Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

93 - Liệu Tổng thống Trump sẽ chú ý Biển Đông trong năm 2018?

Người Việt
 

Các công trình xây dựng của Trung Quốc trên bãi đá Subi trong quần đảo Trường Sa. (Hình: CSIS)
Có một câu hỏi lớn trong chính sách đối ngoại của Tổng Thống Donald Trump năm 2018, đó là, liệu ông có chú trọng đến Biển Đông như từng hứa, hoặc không làm gì cả và để cho Trung Quốc cứ từ từ mà tiến?
Đó cũng là đề tài của một bài viết trên nhật báo The Washington Post số ra ngay ngày đầu năm của năm nay, tức là ngày Tết Dương Lịch.
Washington Post nói rằng, một báo cáo của Trung Quốc mới đây hoan nghênh tiến bộ trong vùng Biển Đông năm ngoái, nói rằng đã bồi đắp và xây dựng cơ sở vật chất với diện tích tổng cộng 290,000 mét vuông, tương đương 72 mẫu.Tác giả bài báo cho rằng, trong năm 2017, ông Trump tập trung vào Bắc Hàn và rõ ràng là “mê tít” ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, và nói rất ít về chuyện Bắc Kinh tiếp tục xây dựng trên các đảo, bãi đá, bãi san hô, có tranh chấp ở Biển Đông.
Công việc xây dựng này bao gồm nhà để máy bay, hầm chứa hỏa tiễn và radar, và các hệ thống do thám cảm ứng, theo các hình ảnh được chụp qua vệ tinh, mà Asia Maritime Transparency Initiative, một tổ chức nghiên cứu và cố vấn của Mỹ, xem được.
Lâu nay, Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông.
Năm 2016, Tòa Trọng Tài Quốc Tế ở The Hague, Hòa Lan, đưa ra phán quyết rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là bất hợp pháp, nhưng hầu như bị Trung Quốc, và Phiilppines, quốc gia đâm đơn kiện, làm lơ.
Sau khi bồi đắp hàng ngàn mẫu đất trong vùng quần đảo Trường Sa trong mấy năm qua, bây giờ Trung Quốc đang xây dựng các căn cứ ở đây. Một khi hoàn tất và được trang bị đầy đủ, các tiền đồn này sẽ giúp quân đội Trung Quốc tuần tra tốt hơn Biển Đông, và có nhiều khả năng thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, theo Washington Post.
Và như vậy, khi có tranh chấp lãnh thổ và tạo ảnh hưởng trong khu vực, chắc chắn Trung Quốc sẽ có nhiều lợi thế hơn.
Mặc dù chuyện tuyên bố chủ quyền và xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông xảy ra trước khi ông Trump vào Tòa Bạch Ốc, nhiều người vẫn hy vọng tổng thống sẽ đẩy lùi ảnh hưởng của Bắc Kinh mạnh hơn các vị tiền nhiệm của ông.
Chiến Lược An Ninh Quốc Gia của Tổng Thống Trump được đưa ra hồi Tháng Mười Hai nói rằng “những cố gắng của Trung Quốc để xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn trong vùng Biển Đông đe dọa tự do lưu thông thương mại, đe dọa chủ quyền các quốc gia khác, và tạo bất ổn khu vực.”
Tuy vậy, theo Washington Post, các chuyên gia không thấy đây là ưu tiên của Tòa Bạch Ốc.
“Không ai trong Tòa Bạch Ốc tập trung sâu rộng vấn đề Biển Đông, ít nhất là cho tới nay mà tôi biết được,” ông Julian Ku, giáo sư trường luật của đại học Hofstra University, một chuyên gia về Biển Đông, nói. “Tôi nghĩ, Biển Đông vẫn là chủ đề thứ yếu, và rõ ràng điều này có lợi cho Trung Quốc.”
Sự tiếp cận âm thầm của chính quyền Mỹ để Trung Quốc “tự do hành động” trong năm 2017 là một bước lùi vào một thời điểm tối quan trọng, ông Jay L. Batongbacal, giám đốc Viện Hàng Hải và Luật Biển của đại học University of the Philippines, nói.
“Nếu Trung Quốc đưa tàu và vũ khí vào các tiền đồn này, họ sẽ hoàn tất kế hoạch, họ sẽ mãi mãi thống trị Biển Đông,” ông Batongacal nói. “Bởi vì, một khi hoàn tất, họ sẽ không bao giờ rút ra.”
Theo Washington Post, trong năm mới 2018, những chuyện này có thể là thách thức đối với Tổng Thống Trump.
Khi vận động tranh cử tổng thống, ông Trump luôn coi Trung Quốc có lợi thế hơn, và cần phải cắt giảm bớt.
Trung Quốc sẽ “ đi vào Biển Đông và xây dựng những pháo đài mà có lẽ thế giới chưa bao giờ thấy,” ông Trump cảnh báo như vậy hồi năm 2016. “Bởi vì họ không tôn trọng tổng thống chúng ta và họ sẽ không tôn trọng đất nước chúng ta.”
Thế nhưng, trong năm đầu tiên tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump lại cho thấy sự tôn trọng và khen ngợi đối với Chủ Tịch Tập Cận Bình độc đoán của Trung Quốc, theo Washington Post.
Một tài liệu liên quan đến buổi gặp gỡ giữa ông Trump và ông Tập ở Bắc Kinh hồi Tháng Mười Một năm ngoái cho thấy vị tổng thống Mỹ có nêu vấn đề Biển Đông, nhưng ông lại không công khai nói về việc này. Tại Việt Nam, ông Trump bất chợt nói rằng ông sẵn sàng làm trung gian để giải quyết tranh chấp Biển Đông – mặc dù không có bên nào hưởng ứng.
Cho tới nay, theo Washington Post, chính sách của tổng thống chỉ giới hạn trong việc thực hiện Quyền Tự Do Hải Hành (FONOPs), mà chính quyền Tổng Thống Barack Obama bắt đầu thực hiện hồi năm 2015.
Đầu tiên là cho khu trục hạm USS Dewey đi vào vùng 12 hải lý xung quanh bãi đá Đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Và sau đó có một số tàu chiến nữa cũng làm y như vậy.
Một phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia nói FONOPs thách thức tuyên bố chủ quyền biển đảo quá mức của nhiều quốc gia, và đó là cách để tiếp tục có quyền tự do di chuyển trên biển và trên không.
Vấn đề ở đây là, theo các chuyên gia, FONOPs, cho tới nay, vẫn không ngăn cản được Trung Quốc tiếp tục xây dựng – và vì thế, khó có thể ngăn chặn những gì sắp xảy ra, the Washington Post.
“FONOPs không phải là chiến lược toàn diện,” bà Bonnie Glaser, một cố vấn cao cấp về Châu Á của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế ở Washington, DC, nói. “Nó không đủ để ngăn chặn Trung Quốc dưới thời Barack Obama và nó cũng sẽ không đủ như vậy dưới thời Donald Trump.”
Mặc dù ông Trump chưa cho thấy Biển Đông sẽ là ưu tiên trong năm 2018, ông có thể bị buộc phải chú trọng vấn đề này.
Nỗ lực của ông nhờ ông Tập Cận Bình giúp kềm chế Bắc Hàn không thành công. Và ông nói nhiều đến chuyện này trên Twitter. Trong những tháng tới, có thể ông bị áp lực phải có hành động cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
“Chúng ta biết rằng Ngũ Giác Đài, không giống như chính quyền Donald Trump, rất lo ngại về tình hình tại Biển Đông,” ông Richard Javad Heydarian, một nhà phân tích về an ninh khu vực có văn phòng ở Manila, Philipppines, nói. “Ngũ Giác Đài đang tìm cách ngăn chặn người Trung Quốc.”
Vấn đề ở đây là Trung Quốc sẽ làm gì kế tiếp.
Hầu hết các chuyên gia đều tin rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các dự án dân sự và quân sự. Và sau khi có đủ cơ sở cho máy bay và tàu bè, Trung Quốc sẽ tiến hành cho máy bay và tàu chiến ra vào các nơi này một các thường xuyên hơn.
“Hiện chưa có ai nghĩ đến cách là Hoa Kỳ sẽ làm gì để ngăn chặn, hoặc phản ứng, các hành động kế tiếp của Trung Quốc trong năm 2018,” bà Glaser nói. (Đ.D.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét