Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Star War và những cách nhìn về các xung đột địa chính trị


  Nhiều cách "đọc" "xem" và "hiểu" Star Wars. Reuters

Ngày xưa, tại một dải ngân hà xa xôi, có một nước cộng hòa dân chủ đã chuyển thành một « Đế chế chuyên chế ». Những người cuối cùng ủng hộ nền Cộng Hòa cương quyết kháng cự và thành lập một phe nổi dậy. Thế đấy, người ta có thể tóm lược sơ qua bối cảnh chính trị của bộ sử thi không gian điện ảnh « Star Wars » (Chiến tranh giữa các vì sao) như thế.

Star Wars đã mê hoặc bao khán giả đủ mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính. Nhưng Star Wars còn làm hao tốn nhiều giấy mực cho bài bình phẩm, nhận định, phân tích về nội dung cốt truyện, về kỹ xảo, trang phục… Đặc biệt, Star Wars còn là đối tượng nghiên cứu cho các chuyên gia về địa chính trị.

Với các nhà phân tích, hình ảnh một nền cộng hòa chuyển sang chế độ chuyên chế độc tài chẳng khác gì một lời cảnh báo về tương lai hệ thống chính trị phương Tây. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra : Tương quan lực lượng giữa các thế lực đang đối chọi nhau đó là gì ? Các mối xung đột được trình bày trong từng hồi phim ra sao ?

Chuyên gia địa chính trị Fabien Herbert, trên trang mạng Les Yeux Du Monde (tạm dịch là Nhãn quan thế giới), trong bài viết đề tựa « Tiến triển của sự cảm nhận về xung đột trong Star Wars », lần lượt làm sáng tỏ cách nhìn về cuộc xung đột trên thế giới trong Star Wars.

Bộ ba tập phim những năm 1980 (Hồi IV, V và VI)

Bộ ba đầu tiên của bộ sử thi không gian này ra mắt khán giả trong khoảng thời gian 1977-1983, phác họa lại hành trình của chàng thanh niên Luke Skywalker, và một nhóm nổi dậy muốn lật đổ Đế Chế Thiên Hà, vốn là một chế độ chính trị chuyên quyền.

Cốt truyện chính trong bộ ba điện ảnh đầu tiên này là một sự đối đầu giữa hai phe đại diện cho Thiện và Ác. Mô hình xung đột này lại cùng thời với một giai đoạn lịch sử nhân loại : Đó là cuộc Chiến Tranh Lạnh, với việc ông Ronald Reagan đắc cử tổng thống Mỹ năm 1980.

Vào thời điểm này, sự đối đầu Đông/Tây lên đến cao trào. Châu Âu đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1983. Tổng thống Reagan khi đó có cảnh báo « xu hướng gây hấn từ một đế chế Ác ». Do đó, ông kêu gọi thế giới phải tiếp tục « cuộc chiến giữa cái Tốt và Xấu, giữa cái Thiện và Ác ».

Nói một cách khác, trong giai đoạn này, Liên Xô bị giữ vai Ác. Và thế là một dự án lá chắn tên lửa mang tên « Sáng kiến phòng thủ chiến lược », còn nổi tiếng dưới tên gọi « Star Wars » trong giới truyền thông Hoa Kỳ đã được tổng thống Reagan thực hiện vào năm 1983. Hình ảnh đối đầu Đông/Tây đeo bám Chiến Tranh Lạnh cho đến khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Tác giả George Lucas đã lấy cảm hứng từ chế độ chuyên chế để xây dựng cho mình « Đế Chế Thiên Hà ». Thế nhưng, trên thực tế, chính chế độ phát xít là mô hình đầu tiên ông nhắm đến. Cha đẻ của Star Wars còn thú nhận rằng ông đã chuyển tải một lời chỉ trích nhắm vào chính sách đế quốc của Hoa Kỳ. Do đó có thể nói là đã có sự xê dịch giữa những gì bộ phim và người sáng tác muốn truyền đạt và cách thức mà bộ phim đó đã được diễn giải và được sử dụng trong một bối cảnh chính trị đặc biệt.

Ngày nay, khi nói đến bộ ba tập phim đầu tiên, cách người ta hiểu về Đế Chế Thiên Hà gần giống với chế độ phát xít hơn, bởi vì Liên Xô giờ không tồn tại nữa, nhất là chế độ phát xít để lại một chấn thương tâm lý ở các xã hội phương Tây lớn hơn là chế độ Xô Viết.

Bộ ba tập phim của những năm 2000 (Hồi I, II và III)

Thế rồi, Chiến Tranh Lạnh không còn nữa. Liên Bang Xô Viết vốn là chủ đề cơ bản của bộ ba tập phim đầu tiên cũng sụp đổ. Chính trong bối cảnh địa chính trị thay đổi mà những thách thức chính trị trong thế giới Star Wars ra đời trong những năm 2000 cũng tiến triển theo. Hồi I của bộ ba thứ hai (1999) bắt đầu giống với các hệ thống chính trị phương Tây của những năm 2000, nghĩa là có một nền hòa bình dân chủ.

Tuy vậy, vẫn tồn tại một thế lực chính trị đối kháng với nền Cộng Hòa, trước khi Đế Chế được hình thành. Đó là Liên Hiệp Thương Mại, mà bản thân liên hiệp này cũng là một phần của một đảng ly khai mang tên « Tổng Liên Đoàn các hệ thống độc lập ». Và thế là xuất hiện thêm hai chủ đề mới : Kinh tế và Tư tưởng độc lập.

Thật ra theo tác giả Fabien Herbert, đề tài thương mại bắt đầu ló dạng trong bộ ba phim gốc vào lúc mà cuộc xung đột tư bản/cộng sản đã kết thúc và phần thắng nghiêng về phe chủ nghĩa tư bản. Năm 1995, Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế ra đời và G. Lucas đã tính đến những động cơ kinh tế của các Nhà nước trong các mối quan hệ của họ với xung đột, chẳng hạn như trường hợp của cuộc Chiến Tranh Vùng Vịnh (1990/1991). Người ta có thể đi xa hơn khi hình dung rằng vai trò tai hại của Liên Hiệp Thương Mại trong Star Wars gợi nhớ đến tác động của nền kinh tế thị trường tại các nền dân chủ.

Còn đối với Tổng Liên đoàn các hệ thống độc lập, bộ ba tập phim này trước hết minh họa những phong trào đòi độc lập xuất phát từ Liên Xô và tại Nam Tư. Với tác giả, ý tưởng này được thể hiện trong tập phim « Star Wars, hồi I : Hiểm họa bóng ma » năm 1999. Vào thời kỳ đó, cuộc chiến tại Kosovo đã lên đến đỉnh điểm.

Tuy nhiên, cách xử lý tiêu cực về phong trào đòi ly khai trong Star Wars trái ngược với vị thế của phương Tây lúc bấy giờ, vốn dĩ ủng hộ các phong trào đòi độc lập. Ông Fabien Herbert nghĩ rằng vào thời kỳ này, rất có thể ông G. Lucas có những cảm nhận khác về những phong trào độc lập đó.

Bộ ba tập phim của những năm 2010 (Hồi VII và « Rogue One »)

Đến với bộ ba tập phim này, tuy George Lucas đã bán tác quyền cho tập đoàn Disney nhưng cách diễn giải về sự cảm nhận chiến tranh trong Star Wars vẫn có những tiến triển. Bối cảnh chính trị dù gần như không thay đổi nhưng cách xử lý cuộc xung đột giữa Đế Chế với phe Nổi Dậy là hoàn toàn khác biệt, nhất là trong « Rogue One : A Star Wars Story ».

Các nhà sản xuất đã tái cập nhật thời sự cuộc chiến giữa Đế Chế Thiên Hà và quân nổi dậy bằng cách thêm vào đấy một phe thứ ba : Phe nổi dậy « cực đoan ». Đó không phải là một sự gợi nhắc đơn giản trong phim mà quả thật là một thách thức quan trọng, bởi vì phần đầu của phim tập trung về chủ đề này.

Các nhân vật chủ chốt trong phim (phe nổi dậy ôn hòa) có nhiệm vụ tìm kiếm lãnh đạo một phong trào nổi dậy cực đoan và lôi kéo người ấy trở về với vị thế có chừng mực hơn để rồi người ấy hội nhập lại phe nổi dậy. Kịch bản đã có sự tiến triển từ một cuộc xung đột giữa hai phe tham chiến trong bộ ba tập phim đầu tiên của những năm 1980 sang một kịch bản phức tạp hơn trong Rogue One.

Nếu như cả hai phe nổi dậy không công khai đối đầu nhau, nhưng họ lại có quá nhiều khác biệt về quan điểm chính trị để mà có thể hợp nhất. Tình thế này khá gần gũi với những cuộc chiến mà chúng ta đang nhìn thấy ngày nay. Ít ra là chúng cũng phản ảnh rõ cảm nhận của chúng ta về những cuộc xung đột đó như cuộc chiến tại Syria, Irak, Yemen hay Tchetchenia.

Chẳng hạn như lấy Syria làm ví dụ để so sánh những nét tương đồng trong Star Wars với tình hình Syria tại chỗ. Đối đầu nhau trên địa bàn hiện nay, một chính phủ chính thống do Bachar Al Assad điều hành mà ta có thể so sánh với Đế Chế Thiên Hà trong Star Wars. Các phe nổi dậy Syria (Quân Đội Syria Tự Do ASL) thì giống với quân nổi dậy do công chúa Leia cầm đầu. Và các phe thánh chiến Djihad (cụ thể là Jabhat Fatah al Sham, được cho là quân nổi dậy hùng mạnh nhất) được đại diện bởi « phe nổi dậy cực đoan » trong Star Wars.

Cuối cùng tác giả cho rằng cách diễn giải về logic xung đột hiện có có vẻ hơi khập khiễng, nhưng đó cũng không phải là lỗi của các nhà sản xuất cũng như là lỗi cách trình bày sai lệch về những cuộc xung đột đó trong xã hội phương Tây. Trong một nỗ lực tìm cách truyền đạt tầm nhìn của chúng ta về các mối tương quan chính trị và địa chính trị toàn cầu, thì Star Wars chứng tỏ cho thấy là một bộ sử thi điện ảnh khoa học viễn tưởng đầy tham vọng nhất của thời đại.

*****

- Fabien Herbert : Biên tập về địa chính trị cho Les Yeux du Monde. Được đào tạo tại trường Đại học Công giáo Louvain, Fabien Herbert là nhà báo và chuyên phân tích về lĩnh vực quan hệ quốc tế. Ông đặc biệt quan tâm đến thế giới nói tiếng Nga và Trung Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét