Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2018

235 - Nga có thể đóng vai trò gì trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên?




Nga có những lợi thế riêng trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Sự hiện diện của Nga trong vai trò một bên hòa giải tiềm năng có thể là hữu ích, nhưng với điều kiện Bắc Triều Tiên chấp nhận và Mỹ - Nga phải nhất trí cao về một mẫu số chung trong vấn đề Triều Tiên: phi hạt nhân hóa.
Kể từ sau khi có được vùng đất mà hiện giờ là phần phía Nam của miền Viễn Đông Nga vào nửa sau thế kỷ 19, Nga đã là một bên liên quan có lợi ích chủ yếu trong các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Trong thời kỳ đế chế Sa hoàng, St. Petersburg coi bán đảo Triều Tiên là một quân tốt trong ván cờ của họ với các đế quốc hùng mạnh phương Tây và Nhật Bản; Stalin sử dụng bán đảo Triều Tiên như một công cụ để chiến đấu với “chủ nghĩa đế quốc toàn cầu”. Ngược lại, nước Nga đương đại không tìm cách thống trị bán đảo này hay sử dụng nó cho việc bành trướng mang màu sắc đế quốc chủ nghĩa sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Moskva có những lợi ích quan trọng ở bán đảo Triều Tiên và quyết tâm bảo đảm rằng họ là một thế lực không thể bị bỏ qua trên bán đảo và trong khu vực Đông Bắc Á rộng lớn hơn. Việc duy trì các mối liên kết với Triều Tiên là một thành phần cốt yếu trong chiến lược của Nga nhằm duy trì vị thế của một bên tham gia không thể thiếu ở Đông Bắc Á. 

Ở một mức độ đáng kể, Liên Xô đã tạo nên Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Nguồn gốc chung giải thích một số sự tương đồng vẫn tồn tại giữa hai nước. Ngoài ra, giữa hai nước còn có một loạt mối quan hệ kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu năng lượng của Nga sang Triều Tiên, nhập khẩu lao động Triều Tiên vào Nga, và việc Nga sử dụng cảng Rajin của Triều Tiên. Nga cũng vẫn là nước duy nhất ngoài Trung Quốc cung cấp cho Triều Tiên các liên kết vận tải và viễn thông thường xuyên - qua đường hàng không, đường sắt, đường biển và Internet - kết nối quốc gia bị cô lập này với thế giới bên ngoài. Cùng với nhau, những sự trao đổi thương mại và liên kết cơ sở hạ tầng như vậy tạo nên ảnh hưởng đòn bẩy đáng kể mà Moskva có thể sử dụng đối với Triều Tiên, khi và nếu họ quyết định làm như vậy. Điều quan trọng là các nhà ngoại giao và các học giả Liên Xô/Nga đã có khả năng tiếp cận Triều Tiên thường xuyên trong suốt 7 thập kỷ, tích lũy được một kho tàng rộng lớn những hiểu biết tinh thông về quốc gia bí mật này. 
Chỉ cách đây vài năm, Nga có thể đã được gán nhãn một cách thích hợp là “bên tham gia bị lãng quên” trên bán đảo Triều Tiên. Năm 2017, thực tế đã không còn như vậy nữa. Nga đã đặc biệt coi trọng việc trở lại với vai trò bên tham gia trung tâm trong chính trị Triều Tiên. Về kinh tế, Nga đã thể hiện sự sẵn lòng khởi động các dự án thương mại mới với Triều Tiên, chẳng hạn như mở một tuyến phà hoặc cung cấp cho Triều Tiên kết nối Internet, thậm chí bất chấp sự thắt chặt các biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại Bình Nhưỡng. Về chính trị, Moskva đã trở thành một kiểu người ủng hộ lớn tiếng nhất của Triều Tiên, lên án những hành động khiêu khích hạt nhân và tên lửa của nước này, nhưng đồng thời thể hiện sự thấu hiểu những động cơ buộc Bình Nhưỡng theo đuổi vũ khí hạt nhân. Về ngoại giao, Nga đã bắt đầu hăng hái đưa ra sự giúp đỡ mang tính hòa giải cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo, chẳng hạn như thông qua lộ trình 3 giai đoạn do Nga đề xuất và được Trung Quốc hậu thuẫn. Dù Moskva được nhìn nhận như một bên tham gia có tính xây dựng trên bán đảo hay một “kẻ phá hoại”, thì giờ đây không thể phớt lờ ảnh hưởng đòn bẩy gia tăng của Nga. Chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thừa nhận điều này, cho rằng với sự giúp đỡ của Nga, tình hình Triều Tiên “sẽ được giải quyết một cách dễ dàng hơn”. 
Trật tự các lợi ích của Nga trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên 
Trong bài toàn hóc búa về Triều Tiên, hành vi của Nga được xác định bởi một hỗn hợp phức tạp các động cơ, lợi ích và yếu tố. Có thể phân tích những điều quan trọng nhất trong số đó như sau: 
Phi hạt nhân hóa 
Moskva miễn cưỡng chấp nhận một Triều Tiên sở hữu hạt nhân. Nga không cảm thấy bị đe dọa trực tiếp bởi các vũ khí hạt nhân của Kim Jong-un. Tuy nhiên, việc Triều Tiên tiếp tục hạt nhân hóa - và phản ứng dây chuyền của sự phổ biến theo chiều ngang mà điều này có thể kích động ở Đông Bắc Á và vượt ra ngoài - chắc chắn sẽ làm giảm giá trị kho vũ khí hạt nhân của chính Nga, vốn được người Nga coi là một thuộc tính thiết yếu của vị thế nước lớn và sự đảm bảo tối thượng cho an ninh quốc gia của đất nước họ. Việc Triều Tiên cho nổ cái mà nước này khẳng định là một quả bom nhiệt hạch hôm 3/9/2017 dường như đã thuyết phục Moskva rằng chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng tiên tiến hơn so với suy nghĩ trước đây của họ, với việc chính Tổng thống Putin công khai thừa nhận rằng Triều Tiên sở hữu bom nhiệt hạch. 
Tuy vậy, cam kết của Nga đối với việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, dù là một nhân tố chính trong chính sách Triều Tiên của nước này, không phải là một đòi hỏi cấp thiết tuyệt đối và cần được điều chỉnh cân bằng với các lợi ích khác của Moskva, chẳng hạn như thái độ miễn cưỡng làm suy yếu chế độ Bình Nhưỡng và chống đối trước sự bá quyền của Mỹ. Việc Nga chấp nhận trên thực tế không chỉ một Triều Tiên sở hữu hạt nhân, mà còn việc trang bị hạt nhân cuối cùng của Nhật Bản và Hàn Quốc không phải là không thể hiểu được, thậm chí càng dễ hiểu hơn nếu vũ khí hạt nhân khiến cho Tokyo và Seoul độc lập hơn khỏi Washington và do đó làm suy yếu ưu thế của Mỹ ở Đông Bắc Á. Nga cuối cùng sẽ học cách sống chung với các quốc gia hạt nhân láng giềng ở Đông Bắc Á, giống như khi nước này thích nghi với một Trung Quốc sở hữu hạt nhân theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông vào những năm 1960 và 1970, mặc dù quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh khi đó tồi tệ hơn nhiều so với các vấn đề hiện tại giữa Moskva và Tokyo. 
Ngăn chặn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên 
Khi xét đến sự gần gũi của Nga với bán đảo Triều Tiên, việc ngăn chặn một cuộc xung đột vũ trang lớn ở đó là lợi ích rõ ràng của nước này. Nguy cơ Nga sẽ phải trực tiếp chịu đựng những hành động thù địch tiềm tàng là tương đối thấp. Những nguy cơ này bao gồm việc bị một tên lửa bay lạc đánh trúng hoặc bị ô nhiễm bụi phóng xạ từ các vụ nổ hạt nhân và các cơ sở hạ tầng nguyên tử bị phá hủy. Hướng gió và dòng biển thịnh hành bảo vệ miền Viễn Đông Nga khỏi các đám mây phóng xạ và bức xạ qua đường nước từ bán đảo. Khác với Trung Quốc, Nga khó có khả năng đối mặt với một cuộc di cư tị nạn quy mô lớn từ Triều Tiên, vì hai nước được ngăn cách bởi một con sông, và đường biên giới ngắn được bảo vệ nghiêm ngặt. Những nguy cơ quan trọng nhất đối với Nga có lẽ là về kinh tế. Nền kinh tế miền Viễn Đông Nga phụ thuộc một cách quyết định vào các liên kết với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, và sẽ phải chịu một đòn giáng mạnh trong trường hợp có sự gián đoạn nghiêm trọng các hoạt động kinh tế ở Đông Bắc Á. Hơn nữa, toàn bộ nền kinh tế Nga có thể phải chịu thiệt hại nếu Đông Bắc Á, một trong những đầu tàu chính của nền kinh tế thế giới, bị phá hủy bởi một cuộc chiến tranh lớn có thể dẫn tới sự suy thoái toàn cầu và sự sụp đổ của các thị trường hàng hóa. 
Việc tận dụng cuộc khủng hoảng Triều Tiên như một con bài thương lượng đối với Mỹ 
Ở Washington có sự nghi ngờ ngày càng gia tăng rằng các nỗ lực của Nga nhằm nâng cao vai trò ngoại giao của nước này trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên là nhằm có được ảnh hưởng đòn bẩy chống lại Mỹ. Nếu Moskva có thể tự đặt mình vào vai trò một bên tham gia quan trọng ở Triều Tiên, họ có thể sử dụng điều này như một con bài thương lượng ở các lĩnh vực khác. Điện Kremlin chưa bao giờ liên kết một cách rõ ràng tiềm năng hỗ trợ của họ trong vấn đề Triều Tiên với những sự nhượng bộ của Mỹ trong các vấn đề quan trọng đối với Moskva, chẳng hạn như vấn đề khu định cư ở miền Đông Ukraine hay việc loại bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga. Tuy nhiên, điều được hiểu ngầm là Washington khó có thể mong đợi sự hợp tác nhiệt tình từ phía Nga trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên chừng nào quan hệ Mỹ-Nga vẫn còn thù địch, khi quan hệ này đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1980. 
Hoạt động chính trị trong quan hệ gần giống liên minh với Trung Quốc 
Trong việc theo đuổi hoạt động ngoại giao với Triều Tiên, Nga đã cộng tác chặt chẽ với Trung Quốc. Mặc dù các lợi ích của Nga liên quan đến Triều Tiên không giống với của Trung Quốc, nhưng có đủ sự chồng chéo giữa hai nước để thiết lập sự hợp tác có hiệu quả. Trong cuộc gặp cấp cao giữa Putin và Tập Cận Bình ngày 4/7/2017, hai bên đã đưa ra một cách tiếp cận thống nhất đối với cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. 
Nga và Trung Quốc chắc chắn không ưa gì viễn cảnh về một Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân. Putin và Tập Cận Bình không hề đồng tình với Kim Jong-un, người công khai coi thường không chỉ Washington, mà cả Bắc Kinh và Moskva. Tuy nhiên, ác cảm của Nga và Trung Quốc với Kim Jong-un và các vũ khí hạt nhân của ông này bị che khuất bởi sự thù địch mà họ cùng chia sẻ đối với điều mà họ hiểu là những đòi hỏi bá quyền của Mỹ. Sự cộng tác Nga-Trung ở Đông Bắc Á chỉ là một yếu tố của “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” của hai nước này mà, dưới thời Trump, chỉ phát triển theo hướng chặt chẽ hơn. Như Gilbert Rozman đã chỉ ra, Triều Tiên là bài kiểm tra chủ yếu của tam giác chiến lược Mỹ-Trung-Nga ở châu Á, và Nga đã đứng về phía Trung Quốc. Moskva không có khả năng làm bất kỳ điều gì trên bán đảo đi ngược lại các lợi ích an ninh cơ bản của Bắc Kinh. Điện Kremlin biết rõ rằng bán đảo Triều Tiên có ý nghĩa sống còn đối với an ninh của Trung Quốc và thừa nhận rằng rủi ro của Bắc Kinh trên bán đảo Triều Tiên cao hơn đáng kể so với của Moskva. Đổi lại, Bắc Kinh được kỳ vọng sẽ thừa nhận các lợi ích của Nga trong các lĩnh vực được Moskva quan tâm tột bậc, chẳng hạn như Ukraine, Trung Á và Trung Đông. 
Uy tín quốc tế và tư thế nước lớn 
Hành vi của Nga trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên cũng được cổ vũ bởi những cân nhắc về uy tín và vị thế nước lớn. Như Alexander Gabuev đã lưu ý: “Việc tìm kiếm sự công nhận và uy tín quốc tế đã trở thành một sự thúc đẩy then chốt đối với chính sách đối ngoại của Nga trong nhiệm kỳ của Putin. Bất kỳ vấn đề quốc tế chủ yếu nào cũng được Điện Kremlin coi là một cơ hội để ngồi cùng bàn với các bên tham gia chủ chốt khác trên vũ đài toàn cầu, điều cho thấy vị thế quốc tế của Nga như một trong những nhà lãnh đạo của cộng đồng quốc tế”. Ngoài niềm tự hào nước lớn, Nga tha thiết muốn được cộng đồng quốc tế coi là một bên tham gia có tính xây dựng và có trách nhiệm, rằng sự tham gia của nước này góp phần vào việc giải quyết một trong những cuộc khủng hoảng quốc tế nguy hiểm nhất trong thời kỳ hiện đại. 
Việc theo đuổi các lợi ích kinh tế 
Như đã đề cập ở phần trước, một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ giáng một đòn vào nền kinh tế Nga. Ngược lại, việc giải quyết vấn đề bán đảo đang mục ruỗng có khả năng đem lại cho Nga những lợi ích kinh tế đáng kể. Thứ nhất, các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên sẽ được loại bỏ, cho phép Nga tiến hành hoạt động thương mại trên quy mô đầy đủ với nước láng giềng của mình. Điều thậm chí còn quan trọng hơn là việc làm dịu bớt những căng thẳng trên bán đảo sẽ khiến cho việc thực hiện các siêu dự án “3 bên” mà Moskva đã thúc đẩy từ lâu trở nên khả thi, trong đó trên hết là việc kết nối tuyến đường sắt xuyên bán đảo Triều Tiên với tuyến đường sắt xuyên Siberia của Nga và việc xây dựng đường ống xuyên bán đảo Triều Tiên cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho miền Nam và miền Bắc bán đảo. Nga phần nào được khuyến khích bởi thực tế rằng không giống như hai chính quyền bảo thủ trước, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in coi trọng việc hỗ trợ cho các dự án này. 
Sự tuân thủ nguyên tắc chủ quyền và sự phản đối việc thay đổi chế độ 
Ác cảm của Nga đối với bất kỳ động thái nào có thể làm suy yếu chế độ ở Bình Nhưỡng được giải thích không chỉ bởi mong muốn giữ Triều Tiên như một đối trọng với sự bá quyền của Mỹ ở Đông Bắc Á, mà còn bắt nguồn từ các khuynh hướng mang tính quy chuẩn của Moskva. Nga coi quốc gia có chủ quyền là nền tảng chính của trật tự quốc tế, và như một vấn đề nguyên tắc, bác bỏ sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước với mục đích thay đổi chế độ. Nga hầu như không đồng tình với chế độ của Kim, nhưng nguyên tắc về chủ quyền và việc không can thiệp bên ngoài là tối quan trọng. 
Việc thúc đẩy một trật tự khu vực mới ở Đông Bắc Á 
Lập trường của Nga về Triều Tiên và về tương lai của trật tự địa chính trị ở Đông Bắc Á có thể có vẻ giống với lập trường của Trung Quốc ở chỗ nó không chấp nhận sự bá quyền tiếp tục của Mỹ. Tuy nhiên, có một sự khác biệt cốt yếu. Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là thay thế sự thống trị chiến lược của Mỹ ở Đông Á bằng sự thống trị của riêng mình. Đối với Nga, sự ưu việt của Bắc Kinh trong khu vực cũng không được chấp nhận chẳng khác gì sự ưu việt của Washington. Điều mà Nga muốn là một hệ thống cán cân quyền lực mang tính phối hợp và đa cực, với Nga đóng vai trò một trong các bên liên quan then chốt của nó. Nga tiếp tục ủng hộ nối lại Đàm phán 6 bên, vẫn là người ủng hộ có lẽ là nồng nhiệt nhất các cuộc đàm phán này trong số 6 nước và coi chúng là cơ chế thích đáng nhất để đạt được một giải pháp toàn diện và lâu dài cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Hơn nữa, Moskva coi Đàm phán 6 bên là bước đầu cho việc thiết lập một thể chế kiểu phối hợp các cường quốc phụ trách về an ninh Đông Bắc Á. 
Tương lai của bán đảo Triều Tiên 
Nga không coi sự thống nhất nhanh chóng bán đảo Triều Tiên là điều đáng mong muốn hay khả thi. Tuy vậy, trong dài hạn, Nga sẽ hoan nghênh sự xuất hiện của một nhà nước thống nhất trên bán đảo Triều Tiên, với điều kiện quốc gia thống nhất này hoàn toàn độc lập và không phụ thuộc vào bất kỳ nước lớn nào. Trong tư duy chiến lược của Moskva, một bán đảo Triều Tiên thống nhất và có chủ quyền đầy đủ sẽ góp phần vào cán cân quyền lực đa cực ở Đông Bắc Á. Sự ưu tiên thống nhất bán đảo Triều Tiên, dù là một triển vọng dài hạn, làm nên sự khác biệt của Nga so với Trung Quốc và Nhật Bản, vốn hầu như không hưởng lợi gì từ sự nổi lên của một nhà nước thống nhất vững mạnh trên biên giới của họ. Đối với Bắc Kinh, việc thu hút một bán đảo Triều Tiên thống nhất vào trong phạm vi ảnh hưởng của họ sẽ khó khăn, thậm chí bất khả thi. Đối với Tokyo, một bán đảo Triều Tiên thống nhất và hùng mạnh có thể đồng nghĩa với một sự kình địch mới, bị những ký ức lịch sử tiêu cực làm cho trầm trọng hơn. Mỹ sẽ ưa thích một bán đảo Triều Tiên thống nhất trong liên minh với Washington. Tuy nhiên, về lâu dài, việc Mỹ coi trọng một bán đảo Triều Tiên không liên kết là điều có thể hiểu được, đặc biệt nếu Mỹ chuyển sang chiến lược lớn cân bằng ngoài nước. Điều này dẫn đến khả năng có sự hội tụ các lợi ích của Nga và Mỹ về tương lai của bán đảo Triều Tiên. 
Đối với Nga, trật tự ưu tiên của các lợi ích nói trên là “động” chứ không “tĩnh”. Đặc biệt, trước năm 2014, trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra, việc sử dụng Triều Tiên như một con bài thương lượng khi đối mặt với Mỹ hầu như không nằm trong nghị trình của Điện Kremlin. Giờ đây, đó có thể là một động lực hàng đầu. 
Liệu Nga có thể đóng vai trò bên trung gian trung thực trên bán đảo Triều Tiên hay không? 
Sự liền kề tương đối của Nga với bán đảo - so với Trung Quốc và Mỹ - có những lợi thế của riêng trong việc đối phó với Triều Tiên. Sự thiếu ảnh hưởng vượt trội là một lý do chủ yếu giải thích vì sao Nga có thể được coi là một “bên trung gian trung thực” tiềm năng bởi các nhà lãnh đạo Triều Tiên, những người đặc biệt nghi ngờ bất kỳ quốc gia bên ngoài nào có các lợi ích rõ ràng trên bán đảo. Nga đủ hùng mạnh để được cân nhắc một cách nghiêm túc, và việc nước này có quyền lực mềm nào đó trong nội bộ Triều Tiên có thể là hữu ích, nhưng nước này không có các lợi ích lớn bất di bất dịch ở đây. Xét đến việc Nga cũng có các xích mích chính trị với Mỹ và đôi khi có thể bất đồng với Trung Quốc, sự hiện diện của Nga trong vai trò một bên hòa giải tiềm năng có thể là chấp nhận được đối với Triều Tiên - đương nhiên, trong trường hợp Chính quyền Triều Tiên quyết định dựa vào các bên hòa giải thay vì đàm phán trực tiếp với các đối thủ của họ. 
Năng lực đóng vai trò một bên trung gian trung thực trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên của Nga ngày càng được thảo luận nhiều trong giới chính sách Mỹ. Joseph Yun, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên, chỉ ra rằng “Nga có thể đóng vai trò ngoại giao hữu ích”. Đây cũng là ý kiến của chuyên gia về Triều Tiên Suzanne DiMaggio: “Nếu nhìn vào tất cả các bên tham gia chủ yếu trong cuộc khủng hoảng này, bên tham gia duy nhất có mối quan hệ làm việc với Bình Nhưỡng là Moskva”. Trong cuốn sách năm 2012 của mình, Victor Cha lưu ý về việc Nga thường lập các kế hoạch ngoại giao chắc chắn để đảm bảo an ninh trên bán đảo và nhấn mạnh rằng “Moskva hữu ích nhất khi quan hệ giữa các bên khác trong khu vực đang ở mức hoàn toàn tồi tệ nhất”. Khi xét đến tính nghiêm trọng của tình hình hiện tại, thời khắc cho sự tham gia của Nga có thể đã đến. Ở mức độ đáng kể, hiệu lực của ngoại giao Nga đối với Triều Tiên sẽ phụ thuộc vào mức độ cam kết cá nhân của nhà hoạch định chính sách hàng đầu đất nước, Vladimir Putin. Đối với việc giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên, liệu ông có cho thấy mức độ tận tụy giống như những gì ông đã thể hiện ở Trung Đông hay không? Có thể là có, nhưng điều này vẫn còn phải chờ xem. 
Có hay không một con đường ngoại giao hướng tới việc giải quyết cuộc khủng hoảng? 
Cũng giống như với nhiều cuộc khủng khoảng khác trong chính trị quốc tế, những căng thẳng hiện tại trên bán đảo Triều Tiên không chỉ tạo ra những nguy hiểm rõ ràng, mà còn tạo ra những cơ hội tiềm tàng. Có thể là không quá tồi tệ khi tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã dịch chuyển khỏi thế bế tắc và có được động lực nào đó khác biệt so với thời kỳ “kiên nhẫn chiến lược”. Bầu không khí của cuộc khủng hoảng có thể dễ dàng dẫn tới các tính toán tai hại, nhưng cũng có thể kích thích tư duy ngoại giao sáng tạo, dẫn tới các giải pháp chấp nhận được đối với tất cả các bên. Đây là lúc có thể xuất hiện một sự hợp tác Nga-Mỹ có kết quả. Nga chân thành mong muốn những sự thù địch hiện nay sẽ trở thành khúc dạo đầu cho một tiến trình ngoại giao có ý nghĩa, dẫn tới một sự thỏa hiệp thông qua đàm phán. Đã đến lúc giải quyết vấn đề một cách trực diện. Điều này đồng nghĩa với việc thảo luận và can dự, dù một số giới ở Washington có thể không ưa thích việc đó đến mức nào đi chăng nữa. 
Nga đã vạch ra một lộ trình để giải quyết các căng thẳng với Trung Quốc. Sáng kiến chung này đã được đề xuất tới tất cả các đối tác khác trong Đàm phán 6 bên, trong đó có Mỹ. 
Bước đầu tiên trong lộ trình 3 giai đoạn là “đình chỉ đổi lấy đình chỉ”, có nghĩa là việc tạm dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên dựa trên quyết định chính trị tự nguyện của nước này, cùng với cam kết của Bình Nhưỡng rằng họ sẽ không bao giờ chuyển giao các công nghệ và nguyên liệu hạt nhân cho các bên tham gia nhà nước và phi nhà nước khác. Đổi lại, Mỹ và Hàn Quốc sẽ tạm dừng các cuộc tập trận quân sự của hai nước này hoặc hạn chế quy mô của chúng. Các hình thức “đền bù” khác cũng có thể được thảo luận. 
Phía Mỹ thận trọng trong việc chấp nhận các bước đi song song này ngay từ giai đoạn đầu tiên, viện lý do thiếu các nghĩa vụ rõ ràng về phần Triều Tiên, thiếu cơ chế thẩm tra quy mô đầy đủ, thiếu các biện pháp bảo vệ trong trường hợp Bình Nhưỡng phá vỡ thỏa thuận, và thiệt hại mà việc đình chỉ các cuộc diễn tập có thể gây ra đối với tính hợp lệ của liên minh Mỹ-Hàn. Trong khi đó, việc đình chỉ các cuộc tập trận Mỹ-Hàn có thể không phải là sự nhượng bộ quan trọng nhất mà Triều Tiên mong muốn hoặc trông đợi, và nước này có thể muốn hơn các động thái khác của Mỹ, chẳng hạn như việc thiết lập một kênh đối thoại chính trị nhắm tới mục tiêu cuối cùng là sự công nhận ngoại giao, việc mở các văn phòng liên lạc, việc loại bỏ một số biện pháp trừng phạt, việc cung cấp viện trợ kinh tế,... Để tìm hiểu điều này, cần phải có các cuộc đàm phán trực tiếp không có điều kiện tiên quyết. Các cuộc đàm phán phải được dựa trên sự hiểu biết rằng “danh mục” những sự nhượng bộ mà Triều Tiên có thể đưa ra ngắn hơn nhiều so với của Mỹ. Ngoài ra, một số sự nhượng bộ của Triều Tiên là không thể đảo ngược, chẳng hạn như việc cho phép tiếp cận các thông tin nhạy cảm và các cơ sở vì mục đích thẩm tra, chưa nói tới việc tháo dỡ vật lý các cơ sở hạ tầng hạt nhân và tên lửa. Ngược lại, tất cả những sự nhượng bộ từ phía Mỹ đều có thể đảo ngược được một cách dễ dàng: Các cuộc diễn tập quân sự có thể được tiếp tục, các biện pháp trừng phạt có thể được phục hồi, một hiệp định hòa bình có thể bị hủy bỏ, sự công nhận ngoại giao có thể bị rút lại... 
Đối với giai đoạn thứ hai, Nga và Trung Quốc đã đề xuất ký kết một loạt văn kiện song phương: giữa Triều Tiên và Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc, và có thể giữa Triều Tiên và Nhật Bản. Các thỏa thuận cần quy định các nguyên tắc chung của quan hệ hòa bình, chẳng hạn như việc không sử dụng vũ lực. Các cuộc đàm phán những thỏa thuận này sẽ kéo dài nếu các đối thủ của Bình Nhưỡng muốn đưa vào đó các vấn đề gây tranh cãi, chẳng hạn như vấn đề người bị bắt cóc và việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Theo các đề xuất của Nga, vấn đề quan hệ hai miền Nam-Bắc nên được loại trừ khỏi kế hoạch này và được xử lý bằng một lộ trình riêng biệt. Các cuộc đàm phán song phương ở giai đoạn này là cần thiết, nhưng một tuyên bố chung về các nguyên tắc hòa bình và an ninh dựa trên những gì đã được nhóm làm việc về cơ chế hòa bình và an ninh Đông Bắc Á thuộc Đàm phán 6 bên nhất trí vào năm 2007 sẽ là đầy đủ. 
Giai đoạn thứ ba được vạch ra trong sáng kiến Nga-Trung là Đàm phán 6 bên chính thức, dành riêng cho việc tạo lập một hệ thống an ninh Đông Bắc Á - mà trong đó các vấn đề phi hạt nhân hóa, các biện pháp trừng phạt đa phương và đơn phương, các mối đe dọa quân sự và các biện pháp xây dựng lòng tin, sự hiện diện quân sự của nước ngoài và các vấn đề khác sẽ được thảo luận. Nó không nên là một sự tiếp nối của hoạt động trong giai đoạn 2003-2008, mà phải là một nỗ lực hoàn toàn mới với một sự ủy thác rộng rãi: Điểm khác biệt chủ yếu là nghị trình không nên bị giới hạn trong việc thảo luận vấn đề hạt nhân, mà cần bao gồm các vấn đề trong một phạm vi rộng các vấn đề liên quan đến việc đạt được an ninh toàn diện trên và xung quanh bán đảo Triều Tiên. 
Tiến trình này có thể bắt đầu bằng các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên về các thể thức mới này. Đồng thời, cần khởi động đối thoại hai miền Nam-Bắc về việc khôi phục sự hợp tác và dỡ bỏ di sản nghèo nàn mà một thập kỷ của sự cai trị của các chính quyền bảo thủ ở miền Nam bán đảo đã để lại. Tuy nhiên, sẽ là vô nghĩa nếu hướng cuộc thảo luận giữa hai miền tập trung vào vấn đề hạt nhân, vì Hàn Quốc không ở vào vị thế cung cấp được cho Triều Tiên bất kỳ bảo đảm an ninh nào. Ngoài ra, một cuộc thảo luận chung về các dàn xếp an ninh đa phương có thể có ở Đông Bắc Á có thể được tiến hành trong nhóm làm việc có liên quan thuộc Đàm phán 6 bên mà có thể được tái lập như một vụ hoặc một văn phòng tổ chức dành cho các cuộc đàm phán nhiều bên trong tương lai về an ninh ở Đông Bắc Á. 
Nếu các bước đi sơ bộ như vậy thành công, tiến trình cấp cao chính thức có thể được khởi động bằng một cuộc gặp mang tính biểu tượng giữa các ngoại trưởng của 6 quốc gia cộng thêm các đại diện toàn quyền của Liên hợp quốc và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc, có thể với sự hiện diện của một số nhà lãnh đạo quốc gia. Về lâu dài, các giải pháp chính trị và ngoại giao mà Nga ủng hộ không phải là bất khả thi. Điều kiện chính là các đối thủ cần đối mặt với hiện thực và dựa vào các thực tế rõ ràng: 
+ Washington và Seoul cần tiến tới chấp nhận sự tồn tại của Triều Tiên và theo đuổi chính sách cùng chung sống thay vì cố gắng làm suy yếu chế độ ở Bình Nhưỡng. 
+ Vấn đề phi hạt nhân hóa phải được trì hoãn cho tới khi cơ chế an ninh toàn diện đã được thiết lập.
+ Hàn Quốc nên từ bỏ những giấc mơ thống nhất bằng cách sáp nhập và học cách sống chung với một nước láng giềng khó tính, thể hiện thái độ của một quốc gia trưởng thành và phát triển. 
+ Bình Nhưỡng cần thừa nhận thực tế rằng sẽ không bao giờ có hòa bình và thịnh vượng ở Triều Tiên trừ phi họ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình, với điều kiện một chế độ an ninh mới trên bán đảo phải được thiết lập trước tiên. 
Như vậy không có nghĩa là nói rằng không thể thăm dò và theo đuổi các kế hoạch chi tiết và các ý tưởng ngoại giao khác. Điều quan trọng là lựa chọn thay thế cho ngoại giao song phương và đa phương là việc tình hình xấu đi hơn nữa và một cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra. 
Các khuyến nghị chính sách cho Nga và Mỹ 
Trong trường hợp Triều Tiên, Nga và Mỹ là các bên tham gia trong cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Điều may mắn là trong cuộc đối đầu giằng co này, Moskva và Washington không phải là các đối thủ trực tiếp, nhưng họ cũng không phải là các đối tác thực sự. Họ có thể quyết định hợp tác chặt chẽ trong việc giải quyết tình hình, hoặc họ có thể gây trở ngại cho các nỗ lực của nhau. Trong trường hợp thứ hai, rủi ro của những tính toán sai lầm sẽ gia tăng nhanh chóng, có khả năng dẫn tới nguy cơ về một cuộc đụng độ vũ trang giữa các lực lượng của Mỹ và Nga trên bán đảo. Rõ ràng cần phải tránh một kịch bản như vậy. 
Phải thừa nhận rằng hiện nay, các lợi ích của Nga và của Mỹ liên quan đến Triều Tiên có đặc trưng là một số điểm khác biệt đáng kể khiến cho việc đạt tới một giải pháp ngoại giao toàn diện cho vấn đề này trở nên hết sức khó khăn. Tuy nhiên, Nga và Mỹ cùng chia sẻ một lợi ích căn bản: việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Với mẫu số chung cơ bản nhất, Moskva và Washington cần hợp tác để ngăn chặn khả năng xảy ra sự phổ biến theo chiều ngang các công nghệ và nguyên liệu hạt nhân của Triều Tiên, chẳng hạn như các nỗ lực của Triều Tiên hoặc của cá nhân các đại diện không lương thiện của nước này nhằm bán các thành phần hạt nhân cho các bên tham gia nhà nước hoặc phi nhà nước khác. Khi xét đến sự tuyệt vọng ngày càng gia tăng của Triều Tiên do việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt, càng có khả năng Bình Nhưỡng sẽ đánh bạo bán các công nghệ hạt nhân và tên lửa của mình cho bất kỳ ai sẵn sàng chi trả. Moskva, Washington và các bên liên quan khác cần đối phó với nguy cơ này mà không phong tỏa Triều Tiên, vì việc cô lập Triều Tiên về mặt vật lý một cách cưỡng ép là không thể chấp nhận được đối với Nga (và Trung Quốc). Cần thiết lập một cơ chế cho các cuộc tham vấn và trao đổi thường trực giữa Mỹ và Nga về các vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên, và chúng nên tập trung vào vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân và các mối quan ngại khác.
Artyom Lukin là phó giáo sư, phó giám đốc Nghiên cứu Trường Nghiên cứu Khu vực và Quốc tế, Đại học Liên bang Viễn Đông, Vladivostok, Nga. Ông nhận bằng tiến sĩ khoa học chính trị Đại học Bang Viễn Đông năm 2002. Liudmila Zakharova là nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên, Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Học viện Khoa học Nga (IFES RAS), Moscow. Bà nhận bằng tiến sĩ nghiên cứu kinh tế tại Đại học Bang Viễn Đông năm 2002. Bài viết được đăng trong báo cáo “Vũ khí Hạt nhân và Mối quan hệ Nga – Bắc Triều Tiên”, tr. 64-70, Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI), Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét