Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2018

134 - Vụ nổ kho phế liệu ở Bắc Ninh: Bi kịch từ lòng tham và sự tắc trách

Dân Luận - Thanh Hồ


Hiện trường sau vụ nổ kho phế liệu ở Bắc Ninh. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Bi kịch từ lòng tham và sự tắc trách chưa bao giờ là cũ. Vụ nổ kho phế liệu ở Bắc Ninh là một trường hợp như thế. Bởi, việc mua và bán vật liệu nổ ở đây không phải là giữa những người dân không hiểu biết về vũ khí, vật liệu nổ mà có liên quan đến người của quân đội. Cũng không phải là một quả đạn pháo hay một quả bom mà là hàng tấn đạn dược. Đạn ở đâu ra mà nhiều vậy? người mua thì đã rỏ, nhưng còn người bán là ai? Đó là điều cần làm rỏ. Và hơn nữa là trách nhiệm của chính quyền các cấp trong quản lý.
Theo thông tin báo chí, vào lúc 4h30 ngày 3/1, một vụ nổ kinh hoàng ở kho phế liệu tại làng Quan Độ, xã Văn Môn (Yên Phong – Bắc Ninh) đã phá huỷ hơn mười ngôi nhà, làm chết hai trẻ em, và ít nhất tám người khác bị thương. Tại hiện trường, vụ nổ tạo một hố sâu có kích thước 13,5m x 8,5m, sâu 3m, vỏ đạn vương vãi khắp nơi trong bán kính 1km. Nguyên nhân nhân ban đầu vụ nổ được xác định là do người dân mua vật liệu nổ về để chế xuất phế liệu nên dẫn đến nổ.
Ngay chiều ngày 3/1, cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Tiến (54 tuổi, ở thôn Quan Độ, Văn Môn, huyện Yên Phong), chủ cơ sở phế liệu để điều tra về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng.
Cùng ngày, cơ quan chức năng phát hiện thêm một kho hàng cũng do ông Nguyên Văn Tiến làm chủ, bên trong có nhiều thùng màu xanh hình dáng giống như hòm đạn.
Tại cơ quan công an, ông Nguyễn Văn Tiến khai nhận: Khoảng tháng 12/2016 có thu mua của một cán bộ tại Trung tâm xử lý bom mìn thuộc Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Quốc phòng khoảng 7 tấn đầu đạn cũ loại 12 ly 7 và 14 ly 5 về để tháo dỡ phế liệu.
Vật liệu nổ ở đây cụ thể là gì, nguồn gốc thế nào thì phải chờ cơ quan chức năng, công an, quân sự Bắc Ninh làm rõ, kết luận.
Trong khi chờ kết luận điều tra của các cơ quan chức năng, quan sát từ hiện trường vụ nổ, có thể khẳng định được một số điều:
– Nếu chỉ là đầu đạn cũ 12 ly 7 và 14 ly 5 thông thường thì không thể gây ra vụ nổ có sức công phá lớn như thế được. Phải có một cái gì đó lớn hơn, vì đầu đạn 12 ly 7 và 14 ly 5 thường chỉ là xuyên phá, còn thuốc phóng trong cát tút đạn là một dạng chất nổ yếu, nên nếu có nổ sức công phá cũng không lớn – Bình luận về vụ nổ này, Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1,cho rằng: “Ban đầu có thể nhận thấy, sức công phá của vật liệu nổ này là rất lớn, gây ảnh hưởng rộng, nguy hiểm cho người dân, nhà cửa trong khu vực. Nếu so sánh thì sức công phá có thể tương đương với quả đạn pháo cả trăm ly hoặc bom cỡ lớn đến cả trăm kg”. Còn Thiếu tướng Lê Mã Lương nhận định: “đây không phải là nổ bình gas hay thiết bị gì đó thông thường. Có thể vật liệu nổ này liên quan đến thuốc nổ, cụ thể là thuốc nổ TNT”.
– Với những gì ông Tiến khai tại cơ quan điều tra thì không khó để xác định nguồn gốc vật liệu nổ. Vì đạn pháo nói riêng và vũ khí quân dụng nói chung khi sản xuất điều được ghi kí hiệu rất kỷ càng và bàn giao cũng được chép rất cụ thể. Với số lượng hàng tấn như vậy, rất có thể, đây là số đạn dược để quá lâu trong kho (hết hạn sử dụng) được giao cho Trung tâm xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh Công binh) tiêu huỷ. Nhưng thay vì tiêu huỷ theo chức trách được giao thì ai đó đã đem bán cho tư nhân làm phế liệu để kiếm tiền. Và cũng không một cá nhân nào làm được việc này nếu không có đồng phạm.
– Theo quy định, vũ khí, vật liệu nổ hết hạn sử dụng phải được tiêu huỷ bởi cơ quan chức năng (quân đội), chứ không phải là thanh lý kiểu bán sắt vụn. Nhưng chỉ vì lòng tham và sự tắc trách của những người có trách nhiệm được giao tiêu huỷ đạn dược “hết hạn” mà gây nên thảm kịch đau lòng. Ông Tiến chủ vựa phế liệu cũng chỉ là nạn nhân của lòng tham đó. Nếu tội ông Tiến một thì tội của những kẻ bán vật liệu nổ cho ông Tiến phải là hai. Đó mới là thủ phạm chính gây nên nhưng đau thương trên. Vì họ biết về sự nguy hiểm của đạn dược, vật liệu nổ nhưng vẫn bất chấp bán cho tư nhân làm phế liệu.
7 tấn đầu đạn bán với giá phế liệu 5.000đ/kg thì chỉ khoảng 35 triệu đồng. Số tiền trên có đáng để bán lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của một quân nhân ? Thật không dám hình dung hậu quả nếu vụ nổ xảy ra gần chợ hay trường học.
Đây là một vụ việc rất nghiêm trọng cho nên phải truy đến cùng nguồn gốc và xử lý mạnh tay để ngăn chặn những thảm kịch tương tự trong tương lai.
P/s: Trong một đất nước mà người dân làm thịt con gà chính quyền cũng biết, xây cái toilet, chuồng già cũng phải xin phép nhưng hàng tấn đạn dược, vật liệu nổ được mua bán, thu gom, chất đống trong kho cả năm trời, lại nằm trong khu dân cư mà từ công an cho đến chính quyền địa phương không hay biết gì, kể cũng lạ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét