Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

1054 - Táo quân VTV: sự lụi tàn của hài kịch theo định hướng XHCN?

Phùng Hoài Ngọc (VNTB) 


Ban đầu Nam Tào và Bắc Đẩu được xây dựng như hai phe thường có ý kiến trái chiều, phản biện lẫn nhau, Ngọc Hoàng ra quyết định tối hậu. Gần đây vai trò Bắc Đẩu chỉ còn là thuần tuý chọc cười, vô duyên lắm.

Một cảnh trong chương trình Táo quân 2018
Cảm nhận chung 

“Táo quân gặp gỡ cuối năm” chỉ là hành vi xả xú páp cho công chúng cười ngả nghiêng rồi…quên tất cả. Tuy nhiên tiếng cười cũng ít nhiều có khả năng nâng cao tinh thần dân chủ một chút nếu có kịch bản hay. Đó là chương trình hài chính luận như mọi người mặc nhiên hiểu vậy. 

Mười lăm năm đủ để đánh giá chung kết một tiết mục hài VTV từng ăn khách mang tính “quốc gia”. 

Hài kịch vốn là thể loại kịch có từ thời cổ đại, tiến một bước lớn sang thời cổ điển, rồi lên tới đỉnh cao thời hiện đại và tồn tại song song với hài kịch dân gian. Nhưng với Táo quân hiện nay, nó vẫn chưa thoát ra khỏi hài kịch dân gian, bao gồm: đã chuyển thể tiếng khóc thành tiếng cười; chuyển ngữ tiếng thét căm hận thành tiếng cười dễ dãi; không có khả năng phát hiện vấn đề xã hội. 

Do đó, Táo quân châm biếm BOT nhưng né tránh quan chức đầu não, hóa ra Táo kinh tế chế giễu giới tài xế. Táo Kinh tế (Quang Thắng) nói rằng đường lên thiên đình cũng có trạm BOT, táo xài hàng ngàn tỷ mà lách trạm tiết kiệm được vài chục ngàn đồng cũng thấy sướng (!) Táo không hiểu bản chất BOT và sự tai quái của nó. 

Vai Ngọc Hoàng đầy mâu thuẫn 

Vai Ngọc Hoàng chế giễu cả phong trào khởi nghiệp (nguồn gốc start-up) được thể hiện bằng các cô gái trẻ đẹp ăn mặc mát mẻ… Đạo diễn không nhìn thấy “Start up” là phong trào kinh tế tư nhân đang đòi phát triển, chứng tỏ sự thất bại thảm hại của tập đoàn kinh tế nhà nước. Đạo diễn lại chế giễu nó một cách vô lối quá. 

Ngọc Hoàng say mê các "doanh nghiệp trẻ" trong màn báo cáo của Táo Kinh tế. 

Nhìn những vũ điệu sôi động và cuốn hút mà dàn start-up này mang tới, Ngọc Hoàng đứng ngồi không yên tới mức muốn các start-up tiếp tục “diễn” và cấp vốn tế nhị cho những “doanh nghiệp trẻ” này. Không những vậy, Ngọc Hoàng còn hẹn gặp lại các start-up sau buổi chầu, đồng thời giục Nam Tào điều hành các Táo báo cáo mau lẹ để sớm được tuyên bố bãi triều. 

Cái trọng tâm của chương trình năm nay là việc tranh giành cái ghế, theo câu châm ngôn dân gian truyền tụng “ghế ít, đít nhiều”. Các Táo dẫm đạp lên đầu lên cổ nhau, bất chấp thủ đoạn để leo lên được chiếc ghế, rồi lại cũng không biết cách leo xuống thế nào. Nhưng cũng không đủ để tạo sức hấp dẫn. Một cảm nhận rất rõ là năm nay Táo Quân né tránh rất nhiều vấn đề nóng hổi, thời sự của năm qua”.

Thực ra “Giành ghế” vốn không phải là bản chất vấn đề. Nó chỉ là hệ quả của cái nguyên nhân “Phân phối ghế”, “Qui hoạch ghế”. Đây mới là bản chất kinh khủng của chế độ độc quyền chính trị. Táo quân đã né tránh!

Táo quân chỉ cố gắng hình tượng hoá, nghệ thuật hoá các sự kiện phi lý mà báo chí và mạng xã hội đã phanh phui nhẵn cả rồi. 

Bước vào năm thứ 15, Táo quân 2018 đã không thỏa mãn được hi vọng của khán giả. Hơn phân nửa chương trình là những màn chọc cười dễ dãi đến mức dung tục, xúc phạm cộng đồng mạng Fb và một bộ phận khán giả LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới). 

Ban đầu Nam Tào và Bắc Đẩu được xây dựng như hai phe thường có ý kiến trái chiều, phản biện lẫn nhau, Ngọc Hoàng ra quyết định tối hậu. Gần đây vai trò Bắc Đẩu chỉ còn là thuần tuý chọc cười, vô duyên lắm. 

Giới tính của nhân vật Bắc Đẩu (dv Công Lý) bị chọc cười nhiều năm, nhưng tới năm nay thì chương trình đã đi quá giới hạn. Bằng cách "chuyển giới" cho nhân vật Bắc Đẩu, những người làm Táo quân đã tạo nên một nhân vật thấp thoáng bóng dáng của những hoạn quan mưu mẹo trong các triều đình phong kiến xưa kia. Bắc Đẩu đỏng đảnh, giọng kẻ cả, chua loét tranh thủ mắng mỏ các táo quân. Tương phản là một Nam Tào thông minh, tháo vát, ứng biến, tranh luận với các táo trần gian. Nhân vật có giới tính mập mờ như "cô Đẩu" cho phép người làm tạo ra nhiều tình huống nhếch nhác cho nhân vật này. 

Xã hội đang cố gắng xóa bỏ định kiến về LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới), thì Táo quân lại lấy chủ đề này để chọc cười xem chừng không tế nhị chút nào. Táo quân vô tình vi phạm nhân quyền, chọc cười rẻ tiền mãi. Táo bình luận những câu rất thô tục như "phao câu ra phao câu, xôi ra xôi", "Đẩu cứ chụp bình thường đã ra kinh tởm rồi". 

Đặc biệt là màn trình diễn của Táo Kinh tế với các vũ nữ nóng bỏng được gài vào những câu thoại rất thô của Bắc Đẩu: "Ăn mặc gì toàn thịt là thịt thế?", Ngọc Hoàng trả lời: "Ta thích thịt", còn Nam Tào nói vuốt đuôi: "Chúng ta tiếp tục xem thịt ạ". 

Tịu tĩu thô kệch 

Những câu thoại của các Táo tục tĩu mượn các bộ phận sinh dục đã khiến không ít khán giả nhăn mặt. 

Hành động khiếm nhã sờ quần của Táo Kinh tế đã bị Nam Tào ngăn lại bằng câu nói: "Chỗ này không phải lúc khoe khoan của mình nhé". 

Táo quy hoạch Chí Trung, trong phần hoá trang đi catwalk, khoác chiếc áo manh mún xanh đỏ vàng chế giễu qui hoạch thủ đô là chấp nhận được. Song đến cái quần nâu thì diễn viên này lại quá trớn. Anh hề này giải thích chiếc quần nâu là màu đất đai, là môi trường cho chim ở (hàm ý chim trong quần) cần được bảo vệ. Đây là kiểu hài rẻ tiền và thô tục nhại hề chèo Xuân Hinh. 

Việc dùng hình thể mập để chế giễu quá trớn sẽ xúc phạm không chỉ người diễn viên (Minh Vượng) mà còn những người ở hoàn cảnh tương tự, sẽ làm hạ thấp giá trị nhân văn của vở diễn. Cơ thể của bà Táo Hưu trí bị làm trò cười khi các Táo bày tỏ thái độ kỳ thị, cho rằng “phụ nữ béo đừng bày tỏ ước nguyện mặc bikini”. 

Năm nay dễ nhận thấy các vấn đề xã hội của năm 2017 được đề cập quá mỏng. Các Táo gần như chỉ nhắc đến như điểm danh lướt qua cho có. 

Kịch bản nhạt, phân tán

Thiên đình với ba nhân vật, được mặc định là lãnh đạo Trung ương, với các Táo được coi là Trưởng bộ ngành trung ương. 

Kịch bản thiếu hẳn một nhân vật tương phản: đó là người lao động lương thiện, theo nguyên tắc hài kịch cổ điển. Tức các vai, không có nhân vật lương thiện làm đối trọng. 

Do đó, ngay sau khi chương trình kết thúc, hôm sau trên mạng xã hội rất nhiều khán giả chê Táo quân năm nay "nhạt". Kịch bản Táo quân rời rạc, phần viết cho từng nhân vật Táo không có ai thực sự đặc sắc để thu hút khán giả, thậm chí đi vào lối mòn. 

Tình trạng kiểm duyệt “ác liệt”: chương trình diễn hơn 4 giờ, bị cắt chỉ còn 2h30 phút. Những vết cắt thô thiển khiến nội dung nham nhở, không liền lạc, mất logic. 

“Chiến sĩ Lực lượng 47” đả kích mạng xã hội vô lối 

Vai trò của anh hề trung tá NSND Tự Long được trông đợi nhất nhưng lại nhấn vào một vấn đề cũ mà chẳng hiểu sao đến bây giờ anh ta vẫn giữ cái nhìn thiên lệch, hời hợt. Đã qua rồi thời người ta nhìn mạng xã hội, facebook là công cụ câu like, tự sướng, lan truyền tin xấu... các kiểu. Đồng ý mạng xã hội nhiều khi lên đồng đấu tố vô tội vạ, mạng xã hội nhiều khi là hiệu ứng đám đông. Nhưng mạng xã hội có khả năng tự điều chỉnh khi cá nhân dần dần ý thức vai trò của mình qua cọ xát. 

Anh chàng trung tá NSND Tự Long gốc diễn viên chèo trong vai Táo xã hội hăng hái giễu nhại mạng xã hội Fb. Có vẻ như Tự Long làm nhiệm vụ một chiến sĩ “Lực lượng 47”. Anh này chưa hiểu bản chất của mạng xã hội, mang giọng tuyên huấn nói “mạng XH muốn nhảy vào chửi ai thì chửi, ném đá ai thì ném”. Anh hề này không nhận rằng mạng xã hội đã thúc đẩy sự giao lưu, thông tin, học hỏi, gắn kết mọi người . Mỗi người mạnh dạn tự biểu hiện và cọ xát ý kiến qua tranh cãi tự nguyện... 

Táo quân đã kéo dài suốt 15 năm, tạo nên một thói quen ngóng chờ cho đông đảo khán giả cả nước. Càng về sau, khán giả kỳ vọng càng nhiều là điều dễ hiểu. 

Dù vậy, Táo Quân 2018 vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, Táo Quân 2018 đã đề cập nhiều vấn đề nhưng vẫn dàn trải và thiếu điểm nhấn. 

Bỏ sót, né tránh nhiều hiện tượng khó xử 

Thiên hạ ngóng chờ các hiện tượng nổi bật năm qua: việc Bộ văn hoá nông nổi nghe địa phương TP.HCM ra lệnh cấm 5 bài hát cũ (nổi bật là “Con đường xưa em đi”) rồi bị phản ứng mạnh lại gỡ bỏ lệnh cấm. Một số ca sĩ nhạc sĩ nổi tiếng Hà Nội chê bai ca sĩ miền Nam và coi rẻ nhạc Bolero v.v… 

Vụ bác sĩ Hoàng Công Truyện phó Khoa ở Thừa Thiên Huế than phiền Bộ trưởng Y tế và góp ý bà từ chức bị Bộ phản công, yêu cầu Tỉnh "làm rõ, xử lý" trừng phạt. Cái hậu cay đắng là sau bị cộng đồng bênh vực Tỉnh phải gỡ lệnh và xin lỗi. 

Khán giả thất vọng khi thấy những người làm chương trình đã không xử lý được vấn đề nóng như BOT Cai Lậy một cách thấu đáo. Do vậy, nhiều người khuyên chương trình nên dừng lại vì đã lụi tàn, vì không thể thoát ra khỏi vòng kim cô “định hướng xã hội chủ nghĩa”. 

Người viết nhấn mạnh, Táo năm nay và nhiều năm qua đã nhàn nhạt. Sự chế giễu dân gian trên mạng xã hội đã lấn át nên Táo Quân không còn hấp dẫn nữa. 

“Táo Quân với hành trình 15 năm tưởng chừng sẽ là màn tổng kết sâu và thấm nhất trong đêm giao thừa. Thế nhưng, toàn bộ nghệ sĩ đã bị "nhốt" trong chiếc lồng kịch bản, khiến họ trở nên đuối và nhạt so với chính mình”, lại bị lãnh đạo cắt non nửa. 

Mâu thuẫn quan chức tham nhũng chẳng phải do giành ghế. Bởi thực tế chính trường Việt Nam chinh là chuyện bán ghế, nhưng ai bán ? 

Vụ hồ sơ Trịnh Xuân Thanh nằm ở Bộ Nội vụ không cánh mà bay ? Đó chính là nguyên nhân. Còn chuyện quan chức giành ghế với nhau là chuyện khác, chuyện đạo đức thuần tuý của quan đồng liêu. 

Người viết kịch bản ngoan cố nguỵ biện 

Viện iSEE và ICS gửi văn bản phản đối Đài truyền hình quốc gia. Cụ thể trong nhiều năm liền, cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) luôn là đối tượng bị chương trình Gặp nhau cuối năm (Táo quân) mang ra làm trò cười, đưa thông tin sai lệch, thậm chí xúc phạm với ngôn từ tệ hại. 

Tác giả trẻ Song Hà một trong nhóm viết kịch bản Táo Quân 2018 đã ngoan cố cãi với báo chí và so sánh khập khiễng rằng: 

“Nếu như cộng đồng LGBT cho rằng việc lôi hình ảnh Bắc Đẩu ra chế nhạo là xúc phạm họ thì những tác phẩm kinh điển như Chí Phèo của nhà văn Nam Cao mô tả Thị Nở xấu xí một cách thậm tệ lại là sự xúc phạm tới phụ nữ hay sao?” 

Nhiều người khuyên Táo Quân đã đến lúc nên dừng lại nếu không thể cải tiến mạnh mẽ hơn, nếu không lvượt qua được vòng kim cô định hướng XHCN. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét