Sự lan tỏa nhanh chóng của các cuộc bạo động dân sự bắt đầu vào cuối tháng 12 tại các thị xã và thành phố ở Iran đã làm hầu hết mọi người ngạc nhiên, từ chính phủ mang tư duy cải cách của Tổng thống Hassan Rouhani cho tới nhiều người dân và các nhà quan sát. Bắt đầu tại Mashhad, một thành phố tôn giáo lớn ở Đông Bắc nước này và cũng là thành trì của các đối thủ theo đường lối bảo thủ chống lại Tổng thống Rouhani, các cuộc biểu tình đã nuốt chửng một vài thị trấn nhỏ với tốc độ và sự khốc liệt mà ít người có thể dự đoán được.
Ban đầu nổ ra bởi chi phí sinh hoạt tăng cao và sự gia tăng bất bình đẳng kinh tế và xã hội, các cuộc biểu tình nhanh chóng trở thành một sự phủ nhận đối với bản thân chế độ cầm quyền. Trong khi phần lớn sự giận dữ là nhằm vào giới tăng lữ nắm quyền do Lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei cầm đầu, thì các nhà cải cách cũng đang bị đe dọa không kém các đối thủ theo đường lối cứng rắn của họ.
Các nhà cải cách Iran dường như chưa quen với việc trở thành mục tiêu của sự thất vọng của công chúng. Trong cuộc bầu cử tổng thống nước này, các nhà cải cách chính trị đã liên tục giải quyết sự bất mãn của người dân bằng cách đưa ra những lời hứa cho một tương lai đầy hi vọng. Vai trò lịch sử đó trái ngược với trách nhiệm hiện tại của các nhà cải cách trong việc phục hồi luật pháp và trật tự cho các khu vực đô thị của Iran.
Đạt đa số phiếu với 57% số phiếu bầu của cử tri trong bối cảnh tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở mức cao, Tổng thống Rouhani mới bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình cách đây 7 tháng. Tuy nhiên, các sự kiện gần đây dường như cho thấy giới trẻ Iran đang nghi ngờ liệu Tổng thống Rouhani có thể đem lại sự thịnh vượng hơn nữa cho đất nước và một chính quyền Hồi giáo ôn hòa hơn so với chính quyền mà các đối thủ theo đường lối cứng rắn của ông mang lại.
Có lẽ rủi ro lớn nhất từ làn sóng bạo động liên quan đến kế hoạch cải cách kinh tế của Rouhani. Các cuộc biểu tình vẫn bùng phát bất chấp sự tăng trưởng kinh tế khiêm tốn của Iran trong hai năm qua. Mặc dù gặp khó khăn bởi giá dầu thế giới xuống thấp và dòng vốn đầu tư nước ngoài yếu ớt, các chỉ số kinh tế của nước này vẫn đi đúng hướng kể từ tháng 1 năm 2016 khi nhiều biện pháp trừng phạt quốc tế đã được dỡ bỏ theo sau thỏa thuận năm 2015 nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP của Iran đang tăng trưởng với tốc độ hàng năm hơn 4%, với những dấu hiệu đáng khích lệ rằng trong thời kỳ hậu cấm vận, tăng trưởng đang mở rộng sang các ngành phi dầu lửa. Năm ngoái, tăng trưởng nước này đạt 12,5%, chủ yếu là nhờ sự phục hồi sản lượng và xuất khẩu dầu. Dù lạm phát vẫn còn cao, khoảng 10%, điều này vẫn thể hiện một sự cải thiện mạnh mẽ so với mức lạm phát rất cao lúc các biện pháp trừng phạt còn hiệu lực.
Dĩ nhiên, không có mối quan hệ tuyến tính giữa các chỉ số kinh tế với quan điểm của công chúng. Mặc dù suy nghĩ thông thường thường quy những bất ổn và rối loạn chính trị là do nền kinh tế gặp khó khăn, nhưng thực tế thì lại không luôn như thế. Ví dụ, ở Trung Đông, cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 của Iran và cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập năm 2011 đều diễn sau thời kỳ khu vực này đang có được sự thịnh vượng lớn nhờ giá dầu bùng nổ chưa từng thấy.
Tuy nhiên, sự cải thiện về kinh tế của Iran sau thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã không lớn như kỳ vọng. Sự thất vọng rõ nhất dường như ở chỗ tăng trưởng kinh tế không thể giúp cải thiện tỷ lệ thất nghiệp tồi tệ của Iran. Tổng tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng gần 13%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ, theo số liệu chính thức là 29%, nhưng thực tế thì vào khoảng gần 40% – thuộc những nước có tỷ lệ cao nhất trên thế giới.
Hiện tại, vấn đề thất nghiệp đang là trung tâm của sự giận dữ của công chúng, đặc biệt là đối với giới trẻ thành thị ngày càng bất mãn với chính quyền, và đây cũng là những người đã thổi bùng lên các cuộc bạo động gần đây. Những cử nhân đại học, đặc biệt là nữ giới, là những người có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất. Dù ngày càng nhiều phụ nữ trẻ Iran theo học đại học hơn so với nam giới, thì tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ ở Iran năm ngoái chỉ là 15%, giảm so với mức 20% một thập niên trước.
Tạo việc làm vẫn là thách thức chủ yếu đối với chính phủ của Tổng thống Rouhani. Ổn định thất nghiệp trong ngắn hạn sẽ là một nhiệm vụ khó khăn vì khoảng 840.000 người dự kiến sẽ tham gia thị trường lao động chỉ trong năm tới. Với hơn 40% dân số trong độ tuổi từ 15 đến 34, việc bổ sung đủ việc làm trong dài hạn cũng sẽ không hề đơn giản.
Nhìn trong bối cảnh đó, các cuộc biểu tình gần đây đã làm suy yếu giới cải cách Iran bằng cách làm xói mòn vị thế nguồn mang lại hi vọng duy nhất của họ, để tạo ra một khoảng cách giữa các chính sách tân tự do của chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế của Iran với mục tiêu tăng cường sự ủng hộ của người dân. Và các nhà cải cách cũng có nguy cơ đánh mất vị thế chính trị vào tay các đối thủ theo quan điểm cứng rắn của họ, những người có thể sẽ áp dụng hướng tiếp cận “quả đấm sắt” để bảo đảm an ninh, ngáng đường việc nới lỏng từ từ các hạn chế của Rouhani.
Tuy nhiên, có một điểm sáng hi vọng cho các nhà cải cách. Trong khi nhiều người Iran khao khát được trao quyền kinh tế, nhiều người khác còn e ngại hơn về viễn cảnh đất nước trượt vào một tình trạng hỗn loạn và vô chính phủ. Không như các cuộc biểu tình hồi năm 2009, và đã biết đến kết quả đáng thất vọng của phong trào Mùa xuân Ả Rập, tầng lớp trung lưu của Iran cho đến nay đã cảnh giác, quan sát từ xa các cuộc biểu tình với một tâm lý e ngại.
Nghịch lý ở đây là sự sợ hãi chứ không phải niềm hi vọng thay đổi của những người dân Iran bất mãn mới chính là yếu tố giúp giải cứu chương trình nghị sự của Tổng thống Rouhani.
Hassan Hakimian, Giám đốc Viện Trung Đông London và Giảng viên Kinh tế tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (SOAS), là đồng chủ biên cuốn Iran and the Global Economy: Petro Populism, Islam and Economic Sanctions.
Copyright: Project Syndicate 2018 – What’s Driving Iran’s Protests?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét