Trong khoảng thời gian 5-7 năm gần đây, một số hoạt động xã hội mang nặng tính chất mê tín, dị đoan chợt bộc phát mạnh mẽ với những lễ hội, những buổi cúng sao giải hạn, đăng đàn cầu phước, khai ấn, dâng hương, hái lộc đầu năm… ngày càng nhiều hơn, số lượng người tham gia đông hơn, từ vài ngàn lên đến hàng chục rồi hàng trăm ngàn.
Điểm đặc biệt của những lễ hội, những buổi cầu an, dâng hương, cúng sao, khai ấn… là sự có mặt, tham gia của những lãnh đạo đất nước từ Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng đến Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc… điều mà cách đây khoảng vài chục năm hoàn toàn bị chế độ CS nghiêm cấm, bài trừ triệt để.
Là những kẻ chủ trương vô thần, hoàn toàn không tin vào tiền kiếp, hậu kiếp, thiên đường, địa ngục…, lý do nào khiến chế độ CSVN quay ngoắt 180° trong chính sách bài trừ mê tín, dị đoan, phá hoại tôn giáo? Từ chỗ cấm đoán, tiêu diệt, phỉ báng tôn giáo đến việc khai ấn, cúng sao giải hạn, hái lộc đầu năm, phải chăng lãnh đạo cộng sản VN đã có những chuyển biến tích cực về tư tưởng, tâm linh?
Hoàn toàn không phải. Người CS làm việc gì cũng có mục đích rõ ràng, có kế hoạch, chủ trương, chính sách. Chính sách, chủ trương, kế hoạch của họ luôn được nghiên cứu kỹ càng, cặn kẽ, suy tính hơn thiệt. Người CS có thể ngu dốt về văn hóa, về lịch sự, về kiến thức khoa học, kỹ thuật, về phát triển kinh tế… nhưng không ngu dốt về tổ chức, tuyên truyền, lèo lái, trấn áp dư luận và luôn sẵn sàng dùng đủ mọi thủ đoạn, phương tiện để đạt được mục đích.
Thập niên cuối của thế kỷ 20 và thập niên đầu thế kỷ 21, một sự lừa bịp trắng trợn, bẩn thỉu, gian ác do chế độ CS chủ trương là vấn đề đi tìm hài cốt của các chiến binh cộng sản Bắc Việt thông qua các nhà “ngoại cảm” nổi tiếng như Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Thị Nguyện… Sau một thời gian nổi đình đám, các nhà ngoại cảm bị lột mặt nạ lừa bịp, việc tìm hài cốt mới chấm dứt trong sự ê chề, nhục nhã.
Nhắc lại chuyện ngoại cảm này để hiểu tại sao thời gian mấy năm gần đây, chuyện khai ấn đền Trần, cúng sao giải hạn, hái lộc đầu năm lại được phục hồi, cổ võ, khuyến khích một cách ồn ào, náo nhiệt với sự tham dự của các quan chức, lãnh đạo cao cấp của chế độ.
Những hình ảnh về khai ấn đền Trần, công khai ở Nam Định, lén lút ở Hà Nội, cầu sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh, Đống Đa, Hà Nội trong những ngày qua cho thấy chế độ CS Hà Nội đã được mục đích. Đó là chính sách ngu dân hóa, hay nói rõ hơn, họ muốn người dân quay trở lại với trình độ văn hóa, văn minh ở các thế kỷ trước, tin tưởng vào phép lạ, quyền năng của thần thánh, Phật, Chúa… để quên đi thực tại là mọi vấn đề không thể giải quyết được trong xã hội VN hiện nay đều do đảng CSVN gây ra.
Giải thích về tệ nạn mê tín này, trong một stt của mình trên facebook được báo Tiếng Dân đăng lại, tác giả Nguyễn Thị Bích Ngà viết như sau:
Trích: “Một xã hội mà ăn cái gì cũng sợ nhiễm độc, sợ bệnh tật, đi ra đường thì không biết chết vì tai nạn giao thông lúc nào, con cái ra đường thì không biết chúng sẽ bị lôi kéo vào các thói xấu nào đang đầy rẫy ngoài kia, công việc, làm ăn có thể bị mất trắng, phá sản chẳng theo một quy luật nào, thậm chí cái nhà mình đang ở cũng không phải của mình mà có thể mất bất cứ lúc nào chỉ vì một thằng có tiền nào đó nó cứ hứng muốn giải tỏa để xây cái mả mẹ gì đó và nó chỉ cần đền bù giá rẻ mạt là xong, cãi kiện nó đánh, nó bỏ tù..
Thậm chí, nói cái gì cũng phải lựa lời mà kheo khéo nếu không muốn bị đám đông chửi, đánh, đâm… nhìn nhau cũng bị đánh chết cơ mà. Và những đứa cố gắng thay đổi cái môi trường xã hội đó bằng cách phản biện xã hội, bằng cách đấu tranh với chính quyền thì bị trù dập, bị kiểm soát, bị kết an, bỏ tù và tù ngày càng nặng…thì con người ta biết trông vào đâu. bấu víu vào đâu để vượt qua nỗi sợ và nỗi bất an để tồn tại ngoài trông chờ vào thế lực siêu nhiên?”
Nhận định này của Nguyễn Thị Bích Ngà không sai, nhưng tác giả chỉ mới nói ra có một nửa, nửa còn lại để cho người đọc suy nghĩ, góp ý thêm. Tuy nhiên, để có thể góp ý, độc giả phải suy nghĩ, tìm hiểu căn nguyên của vấn đề, điều không phải ai cũng có thể làm được.
Khi một xã hội mà đa số người dân dễ dàng chấp nhận thực tại với đầy rẫy những bất công vừa kể trên – mặc tình cho những kẻ lãnh đạo đất nước, những cán bộ, quan chức chính quyền, từ anh, chị chủ tịch xã, phường đến các cán bộ trung, cao cấp ở các phòng, sở, bộ, ngành ở trung ương đưa ra những chính sách, kế hoạch bóc lột, hút máu người dân một cách tùy tiện, vô tội vạ đến nỗi bà Nguyễn Thị Doan, cựu phó chủ tịch quốc hội đã phải than rằng: “Người ta ăn của dân không chừa một thứ gì”, xã hội đó phải chạy đi tìm một sức mạnh ở thần thánh không phải là điều khó hiểu.
Trong một đoạn khác, tác giả Bích Ngà viết thêm: “Con người khi được sống trong một môi trường xã hội có sự bình ổn nhất định, được phát triển, làm việc, cống hiến, được nói, được bảo vệ bằng một nhà nước có luật dành cho mọi người chứ không ngoại lệ, an sinh xã hội được đảm bảo một cách tương đối thì họ có cần phải trông chờ vào một thế lực siêu nhiên nào không? Về văn hóa, niềm tin tâm linh vào một tôn giáo nào đó chắc chắn là có nhưng mê tín, ngông muội, trông chờ hoàn toàn vào đó thì không.
Lý giải như thế để thấy, chửi mắng họ là một điều rất dễ, nhưng việc chửi mắng thậm tệ đó thật ra không giải quyết được vấn đề. Họ-chúng ta-là những kẻ thật đáng thương biết mấy trong xã hội, trong thời cuộc này. Nghĩ cách để niềm tin vào tâm linh kia biến thành niềm tin vào một điều cụ thể, chuyển hóa nó thành động lực để thúc đẩy, làm thay đổi xã hội từ bất an thành bình an là một việc rất khó và cần rất nhiều thời gian lẫn công sức, trí tuệ. Trong quá trình đó, chửi mắng thậm tệ đám đông không làm cho họ nhận ra vấn đề, chỉ làm cho họ xa lánh thêm. Họ cần sự thấu hiểu và hướng dẫn, không cần sự phán xét”.
Đúng như vậy. Chỉ trích, phê bình sự u mê, ngu dốt của những người mê tín, xô đẩy, chen lấn, đạp lên đầu, lên cổ nhau để quyết dành cho được miếng lộc đầu năm hay chạm tay vào ấn, thật là dễ dàng, đồng thời cũng làm cho những người hiểu biết, cảm thấy nhẹ nhõm và tự hào rằng mình khôn ngoan, tỉnh táo, không tham gia vào những chuyện mê tín vớ vẩn.
Tuy nhiên, suy nghĩ cho cùng, có mê tín, mông muội, chen lấn, dẫm đạp lên nhau để quyết dành cho được miếng lộc, chạm tay vào ấn, hoặc không mê tín, ngu dốt, hoàn toàn dững dưng với những chuyện trên thì tất cả cũng đều có chung một số phận. Tất cả đều vướng vào một cái bẫy của chế độ CSVN đưa ra, đó là cái bẫy định hướng. Chế độ CS với ban tuyên giáo, thúc đẩy, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân vào những sự kiện dị đoan, mê tín theo chủ trương, mục đích của họ theo từng thời kỳ.
Tất cả vẫn phải ăn thực phẩm độc, vẫn phải trả phí BOT, phải đổ xăng đắt lòi kèn, phải nhích từng chút trên đường vào những giờ tan sở, vẫn dễ dàng bị cướp giật bất cứ lúc nào sở hở hay bị hành hung vì những lý do vớ vẩn, vào bệnh viện vẫn phải gặp những bác sĩ, y tá, điều dưỡng thiếu trách nhiệm, vô lương tâm… ngoại trừ trường hợp thật giàu, thật nhiều tiền để có thể chọn lựa thức ăn, bệnh viện, trường học, nhà ở… Nhưng ai là những kẻ thật giầu, thừa tiền, lắm bạc để có thể hưởng được những tiêu chuẩn này? Chẳng khó để có câu trả lời.
Người tỉnh táo phải làm sao để giải thích cho người mê tín, dị đoan hiểu rằng, chẳng có Phật, Chúa, Allah, thần thánh nào có thể giảm giá xăng, làm cho thực phẩm bớt nhiễm độc, nhà cửa, đất đai không bị chiếm đoạt bất hợp pháp, hay chỉ được đền bù rẻ mạt, ra đường không dễ dàng bị cắt hộ khẩu một cách lãng nhách vì một tài xế xe vận tải vừa lái, vừa bấm tin nhắn, con cái đi học không bị bạn bè đánh hội đồng vì tội dám tranh luận với bí thư đoàn trong lớp học…
Muốn thay đổi cuộc sống của mình, của gia đình cho tốt đẹp, bình yên hơn, muốn cho xã hội bớt đi với những bất công, mâu thuẫn, đói nghèo, bạo lực, bất an từng giờ, từng phút, từng ngày thì chỉ có con người mới làm được, không thần thánh hay sức mạnh siêu nhân nào có thể làm nổi. Chỉ có ước muốn, ý chí, lòng can đảm, sự kiên trì, tinh thần đoàn kết của chính bản thân từng người dân mới có thể tạo thành sức mạnh phá tan lòng mê tín, dị đoan, ngu muội, tin tưởng vào thánh thần, thoát được cái bẫy định hướng mà chế độ CS đang ngu dân hóa để dẫn dắt, lèo lái, cai trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét