Một Phó giáo sư, tiến sĩ, học hàm học vị do Nhà nước phong, công bố một công trình ngôn ngữ học về chữ viết một cách phản khoa học, phản giáo dục, phản văn hóa, bị cộng đồng lên tiếng phản đối mà vẫn được quảng bá bằng mọi giá bất chấp tất cả thì thật khó hiểu cho nền học thuật nước nhà. Đến nước này thì không thể thốt lên rằng nền giáo dục và học thuật quốc gia đang rơi vào sự dốt nát một cách có hệ thống!
Nghe nói công trình do ông ấp ủ đã hơn 30 năm thì không thể biện minh do tuổi già lú lẫn mà do sự hàm hồ.
Có không ít kẻ biện minh cho ông rằng, sáng tạo có thể được cộng đồng chấp nhận hay không là chuyện thường tình. Vậy thì phải nói thêm, một sáng tạo không được chấp nhận là sáng tạo bị vứt vào sọt rác, trừ phi đó là sáng tạo đi trước thời đại. Mà sáng tạo đi trước thời đại cũng không hẳn không được cộng đồng chấp nhận nếu nó không mang lại lợi ích gì cho cộng đồng. Thường sáng tạo đi trước thời đại phải là sáng tạo có ý nghĩa thức tỉnh hay thay đổi nhận thức cộng đồng như sáng tạo của Copernic, Galileo. Dù tòa dị giáo trung cổ (lực lượng thống trị rất thiểu số nhé) không chấp nhận nhưng giới khoa học và cộng đồng thừa nhận, cho nên phát hiện của Copernic, Galileo mới có nghĩa cách mạng to lớn cho cả thời đại Phục Hưng.
Lại có kẻ biện minh rằng, chữ viết Bùi Hiền thì phải đọc theo quy ước của Bùi Hiền. Đọc theo âm đọc của chữ viết cũ là xuyên tạc làm méo mó chữ viết của cụ. Thì ra lý do đăng ký bản quyền của cụ, như cụ tiết lộ, chính là đây. Không nghi ngờ gì nữa, sự dốt nát đã lộ liễu thành hệ thống từ cá nhân đến một số người, đặc biệt là cơ quan chức năng cấp cái chứng nhận sở hữu bản quyền kia. Từ xưa đến giờ, chưa có một thường dân từ vô học đến có học, từ người ngoài chuyên môn đến giới chuyên môn nào lại xem một “quy ước” nào đó là của cá nhân. Bất cứ quy ước nào cũng là thỏa thuận từ hai người trở lên và cái quy ước ấy phải được sử dụng chung trong phạm vi những người thỏa ước. Không có quy ước nào có tính cá nhân cả. Hơn nữa đây là ngôn ngữ, dù là chữ viết. Ngôn ngữ là khế ước của cả cộng đồng, là của thừa tự, là tài sản chung của một dân tộc (F.de Saussure). Nhờ tính chất xã hội ấy mà ngôn ngữ vận hành thông suốt trong giao tiếp. Riêng chữ viết, đành rằng có những thời điểm phạm vi hoạt động của nó hạn hẹp, do một ai đó sáng chế ra hoặc chỉ vận hành trong thiểu số những người có học, nhưng một khi đã lưu thông, dù rộng dù hẹp đều vẫn phải được cộng đồng ấy chấp nhận và trở thành tài sản chung. Hơn nữa, từ khi thoát nạn mù chữ, cái chữ đã được phổ cập, chữ viết tiếng Việt đã hoàn toàn là khế ước rộng rãi, là của thừa tự, là tài sản không của riêng ai. Mọi sự cải biến, sử dụng tùy tiện đều có tội phá hoại, giống như tội phá hoại tài sản của cha ông, của quốc gia dân tộc.
Không rõ Cục bản quyền tác giả có trình độ hiểu biết thế nào mà cấp chứng nhận bản quyền cho cái sản phẩm phá hoại ấy? Nếu đúng như ông Bùi Hiền nói, từ bản chứng nhận này, ai xuyên tạc chữ viết của ông, ông sẽ khởi kiện ra tòa thì hóa ra nhà nước đang bảo kê cho kẻ phá hoại, dùng kẻ phá hoại chống đối và thách thức cả cộng đồng tiếng Việt?
Tôi đề nghị, nếu cái chữ viết bậy bạ ấy là của riêng ông hay của một nhóm người bậy bạ nào đó thì đề nghị ông hãy cất giữ thật kín hoặc sử dụng riêng trong nhóm người ấy. Còn đã quảng bá ra ngoài là mắc tội gây nhiễu loạn, làm hư hỏng tài sản tiếng Việt. Nay mai, nếu phát hiện có học sinh viết sai chính tả do ảnh hưởng từ chữ viết Bùi Hiền, tôi sẽ là người khởi kiện ông Bùi Hiền và cái Cục bảo kê cho ông ấy ra tòa. Nói là làm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét