Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

95 - Cần bao nhiêu mạng người nữa?


Ông Đặng Văn Hiến. Ảnh: internet
Cần bao nhiêu mạng người nữa? Các người cần thêm bao nhiêu mạng người nữa mới vừa lòng? Câu hỏi này tôi xin dành cho Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân tỉnh Đắk Nông.

Tháng 10-2016, một thảm án gây bàng hoàng dư luận cả nước xảy ra tại Đắk Nông. Công ty Long Sơn, một công ty đã nhiều lần đe doạ, đã từng có hành vi côn đồ với người dân có tranh chấp đất rừng, đã huy động công nhân, với máy ủi, với áo giáp, với đá cục… hùng hổ tiến vào khu đất trồng điều, cafe của dân, với dã tâm hòng cướp đất của dân. Hành vi ăn cướp giữa ban ngày này được họ gọi là tự cưỡng chế, tự giải toả.

Đặng Văn Hiến là một nông dân trồng điều và cafe. Khu đất bị cướp (dù đang có tranh chấp) là khu đất anh Hiến đang canh tác. Bị dồn vào đường cùng, chứng kiến vườn điều đã lớn lên bằng mồ hôi nước mắt, bằng tấm lưng còng, bằng đôi tay chai sạn của mình bị kẻ cướp – Công ty Long Sơn – phá hoại, anh Hiến cầm súng đứng lên chống trả.
Ba người mất mạng. 13 người bị thương.
Máu đổ xuống vạt rừng ấy là máu của những người công nhân nghèo, phải làm theo chỉ đạo của lãnh đạo của một công ty vô lương – Công ty Long Sơn. Không gì có thể làm vơi đi những mất mát ấy. Không gì có thể bù đắp được sinh mạng những người dân nghèo khốn khổ.
Hành vi bắn chết 3 người và khiến 13 người bị thương của Đặng Văn Hiến là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, chắc chắn cần phải có hình phạt thích đáng. Anh Hiến phải chịu trách nhiệm cho những giây phút không thể kiềm chế được sự phẫn uất của mình mà làm điều sai trái dẫn đến lấy đi cuộc sống của ba sinh mệnh con người.
Nhưng, thảm án này còn cần thêm bao nhiêu mạng người nữa?
Toà án – nơi có những người nắm trong tay quyền quyết định một người được sống hay phải chết đã bao giờ tự đặt mình vào vị trí của một người nông dân bị dồn đến chân tường, bị cướp đi tất cả mồ hôi xương máu của mình? Đã bao giờ họ tự đặt vào hoàn cảnh của Đặng Văn Hiến để hiểu rằng, những người nông dân khốn cùng như anh ấy, thực sự không muốn làm thế nếu không bị kích động đến tột cùng.
Căn nguyên của sự việc đau lòng này là từ đâu? Công ty Long Sơn là của ai mà có thể lộng hành đến thế? Công ty Long Sơn là của ai mà lại được tạo điều kiện để có thể cướp đi sinh kế của người dân?
Đẩy người dân vào thế khốn cùng dẫn đến hành vi phạm tội, chính thể loại công ty vô lương như Công ty Long Sơn mới là căn nguyên của tấn bi kịch này. Chính họ mới là ngọn nguồn của tội ác.
Đặng Văn Hiến bị tuyên án tử hình trong khi anh ta đã tự nguyện ra đầu thú. Trong khi những kẻ bất lương ở Công ty Long Sơn – những kẻ đã đẩy người dân vào thảm kịch thì chỉ nhận án vài năm tù.
Tội danh của Đặng Văn Hiến rơi vào khung hình phạt tử hình. Pháp luật cần phải nghiêm minh. Nhưng, một bản án khi được tuyên thì còn phải đảm bảo một điều nữa, đó là khiến người ta tâm phục, khẩu phục, vừa răn đe lại vừa cảm hoá được lòng người.
Đặng Văn Hiến đã ra đầu thú. Vậy thì có cần thiết phải tuyên một bản án tử hình không? Có cần thiết phải thêm một mạng người nữa hay không?
Tại sao không cho người nông dân khốn khổ ấy một con đường sống, dẫu là con đường sống ấy cũng chỉ loanh quanh phía trong cánh cửa nhà tù, loanh quanh như thế cho đến hết cuộc đời này…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét