Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

267 - Bitcoin II

Thế giới không thiếu các nhà tỷ phú lập dị nhưng có lẽ không ai giống Satoshi Nakamoto. Ở thời điểm cuối tháng 12/2017 số bitcoin mà Nakamoto sở hữu có giá trị hơn 10 tỷ đô la, nếu Nakamoto là một người thì ông/bà ta đứng trong Top 100 danh sách những người giầu nhất thế giới của tạp chí Forbes. Nhưng khác với tất cả các tỷ phú khác, Nakamoto không hề động đến một xu trong khối tài sản đó và có lẽ danh tính thực của nhân vật này sẽ vĩnh viễn là một bí mật của lịch sử.
Tháng 10/2008 Satoshi Nakamoto, chỉ được biết đến dưới một cái tên ảo trên một diễn đàn của các chuyên gia mật mã học (cryptography), công bố một bài viết phác thảo một hệ thống tiền điện tử không cần bất kỳ một quyền lực tập trung nào quản lý/xác thực hoạt động thanh toán giữa các thành viên. Đầu năm 2009 Nakamoto công bố mã nguồn mở cho hệ thống tiền tệ này và gọi đồng tiền đó là bitcoin. Vào thời điểm kích hoạt hệ thống Nakamoto tạo ra và phân phát miễn phí một số bitcoin cho các thành viên ban đầu, còn gần 1 triệu bitcoin trong tài khoản đã không bao giờ được Nakamoto đụng đến. Cuối năm 2010 nhân vật bí hiểm này tuyên bố rời cuộc chơi rồi biến mất vĩnh viễn.

Trải qua nhiều thăng trầm đồng bitcoin đã tăng giá trị từ vài chục cent lên đến gần 20 nghìn đô la, tạo ra một cơn sốt mà nhiều người cho rằng không kém vụ bong bóng giá hoa tulip ở Hà Lan trong thế kỷ 17. Hàng nghìn biến thể ăn theo của bitcoin ra đời sinh ra một thuật ngữ mới vô cùng thời thượng: tiền mật mã (cryptocurrency), những đồng tiền điện tử có cơ chế tương tự như bitcoin hoàn toàn do tư nhân tạo ra. Đến giữa tháng 12/2017 tổng giá trị của những đồng tiền này đã vượt 500 tỷ đô la còn giao dịch hàng ngày vượt giao dịch chứng khoán trên sàn New York. Các định chế tài chính lớn bắt đầu có những động thái chấp nhận bitcoin dù có vô số ý kiến trái chiều của giới kinh tế và cả các nhà hoạch định chính sách
Từ trước tới nay bất kỳ đồng tiền nào cũng cần sự chấp nhận và tín nhiệm của một cộng đồng dân cư. Các đồng tiền quốc gia có được điều này nhờ quyền lực nhà nước đứng đằng sau, bao gồm cả vũ lực lẫn sức mạnh kinh tế nhà nước. Với đồng bitcoin Satoshi Nakamoto đã thay thế quyền lực tập trung bằng hai nguyên lý cơ bản dựa vào các thuật toán mật mã học. Nguyên lý thứ nhất blockchain là một kết hợp khéo léo của một dạng hàm mật mã (hash function) với hệ thống sổ sách (ledger) ghi lại toàn bộ quá trình luân chuyển của một đồng bitcoin từ lúc nó được tạo ra. Ứng dụng mật mã học vào sổ sách kế toán đảm bảo một khi giao dịch bitcoin đã được ghi vào sổ thì không một ai có thể thay đổi được nữa mà không bị phát hiện.
Nguyên lý thứ hai proof-of-work (POW) là một khái niệm đã được các nhà mật mã học phát triển khá lâu trước Nakamoto. Theo đó một cá nhân có thể tự chứng minh mình đã tốn một lượng thời gian công sức nhất định để tìm ra lời giải một bài toán mật mã mà sau đó bất kỳ ai cũng có thể kiểm chứng điều đó dễ dàng. Năm 1997 Adam Black đã ứng dụng thành công khái niệm này cho một hệ thống chống email rác bằng một công nghệ mà ông đã đặt cho một cái tên đầy tính dự báo: Hashcash. Có thể nói nôm na hashcash là một cái tem thư dán lên từng email đến một địa chỉ nhất định. Dù không quá đắt để gửi một email nhưng nếu một người gửi hàng chục nghìn email rác thì sẽ cần hàng chục nghìn cái tem với chi phí không hề nhỏ.
Từ ý tưởng hashcash Nakamoto đã rất tài tình ứng dụng khái niệm POW thành một cơ chế khuyến khích các thành viên đơn lẻ trong hệ thống bitcoin tham gia vào quá trình mã hóa blockchain, gián tiếp ngăn chặn khả năng một vài cá nhân thiểu số có ý định làm giả hoặc sửa đổi blockchain. Nhờ đó bitcoin đảm bảo được đặc tính không thể bị làm giả và không ai có thể tiêu một đồng bitcoin hai lần, chí ít với năng lực tính toán của toàn bộ máy tính trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Tờ The Economist đã nhận xét công lao lớn nhất của Satoshi Nakamoto là tạo ra một hệ thống giao dịch phi tập trung không cần niềm tin (trust) mà chỉ cần các thuật toán. Nói cách khác công nghệ blockchain đã thay thế cho niềm tin vào quyền lực nhà nước hay giá trị nội tại của những thứ quí giá như vàng hay kim cương.
Không chỉ dừng ở bitcoin và các đồng tiền mật mã, blockchain với nguyên lý phi tập trung và không thể thay đổi được đang dần dần được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực cần sự chính xác của thông tin và trung thực của các bên tham gia. Cuối tháng 11/2017 Sàn giao dịch chứng khoán Úc (ASX) đã băt đầu thử nghiệm một hệ thống lưu ký chứng khoán ứng dụng công nghệ blockchain. Trước đó De Beers, công ty khai thác và kinh doanh kim cương lớn nhất thế giới, xúc tiến việc sử dụng blockchain cho một hệ thống lý lịch tất cả các viên kim cương do họ sản xuất. Blockchain đã trở thành thời thượng đến mức có những công ty cố gắn thuận ngữ này vào tên của minh để kích giá cổ phiếu như thời dotcom gần 20 năm trước.
Bỏ quả những đợt nhảy múa điên rồ của giá bitcoin hay phong trào nhà nhà ứng dụng blockchain, sự bùng phát của các thuật toán mật mã học trong các ứng dụng kinh tế, tài chính có thể là khởi đầu của những thay đổi xã hội sâu xa sau này. Satoshi Nakamoto phát minh ra cơ chế blockchain với mục đích tạo ra một đồng tiền xuyên biên giới không phụ thuộc vào nhà nước. Bitcoin tồn tại và vận hành dựa vào một cộng đồng gắn kết với nhau qua mạng Internet bất kể quốc tịch, mầu da. Hệ thống lưu ký chứng khoán sử dụng blockchain của ASX cũng vậy, nó loại bỏ vai trò của một cơ quan trung tâm giao toàn bộ việc vận hành và quản lý thông tin cho các thành viên trong hệ thống một cách dân chủ: ai cũng có tiếng nói như nhau và số đông sẽ thắng. Giáo sư Tyler Cowen đại học George Mason cho rằng việc đề cao (thành công) vai trò cộng đồng của bitcoin và công nghệ blockchain là một điểm sáng trong bối cảnh chính trị ngột ngạt hiện nay.
Không chỉ dừng ở các giao dịch tài chính, nguyên tắc đồng thuận cộng đồng thay thế cho quyền lực nhà nước thể hiện rõ hơn với các hợp đồng thông minh (smart contract) trên nền tảng Ethereum, một ứng dụng blockchain khác do Vitalik Buterin phát triển sau bitcoin vài năm. Với công cụ này nhiều loại giao dịch/khế ước dân sự trong tương lai sẽ không còn cần đến quản lý nhà nước. Sự bùng nổ các hoạt động huy động vốn (ICO) dựa vào hợp đồng thông minh trên Ethereum là một ví dụ. Cho dù nhiều quốc gia còn dè dặt với ICO, thậm chí cấm hoàn toàn hình thức này như ở Trung Quốc, ICO chắc chắn sẽ là đối thủ đáng gờm của IPO trong tương lai. Còn trước mắt bất chấp giá bitcoin nhảy như chong chóng nhiều dịch vụ chuyển tiền xuyên biên giới sử dụng hệ thống tiền tệ này (bitcoin rail) đang hoạt động rất hiệu quả cạnh tranh trực diện với các dịch vụ chuyển tiền truyền thống.
Chính tính chất xuyên biên giới của bitcoin nói riêng và công nghệ blockchain nói chung là một điểm sáng nữa mà nhà báo Matt Levine của Bloomberg đã chỉ ra. Trong bối cảnh toàn cầu hóa bị chựng lại do cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi ở nhiều quốc gia phương Tây, các ứng dụng blockchain cho thấy những rào cản chính trị rồi sẽ bị công nghệ vượt qua. Tất nhiên còn rất lâu mới tới lúc quyền lực quốc gia thúc thủ trước blockchain hay các loại công nghệ khác nhưng một thế giới kết nối chặt chẽ hơn hay "phẳng" hơn là hệ quả tất yếu của xu hướng công nghệ này.
Có lẽ với Satoshi Nakamoto xây dựng được một cộng đồng không biên giới, công bằng, dân chủ (theo nghĩa mỗi máy tính là một lá phiếu - one CPU one vote) quan trọng hơn số tài sản hàng tỷ đô la vẫn nằm im lìm trong tài khoản gốc của hệ thống bitcoin. Dù số tài sản khổng lồ đó có thể bị bỏ phí, dù bitcoin có thể sẽ ra đi như nhiều đồng tiền khác trong lịch sử, công nghệ blockchain chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển và sẽ thách thức những thể chế/cấu trúc xã hội đã tồn tại hàng nghìn năm qua để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét