Mark Twain chưa bao giờ nói rằng “các báo cáo về cái chết của tôi đã bị thổi phồng hơi quá.” Song câu trích dẫn sai này nghe “hài hước” tới mức người ta khó có thể nào quên được nó. Và không đâu ý tưởng ẩn chứa đằng sau nó lại phù hợp hơn với việc thảo luận về vai trò quốc tế của đồng đô la.
Các học giả từng nhắc tới những ngày tàn cuối cùng trong sự thống trị toàn cầu của đồng đô la kể từ những năm 1960, và cho đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Điều này được thể hiện qua tần suất xuất hiện cụm từ “hồi kết của đồng đô la” trong tất cả các ấn bản bằng tiếng Anh do Google thống kê.
Các học giả từng nhắc tới những ngày tàn cuối cùng trong sự thống trị toàn cầu của đồng đô la kể từ những năm 1960, và cho đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Điều này được thể hiện qua tần suất xuất hiện cụm từ “hồi kết của đồng đô la” trong tất cả các ấn bản bằng tiếng Anh do Google thống kê.
Tần suất của những lần đề cập này, được điều chỉnh theo số lượng trang in tính theo năm, lần đầu tăng đột biến vào năm 1969, sau sự sụp đổ của London Gold Pool, một dàn xếp của tám ngân hàng trung ương để cùng hợp tác hỗ trợ việc neo tỉ giá đồng đô la với vàng. Việc sử dụng cụm từ này tăng vọt trong thập niên 1970, theo sau sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods nơi đồng đô la đóng vai trò trung tâm, và trước tình hình lạm phát tăng cao dưới thời của các tổng thống Richard Nixon, Gerald Ford và Jimmy Carter trong những năm 1970.
Sự gia tăng đột biến đó vẫn chẳng là gì nếu so với sự gia tăng số lần đề cập và lo ngại đi kèm về đồng đô la kể từ năm 2001, phản ánh cú sốc về các vụ tấn công khủng bố vào tháng 9 năm đó, cùng với thâm hụt thương mại tăng mạnh ở Mỹ, và sau cùng là khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Bất chấp tất cả những diễn biến nói trên, vai trò quốc tế của đồng đô la vẫn đứng vững. Như tôi cùng các đồng tác giả đã đề cập trong một cuốn sách mới công bố, tỷ lệ đồng đô la trong rổ dự trữ ngoại tệ của các ngân hàng trung ương và chính phủ các nước trên thế giới gần như không biến động trước những diễn biến này. Đồng bạc xanh vẫn là loại ngoại tệ chính được giao dịch trên các thị trường ngoại hối. Nó vẫn là đơn vị tính giá cho xăng dầu trong giao dịch trên toàn thế giới, bất chấp những phàn nàn của lãnh đạo Venezuela về “sự bá quyền của đồng đô la”.
Những nhà buôn tiền đã tỏ ra sửng sốt trước việc giá trị đồng đô la dao động với biên độ rộng qua các diễn biến tăng, giảm và phục hồi trong suốt năm qua. Song biến động này gần như không làm mất đi sức hấp dẫn của đồng đô la trên thị trường quốc tế.
Các ngân hàng trung ương vẫn nắm giữ trái phiếu của Bộ Tài chính Hoa Kỳ bởi vì đối với họ thị trường trái phiếu Hoa Kỳ là thị trường có thanh khoản cao nhất trên thế giới. Đồng thời trái phiếu của Bộ Tài chính cũng an toàn: chính phủ liên bang chưa bao giờ chậm trả nợ lần nào kể từ sau cuộc chiến thảm hoạ năm 1812.
Ngoài ra, mối liên hệ ngoại giao và quân sự cũng khuyến khích các đồng minh của Mỹ giữ đồng đô la. Những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ nắm giữ ít đô la hơn so với những nước phụ thuộc vào Mỹ về an ninh. Việc là đồng minh quân sự với một quốc gia phát hành đồng tiền dự trữ giúp tăng tỷ lệ dự trữ ngoại hối bằng loại tiền tệ đó khoảng 30 phần trăm. Do đó, bằng chứng cho thấy tỷ lệ dự trữ bằng đồng đô la sẽ giảm đi đáng kể nếu thiếu đi ảnh hưởng này.
Mối liên hệ ít được chú ý này giữa liên minh địa chính trị và việc lựa chọn tiền tệ quốc tế phản ánh nhiều yếu tố. Các chính phủ có lý do để tự tin rằng quốc gia phát hành đồng tiền dự trữ sẽ ưu tiên cao việc thanh toán các khoản nợ cho đồng minh của mình. Đổi lại, những đồng minh mua trái phiếu của quốc gia phát hành này có thể giúp quốc gia đó giảm bớt chi phí đi vay.
Và chính ở đây, chứ không vì mớ bòng bong có thể diễn ra tháng 12/2017 về vấn đề trần nợ liên bang, là nơi tồn tại mối đe doạ thực sự đối với sự thống trị quốc tế của đồng đô la. Theo một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump “dường như không quan tâm tới các liên minh và vì vậy không quan tâm đến ngoại giao.”
Hàn Quốc và Nhật Bản được cho là đang nắm giữ khoảng 80% số dự trữ ngoại tệ của mình bằng đồng đô la Mỹ. Người ta có thể tưởng tượng rằng hành vi tài chính của hai quốc gia này và các quốc gia khác sẽ thay đổi mạnh mẽ, gây ra những hệ luỵ khôn lường đối với tỷ giá hối đoái của đồng đô la và chi phí đi vay của Mỹ, nếu liên minh quân sự gần gũi của Mỹ với các quốc gia đồng minh này bị xói mòn.
Cũng không khó để tưởng tượng sự xói mòn này sẽ diễn ra như thế nào. Tổng thống Donald Trump đã đặt mình vào thế khó về mặt chiến lược: ông cần giành được nhượng bộ từ phía Triều Tiên về vấn đề vũ khí hạt nhân để giữ thể diện trước người dân Mỹ, chứ chưa nói tới cộng đồng thế giới. Ngoài ra, bất chấp những luận điệu và cử chỉ hung hăng của Trump, đàm phán là cách khả dĩ duy nhất có thể giành được sự nhượng bộ này. Trớ trêu thay, kết quả khả dĩ nhất của quá trình này là một chế độ thanh sát hạt nhân không khác gì so với chế độ được đàm phán dưới thời chính quyền của Barack Obama với Iran (mà Trump đã chỉ trích – NBT) trước đó.
Để đạt được mục tiêu này, chính quyền của Trump sẽ phải đưa ra một nhượng bộ nào đó. Lá bài mặc cả rõ ràng nhất có thể được đưa ra mời chào nhằm giúp chính quyền Triều Tiên cảm thấy an toàn hơn là cắt giảm quân số của Mỹ tại Bán đảo Triều Tiên và tại châu Á nói chung. Bằng cách này, cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ đối với châu Á sẽ bị suy yếu, qua đó tạo cơ hội cho Trung Quốc lấp đầy khe hở địa chính trị.
Và ở đâu Trung Quốc dẫn đầu về địa chính trị, thì ở đó đồng nhân dân tệ nhiều khả năng sẽ nối bước đi theo.
Barry Eichengreen là Giáo sư Kinh tế tại Đại học California, Berkeley, và là một cựu cố vấn chính sách cao cấp tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Cuốn sách mới nhất của ông là Phòng Gương: Cuộc Đại Suy thoái, Đại Suy giảm, và việc Sử dụng – và Sử dụng Sai – Lịch sử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét