Sau câu chuyện bi hài cực điểm mang tên Trịnh Xuân Thanh mà đã dẫn đến cả một cuộc khủng hoảng ngoại giao mang tên Đức- Việt, giờ đây tiếp nối một mẩu chuyện bi hài khác có tên Vũ Đình Duy.
Hai lần truy nã (!?)
Ngày 31 Tháng Năm, 2018, Cơ Quan An Ninh Điều Tra – Bộ Công An bất chợt ra quyết định số 67/ANĐT-P4 truy nã đối với Vũ Đình Duy, nguyên tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần Hóa Dầu và Xơ Sợi Dầu Khí (PVTex). Nhưng câu chuyện mang tên Vũ Đình Duy thậm chí còn có nét kịch tính hơn cả vụ Trịnh Xuân Thanh: trong vòng một năm, Bộ Công An đã phát đến hai lệnh truy nã đối với Duy.
Lệnh truy nã đầu tiên đối với Vũ Đình Duy được phát ra vào Tháng Sáu, 2017 – tức sau đến tám tháng từ lúc Duy “ra nước ngoài chữa bệnh” mà không hề trở lại Việt Nam.
Vũ Đình Duy là một trong bộ ba quan chức dầu khí “ra đi tìm đường cứu nước” vào giai đoạn 2016 – 2017. Mở màn cho phong trào này là Trịnh Xuân Thanh, sau đó là Vũ Đình Duy và Lê Chung Dũng. Riêng Duy đã biến mất từ giữa năm 2017 với lý do “ra nước ngoài chữa bệnh.”
Cho đến nay, công an Việt Nam chỉ mới tóm được Trịnh Xuân Thanh theo cách tuyên giáo “Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú,” nhưng lại bị nhà nước Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bí mật sang tận Berlin để bắt cóc Thanh và đưa về Việt Nam. Sau đó, “lượng khoan hồng của đảng và nhà nước Việt Nam” đã ân sủng đến mức một kẻ tự nguyện về nước đầu thú như Trịnh Xuân Thanh vẫn bị giáng cho hai cái án chung thân.
Nhưng cũng cho đến giờ, điều kỳ lạ là đã không có bất kỳ tin tức nào về một đường dây đã bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài, cho dù theo tường thuật của blogger Người Buôn Gió thì trước khi đào thoát, Trịnh Xuân Thanh đã có vài cuộc gặp quan trọng với ít nhất một ủy viên Bộ Chính Trị.
Trong khi đó, Lê Chung Dũng vẫn biệt tăm. Còn về Vũ Đình Duy, chỉ đến khi tòa án thượng thẩm của Đức mở ra để xử nghi can Nguyễn Hải Long tham gia vào đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, người ta mới bất ngờ thấy Vũ Đình Duy hiện ra tại phiên tòa này như một nhân chứng, bên cạnh vợ của Trịnh Xuân Thanh.
Bên lề phiên tòa trên, nhiều thông tin cho biết Vũ Đình Duy đã sang Đức sống, ở chung nhà với Trịnh Xuân Thanh và thường xuyên đi chơi golf và uống bia với Thanh. Thậm chí, có tin chưa kiểm chứng cho biết Vũ Đình Duy còn thoải mái đến mức quan hệ thân thiết với Đào Quốc Oai – một Việt kiều sống ở Praha, Cộng Hòa Séc và rất thân với lãnh đạo Bộ Công An.
Lời khai của Vũ Đình Duy tại tòa án thượng thẩm Đức còn bật ra một chi tiết khó tin: Trong thời gian đi qua đi lại giữa vài nước Đông Âu, Duy còn “thăm” một đại sứ quán Việt Nam tại một nước ở Châu Âu (?) mà “không sao cả.”
Ngay sau khi xuất hiện Vũ Đình Duy tại phiên tòa xử Nguyễn Hải Long, một luồng dư luận đã lý giải việc tại sao Trịnh Xuân Thanh bị bắt, còn Vũ Đình Duy vẫn dung dung tự do: đó là do Thanh đã kết nối với Bùi Thanh Hiếu, tức blogger Người Buôn Gió – một cây viết tự do bị chính quyền Việt Nam xem là “cực kỳ phản động,” để sau đó dám thách thức cả thể diện của Tổng Bí Thư Trọng. Trong khi đó Vũ Đình Duy hoàn toàn im ắng và nói chung là “ngoan” hơn nhiều.
Nhưng vì sao “ngoan” như vậy mà Vũ Đình Duy lại bị công an phát lệnh truy nã, thậm chí truy nã đến lần thứ hai, trong khi nhiều người dân bị cuốn vào chuỗi sự kiện thời cuộc quá ồn ào mà đã gần như quên hẳn Duy?
Truy nã ở đâu?
Một chi tiết điều khó hiểu là trong tin tức về lệnh truy nã Vũ Đình Duy được Bộ Công An phát đi các báo vào Tháng Năm, 2018 lại không nói rõ là truy nã nội địa hay truy nã quốc tế.
Trong trường hợp chỉ truy nã nội địa thì lệnh này còn đỡ hài hước nếu được phát ra trước phiên tòa Đức xử Nguyễn Hải Long, tức trước khi Vũ Đình Duy lộ mặt ở Berlin như một cách khẳng định anh ta đã rời khỏi Việt Nam.
Nhưng vì lệnh truy nã được phát ra sau phiên tòa xử Nguyễn Hải Long, chắc chắn là công an Việt Nam đã phải biết về tung tích của Vũ Đình Duy bất ngờ lộ ra ở phiên tòa này.
Vậy tại sao lệnh truy nã không ghi rõ phạm vi truy nã là nội địa hay quốc tế?
Hay Bộ Công An “thận trọng” mà không dám thông tin cho báo chí biết về phạm vi truy nã? Hoặc Bộ Công An không thể chắc chắn nếu phát lệnh truy nã quốc tế đối với Vũ Đình Duy?
Cần nhắc lại, lệnh truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh đã được Bộ Công An phát đi từ cuối năm 2016, với lời cảnh báo “lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó thoát.” Tuy nhiên cho đến nay, sau nhiều thông tin của Bộ Công An cho báo chí và dư luận biết rằng bộ này đã làm việc với Interpol quốc tế để cơ quan này đã phát lệnh truy nã đỏ đối với Trịnh Xuân Thanh, lại có những chứng minh từ giới blogger trên mạng xã hội về việc trong danh sách truy nã của Interpol quốc tế vẫn không hề hiện ra cái tên Trịnh Xuân Thanh.
Điều trớ trêu và chua chát gì sẽ xảy ra nếu yêu cầu của Bộ Công An Việt Nam về truy nã Vũ Đình Duy được gửi cho Interpol quốc tế nhưng không được đáp ứng, thậm chí còn bị trả lại?
Phát lệnh truy nã lần hai để làm gì?
Nếu trước Tháng Bảy, 2017, tinh thần phối hợp giữa Interpol quốc tế với công an Việt Nam được xem là bình thường, thì sau cái Tháng Bảy oan nghiệt của vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” ấy, dư luận rất ít nghe nói đến những liên hệ giao hảo hay giao lưu giữa hai cơ quan này.
Nói cách khác, Interpol quốc tế rất có thể đã chịu sự tác động đáng kể từ các cơ quan tình báo, an ninh và tư pháp của Đức, cũng như từ chính Liên Minh Châu Âu về một thái độ cảnh giác trên mức cần thiết đối với mật vụ Việt Nam.
Phiên tòa xử Nguyễn Hải Long thậm chí còn khiến phát lộ một tình tiết rất mới và đậm dấu nghi vấn: vào ngày 26 Tháng Bảy, 2017, ba ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, bộ trưởng Công An Việt Nam, Tướng Tô Lâm đã đến thăm Slovakia và có cuộc làm việc ngắn với bộ trưởng Nội Vụ nước này. Theo báo chí Đức, trong đoàn của ông Tô Lâm có những nghi phạm đã tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Sau đó phía Việt Nam đã mượn Slovakia một chiếc máy bay để di chuyển. Truyền thông Đức cho rằng rất có thể Trịnh Xuân Thanh đã ở trên chiếc máy bay đó.
Cũng giới truyền thông Đức đã cho biết từ Tháng Mười Một, 2017, Viện Công Tố Đức đã phát lệnh truy nã toàn Châu Âu đối với Trung tướng Đường Minh Hưng – Phó tổng cục trưởng Tổng Cục An Ninh thuộc Bộ Công An – nhân vật được phía Đức cho là cầm đầu băng bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin vào Tháng Bảy, 2017.
Sau khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt nổ ra vào Tháng Tám, 2017, đến lượt quan hệ ngoại giao giữa Slovaia và Việt Nam bị rạn vỡ đáng kể vào Tháng Năm, 2018. Nhưng chưa phải hết, dư chấn vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” còn đang lan đến cả Ba Lan…
Cả Châu Âu đang cực kỳ cảnh giác với mật vụ Việt Nam, mà phiên tòa xử Nguyễn Hải Long ở Đức là một tiêu biểu: hàng rào an ninh được thắt quá chặt đến mức phóng viên tham dự không được mang theo bút bi mà hay bút máy mà chỉ được dùng bút chì.
Còn giờ đây, sau lệnh truy nã lần hai của Bộ Công an đối với Vũ Đình Duy, hàng loạt dấu hỏi lại bất chợt nảy sinh: sau một thời gian khá dài, phải chăng lệnh truy nã này chỉ được phát ra “cho có,” vì rất có thể khi được đưa ra tòa làm nhân chứng, Vũ Đình Duy đã nằm trong diện bảo vệ của cơ quan tư pháp Đức mà phía Việt Nam không thể với tay tới được?
Hay Bộ Công An Việt Nam muốn tung lệnh truy nã này ra như một cách phản ứng gián tiếp đối với người Đức về phiên tòa xử Nguyễn Hải Long và nhằm gỡ gạc cho “thể diện của đảng và nhà nước Việt Nam?”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét