thông tin này, nhưng đã có một đợt biểu tình trên toàn quốc, và quân đội không còn cách nào khác là phải đưa Esterhazy ra xét xử. Một phiên tòa đã được tổ chức vào tháng 01/1898, và Esterhazy đã được tha bổng chỉ trong vòng một giờ.
Để đáp trả, tiểu thuyết gia người Pháp Émile Zola đã cho xuất bản một bức thư ngỏ có tựa đề J’Accuse (Tôi buộc tội) trên trang nhất của tờ Aurore, nhằm cáo buộc các thẩm phán đã bị chi phối bởi quân đội. Tính đến buổi tối cùng ngày, 200.000 bản [của bức thư] đã được bán. Một tháng sau, Zola bị kết án tù vì tội vu khống nhưng tìm cách trốn sang Anh. Vụ bê bối đã dẫn tới một sự chia rẽ quốc gia đầy nguy hiểm, trong đó những người theo chủ nghĩa dân tộc và các thành viên của Giáo hội Công giáo ủng hộ quân đội, trong khi những người thuộc phe cộng hòa, xã hội chủ nghĩa, và những người ủng hộ tự do tôn giáo đã cùng nhau đứng lên bảo vệ Dreyfus.
Năm 1898, Thiếu tá Hubert Henry, người phát hiện ra bức thư gốc được gán cho Dreyfus, thừa nhận rằng ông đã giả mạo nhiều bằng chứng nhằm chống lại Dreyfus. Sau đó Henry tự tử. Không lâu sau đó, Esterhazy trốn khỏi đất nước. Quân đội đã buộc phải ra lệnh thành lập một tòa án mới cho vụ Dreyfus. Năm 1899, ông tiếp tục bị tuyên có tội trong một phiên xử khác và bị kết án 10 năm tù giam. Tuy nhiên, chính quyền mới của Pháp đã ân xá cho ông, và năm 1906, tòa tối cao trong phiên phúc thẩm đã xóa bỏ mọi cáo buộc đối với ông. Những rối loạn sau vụ Dreyfus đã dẫn tới quá trình tự do hóa ở Pháp, việc giảm quyền lực của quân đội, và sự tách rời chính thức của Giáo hội khỏi nhà nước.
***

Vụ án Dreyfus là gì?


2015-10-17-02-1

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang
Vụ án Dreyfus là một vụ bê bối đã làm chấn động nước Pháp vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi một đại úy pháo binh gốc Do Thái trong quân đội Pháp, Alfred Dreyfus (1859 – 1935), bị kết án oan tội giao nộp bí mật quân sự Pháp cho Đức. Năm 1894, sau khi một gián điệp của Pháp trong Đại sứ quán Đức ở Paris phát hiện một lá thư bị xé nát trong thùng rác có nét chữ được cho là giống của Dreyfus, vị đại úy này đã bị đưa ra tòa án binh, bị kết tội phản quốc và phải chịu án chung thân trên đảo Quỷ ngoài khơi vùng Guiana thuộc Pháp. Trong một buổi lễ công khai diễn ra ở Paris sau khi tòa tuyên án, Dreyfus bị xé phù hiệu khỏi quân phục, gươm của ông bị đập gãy và ông bị giải đi trước một đám đông liên tục gào thét “Tử hình Judas,[1] tử hình tên Do Thái”.
Năm 1896, chỉ huy mới của đơn vị tình báo quân đội, Georges Picquart, tìm thấy bằng chứng cho thấy một sĩ quan khác trong quân đội Pháp, Thiếu tá Ferdinand Walsin Esterhazy, mới là kẻ phản bội đích thực. Tuy nhiên, khi Picquart báo với cấp trên về phát hiện của mình, ông đã bị ngăn không được tiếp tục điều tra, bị thuyên chuyển sang Bắc Phi và về sau bị tống giam. Tuy nhiên, tin đồn về việc Esterhazy có thể có tội đã bắt đầu lan truyền. Năm 1898, Esterhazy bị đưa ra tòa án binh nhưng nhanh chóng được tuyên bố vô tội, và sau đó đã trốn khỏi Pháp. Sau khi Esterhazy được tuyên trắng án, một tờ báo Pháp đã đăng bức thư ngỏ có tiêu đề “Tôi kết tội… !” (“J’Accuse… !”) của tác giả nổi tiếng Emile Zola, trong đó ông bảo vệ Dreyfus và tố cáo quân đội đã che giấu thông tin về vụ án này. Kết quả là Zola bị kết tội phỉ báng, song ông đã trốn sang Anh và cuối cùng vẫn tìm được cách trở về Pháp.
Vụ án Dreyfus đã chia rẽ sâu sắc dư luận Pháp, không chỉ về số phận của nhân vật chính mà còn về nhiều vấn đề khác, bao gồm chính trị, tôn giáo, và bản sắc dân tộc. Năm 1899, Dreyfus bị đưa ra tòa án binh lần thứ hai và vẫn bị tuyên án có tội. Mặc dù vài ngày sau ông được tổng thống Pháp đặc xá, song phải đến năm 1906 Dreyfus mới chính thức được minh oan và phục chức trong quân đội.
——————-
[1] Ám chỉ Judas Iscariot, một trong 12 Tông Đồ của Chúa Jesus trong Kinh Thánh. Judas nổi tiếng vì đã phản bội Chúa Jesus và vì thế mà được coi như biểu tượng của sự xảo trá.
Nguồn: “What was the Dreyfus affair?”, History.com (truy cập ngày 17/10/2015).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét