Mấy ngày qua tôi không có thời gian lập luận, tuy nhiên thấy thiên hạ tung hê, ngụy biện, bắt bẻ… nhiều quá nên cuối cùng cũng phải có mấy lời:
Thứ nhất, Trần Vũ Hải không nên cho rằng xử tội “cố ý làm trái” là trái nguyên tắc, không bình đẳng. Em biết anh và bạn Hiro gì đó cũng chỉ muốn đề cao việc tuân thủ các nguyên tắc hiến định và xây dựng nhà nước pháp quyền nhưng anh nên nhớ Quốc Hội là nơi đại diện cho toàn dân và có toàn quyền quy định xử lý kẻ vi phạm. Mặt khác, luật không quy định nguyên tắc hồi tố, đó là nguyên tắc chung nhưng để xử lý các quan hệ cụ thể, rất cần thiết có nghị quyết điều chỉnh (luật, nghị quyết đều do QH ban hành – có giá trị pháp lý như nhau).
Thời kỳ quá độ, chuyển tiếp cần quy định, áp dụng nghị quyết để xử lý, tránh bỏ lọt, bao che tội phạm làm nhân dân phẫn uất, cụt hứng. Mặt khác, hiến pháp quy định mọi công dân đều có quyền bình đẳng, phải được hưởng quyền như nhau, phải được xử lý như nhau. Họ vi phạm thì họ phải bị xử lý và không xử tội này theo luật cũ thì cũng phải bị xử tội khác theo luật mới nên chẳng có gì gọi là bất bình đẳng. Chẳng lẽ để cho bọn chúng thoát lưới trời, phè phởn, nhởn nhơ trong lúc hậu quả nặng nề do tội phạm gây ra đất nước, nhân dân phải gánh chịu.
Thứ hai, thiên hạ hãy an tâm về mức án. Hiện khung hình mênh mang, quan tham rộng bước; Tòa, Viện đã thấm nhuần tư tưởng xử lý của đảng nên xử 1 lần hay 2 lần thì cũng chỉ giơ cao, đánh khẽ nhằm giáo dục, răn đe, kìm chế, tránh gây hận thù giữa các phe phái, bảo toàn lực lượng … và tránh vỡ bình. Thiên hạ hãy an tâm, nếu xử 2 lần và tổng hợp thành 30 năm tù thì cũng chưa xứng với hành vi, hậu quả do tội phạm gây ra.
Thứ ba, thưa các vị luật sư bào chữa!
Hàng ngày chúng ta đồng lòng dứng trên mặt trận chống giặc nội xâm, căm thù bọn bán nước, hại dân, vơ vét lợi ích cho riêng mình; chính vì vậy, mỗi khi bắt được những kẻ đó chúng ta nên đứng về phía nhân dân, cầu mong cho cơ quan tố tụng vạch rõ những vi phạm của chúng. Tôi biết thiên chức của nghề bào chữa là gỡ tội nhưng đứng trước thời cuộc loạn lạc, cấp bách này các vị nên vì pháp luật, vì nhân dân vì đó là lý do, lý tưởng, mục đích cao cả nhất để chúng ta hướng tới. Chính vì vậy, nếu được chỉ định, được nhờ bào chữa chúng ta nên lựa chọn một là từ chối, hai là cãi những gì có dấu hiệu oan sai. Các vị không nên bắt bẻ những thủ tục thiếu sót, không nên bám nhiều vào những lập luận còn khập khiểng, không nên đỗ lỗi cơ chế, không nên ngụy biện theo hướng có tội thành có công, cố ý làm trái sang thiếu trách nhiệm … chỉ nên đề nghị CQTHTT khắc phục để chứng minh rõ tội phạm và đề nghị xử đúng người, đúng tội.
Thứ tư, các vị luật sư bào chữa hoàn toàn không nên đề nghị miễn TNHS cho loại tội phạm này vì bọn chúng mới đích thực là kẻ bán nước, cầu vinh cho bản thân, dòng họ. Chính bọn chúng là những kẻ đã ăn tàn, phá hoại tan hoang các tập đoàn cha chung, chia sẻ lợi ích, ăn cướp cả mồ hôi, công sức, nước mắt của toàn thể nhân dân và cả máu của hàng triệu liệt sỹ trên cả hai chiến tuyến. Các luật sư cũng không nên cho rằng trong số bọn chúng có kẻ không tham. Tôi thử hỏi nếu chúng không tham thì làm sao sống vương giả được vậy? Dù lập luận, chứng cứ của phía buộc tội có phần nào đó thiếu thuyết phục nhưng trong thâm tâm nhân dân Việt ai chẳng biết, chẳng hiểu bọn chúng đã từng tham lam, vơ vét, gặp trường hợp này nên đề nghị trả hồ sơ chứng minh làm rõ. Nếu tôi là điều tra viên, KSV tôi sẽ không để cho các luật sư có nhiều đất tranh luận vậy đâu. Mặt khác, nếu được miễn TNHS thì nhân dân còn tin vào đâu nữa?! Đề nghị phải có lý, có tình, còn đề nghị để gây sốc, để thiên hạ cười, để cho vui thì hoàn toàn không nên đề nghị.
Thứ năm, không nên đỗ lỗi cho cơ chế, không nên đổ tội cho cấp trên mà những ai vi phạm đều phải bị xử lý (kẻ trước, người sau, kẻ bị bỏ sót, ta ráng chịu đau … hic hic). Nếu đỗ lỗi cho cơ chế, cho cấp trên, chứng tỏ họ thiếu chí khí hoặc bất tài, vô dụng hoặc cố ý đổ tội cho người khác, trốn tránh trách nhiệm của mình. Trong vụ này, Bộ Chính trị ra chủ trương chung, Chính phủ ra quyết sách triển khai và các Tập đoàn có nhiệm vụ tham mưu, xây dựng đề án, góp ý triển khai. Ông Thăng, ông Thanh và đám cận thần là những cán bộ cấp cao, bằng cấp đầy đủ, mang nhiệm vụ của tập đoàn, ăn lương bổng nhà nước – được dân trả công thì các ông ấy phải có phương án khả thi, phải biết phản biện, phải biết tuân thủ phát luật, nguyên tắc làm việc và triển khai phương án kinh doanh. Nếu biết sai, chưa hợp lý mà lợi dụng nó để tự tung, tự tác, nhắm mắt làm bừa, để vun vén cá nhân thì trước hết họ phải tự chịu trách nhiệm, không nên đổ lỗi cho ai. Dân bầu, đảng cử, được trả lương thì họ phải có trách nhiệm; họ không phải là vật vô tri, làm bù nhìn, làm tranh vẽ hoặc chỉ là đầu sai nên họ không thể đổ thừa hoặc san sẻ tội trạng. Tuy nhiên, trong vụ việc này cần phải truy cứu trách nhiệm của thủ tướng và một số thành viên chính phủ và kể cả một số ủy viên chóp bu khác với tư cách là đồng phạm.
Thứ sáu, không thể lấy chút công sức trong quá khứ để bao biện, che lấp tội trạng. Công trạng là do cả tập đoàn – cả ngàn công dân lập nên chứ không của riêng gì họ. Mặt khác, nên nhớ rằng họ đã được dân trả lương thì họ phải làm việc và tôi tin rằng trên đất nước này hàng triệu người làm được việc như họ chứ không riêng gì họ. Làm việc thì ít ra cũng phải có kết quả mới tồn tại; làm việc có kết quả tốt thì mới có chút cơ hội được thăng quan tiến chức, trèo cao, hưởng lộc; nếu làm không được, làm bậy thì họ đã bị sa thải từ lâu chứ không để đến tận bây giờ. Có thể ngày trước ông Thăng xông xáo, làm được một số việc và đạt được một số kết quả nhưng suy cho cùng đó là việc một cán bộ, đảng viên, công chức phải làm, một kết quả bình thường mà rất nhiều người nếu được trao cơ hội họ sẽ làm được. Mặt khác, khi xét công là phải xét toàn diện, đừng vì một chút kết quả ban đầu mà cho rằng công ngang tội hoặc lớn hơn tội. Kết quả cuối cùng là các tập đoàn tan nát, nợ nần chồng chất, nền kinh tế lụn bại phải không các vị? Vậy thì chút công của họ đáng để tâng bốc, ngụy tội hay không?
Thứ bảy, họ có khóc thì đó cũng là chuyện bình thường, chưa nên đánh giá đó là một phiên tòa đẫm lệ để đánh lạc hướng dư luận. Nhiều kẻ giết người hàng loạt khi bị tù, bị xử tử còn hối hận, còn nhớ gia quyến và khóc nức nở đó là vì trong họ vẫn còn chút nhân tâm và nó cũng như bọn quan tham khi vướng tù đày thì chút nhân tâm còn lại của con người sẽ trỗi dậy. Tôi cho rằng đó là giọt nước mắt bình thường của một con người, chỉ đáng để ghi nhận, không đáng để tung hô, đề cao kẻ khóc lên tận mây xanh.
Có những luật sư đã cho rằng 95% những người tham dự phiên tòa đã khóc và lấy con số đó để tung hô và đánh lừa nhân dân, tạo sóng dư luận. Xin thưa, tôi không rõ nhân dân tiến bộ có được tham dự hay không nhưng tôi nghĩ rằng 95% đó đại đa số là cán bộ, công chức và người thân quen của bị cáo. Nếu vậy, họ khóc là đúng rồi, vì họ cùng một phía và phía đó chỉ là nhóm thiểu số quá ít, không phải là đại đa số quần chúng nhân dân đã từng bị bọn chúng đội lốt đảng cướp bóc, đè đầu suốt mấy chục năm ròng. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng nếu những giọt nước mắt đó dành cho dân oan, dân nghèo và tất cả những ai đã bị cướp mồ hôi, xương máu thì mới đáng nể trọng chút lương tri còn lại. Những giọt nước mắt của anh em ông Vươn, ông Chấn, ông Nén, ông Hiến nói riêng và hàng triệu dân oan, dân nghèo nói chung, của những liệt sỹ trước lúc ra trận, trước lúc nhắm mắt mới đáng để thương, để trân trọng và để lưu truyền.
Tôi cũng rất tiếc vì trong thiên hạ sau đó cũng có một số người khóc không đúng chỗ.
Thứ tám, ông Thăng có nhận trách nhiệm về mình cũng là điều nên làm vì ông ấy và thủ tướng là kẻ đầu tàu và để chìm tàu, chúng ta không nên khen ngợi với giọng điệu tâng bốc, đề cao vì một đứa trẻ ít học còn biết nhận lỗi.
Thứ chín, gia cảnh cha bệnh, mẹ đau, con nhỏ, trách nhiệm của phu, phụ thì ai mà chẳng gặp trong đời và tất nhiên sẽ được tòa xem xét; ông Thăng trình bày là việc của ông nên nói, đừng đưa một lời trình bày gia cảnh hết sức bình thường lên thành một lí do đặc biệt để mong giảm án nhiều vì xét cho cùng nếu thương cha, mẹ, vợ, con ông ấy đã không sa vào con đường tội lỗi.
Thứ mười, ông Thăng nhận ra được “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” khi đã quá muộn và xét cho cùng đó là giá phải trả cho lòng tham vô đáy của một con người. Chúng ta không nên vẽ hươu, vẽ vượn, không nên thương vay, khóc mướn vì những câu nói này.
Trên đây là một vài ý kiến viết vội nên cũng có thể có những câu chữ, ý, tứ chưa chuẩn xác, đầy đủ, có thể làm bạn đọc hiểu nhầm, mong bạn đọc thông cảm và góp ý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét