Vào ngày này năm 1961, trong diễn văn từ biệt của mình, Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã cảnh báo người dân Mỹ nên để mắt đến cái mà ông gọi là “tổ hợp công nghiệp – quân sự” (military-industrial complex) vốn phát triển trong những năm hậu Thế chiến II.
Là một người bảo thủ về mặt ngân sách, Eisenhower đã quan ngại về quy mô và chi phí ngày càng gia tăng của ngành quốc phòng Mỹ kể từ khi ông trở thành Tổng thống năm 1953. Trong bài diễn văn cuối cùng của mình, ông bày tỏ quan ngại đó bằng những từ ngữ thẳng thắn, thậm chí đã gây sốc cho một số thính giả.
Eisenhower bắt đầu bằng cách mô tả bản chất đang thay đổi của ngành quốc phòng Mỹ kể từ Thế chiến II. Nước Mỹ đã không còn có thể chấp nhận việc “xoay sở ứng biến khẩn cấp” vốn đặc trưng cho giai đoạn chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại Đức và Nhật. Thay vào đó, họ “buộc phải tạo ra một ngành công nghiệp vũ khí thường trực” và một lực lượng quân đội khổng lồ. Ông thừa nhận rằng Chiến tranh Lạnh đã biện minh cho “nhu cầu cấp bách cần có sự phát triển này,” nhưng lại lo ngại về “ảnh hưởng không chính đáng … của tổ hợp quân sự-công nghiệp.” Cụ thể, ông đã yêu cầu người dân Mỹ cảnh giác trước “nguy cơ chính sách công có thể trở thành tù nhân của một tầng lớp tinh hoa về khoa học – công nghệ.”
Cách nói thẳng thắn của Eisenhower làm choáng váng một số người ủng hộ ông. Họ tin rằng người đàn ông đã đưa đất nước đến chiến thắng ở châu Âu trong Thế chiến II và giúp họ vượt qua một số khoảnh khắc đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh đang suy nghĩ quá tiêu cực về tổ hợp công nghiệp – quân sự, vốn là xương sống của nền quốc phòng Mỹ.
Tuy nhiên, đối với hầu hết người nghe, Eisenhower chỉ đang nói về một điều đã rõ ràng. Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh đã dẫn đến sự phát triển của một ngành quốc phòng lớn và mạnh mẽ. Dù sự phát triển đó có cần thiết đến mức nào, thì như lời Eisenhower cảnh báo, tổ hợp công nghiệp – quân sự mới có thể làm suy yếu hoặc phá huỷ các thể chế và nguyên tắc mà nó được thiết kế để bảo vệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét