Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

1172 - Những ‘tù nhân kinh tế’ thời đại

Ngô Đồng


Năm 2017 đã khép lại với nhiều biến động. Mặc dù báo đài của chính quyền CSVN luôn ca ngợi những thành quả về kinh tế-xã hội với mức tăng trưởng GDP 6,5%; nhưng thực tế, nội tại Việt Nam vẫn đang chứa đựng khó khăn chồng chất. Cụ thể, Việt Nam đang bước vào năm suy thoái kinh tế thứ 9 liên tiếp, ngân sách trung ương cạn kiệt, nguồn thu thuế suy giảm, các thành quả kinh tế chủ yếu đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư bước ngoài chứ không phải doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân. Đặc biệt, tình trạng thất nghiệp vẫn ở mức cao và đang có nguy cơ trở thành ngòi nổ kéo theo những bất ổn xã hội.

Việt Nam hiện tại có khoảng 1,1 triệu người thất nghiệp. Tại các quán coffee, quán nhậu ở Hà Nội, Sài Gòn hay các thành phố khác, vào giờ làm việc cao điểm luôn đầy ắp tầng lớp thanh niên ngồi đọc báo và tán gẫu. Cùng với đó là vấn đề ý thức, đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp... tất cả đang cho thấy xã hội Việt Nam còn rất lạc hậu, chậm phát triển.

Với mục đích đẩy ‘quả bom’ thất nghiệp và tham vọng thu về số ngoại tệ khổng lồ, nhà cầm quyền CSVN không ngần ngại tìm đủ mọi cách để đưa được càng nhiều lao động sang nước ngoài càng tốt.

Mới đây Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội còn đề ra mục tiêu trong năm 2018 phải đưa 110.000 công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trước đó, năm 2017, Việt Nam đã đưa được hơn 134.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam đưa được hơn 100.000 lao động xuất ngoại.

Thành tích XKLĐ ‘năm sau cao hơn năm trước’ thật ra không đáng tự hào, đó là nỗi nhục nhã của một dân tộc. Nhục khi sức lực người lao động Việt Nam đã không được coi trọng, không được trọng dụng mà lại sử dụng như một loại hàng hóa rẻ tiền. Bởi chế độ độc tài toàn trị bất lực không tạo nỗi công ăn việc làm cho người dân trong nước, nên người nghèo nào cũng muốn bán sức lao động cho các công ty ngoại quốc với mong muốn có một công việc để sống. Thế rồi, lần lượt người ta bỏ đất ra đi. Đi với một món nợ kếch xù trên vai.

Thực chất XKLĐ chỉ là một hình thức bắt dân mang thân đi làm nô lệ cho ngoại quốc. Thật vậy, nhìn vào hiện tình đời sống cụ thể của một số công nhân nam nữ Việt Nam ở một vài nước như Indonesia, Malaysia, Thái lan, Libya, v.v… quá thiếu thốn về đủ mọi phương diện: Thiếu sự chăm sóc sức khỏe, tinh thần, bị mất hết mọi quyền tự do, bị đánh đập, phẩm giá bị xúc phạm trắng trợn, v.v...

Bên cạnh đó nhiều công nhân bị đổi xử hơn con vật. Họ bị tịch thu hết giấy tờ tùy thân, sống lang thang đầu đường xó chợ, không tiền mua vé máy bay hồi hương, một số phụ nữ còn phải sa chân vào chốn lầu xanh để sống lây lất qua ngày trên xứ người. Tất cả đã nói lên thảm cảnh địa ngục trần gian, tủi nhục của người công nhân Việt Nam.

Qua hoàn cảnh sống thực tiễn của người lao động Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, những cơ sở dịch vụ làm môi giới việc làm trong nước chỉ nhắm tới cái lợi vật chất trước mắt cho chính họ. Các công ty này bắt tay với chính quyền lấy tiền môi giới với giá cao tới cả chục ngàn USD, biến công dân thành những ‘tù nhân kinh tế’, buộc họ phải lao động khổ sai trong điều kiện tồi tệ để có tiền gởi về Việt Nam để trả nợ. Nhưng số phận người lao động ở ngoại quốc sống chết ra sao, họ trắng trợn phủi tay, không cần quan tâm.

Thống kê của Tổ chức Walk Free Foundation, “The Global Slavery Index 2013” thì Việt Nam có 248.705 người VN được xem là nô lệ. Nô lệ thời hiện đại là hình thức nô lệ kiểu xa xưa, cộng với những thảm cảnh lao động khổ sai để trừ nợ, ép buộc những cuộc hôn nhân, buôn bán trẻ em, buôn người và lao động cưỡng bức.

Trong khi chính quyền CSVN đánh giá cao vai trò của xuất khẩu lao động và cho rằng nguồn thu nhập từ hoạt động này đã góp phần cải thiện đời sống, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế xã hội. Nhưng đáng tiếc, nguồn ngoại tệ khổng lồ này lại đang gián tiếp gây ra nhiều tác động xấu cho nền kinh tế cũng như việc làm cho người lao động.

Theo thống kê đa số nguồn kiều hối đổ về Việt Nam chủ yếu chảy vào bất động sản. Hậu quả là vì dốc quá nhiều nguồn lực tài chính vào việc xây dựng và bất động sản thay vì đầu tư cho sản xuất, chế tạo đang khiến cán cân thương mại xấu đi, nhập siêu, các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu bị sụp đổ; Việt Nam đang trở thành bãi lắp ráp của các công ty nước ngoài; hàng loạt các doanh nghiệp Việt lớn bị doanh nghiệp nước ngoài mua bán sáp nhập, thâu tóm.

Bên cạnh đó, chính sách xuất khẩu lao động của Việt Nam chỉ nghĩ đến việc mang về ngoại tệ nhưng lại không nghĩ tới chuyện đào tạo những người có trình độ. Lẽ ra Việt Nam phải chăm lo đội ngũ lao động trong nước về tay nghề, kiến thức để họ sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động của đất nước.

Tuy nhiên, điều sai lầm là Việt Nam lại ít coi trọng việc này. Một nền kinh tế sẽ không thể phát triển được nếu không có nguồn lao động chất lượng. Nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề lao động cũng đang cạnh tranh mạnh mẽ, nếu chất lượng lao động không được nâng lên, người lao động Việt sẽ luôn ở thế yếu.

Việc đưa lao động ra nước ngoài làm thuê để có thu nhập không thể tồn tại lâu dài được. Vì thế, tư duy quản lí cần phải được thay đổi. Trước mắt Việt Nam phải đào tạo và nâng cao tay nghề của đội ngũ lao động một cách bài bản, quy mô, gắn liền với thực tế. Đồng thời, phải có một chiến lược tầm vĩ mô nhằm hỗ trợ, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Khu vực tư nhân chính là khu vực tạo ra nhiều giá trị gia tăng cũng như tạo ra công ăn việc làm chính cho người lao động. Bên cạnh đó, cần phải tinh giản biên chế, thu gọn lại bộ máy công chức. Vì chi ngân sách quá nhiều để nuôi bộ máy hành chính gây lãng phí, ngân sách thâm hụt, bội chi quá lớn dẫn đến việc thiếu nguồn lực đầu tư cho phát triển, sản xuất.

Đẩy lượng lao động dôi dư ra nước ngoài để giảm gánh nặng cho xã hội và nền kinh tế không thể coi đó là giải pháp cứu cánh. Không sớm thay đổi mà cứ bằng lòng với thành tích xuất khẩu lao động giá rẻ sẽ là điều rất đáng lo ngại.



Nếu không nâng cao nội lực nền kinh tế, thì chắc chắn Việt Nam chỉ còn một con đường duy nhất là đi làm thuê cho thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét