Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2018

130 - Tư bản đỏ




Luận bàn nhà nước và giai cấp

Trong học thuyết Mác Lênin người ta định nghĩa rằng, Nhà nước là một bộ máy cai trị được giai cấp thống trị thành lập để duy trì sự thống trị của giai cấp mình, để đại diện và bảo vệ giai cấp của mình.

Nhìn lại CS mà xem, họ đã độc chiếm bộ máy nhà nước để duy trì vai trò thống trị của họ lên dân chúng, họ dùng nhà nước như là một tiếng nói cho đảng họ, và họ sẵn sàng dùng bộ máy nhà nước để trừng trị ai dám chỉ trích họ, cho dù những chỉ trích đó là đúng.

Vậy thực ra CS họ là giai cấp gì? Công – nông như họ nhân danh? Không, giai cấp công nông nghèo khổ và không có quyền lực, còn họ vừa có quyền lực vừa giàu có. Là giai cấp tư sản? Không, giai cấp tư sản chỉ có tiền chứ không có quyền lực như họ. Như vậy họ là giai cấp gì?

Thật sự khó mà định nghĩa, họ có quyền lực chính trị tuyệt đối, họ rất giàu nhờ tham nhũng và sự cung phụng của giai cấp tư sản. Họ nhân danh giai cấp công -nông không quyền không tiền để che đậy cho một thực tế rằng, họ còn hơn giai cấp tư sản lúc trước mà họ chống.

Có người nói họ là tư bản đỏ. Nhưng tư bản như thế nào là tư bản đỏ, và tư bản như thế nào là tư bản thường? Tư bản đỏ là loại giai cấp còn kinh khủng hơn giai cấp tư bản ở các nước dân chủ.

Những nhà tư bản các nước dân chủ họ dùng tiền làm ra tiền, nói chung là dùng đồng tiền là chính. Họ dùng tiền tác động vào chính trị để có tổng thống ủng hộ việc làm của họ, họ rất mạnh nhưng không phải bất khả xâm phạm phạm.

Lấy ví dụ như trường hợp vua dầu mỏ Rockefeller, ông đã tạo ra một đế chế dầu mỏ khuynh loát nước Mỹ. Rockefeller rất giàu, theo Forbes, tài sản ông tương đương 663 tỷ đô tính theo thời giá 2007. Tưởng như không ai có thể lay chuyển nổi đế chế của ông. Thế nhưng năm 1911 công ty Standard Oil của ông bị tòa án liên bang Mỹ buộc tội độc quyền và công ty bị buộc phải chia nhỏ. Như vậy một đế chế tài phiệt giàu có nhất thế giới lại bị thể chế dân chủ đánh gục. Đế chế tài phiệt dù mạnh đến đâu vẫn phải đầu hàng trước một thể chế dân chủ với quyền lực nhân dân là tối thượng. Nó không hề là bất khả xâm phạm như tư bản đỏ ở Việt Nam.

Vậy tư bản đỏ thì sao? Họ không dùng tiền kiếm tiền mà họ dùng quyền lực chính trị để kiếm tiền. Nếu dùng tiền kiếm tiền thì nó chỉ mang ý nghĩa kinh tế đơn thuần, tôi có tiền đầu tư, lời tôi ăn, lỗ tôi chịu, như thế họ không cướp tiền kẻ khác. Còn tư bản đỏ? Tư bản đỏ là loại dùng quyền lực kiếm tiền, mà khi kiếm tiền bằng quyền lực thì rõ ràng đó là một sự ép buộc người khác phải đưa tiền, phải cung phụng mình. Nói thẳng ra, tư bản đỏ nó là một hình thức cướp chứ chẳng phải kinh doanh như giai cấp tư bản.

Khi kinh doanh, người ta tập hợp lao động lại làm ra sản phẩm và vì thế tạo ra giá trị gia tăng. Như vậy sự giàu có của giai cấp tư sản chủ yếu là họ làm cho giá trị hàng hóa tăng lên nên họ giàu, về khía cạnh này họ không hề cướp ai. Thế nhưng cách kiếm tiền của tư bản đỏ thì sao? Họ không điều hành sản xuất, nghĩa là chính họ không tạo ra của cải gì cho xã hội cả, nhưng họ lại rất giàu, và tất nhiên tiền của họ là sự trấn lột hoặc cướp bóc xã hội theo cách này hay cách khác. Họ tồn tại ở đâu thì đất nước ấy sẽ lụi tàn là chắc chắn.

Ngày nay Nhà nước ở xứ tự do tiến bộ thuộc top đầu của thế giới văn minh, là những quốc gia thịnh vượng và giàu có. Ở đó, người ta đã nâng tầm một nhà nước thuần quản lý sang nhà nước phục vụ người dân mà người ta hay gọi nhà nước phúc lợi. Ở đó, nhà nước sẽ dùng khả năng quản trị tốt để đưa đất nước đến với sự giàu có, khi đó đồng tiền thuế của dân sẽ được quay lại phục vụ người dân với những tiêu chuẩn đáng mơ ước cho những quốc gia ở tầm trung bình. Ở đó giáo dục được miễn phí, y tế miễn phí, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp nhà ở vv…, thậm chí một số nước Bắc Âu còn tính đến việc trả lương cố định cho toàn dân. Đấy là đỉnh cao nhất của một nhà nước đã phát triển tính đến thời đại này, chưa có nhà nước nào hoàn mỹ hơn nhà nước phúc lợi.


Trong các loại nhà nước từ cổ chí kim, từ Tây sang Đông, thì nhà nước được xếp vào hàng thấp kém nhất là loại nhà nước cai trị. Loại nhà nước này đang tồn tại ở các nước độc tài, nơi nào nó ngự trị thì nơi đó đói rách, mất tự do và thậm chí là sự giết chóc. Còn lại, đa phần các nhà nước ở tầm trung cho đến khá là loại nhà nước quản trị. Những quốc gia này là nhà những quốc gia dân chủ. Và đỉnh nhất hiện nay là nhà nước phục vụ. Nhưng bất hạnh thay, Việt Nam đang chìm trong tăm tối của một loại nhà nước cai trị. Họ dùng quyền lực để áp chế toàn dân, buộc dân cung phụng họ vô điều kiện bất chấp sự khốn cùng đang đày đọa người dân không có đường thoát. Việt Nam, một xã hội Trung cổ giữa thế kỷ 21./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét