Một góc thủ đô Teheran, Iran, ngày 02/01/2018.
ATTA KENARE / AFP
Sau năm ngày bạo động biểu tình phản đối chính phủ, dẫn đến
hệ quả là hàng trăm người bị bắt và hơn một chục người chết, tình hình tại Iran
vẫn căng thẳng. Nhiều nhà phân tích cho rằng sự bùng nổ làn sóng phản kháng này
là do chính sách khắc khổ.
Theo chuyên gia Esfandyar Batmanghelidj, sáng lập viên Diễn
đàn Doanh nghiệp châu Âu – Iran, được AFP trích dẫn, thì người dân Iran thường
hay biểu tình, bày tỏ bất bình, phản đối, trước các vấn đề kinh tế, xã hội thuần
túy, như tình trạng thiếu công ăn việc làm, tương lai bất định… . Và chính sách
khắc khổ mà tổng thống Hassan Rohani áp dụng từ năm 2013 là nguồn cội của các bất
ổn trong những ngày qua: giảm các khoản ngân sách xã hội hay tăng giá nhiên liệu…
Người dân Iran, sau một giai đoạn bị cấm vận khó khăn, giờ
còn bị yêu cầu thắt lưng buộc bụng, nên càng thêm mất kiên nhẫn. Do đó, theo giải
thích của ông Ahmad Parhizi, một nhà báo tại Téhéran với ban tiếng Pháp đài
RFI, viễn cảnh tương lai mịt mù là nguyên nhân nổi loạn của giới trẻ.
« Đa số những người xuống đường phản đối là giới trẻ Iran,
tuyệt vọng vì không thấy được chút tương lai sáng sủa nào trong trước mắt. Họ
tìm cách tác động lên tất cả các đảng phái chính trị, nhất là những người ủng hộ
cải cách bên trong chính phủ. Họ không tin rằng chính phủ hiện nay có khả năng
hoặc có thiện chí giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị và nhất là chống
tham nhũng. Chính vì vậy mà họ trở nên rất kiên quyết ».
Vẫn theo ông Ahmad Parhizi, cũng có nhiều khả năng các đối
thủ chính trị của phe chủ trương ôn hòa muốn tìm cách phá hoại các chính sách
kinh tế của chính phủ.
« Các vụ bạo động bắt đầu nổ ra từ Machhad, thành phố lớn thứ
hai của Iran theo hệ phái Shia, theo một lời kêu gọi « nặc danh » từ phía đối
thủ của tổng thống Rohani. Những người này đang tìm cách hạ bệ vị tổng thống có
chủ trương ôn hòa hoặc chí ít là làm suy yếu ông. Ban đầu, họ kêu gọi biểu tình
chống vật giá leo thang, nhưng sau đó, họ đã mất khả năng kiểm soát các cuộc biểu
tình. Và ngọn lửa biểu tình đã nhanh chóng lan sang các thành phố khác, nhất là
các thành phố vừa và nhỏ..
Về phần mình, chính quyền Teheran đã cáo buộc lực lượng thù
địch ngoại bang khích động làn sóng phản đối, vào lúc tổng thống Mỹ có những
tuyên bố thể hiện rõ lập trường chống Iran. Theo giáo sư Mohammad Ali Kadivar,
đại học Brown (Mỹ) thì đó là thái độ « giả dối »:
« Tổng thống Trump đã đứng về phía những người phản kháng
nhưng điều đó dường như không mấy thật tâm bởi vì trước khi đắc cử và cho đến
lúc này, tổng thống Mỹ luôn có thái độ thù nghịch với Iran. Nếu ông thật sự
quan tâm đến số phận của người dân Iran lẽ ra ông nên bắt đầu bằng việc dỡ bỏ
các lệnh cấm vận của Mỹ nhắm vào nước này. Dù gì đi nữa, tất cả mọi người dân
Iran mong muốn là Hoa Kỳ, và những nước khác đứng ngoài chuyện này. Chúng tôi
có quyền tự quyết, độc lập, và chúng tôi muốn tự giải quyết mọi vấn đề ».
Dĩ nhiên, yếu tố thiếu « không gian tự do ngôn luận » cũng
là một trong những nguyên nhân của phong trào phản kháng. Nhưng có một điều chắc
chắn là từ nhiều năm qua nền kinh tế Iran đã có nhiều dấu hiệu hụt hơi. Nhiều
cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra vài tuần trước đó do các công đoàn phát động phản
đối việc trả lương chậm cho những người làm việc trong ngành khai thác dầu, việc
đóng cửa nhà máy sản xuất xe máy kéo, và nhất là bong bóng địa ốc bùng nổ dẫn đến
việc sụp đổ các cơ sở tín dụng.
Trong bối cảnh này, dòng biểu ngữ « đả đảo chế độ độc tài »
mang tính chính trị chẳng khác nào như phao cứu sinh cho phép chính phủ trấn áp
người biểu tình. Bởi vì, khống chế các cuộc biểu tình chính trị dễ hơn là kiểm
soát các cuộc biểu tình về kinh tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét