Cảnh sát và người biểu tình đối mặt nhau trên quốc lộ 1 ở Bình Thuận, 11/6/2018
Một đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Thuận và một người dân thị trấn Phan Rí Cửa xác nhận với VOA hồi 6h chiều ngày 11/6 rằng tình hình “tạm ổn”, “tạm lắng xuống” sau cuộc biểu tình đông đảo với nhiều hình ảnh bạo lực diễn ra kể từ cuối tuần vừa qua.
Một người dân đề nghị giấu tên đưa ra lời cảnh báo rằng một cuộc xuống đường lớn sẽ “bùng nổ trở lại” nếu công an “truy tìm, bắt bớ” những người biểu tình. Báo chí Việt Nam và thông tin trên mạng xã hội cho hay hàng ngàn người ở Phan Rí Cửa đã tràn xuống quốc lộ 1 từ sáng ngày 10/6 để phản đối dự luật về đặc khu kinh tế, vốn bị xem là có thể mở đường để người Trung Quốc di dân, thôn tính biển đảo của Việt Nam.
Tin cho hay đã xảy ra đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát, làm tê liệt tuyến quốc lộ huyết mạch cho đến đêm cùng ngày. Bên cạnh đó, nhiều người biểu tình đã xông vào trong trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đặt tại thành phố Phan Thiết và một số cơ sở khác của chính quyền.
Hình ảnh và chú thích trên báo chí do nhà nước kiểm soát cho thấy một số xe cộ và căn phòng đã bị đốt bởi “những người quá khích” hay “những đối tượng bị kích động”.
Xe máy bị đốt trước cửa UBND tỉnh Bình Thuận, 10/6/2018
Trên mạng xã hội có nhiều đoạn video cho thấy xô xát giữa người biểu tình với cảnh sát cơ động trên quốc lộ, trong đó cảnh sát bắn lựu đạn khói về phía đoàn biểu tình, còn người biểu tình ném gạch, đá về phía cảnh sát.
Tình hình bạo động đã kéo dài ít nhất đến nửa đêm ngày 10/6, theo lời một phó bí thư Bình Thuận được báo chí trong nước dẫn lại. Trong khi đó, thông tin trên mạng xã hội nói biểu tình còn kéo dài sang cả ngày 11/6.
Chiều muộn ngày 11/6, một cán bộ không nêu tên thuộc Văn phòng Đảng ủy Bình Thuận trả lời VOA khi phóng viên gọi vào số máy di động của ông Bí thư Nguyễn Mạnh Hùng:
“Hiện nay Bí thư Hùng đang chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình. Tình hình cũng hơi ổn. Các cấp các ngành cũng vào cuộc. Tình hình hơi ổn, dịu xuống”.
Một người dân Phan Rí Cửa, tâm điểm của cuộc bạo động, xác nhận với VOA rằng người dân đã “về nhà”, cảnh sát đã “rút quân”, tình hình “yên ắng” và quốc lộ 1 đã “thông suốt”.
Một bài báo của Tiền Phong hôm 11/6 trích lời bí thư Bình Thuận nói rằng nhà chức trách đang “rà soát, sàng lọc các đối tượng” mà ông gọi là người bị kích động. Ông Hùng nói thêm “hành vi vi phạm pháp luật là phải xử lý nghiêm minh”.
Các báo nhà nước đưa tin công an tỉnh cho biết vào sáng cùng ngày rằng họ đã “tạm giữ 102 người” để điều tra việc “đập phá trụ sở UBND tỉnh và các cơ quan ban ngành xung quanh”.
Xe cảnh sát bị đốt cháy ở một trụ sở thuộc công an tỉnh Bình Thuận, 10/6/2018
Bí thư Hùng thận trọng nhận định với báo chí rằng “không loại trừ khả năng vẫn còn tiềm ẩn những vấn đề không lường trước được”.
Người dân Phan Rí Cửa không muốn lộ danh tính đưa ra cảnh báo vào chiều tối 11/6 rằng nếu chính quyền triển khai thêm cảnh sát và truy bắt người biểu tình, hoạt động phản đối sẽ lại nổ ra:
“Chỉ cần họ [cảnh sát] rút, họ không đến đây nữa thì người dân sẽ không chống trả gì. Hồi sáng nay cũng vậy. Ngày hôm trước xảy ra, buổi tối họ rút về, và buổi sáng có sự tiếp viện [bên cảnh sát] thì người dân họ mới tiếp tục chống lại. Bây giờ chỉ cần chính quyền không có tăng cường gì nữa thì tự động mọi chuyện sẽ yên thôi”.
Trong dịp cuối tuần, ngoài Bình Thuận, nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ đã diễn ra ở một loạt các tỉnh thành của Việt Nam, trong đó có Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Dương, Mỹ Tho.
Dù nhiều người chia sẻ các bài viết và hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy đã có việc nhà chức trách bắt bớ người biểu tình hoặc xảy ra xô xát nhẹ tại các địa phương kể trên, song nhìn chung các cuộc biểu tình đó không đạt mức độ bạo động như ở Bình Thuận.
Nam cư dân Phan Rí Cửa lý giải với VOA rằng anh và đồng hương của mình đã bị dồn nén quá lâu vì ba nguyên nhân gồm: nhiệt điện Vĩnh Tân gây ô nhiễm môi trường, việc xả chất thải xuống biển làm chết thủy sản, và kiểm ngư bảo kê cho tàu giã cào làm ngư dân không còn kiếm sống được nữa. Anh nói thêm:
“Nó tạo ra tệ nạn xã hội, công việc không có. Chính quyền chỉ có hứa suông rồi sau đó đâu vẫn vào đấy. Thì cuối cùng nó gây sự mất niềm tin. Bây giờ dù có nói gì [người dân] họ cũng không nghe”.
Một số người sử dụng mạng xã hội chia sẻ các hình ảnh cho thấy dường như cảnh sát đã và đang điều động thêm người của họ từ các địa phương khác đến Bình Thuận. VOA không thể kiểm chứng độc lập thông tin này. Khi được hỏi rằng người dân địa phương có phản ứng gì nếu diễn biến này là sự thật, nam cư dân Phan Rí Cửa nói:
“Đừng dùng đàn áp hay là bạo lực này kia. Tại vì người dân đi biển họ đối mặt với cái chết hàng ngày họ còn không sợ, bây giờ họ không có sợ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét