Thứ Hai, 15 tháng 1, 2018

298- Phải chăng kỷ nguyên lao động giá rẻ của Trung Quốc thực sự đã qua?



Lương của người lao động Trung Quốc có thể đang tăng, nhưng số liệu thống kê chính thức không nói lên toàn bộ câu chuyện. 
Lao động giá rẻ từ lâu đã được xem là nhân tố chính phía sau sự thần kỳ về kinh tế của Trung Quốc, đẩy nước này lên địa vị là công xưởng của thế giới, làm thay đổi các dây chuyền cung cấp toàn cầu, và kích động những cuộc tranh luận ở các nước khác về việc các công ty chuyển nhà máy của họ sang Trung Quốc, những hậu quả của việc tìm kiếm công ăn việc làm từ nước ngoài cho các ngành công nghiệp và lao động trong nước và các lợi thế cạnh tranh không công bằng kết hợp với điều kiện lao động nghèo nàn của các công nhân nhà máy của Trung Quốc. 
Tuy nhiên, các nguyên nhân và hệ quả có thể đổi chỗ cho nhau như vẫn thường xảy ra trong kinh tế học. Lao động giá rẻ đã tạo ra sự thần kỳ của Trung Quốc, điều mà đến lượt nó cuối cùng có thể loại bỏ hiện tượng lao động giá rẻ. Tăng trưởng kinh tế trong 20 năm qua đã dẫn đến một sự tăng nhanh về tiền lương. Do đó, những diễn biến của thị trường lao động Trung Quốc gần đây đã thu hút sự chú ý ngày càng tăng từ nhiều nhà kinh tế và phân tích khác nhau đang cố gắng tìm hiểu điều gì đang xảy ra với lợi thế cạnh tranh toàn cầu nổi bật nhất của Trung Quốc. 

Số liệu thống kê chính thức ở Trung Quốc cho thấy một sự gia tăng đáng kể thu nhập của người dân. Nhưng điều quan trọng đối với tính cạnh tranh quốc tế là sự so sánh trên cả nước. Nhiều nhà phân tích khác nhau đã đưa ra những ước tính so sánh mức lương và chi phí lao động với các nước khác. Chẳng hạn, theo các ước tính từ tập đoàn Merrill Lynch thuộc Ngân hàng Mỹ, mức lương theo giờ ở Mexico tính bằng USD trong năm 2016 thấp hơn 40% so với mức này ở Trung Quốc. Theo dữ liệu từ tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, mức lương tính theo giờ trong ngành sản xuất ở Trung Quốc trong năm 2016 đã vượt quá mức lương ở mọi nền kinh tế lớn ở Mỹ Latinh lớn ngoại trừ Chile và chiếm khoảng khoảng 70% mức lương ở các nước yếu hơn trong Khu vực đồng euro, như Bồ Đào Nha. Nói chung, tất cả các ước tính cho thấy rằng lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc chắc chắn là đang suy giảm nếu không muốn nói là đã hoàn toàn biến mất. 
Tuy nhiên, những so sánh quốc tế về lương bị cản trở do không đủ dữ liệu. Để có thể so sánh được, các chỉ số thống kê cần được tính toán trên cơ sở phương pháp giống nhau, theo các tiêu chuẩn thống kê được chấp nhận trên toàn cầu. Nhưng trong lĩnh vực thống kê thị trường lao động, có sự không đồng nhất đáng kể giữa các nước về các phương thức và nguồn dữ liệu để ước tính tiền lương quốc gia. 
Vấn đề này đặc biệt rõ ràng đối với các nước đang phát triển. Mức lương ước tính có thể khác nhau do nguồn dữ liệu (dữ liệu quản trị, các cuộc điều tra chọn mẫu, điều tra dân số), do sự bao trùm nhiều loại hình doanh nghiệp, lao động, giai đoạn quan sát thống kê khác nhau… Chẳng hạn, các dữ liệu thống kê chính thức ở Ấn Độ không bao gồm tất cả lao động trong ngành công nghiệp, còn ở Mexico, dữ liệu quốc gia chỉ có sẵn kể từ năm 2005. 
Dữ liệu thống kê về thị trường lao động của Trung Quốc cũng có những mặt hạn chế, điều gây ra những hạn chế thậm chí còn nhiều hơn nữa đối với những so sánh quốc tế. Có thể giải thích những khó khăn mà việc thống kê chính thức của Trung Quốc gặp phải trong khi tính toán những khoản thu nhập của người dân (thu nhập và tiền lương) bằng thực tế là Cục Thống kê quốc gia (NBS) vẫn ước tính những chỉ số áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế như GDP chỉ sử dụng chủ yếu một cách tiếp cận sản xuất. 
Dữ liệu về tiền lương ở Trung Quốc không mang tính đại diện 
Không có một chỉ số duy nhất về tiền lương trong các thống kê chính thức của Trung Quốc. Các thống kê chính thức về tiền lương được NBS phổ biến xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, mà bao trùm các loại hình lao động khác nhau. Đặc tính này của hệ thống thống kê chính thức của Trung Quốc xuất phát từ thực tế là nền kinh tế Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây đã trải qua một sự thay đổi lớn từ nền kinh tế chỉ huy sang một kiểu nền kinh tế thị trường nào đó mang đặc sắc Trung Quốc. Trong giai đoạn này, các năng lực giám sát những diễn biến trong nền kinh tế của hệ thống thống kê chính thức đã và đang tụt hậu so với nhịp độ thay đổi trong xã hội nói chung. Vai trò của các doanh nghiệp sở hữu nhà nước trong nền kinh tế đã giảm đi, các loại hình doanh nghiệp mới được đưa vào, sự di cư từ các khu vực nông thôn đến các khu vực thành thị đã tăng lên đáng kể, và thị trường lao động đã trải qua sự thông tin hóa đáng kể. Khi hệ thống thống kê truyền thống của Trung Quốc phụ thuộc nặng nề vào việc báo cáo trực tiếp trong quá trình thu thập dữ liệu, nó nhanh chóng trở nên không còn phù hợp trong những bối cảnh kinh tế mới. 
Có thể thấy chỉ số đầu tiên về tiền lương ở Trung Quốc trong niên giám thống kê hàng năm của NBS và đó là “mức lương trung bình mỗi năm của những người được thuê làm việc ở các đơn vị thành thị”. Chỉ số này được sử dụng tương đối phổ biến để phân tích lương và so sánh với các nước khác. Ví dụ, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) dựa vào các dữ liệu này để đưa ra ước tính của họ về thu nhập trung bình hàng tháng của người lao động trong cơ sở dữ liệu ILOSTAT của họ. Tuy nhiên, thuật ngữ được NBS sử dụng trong niên giám thống kê của họ có thể gây nhầm lẫn đáng kể. Trong phần giới thiệu vắn tắt, trước chương nói về việc làm và tiền lương, NBS chỉ ra rằng các đơn vị đô thị thực sự ám chỉ cái gọi là các “đơn vị đô thị phi tư nhân”. Do đó, dữ liệu về các đơn vị tư nhân chính thức bị loại trừ. Theo dữ liệu của NBS, số người làm việc ở các đơn vị phi tư nhân chỉ chiếm 23% tổng số việc làm trong nền kinh tế Trung Quốc và chưa bằng một nửa tổng số việc làm ở thành thị. Do đó, loại chỉ số đầu tiên không nên được hiểu một cách nhầm lẫn là đại diện cho toàn bộ nền kinh tế ở Trung Quốc. 
Khu vực phi tư nhân bao gồm các loại hình doanh nghiệp nào? Sự pha trộn các đặc trưng xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa ở Trung Quốc hiện đại đã dẫn đến nhiều khó khăn trong việc sử dụng và giải thích các phạm trù thống kê. Các khu vực tư nhân cũng như phi tư nhân trong số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc chủ yếu đại diện cho tình trạng đăng ký của doanh nghiệp chứ không phải là loại hình sở hữu. Ở Trung Quốc, khu vực phi tư nhân bao gồm các doanh nghiệp sở hữu nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, và các thực thể như doanh nghiệp tập thể, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn... Trong khi loại hình sở hữu của doanh nghiệp nhà nước được xác định rõ ràng, đối với các loại hình khác thì câu trả lời có thể không đơn giản như vậy. Trên thực tế, các công ty mà chủ sở hữu tư nhân chiếm đa số có thể được đăng ký là các thực thể phi tư nhân ở Trung Quốc. Ví dụ, tất cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài được xếp vào loại hình thuộc khu vực phi tư nhân. 
Dữ liệu về lương ở khu vực tư nhân ở thành thị, đại diện cho các doanh nghiệp do các cá nhân đăng ký và kiểm soát, đã xuất hiện trong số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc trong năm 2009. Trong năm đó, NBS đã bắt đầu thu thập dữ liệu về mức lương hàng năm của các doanh nghiệp tư nhân thông qua một hệ thống báo cáo được thiết lập chuyên biệt. Theo hệ thống này, mỗi doanh nghiệp thuê hơn 100 người đều được yêu cầu phải trực tiếp báo cáo thông tin về lương, trong khi các doanh nghiệp thuê từ 20 đến 99 người phải tham gia các cuộc điều tra chọn mẫu. Các ước tính của NBS về tiền lương trong khu vực tư nhân được công bố hàng năm trên trang web chính thức. Tuy nhiên, dữ liệu chỉ có ở phiên bản tiếng Trung Quốc. Theo dữ liệu của NBS, việc làm ở khu vực tư nhân thành thị chiếm 28% trong tổng số việc làm ở thành thị ở Trung Quốc. 
Nhìn chung, hệ thống báo cáo về lương trong số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc hiện nay bao trùm khoảng 290 triệu người (chiếm 70% tổng số việc làm ở thành thị). Con số này thể hiện tổng số việc làm trong khu vực phi tư nhân và tư nhân ở các khu vực thành thị. 30% còn lại (khoảng 115 triệu người) bao gồm các cá nhân được đăng ký là lao động tự do và không chính thức, những người có tình trạng việc làm không được chính quyền xác định. Hệ thống thống kê chính thức của Trung Quốc không cung cấp thông tin về lương đối với các loại hình lao động này. Người lao động ở các khu vực nông thôn (khoảng 370 triệu người) cũng không nằm trong hệ thống báo cáo về mức lương. Do vậy, chỉ có số liệu về lương của chưa đầy 40% tổng số lao động trong nền kinh tế Trung Quốc. 
Kể từ năm 2005, NBS đã thực sự bắt đầu tiến hành một cuộc khảo sát thường xuyên hàng năm trong số những người di cư từ nông thôn. Loại hình lao động này bao gồm những người rời khỏi nơi đăng ký thường trú và làm việc tại các khu vực nông thôn hoặc thành thị khác theo mùa vụ hoặc thường xuyên. Theo cái gọi là hệ thống đăng ký hộ khẩu trong lịch sử, người lao động di cư ở các khu vực thành thị không có các quyền giống như người dân địa phương và chủ yếu được thuê làm việc trong khu vực phi chính thức của nền kinh tế. Gần đây, chính phủ đã bắt đầu ban hành những hạn chế này, mặc dù tiến độ cho đến nay là chậm. Trong cuộc khảo sát của NBS, trong số các câu hỏi khác, người di cư từ các khu vực nông thôn được hỏi về ngành nghề của họ và mức lương hàng tháng. Tuy nhiên, người ta có thể đặt câu hỏi về tính chính xác của các kết quả khảo sát vì có những nghi ngờ về việc người trả lời sẵn sàng tiết lộ mức thu nhập thực sự của họ. 

Cấu trúc lao động thành thị Trung Quốc 2000-2015. Dữ liệu từ NBS

Tóm lại, hệ thống thống kê của Trung Quốc đưa ra các ước tính khác nhau về mức lương cho 3 loại hình lao động: lao động trong khu vực phi tư nhân, lao động trong khu vực tư nhân và những người di cư từ nông thôn. Mức lương cao nhất được thống kê chính thức ghi lại là ở khu vực phi tư nhân. Theo số liệu mới nhất, vào năm 2016, mức lương trung bình hàng tháng của lao động trong khu vực phi tư nhân là 5.631 nhân dân tệ (850 USD). Đối với lao động tại các doanh nghiệp sở hữu nhà nước, mức lương trung bình hàng tháng lên tới 6.045 nhân dân tệ (913 USD). 
Tuy nhiên, không nên sử dụng những con số này như là một chỉ số về chi phí lao động của Trung Quốc nói chung. Trong khu vực tư nhân và trong số những người di cư từ nông thôn, mức tiền công thấp hơn đáng kể, do đó làm giảm mức lương trung bình trong nền kinh tế. Theo dữ liệu của NBS, mức lương trung bình hàng tháng đối với lao động trong các doanh nghiệp tư nhân và người di cư từ nông thôn lần lượt là 3.569 nhân dân tệ (539 USD) và 3.275 nhân dân tệ (tương đương 495 USD). 
Sử dụng dữ liệu về tiền lương và số lượng việc làm đối với các loại hình lao động khác nhau được đề cập ở trên, người ta có thể ước tính mức lương trung bình của lao động ở các khu vực thành thị. Kết quả của việc làm này sẽ tự nhiên nằm ở đâu đó giữa 2 cực (mức lương ở khu vực phi tư nhân và mức lương của những người di cư từ nông thôn) tùy thuộc vào đơn vị tính cụ thể. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn chỉ mang lại thông tin hạn chế về thị trường lao động Trung Quốc do còn thiếu thông tin về tiền lương ở các khu vực nông thôn.

Lương hàng tháng theo phân loại nhân công trong nền kinh tế Trung Quốc 2016. Dữ liệu từ NBS.

Cần tính đến sự bất bình đẳng đang gia tăng 
Mặc dù rất khó để đánh giá mức lương thực sự ở Trung Quốc với độ chắc chắn cao, nhưng không có những hoài nghi về xu thế chung. Cho dù sử dụng chỉ số nào, thì tất cả đều chỉ ra rằng tiền lương đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2009. Tốc độ tăng trưởng như vậy rõ ràng có những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với thị trường lao động Trung Quốc và khả năng cạnh tranh quốc tế về mức lương tương đối. Nguồn lao động giá rẻ chắc chắn đã cạn kiệt. Tuy nhiên, khi nói về Trung Quốc nói chung, người ta không nên chỉ nhìn vào những con số bình quân mà còn cần phải tính đến các con số tổng cộng. 
Mức lương trung bình đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Nhưng cũng có những dấu hiệu cho thấy sự bất bình đẳng về thu nhập vẫn cao và thậm chí có thể còn tăng lên. Theo những ước tính chính thức của NBS, giá trị của hệ số Gini - một trong những chỉ số bất bình đẳng phổ biến nhất - ở mức 0,47 vào năm 2016. NBS tiếp tục công bố hệ số Gini vào đầu những năm 2000. Kể từ năm 2010, các ước tính chính thức đã biểu thị mức độ nào đó của xu hướng giảm, nghĩa là bất bình đẳng ít hơn. Đồng thời, các ước tính không chính thức từ các cuộc điều tra dân số trong những năm gần đây dường như cao hơn so với các số liệu chính thức, điều có thể cho thấy sự gia tăng hơn nữa tình trạng bất bình đẳng trong dân cư. Sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng về thu nhập có thể đồng nghĩa với việc nguồn lao động giá rẻ có thể thực sự đang cạn kiệt với tốc độ chậm hơn, ngay cả khi mức lương trung bình tăng nhanh. 
Có thể đưa ra một tính toán vắn tắt để minh họa cho điểm này. Theo số liệu mới nhất của cuộc điều tra động lực của lực lượng lao động Trung Quốc, mức lương trung bình của 20% lao động được trả lương cao nhất cao gấp 14 lần so với mức lương trung bình của 20% lao động thuộc nhóm thu nhập thấp. Nếu chúng ta đánh giá mức lương trung bình là 4.200 nhân dân tệ/tháng (632 USD) và sử dụng số liệu năm 2014 về phân phối thu nhập theo các nhóm dân cư thì có thể giả định rằng 20% lao động được trả lương thấp vào năm 2016 nhận mức lương 650 nhân dân tệ/tháng (khoảng 100 USD). Hãy nhớ rằng 20% lao động Trung Quốc tạo thành một nhóm dân số khoảng 150 triệu người, mà thực sự vượt quá dân số của hầu hết các nước châu Âu và châu Á. Do đó, người ta có thể lập luận rằng nguồn lao động giá rẻ ở Trung Quốc có lẽ đang suy giảm, nhưng quy mô của nguồn lao động giá rẻ còn lại vẫn còn khá lớn so với các nước khác. 
Có thể rút ra kết luận sau đây từ phân tích trên: Các con số bình quân là quan trọng, nhưng người ta không nên bỏ qua các đặc tính cấu trúc của dữ liệu. Các so sánh quốc tế về lương của Trung Quốc là khá đơn giản trong quá khứ khi mức lương của người lao động là rất thấp. Trong những năm gần đây, tình hình đã thay đổi khi khoảng cách về lương giữa lao động ở Trung Quốc và lao động ở các khu vực khác trên thế giới đã giảm. Do đó, tầm quan trọng của chất lượng thống kê chính thức trở nên rõ ràng hơn trong so sánh giữa các nước. Trong những hoàn cảnh mới, thậm chí một sai số nhỏ và bất kỳ dữ liệu không chính xác nào cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến kết quả của những so sánh quốc tế và do đó là các kết luận về chính sách kinh tế. 
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu và phân tích cần chuyển sự tập trung của họ từ mức lương trung bình trên phạm vi cả nước sang mức lương trong các ngành cụ thể và cho những công việc cụ thể. Dĩ nhiên, kiểu phân tích này đòi hỏi dữ liệu phải chi tiết và chính xác hơn. Do đó, sẽ cần phải có thêm nỗ lực từ phía các nhà thống kê chính thức của Trung Quốc trong tương lai để cải thiện thống kê về lương.
Dmitriy Plekhanov là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Phức hợp (ICSS), một cơ quan nghiên cứu tại Nga. Ông cũng là giảng viên tại Trường Kinh doanh Đại học Tổng hợp Lomonosov Moscow (Lomonosov MSUBS). Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét