Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

80 -Singapore có dễ ‘nhả’ Vũ ‘Nhôm’ cho Việt Nam?


Kết quả hình ảnh cho vũ nhôm
 Vũ Nhôm 

Rất nhanh, chỉ trong vài ba ngày, vụ đào thoát của trùm bất động sản Vũ “Nhôm” vào những ngày cuối năm 2017 đã được quốc tế hóa để trở thành một scandal của thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ vào đầu năm 2018, đầy hứa hẹn cho một trận xung đột mới toanh trong nội bộ đảng CSVN, thậm chí còn có thể “máu lửa” hơn cả vụ “ai bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh trốn” và “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”.

Vũ có “hồ sơ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”?

Bất kể hệ thống tuyên giáo đảng và báo chí nhà nước ở Việt Nam vẫn gần như im thin thít theo đúng tinh thần vụ “tau khỏe mà, có chi mô” của bệnh nhân ung thư kiêm trưởng ban nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh vào khoảng thời gian gần tết nguyên đán năm 2014, nhiều hãng tin quốc tế đã dồn dập đưa tin Phan Văn Anh Vũ đã chính thức gửi đơn xin tị nạn chính trị cho các cơ quan tư pháp và ngoại giao của Chính phủ Đức và Hoa Kỳ. Đến ngày 3/1/2017, còn có thông tin từ Đức cho biết “nguyện vọng của ông Phan Văn Anh Vũ được tới Đức khai báo người chủ mưu cùng toàn bộ đường dây tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin đã được Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp Đức tiếp nhận”.

Trong trường hợp Phan Văn Anh Vũ có được “hồ sơ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” và sẵn sàng trình hồ sơ này ra để đổi lấy trạng thái an toàn cho mình, đó sẽ là một giá trị không nhỏ với Đức.
Chỉ một ngày trước đó và rất có thể không hề ngẫu nhiên, một luồng thông tin có địa chỉ trên mạng xã hội đã khẳng định rằng Phan Văn Anh Vũ còn có cả hồ sơ và những bằng chứng về vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” mà Vũ đang muốn chuyển cho người Đức như một điều kiện để đổi lấy cơ chế tị nạn chính trị cho bản thân.

Cũng trước đó, một vài trang báo điện tử ngoài nước và một số trang facebook ở Việt Nam lẫn ở nước ngoài đã đưa tin về vụ Phan Văn Anh Vũ đã tẩu thoát trót lọt, và là một tình báo viên công an, Phan Văn Anh Vũ đang nắm trong tay một bản danh sách mạng lưới tình báo viên của công an Việt Nam ở nước ngoài và nhiều công ty “bình phong” của ngành công an. Nếu danh sách gián điệp này và các công ty “bình phong” bị Phan Văn Anh Vũ tiết lộ, sẽ xảy đến vô khối chao đảo trong nội bộ ngành công an…

Khỏi phải nói thêm rằng người Đức quan tâm đến vụ thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ, chứ không phải trùm bất động sản Vũ “Nhôm”, đến thế nào.

Vũ có được “bơm” tài liệu?

Chẳng hiểu từ đâu và do duyên cớ nào, người Đức lại phát hiện ra Trịnh Xuân Thanh biến mất khỏi Đức vào cuối tháng Bảy năm 2017 không phải một cách tự do mà bị mật vụ Việt Nam cưỡng bức. Vậy là phát sinh cuộc khủng hoảng “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, kéo theo di chứng khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt cho tới nay.

Từ đó đến nay, những thông tin từ phía Bộ Ngoại giao Đức và báo chí quốc tế cho thấy người Đức vẫn kiên nhẫn điều tra vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”.

Không sau tuyên bố phản đối, người Đức đã thẳng tay tạm thời đình chỉ mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam - một mức độ trừng phạt thuộc loại cao nhất. Chưa kể đến việc Đức trục xuất một loạt quan chức ngoại giao của Việt Nam và hủy luôn hiệp định giữa hai nước về miễn visa cho quan chức Việt Nam đi công cán ở Đức.

Chưa hết, hậu quả cuộc khủng hoảng Đức - Việt có thể còn lan rộng cả châu Âu, mà bằng chứng ngay trước mắt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đang trở nên xương xẩu hơn rất nhiều so với cách đây chỉ nửa năm…

Cho đến nay, vẫn còn nhiều dư luận cho rằng Tổng bí thư Trọng - người đã phát lệnh “bằng mọi cách tìm bắt Trịnh Xuân Thanh về nước quy án” - là nhân vật phải chịu trách nhiệm cao nhất trong cuộc khủng hoảng Đức- Việt.

Một dấu hỏi lớn đang nổi lên là thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ có nắm được “hồ sơ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, hay ít nhất cũng thủ trong mình một số bằng chứng nào đó về vụ việc chấn động này, để “làm quà” và đổi chác với cơ quan tư pháp Đức, hay không?

Hoặc giả sử Phan Văn Anh Vũ không nằm trong diện cán bộ tình báo được biết về vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, liệu Vũ có được một thế lực chính trị nào đó trong nội bộ “bơm” cho tài liệu về vụ việc này?

Nếu Vũ đã “khai sạch”?

Tính chất nghiêm trọng của vụ Phan Văn Anh Vũ đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng đối với nội bộ đảng khi bà Petra Schlagenhauf - luật sư đại diện cho Trịnh Xuân Thanh tại Đức - trả lời câu hỏi “Có thông tin một sĩ quan an ninh Việt Nam đã chạy sang Singapore và có thông tin để có thể cung cấp cho phía Đức về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Nếu đúng là như vậy thì theo bà điều này có ý nghĩa gì?” của Đài Á Châu Tự Do, đã nhận định “Có thể là nếu người này có thông tin ai là người ra lệnh cho vụ bắt cóc thì điều này sẽ rất đáng chú ý. Điều này là quan trọng đối với phía Đức”.

Nếu Phan Văn Anh Vũ bị lôi về Việt Nam, gần như chắc chắn đó sẽ là đại án. Đại án không chỉ về kinh tế và tham nhũng mà còn về “an ninh quốc gia” và chính trị
Trên phương diện nội bộ đảng cầm quyền ở Việt Nam, giờ đây vấn đề không chỉ là cuộc xung đột giữa cánh của Vũ “Nhôm” với Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch thành phố Đà Nẵng, người được cho là “thân với Thủ tướng Phúc”, mà đã dắt dây lên cả “trung ương”.

Ngay sau khi Vũ “Nhôm” đào thoát, có những dấu hiệu cho thấy Bộ Chính trị đảng không xem vụ này là bình thường và do đó đã tổ chức cả một “chuyên án” để “bằng mọi cách bắt bằng được Phan Văn Anh Vũ về quy án” như một quyết tâm tương tự vào tháng Tư năm 2017 đối với Trịnh Xuân Thanh.

Nếu quả thực đã xảy ra vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” như cáo buộc của Chính phủ Đức, những nhân vật chỉ đạo vụ bắt cóc có thể đang lo lắng đến mất ngủ trước thông tin, dù chưa được kiểm chứng, về Phan Văn Anh Vũ nắm được “hồ sơ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”. Hậu quả kinh khủng nào sẽ xảy ra đối với họ nếu như quả thực trong vài ngày qua và trong những ngày sắp đến, “kẻ phản bội” Phan Văn Anh Vũ tiếp xúc được với phía Đức và “khai sạch” để đổi lấy “quy chế tị nạn chính trị” - điều tương tự với tình báo viên Litvinenko của Nga đã đào thoát và tị nạn ở nước khác?

Một đường dây bảo kê cho Vũ?

Nhưng ngược hẳn với mong muốn tha thiết cùng quyết tâm chưa từng có về chuyện “bắt bằng được Phan Văn Anh Vũ” của Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng bí thư Trọng, những quan chức đã từng “ăn chịu” với trùm bất động sản Vũ “Nhôm” hoặc với thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ lại mất ngủ sau khi Vũ “Nhôm” bị khám nhà, đã tạm thở phào khi Vũ “Nhôm” bỏ trốn, sẽ tiếp tục mất ngủ và cả mất ăn khi nghe tin mạng xã hội về vụ Vũ “Nhôm” sẽ bị “dẫn độ” về Hà Nội.

Chưa kể một đường dây (nếu có) đã bảo kê cho Vũ “Nhôm” lặng biến khỏi Việt Nam…

Nếu thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ sớm bị “dẫn độ” về Việt Nam, rất có thể “chuyên án” của Bộ Chính trị đảng sẽ sớm biết rõ Phan Văn Anh Vũ đã có hay không, và nếu có thì có được những tài liệu nội bộ thuộc độ “Mật,” thậm chí “Tuyệt Mật” nào về những vấn đề nghiệp vụ của ngành công an, hay những tài liệu về mối quan hệ ngầm trong giới quan chức lãnh đạo ra sao - những bằng chứng mà có thể đủ sức “giết sống” nhiều quan chức đang tại vị.

Dù chỉ được đánh giá là một con chốt, nhưng Vũ “Nhôm” lại có vai trò như một “hồ sơ sống” đối với nhiều quan chức, và Phan Văn Anh Vũ có thể tác động lớn đối với bàn cờ tương quan quyền lực và xung đột chính trị ở Việt Nam.

Phan Văn Anh Vũ cũng rất có thể đóng vai trò đột phá khẩu cho bất kỳ phe phái nào biết lợi dụng nhân vật mà bị một số dư luận xem là “tình báo hai mang” này.

Nếu Phan Văn Anh Vũ bị lôi về Việt Nam, gần như chắc chắn đó sẽ là đại án. Đại án không chỉ về kinh tế và tham nhũng mà còn về “an ninh quốc gia” và chính trị. Và đó sẽ là cơ sở rất quan trọng để ông Trọng sẽ ngay lập tức tiến hành một kế hoạch không chỉ “chấn chỉnh nội bộ” mà còn có thể cải tổ Bộ Công An - một động thái mà Tập Cận Bình đã làm đến mức “long trời lở đất” bắt đầu từ mùa Xuân năm 2014.

Việt Nam có “mời” được Vũ?

Khả năng “mời” Phan Văn Anh Vũ về Việt Nam không quá nhỏ. Bởi nếu Trịnh Xuân Thanh đã có một thời gian đủ dài tạm trú ở Đức và đã làm hồ sơ xin tị nạn ở nước này, Phan Văn Anh Vũ chỉ mới ở Singapore mà còn chưa đặt chân lên đất Đức.

Phan Văn Anh Vũ cũng quá khó để được cơ quan Cao ủy tỵ nạn Liên hiệp quốc (UNHCR) cấp quy chế tị nạn để được Liên Hợp Quốc bảo vệ theo Công ước về vị thế của người tỵ nạn 1951.

Và còn lâu Phan Văn Anh Vũ mới trở thành “người đấu tranh nhân quyền” để được cộng đồng nhân quyền quốc tế quan tâm, tác động với các chính phủ phương Tây cho Vũ tị nạn chính trị.

Cơ hội tị nạn mong manh của Phan Văn Anh Vũ và số phận của những quan chức Việt Nam đỡ đầu cho Vũ “Nhôm” chỉ còn tùy thuộc vào Chính phủ Singapore.

Tuy vậy, giữa Singapore và Việt Nam lại chưa có hiệp định nào về dẫn độ tội phạm. Vậy kịch bản nào có thể xảy ra nếu Hà Nội quyết “mời” Phan Văn Anh Vũ về nước?

Luật sư Phùng Thanh Sơn - Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp ở Sài Gòn - đã nêu ra một nhận định đáng chú ý trên BBC: "Theo nhận định chủ quan của tôi, vị thế kinh tế lẫn chính trị của Việt Nam đang ở top dưới của thế giới và thuộc top trung của khu vực Đông Nam Á nên khả năng dẫn độ tội phạm thành công trên nguyên tắc có đi có lại là không cao, đặc biệt khi tội phạm đang cư trú tại quốc gia có vị thế kinh tế lẫn chính trị cao hơn Việt Nam."

Ngoài vấn đề “vị thế của Việt Nam”, còn có một yếu tố khác, có thể quan trọng không kém, mà sẽ khiến việc “dẫn độ” Phan Văn Anh Vũ về Việt Nam trở nên chậm chạp đến mức khiến các ông Trọng và Phúc “lên ruột’. Đó là cách nhìn và cách hành xử của người Đức về vụ Phan Văn Anh Vũ.

Trong trường hợp Phan Văn Anh Vũ có được “hồ sơ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” và sẵn sàng trình hồ sơ này ra để đổi lấy trạng thái an toàn cho mình, đó sẽ là một giá trị không nhỏ với Đức. Khi đó, xác suất Vũ được tị nạn chính trị ở Đức có thể vượt hơn 50%.


Nhưng ngay cả nếu Phan Văn Anh Vũ chẳng có “hồ sơ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, cũng chẳng có “danh sách tình báo viên ngoại tuyến”, và nói chung là chẳng có được tài liệu nào có giá trị về phương diện hoạt động tình báo, nước Đức vẫn có thể dành cho Vũ một mức độ quan tâm nào đấy, có thể đàm phán với Singapore để kéo dài quá trình điều tra xác minh và những thủ tục pháp lý quốc tế liên quan đến việc xem xét đơn xin tị nạn chính trị của Phan Văn Anh Vũ. Nhưng động thái này không phải để Vũ được tị nạn chính trị, mà đó chỉ thuần túy là một biện pháp trừng phạt mới đối với chính thể Việt Nam trong vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét