Vào ngày này năm 1975, Indira Gandhi, Thủ tướng Ấn Độ, đã bị kết tội gian lận bầu cử trong chiến dịch rất thành công năm 1971. Bất chấp những lời kêu gọi từ chức, Gandhi quyết không từ bỏ vị trí của mình và sau đó ra tuyên bố thiết quân luật khi biểu tình công khai nổ ra nhằm đe dọa lật đổ chính quyền của bà.
Gandhi là con gái của Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Ấn Độ độc lập. Bà chính thức trở thành một nhân vật chính trị quốc gia vào năm 1955, khi được bầu vào cơ quan điều hành Đảng Quốc Đại. Năm 1959, bà giữ chức Chủ tịch Đảng, tới năm 1964 thì được bổ nhiệm một chức vụ quan trọng trong chính phủ của Thủ tướng Lal Bahadur Shastri. Tháng 01/1966, Lal Bahadur Shastri qua đời và Gandhi lên làm lãnh đạo Đảng Quốc Đại và do đó cũng trở thành Thủ tướng Ấn Độ. Ngay sau khi trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, Gandhi gặp phải thách thức từ cánh hữu của Đảng Quốc Đại, và trong cuộc bầu cử năm 1967, bà chỉ giành chiến thắng sít sao và do đó phải điều hành cùng với một phó thủ tướng.
Năm 1971, Gandhi thắng áp đảo trước phe đối lập trong lần tái tranh cử và trở thành nhà lãnh đạo không thể tranh cãi của Ấn Độ. Năm đó, bà đã ra lệnh cho quân Ấn Độ xâm lược Pakistan để hỗ trợ thành lập Bangladesh. Điều này giúp bà trở nên nổi tiếng và đưa Đảng Quốc Đại Mới của bà giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử quốc gia năm 1972.
Trong vài năm tiếp theo, Gandhi phải kiểm soát tình trạng bất ổn dân sự do thiếu lương thực, lạm phát và xung đột địa phương. Chính quyền của bà bị chỉ trích vì sử dụng chiến thuật cứng rắn trong việc đối phó với những vấn đề này. Trong khi đó, những cáo buộc của Đảng Xã hội Chủ nghĩa (Praja Socialist Party) cho rằng bà gian lận trong bầu cử năm 1971 đã dẫn đến một vụ bê bối quốc gia. Năm 1975, Tòa án Tối cao ở Allahabad kết án bà vì một vụ vi phạm bầu cử nhỏ và cấm bà tham gia chính trị trong sáu năm. Đáp lại, Gandhi tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên khắp Ấn Độ, giam giữ hàng ngàn đối thủ chính trị, và hạn chế quyền tự do cá nhân trong nước. Một trong số những chương trình gây tranh cãi ở giai đoạn này là việc cưỡng bức triệt sản đàn ông và phụ nữ nhằm kiểm soát gia tăng dân số.
Năm 1977, bầu cử quốc gia sau nhiều lần trì hoãn cuối cùng cũng được tổ chức, và Gandhi cùng đảng của mình đã thất bại. Một năm sau đó, những người ủng hộ Gandhi đã tách khỏi Đảng Quốc Đại và thành lập Đảng Quốc Đại (I), trong đó “I” là viết tắt “Indira.” Sau đó vào năm 1978, Gandhi đi tù một thời gian ngắn vì tội tham nhũng. Năm 1979, chia rẽ trong Đảng Janata cầm quyền dẫn đến sự tan rã của chính phủ. Cuộc bầu cử mới được tổ chức vào tháng 01/1980, và Đảng Quốc Đại (I), với Indira là người đứng đầu, đã giành lại Hạ viện Ấn Độ trong một cú đảo ngược đáng kinh ngạc của vận may chính trị của họ. Gandhi, được ủng hộ bởi những người Ấn Độ đánh giá cao khả năng lãnh đạo mạnh mẽ của bà, một lần nữa trở thành Thủ tướng. Các cáo cuộc pháp lý chống lại bà sau đó đã bị bác bỏ.
Vào đầu thập niên 1980, một số bang đã yêu cầu được quyền tự chủ lớn hơn so với New Delhi, và phong trào ly khai của người Sikh ở bang Punjab đã dùng đến bạo lực và khủng bố. Năm 1984, các nhà lãnh đạo người Sikh lập căn cứ tại Đền Vàng thiêng liêng của họ ở Amritsar. Gandhi đáp trả bằng cách ra lệnh cho quân đội Ấn Độ tấn công ngôi đền, và hàng trăm người Sikh bị giết trong đợt tấn công của chính phủ. Để trả đũa, các thành viên người Sikh trong đội ngũ vệ sĩ riêng của Gandhi đã ám sát bà vào ngày 31/10/1984. Người kế vị bà là con trai Rajiv Gandhi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét