Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

351 - Tranh cãi về 'Di chúc Lenin muốn loại Stalin'




LeninBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionLenin không nói ai có thể thay thế ông lãnh đạo Liên Xô

Một trong những vấn đề còn gây tranh cãi về lịch sử Liên Xô xoay quanh tài liệu thường được gọi là "Di chúc" của Vladimir Ilyich Lenin (1870-1924).
Trong văn bản ngắn ngủi chỉ khoảng 600 chữ, Lenin đã lên án Stalin và kêu gọi các đồng chí của mình loại Stalin ra khỏi chức Tổng bí thư. Từ 1922 đến 1924, lãnh tụ vô sản và là người sáng lập liên bang Xô Viết bị nhiều lần đột quỵ, khiến ông rốt cuộc gần như bất động, dẫn tới việc không kịp sắp xếp người kế vị.

Từ ngày 22/12/1922 đến 4/1/1923, Lenin bắt đầu đọc nội dung "Di chúc", chủ yếu cho người thư ký Maria Volodicheva.
Ông yêu cầu đánh máy thành 5 bản. Lenin giữ một, ba bản đưa cho người vợ Nadezhda Konstantinovna, và một cho ban bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô có dấu "tuyệt mật".
Trong văn bản này, Lenin không nêu ai sẽ thay ông, và cũng chỉ ra yếu kém của toàn bộ những nhân vật cao nhất trong đảng, từ Stalin tới Trotsky, Kamenev, Zinoviev và Bukharin.

Phê phán Stalin

Phần viết về Stalin tháng 12/1922 nói: "Đồng chí Stalin, sau khi thành Tổng bí thư, đã tích lũy trong tay mình quyền lực vô hạn, và tôi không chắc, liệu đồng chí có thể, luôn luôn sử dụng quyền lực này thận trọng và thích hợp."
Đoạn viết tháng Giêng 1923 nói tiếp: "Stalin quá thô lỗ, và điểm yếu này, tuy có thể chấp nhận được trong các đồng chí, lại trở nên không thể chấp nhận cho một Tổng bí thư. Vì vậy tôi đề nghị các đồng chí nghĩ cách đưa Stalin ra khỏi vị trí này, và bổ nhiệm một người khác biệt với đồng chí Stalin, dung thứ hơn, trung thành hơn, lịch sự hơn, và quan tâm nhiều hơn đến các đồng chí khác, ít thất thường, vân vân."
"Hoàn cảnh này có vẻ chỉ là chi tiết nhỏ, nhưng tôi cảm thấy, từ quan điểm ngăn chặn sự chia rẽ trong tương lai, và từng những gì tôi đã viết về quan hệ giữa Stalin và Trotsky, đây không phải là việc nhỏ, hoặc là một việc lặt vặt như vậy lại có thể trở nên rất quan trọng."
Lenin qua đời lúc 6.50 tối ngày 21/1/1924, khi chỉ mới 53 tuổi.

Bỏ qua 'Di chúc'
Bộ tam quyền lực lúc này - Stalin, Kamenev và Zinoviev - lo lắng về nội dung văn bản, nhất là khi người vợ Lenin, Nadya, muốn công bố nội dung trên khắp nước để loại bỏ Stalin.
Bà Nadya cố gắng vận động để ý muốn của chồng được thi hành, nhưng bà không có quyền lực.
Một nguyên do giới chóp bu Liên Xô không muốn công bố văn bản rộng rãi, vì tất cả họ đều bị Lenin phê phán trong tài liệu.
Sau lễ tang Lenin, Đại hội Đảng Cộng sản nhóm họp tháng Năm 1924.
Một phần "Di chúc chính trị" được Kamenev đọc, nhưng đã bỏ đi phần Lenin kêu gọi loại trừ Stalin.



Lenin và StalinBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionLenin không hài lòng về Stalin tuy đã đưa Stalin lên làm Tổng bí thư

Tại Đại hội toàn thể này, các đại biểu bị cấm ghi chép, và không được kể lại với ai bên ngoài về văn bản.
Một cuộc bỏ phiếu diễn ra, và tất cả cùng "thông qua" nội dung văn bản.
Sau đó, tại một cuộc họp nhỏ hơn của Ban chấp hành trung ương, quy định giống hệt như vậy được thực thi, mặc dù lần này Trung ương đảng được nghe trọn vẹn nội dung "Di chúc".
Có chút ngỡ ngàng nhưng rồi Zinoviev phát biểu: "Mỗi lời nói của Ilyich đều là luật pháp. Chúng ta đã thề thực hiện mọi điều Lenin ra lệnh."
"Nhưng có một điểm mà lo lắng của Lenin không có cơ sở. Đó là về Tổng bí thư."



Leon Trotsky và vợ Natalia SedovaBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionLeon Trotsky và vợ Natalia Sedova

Tất cả đồng ý để Stalin tiếp tục nắm quyền - ngay cả Trotsky cũng bỏ phiếu tán thành.
Cuộc đấu đá chính trị diễn ra sau đó. Nạn nhân ban đầu là Trotsky, đối thủ hàng đầu của Stalin nhưng lại bị giới chóp bu rất ghét vì cho là kiêu ngạo. Ông ta bị khai trừ khỏi đảng tháng 11/1927.
Nhưng hai nhân vật trong bộ tam quyền lực, Kamenev và Zinoviev, cũng không sống lâu. Cả hai bị xử bắn năm 1936.
Nikolai Bukharin, đồng minh chính giúp Stalin loại bỏ Trotsky, bị hành hình năm 1938.
Nội dung "Di chúc chính trị" của Lenin không được công bố rộng rãi ở Liên Xô, tuy nó được báo Mỹ New York Times công bố năm 1926.
Tại Liên Xô, cho mãi tới năm 1956, khi Stalin đã qua đời, nó mới được Nikita Khrushchev tiết lộ trong bài diễn văn lên án Stalin.
Trong bài nói chuyện tại phiên họp kín đại hội ĐCSLX lần thứ XX ngày 25 tháng Hai năm 1956, Khrushchev nói: "Trí tuệ sáng suốt của Lenin còn thể hiện ở chỗ đồng chí đã để ý kịp thời nhiều đặc điểm tiêu cực của Stalin, là cái sau này đã mang lại những hậu quả rất tồi tệ."

Có thật là của Lenin?
Ở trên là câu chuyện thường được kể về "Di chúc" của Lenin.
Tuy vậy, gần đây một sử gia Nga Valentin Sakharov cho rằng Lenin không phải là tác giả của các tài liệu này.
Ông Sakharov cho rằng các tác giả của huyền thoại "Di chúc Lenin" này "chỉ có thể là Trotsky, Fotijewa, Zinoviev, Bukharin".
"Họ đã chờ cho đến khi Lenin không còn có thể viết thư, sai khiến hay đọc các tài liệu, họ đã viết các văn bản này như một biện pháp chính trị của cuộc đấu chống Stalin," sử gia Nga này cáo buộc.
Đến năm 2014, sử gia Mỹ Stephen Kotkin, từ Đại học Princeton, công bố tác phẩm đồ sộ Stalin Volume I: Paradoxes of Power, 1878-1928. Trong sách, Kotkin, dẫn lại Sakharov, tỏ ra nghi ngờ về tài liệu này.
Kotkin nhấn mạnh: "Tôi không hề xem cái gọi là Di chúc của Vladimir Lenin là bịa đặt."
"Tôi chỉ ra, giống như học giả Nga Valentin Sakharov là người đầu tiên nói chi tiết, rằng không có bằng chứng vững chắc để xác nhận Lenin tạo ra văn bản."
"Hoàn cảnh xuất hiện những lời đọc cho ghi được cho là của Lenin giai đoạn 1922-23 rất đáng nghi ngờ, và nội dung thì thay đổi theo năm tháng (cho đến lần in ấn bản thứ 5 của Toàn tập Lenin trong thập niên 1960)".
Kotkin nói thêm rằng "Di chúc", dù là ai viết ra, đã có "tác động rất lớn" đến Stalin.
Nó "ám ảnh ông ta" và đã "tác động đến tính cách" của Stalin, theo Kotkin.
Như vậy, tính chân thực của "Di chúc" của Lenin vẫn đang còn là vấn đề gây tranh luận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét