Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2018

3372 - Quyền lực Bộ chính trị và quyền lực Nhân dân

FB Lê Công Định

Trước sự kiện Luật Đặc Khu vừa qua, có thể nói quyền lực của Bộ chính trị đảng cộng sản cầm quyền gần như tuyệt đối. Dù chưa bao giờ đạt được bất kỳ vị trí và vai trò chính danh hiến định hay luật định nào, thực thể gọi là "Bộ chính trị" ấy, gồm khoảng mười mấy nhân vật cao cấp nhất của đảng Việt Cộng, vẫn luôn nắm quyền sinh sát đối với vận mệnh của dân tộc Việt Nam từ trước đến nay.


Tuy nhiên, sự thể đó có vẻ đang thay đổi, thậm chí ngoạn mục. Năm 2017, Bộ chính trị đã kết luận phải thành lập ba đặc khu hành chính-kinh tế ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. "Kết luận" đó không chỉ có hiệu lực trong đảng cầm quyền, mà còn chỉ đạo cả Quốc hội, thuộc ngành lập pháp của nhà nước, phải luật hóa thành Luật Đặc Khu.

Hình ảnh người biểu tình ở Sài Gòn sáng ngày 10/6/2018
Vì Bộ chính trị đã kết luận nên Quốc hội chỉ có thể bàn luận để ban hành luật, chứ không để bàn ra hay dừng lại, như Chủ tịch Quốc hội bù nhìn Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định. Tuy nhiên, bản dự thảo và ý định ban hành Luật Đặc Khu đã gặp sự phản kháng của toàn dân một cách quyết liệt chưa từng thấy trong lịch sử cầm quyền của đảng Việt Cộng.

Trước mối đe dọa về tổng biểu tình khắp nơi chống Luật Đặc Khu, đêm ngày 8/6/2018 Bộ chính trị đã họp và chỉ đạo Chính phủ, thuộc ngành hành pháp của nhà nước, phải công bố quyết định dời lại kế hoạch biểu quyết thông qua Luật Đặc Khu, mà theo dự định sẽ diễn ra vào ngày 15/6/2018.

Sự kiện Quốc hội dời kế hoạch biểu quyết thông qua Luật Đặc Khu dưới áp lực của công luận cho thấy lần đầu tiên một quyết định của Bộ chính trị không thể đương nhiên thực thi như mong muốn. Và cũng lần đầu tiên, trong thể chế độc tài toàn trị, nhân dân thể hiện quyền lực của chính mình.

Bài học lớn nhất rút ra từ sự kiện này là một khi toàn dân đồng lòng và đoàn kết cùng lên tiếng về một vấn đề nào đó của đất nước, quyền lực của họ không thể bị bất kỳ thế lực nào cản trở, dù đó là Bộ chính trị siêu quyền lực.

Trong toan tính của mình, Bộ chính trị nghĩ rằng quyết định dời lại kế hoạch biểu quyết thông qua Luật Đặc Khu sẽ khiến người dân mất lý do xuống đường biểu tình. Nhưng cuộc tổng biểu tình trên toàn quốc hôm nay một lần nữa cho thấy toan tính của Bộ chính trị hoàn toàn sai lầm.

Bất chấp việc bộ máy an ninh tung lực lượng canh phòng những người bị điểm mặt là thường xuyên biểu tình, cuộc tổng biểu tình ngày 10/6/2018 đã quy tụ hàng ngàn người dân ở mỗi nơi với toàn những gương mặt mới xuống đường lần đầu, sát cánh cùng những gương mặt cũ.

Chắc chắn Bộ chính trị rất ngỡ ngàng và thậm chí choáng váng trước biến cố biểu tình hôm nay, bởi lần đầu tiên quyền lực của nó không còn tuyệt đối nữa, mà trái lại đã bắt đầu có giới hạn. Tất nhiên, biện pháp đối phó quen thuộc của kẻ độc tài sẽ không có gì mới ngoài đàn áp tàn bạo và tuyên truyền dối trá, như chúng ta sẽ mục kích trong những ngày sắp tới.

Tuy nhiên, cho dù thế nào, toàn dân Việt đã thức tỉnh. Họ bắt đầu ý thức được quyền lợi và quyền lực của chính mình. Nếu người dân tiếp tục tay trong tay, đồng lòng và đoàn kết trong mọi vấn đề của đất nước về sau, quyền lực của Nhân dân sẽ như cơn sóng thần tràn tới cuốn phăng mọi lực cản, kể cả chính chế độ độc tài toàn trị này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét