10 ngày sau khi phía Singapore đồng ý để công an Việt Nam áp giải Vũ “Nhôm” – thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ “về nước quy án”, đã hé lộ vài dấu hiệu cho thấy các ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc đang tăng vọt cường độ chỉ đạo để “bóc gỡ” đường dây bảo kê cho Vũ “Nhôm” đào thoát khỏi Việt Nam vào cuối tháng 12/2017, nhằm “phục vụ Hội nghị trung ương 7” có thể diễn ra vào quý 2 năm 2018 hoặc sớm hơn.
Trong bối cảnh chính quyền thành phố Đà Nẵng của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ – nhân vật còn trụ lại sau khi Nguyễn Xuân Anh trở thành cựu bí thư và cũng là cựu của toàn bộ các chức vụ khác – liên tiếp gia tăng sức ép đòi “siết” tài sản của Vũ “Nhôm” và nhận được sự ủng hộ không quá kín đáo của Thủ tướng Phúc, giới blogger được xem là “gần đảng” hay “thân đảng” bắt đầu đề cập đến trách nhiệm vừa hành chính vừa hình sự đối với một số nhân vật chưa công khai danh tính nằm trong đường dây bảo kê cho Vũ “Nhôm” đào thoát.
Blogger Hoàng Hải Vân, nguyên là nhà báo của báo Thanh Niên thuộc cơ quan Trung ương đoàn, vừa nêu ra hàng loạt câu hỏi – có thể được xem là chủ chốt nhất- về vụ Vũ “Nhôm” như vụ hàng chục khu đất công ở những vị trí đắc địa nhất của Đà Nẵng được bán cho Vũ nhôm với cái giá rẻ mạt không qua đấu giá, đã đem lại cho Vũ nhôm một khoản chênh lệch khổng lồ. Trong số những công sản được bán rẻ mạt cho Vũ nhôm nói trên, nhiều trường hợp được bán dưới sức ép của một cơ quan có quyền thế nào đó ở Trung ương, việc gây sức ép đó có để lại dấu tích bằng văn bản. Những người quyết định bán công sản một cách phi pháp này không thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Blogger Hoàng Hải Vân cũng “chắc rằng Vũ nhôm chẳng có “bí mật quốc gia” gì để mà đem đổi chác, ngoài cái bí mật của đường dây bảo kê cho anh ta. Nhưng hãy coi chừng, rất có thể ai đó trong đường dây bảo kê của anh ta sẽ bỏ trốn. Và những người này rất có thể nắm giữ bí mật gì đó để có thể mang đi đổi chác. Cho nên, ngoài việc bảo vệ nghiêm ngặt tính mạng cho Vũ nhôm trong trại giam để đề phòng diệt khẩu, không thể không quản thúc những kẻ bảo kê đã lộ diện”.
Trước đó, đã có tin đồn đoán về khả năng Phan Văn Anh Vũ bị “diệt khẩu”. Dù tin tức này chỉ mới mông lung, nhưng cứ nhìn vào cái cách Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh được những cái ô che chắn tại phiên tòa xử “Thăng – Thanh” vào đầu tháng 1/2018 cũng đủ thấy mức độ bảo vệ bị cáo khỏi bị ám sát đã được ngành công an tăng cường cao độ.
Từ trước khi “Vũ về”, đã xuất hiện những đồn đoán về khả năng một số quan chức, kể cả nhà báo liên quan đến Vũ, có khả năng sẽ gặp rắc rối, thậm chí có thể bị “nhập kho”. Đặc biệt, cánh bên đảng muốn truy ra ai và thế lực nào đã bảo kê để Phan Văn Anh Vũ dời gót sang Singapore một cách ngon trớn đến thế.
Ngay sau khi “Vũ về”, blogger Huy Đức đã viết bóng gió về một số viên tướng công an nào đó – liên quan vụ Vũ “Nhôm” đào thoát – sắp vào “lò” của Tổng bí thư Trọng.
Dù chỉ được đánh giá là một con chốt, nhưng Phan Văn Anh Vũ lại có vai trò như một “hồ sơ sống” đối với nhiều quan chức, và có thể tác động lớn đối với bàn cờ tương quan quyền lực và xung đột chính trị ở Việt Nam.
Công cuộc “ra đi tìm đường cứu nước” bị thất bại của Vũ “Nhôm” đã mang lại chiến quả không nhỏ cho hai ông Trọng và Phúc, nhưng cũng dẫn đến tai họa cho những nhân vật chính trị đứng sau Vũ “Nhôm”. Bàn cờ chính trị Việt Nam cũng rất có thể do nhân vật Vũ “Nhôm” mà mất quân đáng kể, với tâm điểm chính là Bộ Công an – một “mặt trận” mà có lẽ ông Trọng muốn “thay máu” từ lâu.
Ngay sau vụ Vũ “Nhôm”, nội tình Bộ Công an lại xảy ra một vụ khác: Trung tướng Phan Văn Vĩnh – cựu Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát thuộc Bộ Công an – đang có nhiều dấu hiệu bị bắt giam. Cho tới hôm nay, nghĩa là sau 3 ngày từ lúc Facebook Lê Nguyễn Hương Trà phát tin về tướng Vĩnh bị bắt và cũng 3 ngày sau khi Thiếu tướng Lương Tam Quang- Chánh Văn phòng Bộ Công an – thông tin cho báo Pháp Luật TP.HCM: “Hiện chưa có thông tin gì về việc khởi tố này. Đây là thông tin không có căn cứ, cơ sở gì”, người ta vẫn không hề thấy bóng dáng hay phát ngôn nào của tướng Phan Văn Vĩnh. Từ đó, giả thiết cho rằng ông Vĩnh bị bắt thật và vụ bắt bớ này có thể mở màn cho một con khủng hoảng trong Bộ Công an vào năm 2108 đang ngày càng có cơ sở.
Một khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới là không phải báo chí nhà nước, mà chính giới blogger “gần đảng” hay “thân đảng” sẽ thông tin lên mạng xã hội về những cái tên quan chức cao cấp của Bộ Công an phải “vào lò” theo cách hoặc “rớt sao”, hoặc “rớt sao và nhập kho”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét