Thứ Hai, 15 tháng 1, 2018

292 - Thu ngân sách 2017 ‘bỗng dưng’ tăng vọt: Tiền từ đâu ra?


 Môt hiện tượng lạ lùng vừa xảy đến với nền kinh tế tài khóa của chính thể độc đảng ở Việt Nam: Bộ Tài chính – cơ quan chuyên “kiến tạo” rất nhiều sắc thuế bổ đầu dân nhằm “thu cùng diệt tận” – vào ngày 8/1/2018 đã báo cáo số thu ngân sách Nhà nước năm 2017 với tổng thu ước đạt trên 1,283 triệu tỷ đồng, vượt 71.000 tỷ đồng so với dự toán đầu năm 2017 là 1,212 triệu tỷ đồng, tăng 43.700 tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội.
Tuy nhiên khi công bố những số liệu đầy vẻ vang trên tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính ngân sách nhà nước năm 2017 và triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước năm 2018, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã dường như “quên” nêu ra thuyết minh vì sao và từ nguồn nào mà thu ngân sách 2017 “bỗng dưng” tăng vọt như vậy.
Bởi ngay trước đó, đến thời điểm 15/12/2017 tức chỉ còn nửa tháng là hết năm 2017, Tổng cục Thống kê cho biết tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm ước tính vẫn chỉ đạt 1.104 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 91,1% dự toán năm 2017. Với đà thu như thế, đến ngày 31/12/2017 hầu như chắc chắn chế độ “thu cùng diệt tận giai đoạn cuối” sẽ không thể đạt được kết quả “thu vượt dự toán” gần 10% theo kế hoạch đề ra, thậm chí chỉ tiêu gần nhất là thu vượt dự toán 2,3% cũng hoàn toàn bị phá sản.
Tiền từ đâu ra?
Kết quả thu ngân sách trở nên khả quan bất ngờ đã lý giải một động thái xảy ra trước đó mà đã bị dư luận nghi ngờ: tại kỳ họp quốc hội tháng 10 – 11 năm 2017, bất chấp tình trạng hụt thu ngân sách chưa từng có và thời gian đó, Quốc hội vẫn mạnh tay dự toán chi ngân sách năm 2018 lên đến hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Sang tháng 12/2017, Chính phủ bất ngờ công bố thương vụ bán vốn nhà nước tại Tổng công ty Rượu bia – nước giải khát (Sabeco), thu được chẵn 5 tỷ USD, tương đương 110.000 tỷ đồng, đồng thời được hệ thống tuyên giáo đảng và báo chí nhà nước đồng thanh hoan ca rằng đó là một thành tích lớn. Sau đó, Ủy ban thường vụ quốc hội đưa vụ bán Sabeco vào chương trình nghị sự của mình và lên kế hoạch “chia chác” cho các phần đầu tư phát triển và chi thường xuyên (chủ yếu chi trả lương cho công chức viên chức).




Ông Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước năm 2017. 


Một cách chắc chắn, tinh thần và hành động đầy tự tin trên của Quốc hội đã được phía chính phủ “bắn tin” trước đó từ “điệp vụ” bán vốn Sabeco được 5 tỷ USD, và do đó giúp các cơ quan này tạm thời bớt lo lắng việc tìm đâu ra tiền để chi trả lương cho đội ngũ công chức viên chức gần 3 triệu người mà trong đó có đến 30% bị dư luận xã hội xem là “không làm gì gì cả nhưng vẫn đều đều lãnh lương”.
Như vậy, rất nhiều khả năng “điệp vụ” bán Sabeco đã khiến kết quả thu ngân sách tăng đột biến và mang lại thành tích lớn cho “chính phủ kiến tạo” của ông Nguyễn Xuân Phúc.
Còn nếu không tính đến 110.000 tỷ đồng thu được từ bán vốn nhà nước tại Sabeco, kế quả thu nhân sách năm 2017 chỉ là 1.173 ngàn tỷ đồng (1.283 ngàn tỷ trừ đi 110 ngàn tỷ), chỉ đạt 96,8% dự toán thu đầu năm 2017.
Trong năm 201, ngay cả khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – một trong những niềm tự hào lớn nhất của ngành thuế Việt Nam trong nhiều năm qua – cũng rơi vào số phận hụt thu có thể lên đến hơn 20%, còn khối doanh nghiệp nhà nước còn tồi tệ hơn cả thế – đã quá đủ để phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, dù có được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phóng lên mức tăng trưởng 7,46% trong quý 3 và 6,7% trong cả năm 2017, vẫn đang tồi tệ với gia tốc nhanh dần, khiến cả khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng không còn duy trì được mức doanh thu và lợi nhuận như những năm trước.
Kết quả 96,8% thu ngân sách trên không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.
Đó chính là nguồn cơn sâu xa và chua chát về việc tại sao Chính phủ phải tìm cách “bán mình” tại một số tập đoàn được xem là “bò sữa” luôn mang lại lợi ích cho chính thể và cầm hơi cho đảng cầm quyền.
Vào thời gian gần đây, nhiều chuyên gia gần gũi nhà nước đã phải tình thật về tình trạng cạn kiệt nguồn lực ở Việt Nam. Tại kỳ họp quốc hội tháng 10 -11 năm 2017, một quan chức trong Ủy ban ngân sách quốc hội đã tán thán rằng “Cứ bán như thế này thì đến nhiệm kỳ sau chẳng còn gì để bán nữa!”.
“Nhiệm kỳ sau” là vào khoảng năm 2021. Nhưng một số chuyên gia nhà nước đã ước tính rằng với đà bán doanh nghiệp nhà nước như hiện thời, “deadline 2018” sẽ co ngắn lại, có thể vào năm 2019 hoặc 2020.
Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng bởi thế đang phải đối mặt với một tương lai cực kỳ nan giải: tìm đâu ra “nguồn lực” để bán vào năm 2018 và trong vài năm sau đó, để ngân sách không bị vỡ nợ?
Sau sự thất thủ của cổ phần nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn, lẽ đương nhiên những doanh nghiệp này sẽ rơi vào tay các tập đoàn lớn, trong đó hẳn có mặt nhiều kẻ con ông cháu cha và nhóm quan chức “tham nhũng chính sách”. Nhưng đó rất có thể là những “con bò sữa” cuối cùng mà Chính phủ còn để bán.
Kết quả thu ngân sách chỉ đạt 96,8% dự toán của năm 2017 là một chỉ dấu lớn cho thấy thu ngân sách 2018 sẽ có thể còn tồi tệ hơn, nếu không tính tới phần “bán mình”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét