BBC -
Con người là 'mắt xích cuối cùng' của chu trình canh tác nhiễm hóa chất và con người bị tàn phá sức khỏe là chuyện đương nhiên, theo Nhà sáng lập Greener Group.
Trả lời BBC tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Phương, cũng là kiến trúc sư, nói người dân cần phải biết nguồn gốc, xuất xứ và cách gieo trồng các sản phẩm mà họ mua để ăn.
Nguyễn Hoàng Phương: Thống kê cho thấy tỉ lệ người mắc bệnh ung thư hàng năm của Việt Nam đang tăng lên rất nhanh và nó trở thành một bệnh dịch lan tràn ở khắp xã hội cũng như những căn bệnh khác có hại với sức khỏe. Và điều đó có thể cho thấy Việt Nam có vấn đề về môi trường: môi trường về không khí, nước và thực phẩm. Có thể là sự kết hợp của cả ba thứ đó. Tuy nhiên câu chuyện về thực phẩm bẩn nó đã tồn tại hàng chục năm rồi bởi nông nghiệp của Việt Nam đã bị nhiễm hóa chất rất lớn qua quá trình canh tác.
Tại Việt Nam nguồn nước là vấn đề lớn nhất. Canh tác nông nghiệp với việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ hóa học và không có liều lượng nào được khuyến cáo hoặc được chấp nhận đã đẩy tới thực trạng là những dư lượng đó trong đất bị ngấm theo nước mưa xuống mạch nước ngầm và từ mạch nước ngầm đó lan tràn ra khắp cả vùng đồng bằng, cả Bắc bộ và Nam bộ.
Nước nhiễm kim loại nặng và các loại hóa chất đó đã ảnh hưởng trực tiếp tới súc vật nuôi. Ví dụ như cá, thủy sản và tiếp tục đó là ảnh hưởng tới cây thực vật rồi từ đó ảnh hưởng tới thức ăn gia súc và cuối cùng là con người lại ăn tất cả những thứ đó qua bữa ăn hàng ngày của mình. Con người là mắt xích cuối cùng của chu trình hóa chất đó và con người bị tàn phá sức khỏe là chuyện đương nhiên.
BBC: Công việc cụ thể của nhóm Greener là gì?
Nguyễn Hoàng Phương: Bản chất của Greener Group chính là một cộng đồng kết nối và khuyến khích tất cả những người nào muốn có được cuộc sống có thực phẩm sạch và an toàn hơn rất nhiều.
Nhóm chúng tôi được thành lập vào năm 2013. Đầu tiên thì chúng tôi quan tâm tới các vấn đề môi trường nói chung như không khí, nguồn nước, cảnh quan… Tuy nhiên khi nhìn thấy câu chuyện nổi trội là thực phẩm ảnh hưởng tới chất lượng sống và tính mạng con người thì ngay lập tức chúng tôi thấy cần phải đi tìm nguyên nhân và giải pháp để làm sao có được thực phẩm sạch.
Do đó chúng tôi đang lật lại từng mắt xích đó. Chúng tôi đang cố gắng sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu hữu cơ, thuốc diệt cỏ hữu cơ và khuyến nghị người nông dân đi theo con đường khác tức là nông nghiệp hữu cơ.
Thực ra trong chuỗi cung cầu này thì người nông dân là người thiệt hại rất nhiều. Các sản phẩm của họ chủ yếu là bán cho những lái buôn, chủ thầu chứ không bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Và cái giá người tiêu dùng trả là giá rất cao là do khâu trung gian. Khi chúng tôi tính toán thì trồng trọt hữu cơ và trồng trọt vô cơ thì chi phí vượt lên không quá nhiều. Tất nhiên phải có một khâu nào đó thua thiệt và đó chính là khâu trung gian và bài toán phải giải quyết là xóa bỏ khâu trung gian thì người tiêu dùng cũng được lợi và người nông dân cũng được lợi.Tức là chúng tôi giúp họ đưa các sản phẩm sạch tới tay người tiêu dùng để khép kín chuỗi cung cầu. Bởi nếu không làm vậy thì các sản phẩm người nông dân làm ra không ai biết, không ai mua thì cuối cùng người nông dân lại quay lại thói quen cũ là đi vào các sản phẩm cho phép họ "ăn xổi" tuy ảnh hưởng tới sức khỏe con người rất lớn.
BBC: Khó khăn nhất trong công việc của nhóm là gì?
Nguyễn Hoàng Phương: Khó khăn nhất chính là thay đổi thói quen của người nông dân. Họ đang sống và làm như vậy hàng chục năm nay. Tuy nhiên họ bắt đầu giật mình và thấy các sản phẩm hóa học như vậy ảnh hưởng tới chính sức khỏe của họ và họ bắt đầu mong muốn có thay đổi. Tuy nhiên họ vẫn chần chừ là nếu thay đổi như thế thì họ có thể bán ra thị trường được hay không và họ có thể thu được tiền thế nào để tiếp tục cuộc sống bình thường. Thì lúc này phải có những người làm trung gian giúp họ đưa sản phẩm sạch, được trồng theo quy trình sạch như thế ra thị trường. Giới thiệu với người tiêu dùng và khi người tiêu dùng đồng ý mua sản phẩm đó thì cả người tiêu dùng và người sản xuất bắt đầu giúp nhau trong một quy trình thay đổi theo một hướng đi khác, đó là trồng trọt hữu cơ.
Chúng tôi dùng Facebook làm công cụ để người sử dụng có thể tương tác và giao tiếp và chúng tôi cũng muốn những người nông dân với tư cách là người sản xuất và cũng là người tiêu dùng kết bạn với nhau trên Facebook và tương tác với nhau. Tất cả hành vi của người nông dân đều được điều chỉnh bởi người tiêu dùng vì người ta phải công khai và minh bạch tất cả mọi thứ trong quá trình sản xuất và anh sẽ được khách hàng quay lại giúp anh bằng cách tiêu thụ những sản phẩm như thế.
Tôi nghĩ là hiện các cơ quan phụ trách an toàn thực phẩm của nhà nước cũng biết các vấn đề này vì họ phải va chạm và ăn uống thực phẩm không sạch hàng ngày. Tuy nhiên giải quyết được vấn đề này không phải dễ.Việt Nam có đường biên giới dài với nhiều nước và buôn bán tiểu ngạch đưa rất nhiều thực phẩm các loại khác nhau vào và đó là thực trạng rất khó kiểm soát được về chất lượng. Có rất nhiều loại hoa quả, nấm từ Trung Quốc, kể cả thuốc trừ cỏ trừ sâu không được cấp phép cũng được tuồn qua biên giới. Những người sống tại đô thị rất lo lắng vì họ không phân biệt nổi đâu là hàng trồng trong nước và đâu là hàng nhập và chất lượng của nó thế nào. Đó dường như là một bài toán không có lời giải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét