Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

3425 - Lầu Năm Góc và kế hoạch cho “cuộc chiến trường kỳ” chống Trung Quốc và Nga

Trần Quang (gt)


Nếu bạn cho rằng "cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu" là sự vươn xa đáng kể nhưng quá sức đối với một cường quốc duy nhất, hãy khoan.
Hãy nghĩ về nó như là kế hoạch quân sự quan trọng nhất trên Trái Đất ngay lúc này.
Ai còn để ý tới nó nữa, khi xét đến sự thay đổi không ngừng của người bảo vệ ở Nhà Trắng, cũng như những thông tin mới nhất dưới dạng những dòng tweet, những tiết lộ liên quan đến tình dục, và các cuộc điều tra dưới mọi hình thức? Tuy vậy, nhờ có việc lập kế hoạch hiện tại của Lầu Năm Góc, ngày càng có vẻ như Chiến tranh Lạnh phiên bản thế kỷ XXI (với những điểm lắt léo mới đầy nguy hiểm) đã bắt đầu và thậm chí hầu như chẳng ai nhận thấy.
Năm 2006, khi Bộ Quốc phòng Mỹ làm rõ vai trò an ninh của họ trong tương lai, cơ quan này chỉ nhận thấy 1 sứ mệnh quan trọng hơn cả: "cuộc chiến trường kỳ" của nó chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Năm đó, bản Đánh giá quốc phòng 4 năm một lần của Lầu Năm Góc đã giải thích: "Với các đồng minh và đối tác của mình, Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng tiến hành cuộc chiến tranh này ở nhiều địa điểm cùng một lúc và trong một vài năm tới".
12 năm sau, Lầu Năm Góc đã chính thức tuyên bố rằng cuộc chiến trường kỳ đó đang dần khép lại - mặc dù ít nhất 7 cuộc xung đột chống nổi dậy vẫn đang hoành hành trên khắp Đại Trung Đông và châu Phi - và một cuộc chiến trường kỳ mới đã bắt đầu, một chiến dịch lâu dài nhằm kiềm chế Trung Quốc và Nga ở khu vực Á-Âu.
David Norquist, quan chức phụ trách tài chính của Lầu Năm Góc, đã khẳng định rằng "sự cạnh tranh nước lớn, chứ không phải chủ nghĩa khủng bố, đã nổi lên như thách thức trung tâm đối với an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ" khi công bố đề xuất ngân sách trị giá 686 tỷ USD của Lầu Năm Góc vào tháng 1/2018. "Điều ngày càng trở nên rõ ràng là Trung Quốc và Nga muốn định hình một thế giới nhất quán với các giá trị mang tính chuyên chế của họ, và trong lúc làm điều đó, thay thế trật tự tự do và cởi mở mà đã cho phép có được an ninh và sự thịnh vượng trên toàn cầu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai".
Đương nhiên, việc Tổng thống Trump tận tụy đến mức nào với việc bảo vệ "trật tự tự do và cởi mở" đó vẫn còn mơ hồ, khi xét đến quyết tâm của ông phá vỡ các hiệp ước quốc tế và làm dấy lên một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Tương tự, việc liệu Trung Quốc và Nga có thực sự tìm cách làm suy yếu trật tự thế giới hiện tại hay không, hay đơn giản chỉ làm cho nó bớt xoay quanh Mỹ là một câu hỏi đáng nhận được sự chú ý sát sao, chỉ là không phải vào lúc này.
Lý do là tương đối đơn giản. Tiêu đề ấn tượng mà bạn lẽ ra đã nhìn thấy trên bất kỳ tờ báo nào (nhưng chưa từng nhìn thấy) là: Quân đội Mỹ đã đưa ra quyết định về tương lai. Lực lượng này đã tự ràng buộc mình và nước Mỹ với một cuộc đấu tranh địa chính trị trên 3 mặt trận nhằm chống lại những bước tiến của Trung Quốc và Nga ở châu Á, châu Âu và Trung Đông.
Tuy sự thay đổi chiến lược này là quan trọng, nhưng người ta sẽ không nghe nói về nó từ phía tổng thống, một người thiếu khả năng tập trung cần thiết cho tư duy chiến lược tầm xa như vậy và coi Vladimir Putin của Nga và Tập Cận Bình của Trung Quốc là "vừa bạn, vừa thù" thay vì là các đối thủ ngoan cố. Để đánh giá đầy đủ những thay đổi quan trọng đang diễn ra trong việc lập kế hoạch quân sự của Mỹ, cần phải thâm nhập sâu vào thế giới "Kinh Thánh" của Lầu Năm Góc: các tài liệu ngân sách và các "tuyên bố về tư thế" hàng năm của các chỉ huy khu vực vốn đã và đang giám sát việc thực hiện chiến lược 3 mặt trận vừa được hình thành này.
Thế cờ địa chính trị mới
Sự chú trọng tiếp tục này vào Trung Quốc và Nga trong việc lập kế hoạch quân sự của Mỹ phản ánh cách mà các quan chức quân sự hàng đầu hiện đang đánh giá lại cán cân chiến lược toàn cầu, một tiến trình đã bắt đầu từ rất lâu trước khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Mặc dù sau vụ 11/9, các chỉ huy cấp cao đã hoàn toàn chấp nhận cách tiếp cận "cuộc chiến trường kỳ chống khủng bố" tới thế giới, nhưng lòng nhiệt tình của họ đối với các chiến dịch chống khủng bố vốn không có hồi kết, về cơ bản không đi đến đâu, ở những nơi xa xôi và đôi khi không quan trọng về mặt chiến lược thì đã bắt đầu suy giảm trong những năm gần đây khi họ chứng kiến Trung Quốc và Nga hiện đại hóa các lực lượng quân đội của mình và sử dụng chúng để đe dọa các nước láng giềng.
Mặc dù cuộc chiến trường kỳ chống khủng bố đã kích động một sự mở rộng trên quy mô lớn và đang tiếp diễn của Lực lượng đặc nhiệm (SOF) của Lầu Năm Góc - giờ đây là một đội quân bí mật với 70.000 người được bao bọc bên trong bộ máy quân sự lớn hơn - nhưng điều đáng ngạc nhiên là nó hầu như không đem lại mục tiêu hay công việc thực sự nào cho các đơn vị "hạng nặng" của quân đội: lữ đoàn xe tăng của Lục quân, các nhóm tàu chiến sân bay của Hải quân, phi đội máy bay ném bom của Không quân... Phải thừa nhận rằng Không quân nói riêng đã đóng vai trò hỗ trợ chủ yếu trong các chiến dịch gần đây ở Iraq và Syria, nhưng ở đó và những nơi khác, quân đội chính quy phần lớn đã bị các lực lượng SOF trang bị sơ sài và các máy bay không người lái gạt ra ngoài lề.
Cho đến gần đây, việc lên kế hoạch cho một "cuộc chiến thực sự" chống lại một "đối thủ ngang hàng" (một đối thủ với các lực lượng và vũ khí tương tự như của Mỹ) được ưu tiên ở mức thấp hơn nhiều so với các cuộc xung đột không có hồi kết trên khắp Đại Trung Đông và châu Phi. Điều này đã gây lo lắng và thậm chí gây tức giận cho lực lượng quân đội chính quy, mà dường như thời khắc của họ cuối cùng đã tới.
Bản Chiến lược Quốc phòng mới của Lầu Năm Góc tuyên bố: "Hiện nay, chúng ta đang nổi lên từ một giai đoạn của sự hao mòn chiến lược, nhận thức được rằng lợi thế quân sự cạnh tranh của chúng ta đang bị xói mòn. Chúng ta đang phải đối mặt với sự hỗn loạn toàn cầu gia tăng, có đặc trưng là sự suy giảm trong trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc lâu đời" - một sự suy giảm mà lần đầu tiên không được chính thức quy cho al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), mà cho hành vi hung hăng của Trung Quốc và Nga. Iran và Triều Tiên cũng được xác định là các mối đe dọa chủ yếu, nhưng có bản chất thứ cấp rõ rệt so với mối đe dọa mà 2 cường quốc cạnh tranh nói trên đặt ra.
Điều không đủ gây ngạc nhiên là sự thay đổi này sẽ không chỉ đòi hỏi chi tiêu nhiều hơn cho các vũ khí quân dụng hạng nặng công nghệ cao tốn kém, mà còn đòi hỏi phác thảo lại bản đồ chiến lược toàn cầu để ưu tiên cho lực lượng quân đội chính quy. Trong cuộc chiến trường kỳ chống khủng bố, địa lý và các ranh giới dường như kém quan trọng hơn, khi xét đến việc các phần tử khủng bố nhỏ dường như có khả năng hoạt động ở bất kỳ đâu mà ở đó trật tự bị suy yếu. Tin chắc rằng mình cũng phải linh hoạt như vậy, quân đội Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai (thường là các lực lượng đặc nhiệm) tới các chiến trường xa xôi trên khắp hành tinh mà không màng đến biên giới.
Tuy nhiên, trên bản đồ địa chính trị mới, Mỹ phải đối mặt với các đối thủ được vũ trang tốt với mục đích cao nhất là bảo vệ đường biên giới của họ, do vậy các lực lượng Mỹ giờ đây đang được bố trí dọc theo một phiên bản được cập nhật của ranh giới đối đầu 3 mặt trận cũ kỹ và quen thuộc hơn.
Ở châu Á, Mỹ và các đồng minh then chốt của nước này (Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và Úc) sẽ phải đối mặt với Trung Quốc qua một đường ranh giới kéo dài từ bán đảo Triều Tiên đến vùng biển Hoa Đông và Biển Đông và Ấn Độ Dương. Tương tự, ở châu Âu, Mỹ và các đồng minh NATO của nước này sẽ phải đối mặt với Nga trên một mặt trận kéo dài từ bán đảo Scandinavia và các nước cộng hòa Baltic về phía Nam tới Romania và sau đó về phía Đông vượt Biển Đen sang vùng Caucasus. Nằm giữa 2 chiến trường tranh chấp là khu vực Đại Trung Đông luôn rối loạn, với Mỹ và 2 đồng minh quan trọng của nước này ở đó là Israel và Saudi Arabia, đối mặt với thành trì của Nga ở Syria và một Iran ngày càng quyết đoán và đang xích lại gần hơn với Trung Quốc và Nga.
Theo quan điểm của Lầu Năm Góc, đây sẽ là bản đồ chiến lược toàn cầu mang tính xác định trong tương lai có thể đoán trước. Hãy trông đợi hầu hết các khoản đầu tư và sáng kiến quân sự chủ yếu sắp tới tập trung vào việc tăng cường sức mạnh hải quân, không quân và lục quân Mỹ ở phía bên này của đường ranh giới, cũng như vào việc nhắm mục tiêu vào những điểm dễ bị tổn thương của Trung Quốc và Nga ở phía bên kia.
Để đánh giá đúng động lực của quan điểm chiến lược thay đổi này, không có cách nào tốt hơn là tìm hiểu các "buổi điều trần về lĩnh vực mình phụ trách" hàng năm của những người đứng đầu các "bộ chỉ huy chiến đấu hợp nhất" của Lầu Năm Góc, hay các tổng hành dinh của Lục quân/Hải quân/Không quân/Thủy quân lục chiến kết hợp, bao quát các vùng lãnh thổ xung quanh Trung Quốc và Nga: Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) chịu trách nhiệm đối với toàn bộ lực lượng của Mỹ ở châu Á; Bộ chỉ huy châu Âu (EUCOM) kiểm soát các lực lượng Mỹ từ Scandinavia đến Caucasus; và Bộ chỉ huy trung tâm (CENTCOM) giám sát Trung Đông và Trung Á, nơi mà rất nhiều cuộc chiến chống khủng bố của nước này vẫn đang được tiến hành.
Chỉ huy cấp cao của các siêu tổ chức này là những quan chức quyền lực nhất của Mỹ trong "khu vực thuộc trách nhiệm" (AOR) của họ, có tầm ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với bất kỳ đại sứ Mỹ nào được bố trí ở khu vực (và thường là cả những người đứng đầu đất nước ở địa phương). Điều đó khiến cho các tuyên bố của họ và danh sách mua sắm vũ khí luôn đi cùng với họ mang tầm quan trọng thực sự đối với bất kỳ ai muốn nắm bắt được tầm nhìn của Lầu Năm Góc về tương lai quân sự toàn cầu của Mỹ.
Mặt trận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Chỉ huy PACOM là Đô đốc Harry Harris Jr., một phi công hải quân kỳ cựu. Trong buổi điều trần về lĩnh vực mình phụ trách hàng năm, được trình bày trước Ủy ban quân vụ thượng viện Mỹ vào ngày 15/3, Harris đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về lập trường chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông lập luận rằng ngoài những mối nguy hiểm mà một Triều Tiên được vũ trang hạt nhân gây ra, Trung Quốc cũng đang nổi lên như một mối đe dọa đáng gờm đối với các lợi ích sống còn của Mỹ. Ông khẳng định: "Sự tiến triển nhanh chóng của Quân giải phóng nhân dân (PLA) trở thành một lực lượng chiến đấu hiện đại với công nghệ cao tiếp tục vừa gây ấn tượng vừa gây lo ngại. Các khả năng của PLA đang tiến triển nhanh hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới, hưởng lợi từ việc được trang bị và ưu tiên mạnh mẽ".
Theo quan điểm của ông, mối đe dọa lớn nhất là sự tiến bộ của Trung Quốc trong việc phát triển các tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) và các tàu chiến tiên tiến. Ông giải thích rằng các tên lửa như vậy có thể tấn công các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản hoặc trên đảo Guam, trong khi lực lượng hải quân ngày càng mở rộng của Trung Quốc có thể thách thức Hải quân Mỹ ở các vùng biển ngoài khơi Trung Quốc và một ngày nào đó có thể thách thức cả bộ chỉ huy của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Ông nói: "Nếu chương trình đóng tàu này tiếp diễn, Trung Quốc sẽ vượt Nga trở thành nước có hải quân lớn thứ hai thế giới vào năm 2020 tính theo số tàu ngầm và khinh hạm hoặc lớn hơn".
Việc chống lại những diễn biến như vậy và kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đương nhiên đòi hỏi phải tiếp tục chi thêm những đồng đôla của người nộp thuế cho các hệ thống vũ khí tiên tiến, đặc biệt là các tên lửa dẫn đường chính xác. Đô đốc Harris kêu gọi gia tăng mạnh mẽ đầu tư vào các vũ khí như vậy nhằm chế ngự các khả năng hiện tại và trong tương lai của Trung Quốc và bảo đảm ưu thế quân sự của Mỹ đối với vùng trời và vùng biển của Trung Quốc. Ông tuyên bố: "Để ngăn chặn các đối thủ tiềm tàng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chúng ta phải xây dựng một lực lượng có tính sát thương cao hơn bằng việc đầu tư vào các khả năng quan trọng và tận dụng sự đổi mới".
Về ngân sách, ông có một danh sách mong muốn gây ấn tượng. Trên hết, ông phát biểu rất nhiệt tình về các thế hệ máy bay và tên lửa mới - cái mà trong ngôn ngữ của Lầu Năm Góc được gọi là các hệ thống "chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập khu vực" - có khả năng tấn công các khẩu đội IRBM của Trung Quốc và các hệ thống vũ khí khác được sử dụng để giữ một khoảng cách an toàn giữa các lực lượng của Mỹ và lãnh thổ Trung Quốc.
Ông cũng bóng gió rằng ông sẽ không phản đối nếu có các tên lửa được trang bị hạt nhân cho mục đích này - các tên lửa mà ông đề xuất là có thể được phóng từ các tàu và máy bay và do vậy sẽ tránh vi phạm Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung, mà Mỹ là một bên ký kết, vốn cấm các tên lửa hạt nhân tầm trung triển khai từ mặt đất. (Để giúp bạn đọc hiểu được ngôn ngữ bí ẩn của các chuyên gia hạt nhân của Lầu Năm Góc, tác giả bài viết đã dẫn lời Harris như sau: "Chúng ta phải tiếp tục mở rộng các khả năng tấn công trên chiến trường mà tuân thủ Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung để chống lại các khả năng chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập khu vực (A2/AD) và các chiến thuật bảo toàn lực lượng của đối thủ").
Cuối cùng, để củng cố hơn nữa phòng tuyến của Mỹ trong khu vực, Harris đã kêu gọi tăng cường quan hệ quân sự với nhiều đồng minh và đối tác khác nhau, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Úc. Ông tuyên bố rằng mục tiêu của PACOM là "duy trì một mạng lưới các đồng minh và đối tác có cùng tư tưởng nhằm nuôi dưỡng các mạng lưới an ninh có nguyên tắc mà củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở". Ông nói thêm rằng điều lý tưởng là mạng lưới này cuối cùng sẽ bao gồm cả Ấn Độ, mở rộng hơn nữa vòng vây đối với Trung Quốc.
Chiến trường châu Âu
Một tương lai sẵn sàng nghênh chiến tương tự như vậy, mặc dù với các bên tham gia khác trong một bối cảnh khác, đã được Tướng Curtis Scaparrotti, chỉ huy của EUCOM, đưa ra trong buổi điều trần trước Ủy ban quân vụ thượng viện vào ngày 8/3/2018.
Đối với ông, Nga là một Trung Quốc khác. Như cách mô tả gây ớn lạnh của ông, "Nga tìm cách thay đổi trật tự quốc tế, làm rạn nứt NATO và làm xói mòn vai trò lãnh đạo của Mỹ nhằm bảo vệ chế độ của nước này, tái khẳng định sự thống trị của nước này đối với các nước láng giềng, và đạt được tầm ảnh hưởng lớn hơn trên toàn cầu... Nga đã chứng tỏ họ sẵn sàng và có khả năng can thiệp vào các quốc gia dọc theo vùng ngoại vi của nước này và triển khai sức mạnh - đặc biệt là ở Trung Đông".
Không cần phải nói, đây không phải là quan điểm mà chúng ta nghe được từ Tổng thống Trump, người từ lâu dường như miễn cưỡng trong việc chỉ trích Vladimir Putin hay mô tả Nga như một đối thủ chính thức. Tuy nhiên, đối với các quan chức quân sự và tình báo Mỹ, việc Nga gây ra mối đe dọa vượt trội đối với các lợi ích an ninh của Mỹ ở châu Âu là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Giờ đây, người ta nói về nước này theo cách mà hẳn sẽ gợi lại những ký ức của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Scaparrotti nhấn mạnh: "Ưu tiên chiến lược cao nhất của chúng ta là ngăn chặn Nga can dự hơn nữa vào các hành động xâm lược và áp đặt ảnh hưởng xấu lên các đồng minh và đối tác của chúng ta. Vì mục tiêu này, chúng ta đang cập nhật các kế hoạch tác chiến của mình nhằm đưa ra những lựa chọn phản ứng quân sự để bảo vệ các đồng minh châu Âu của chúng ta trước sự gây hấn của Nga".
Mũi nhọn của nỗ lực bài Nga của EUCOM là Sáng kiến răn đe của châu Âu (EDI), một dự án do Tổng thống Obama khởi xướng vào năm 2014 sau khi Nga chiếm giữ Crimea. Ban đầu được biết đến với tên gọi Sáng kiến trấn an châu Âu, EDI có mục tiêu tăng cường các lực lượng của Mỹ và NATO được triển khai ở các "nước tiền tuyến" - Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan - đối mặt với Nga ở "mặt trận phía Đông" của NATO. Theo danh sách mong muốn của Lầu Năm Góc được đệ trình vào tháng 2/2018, khoảng 6,5 tỷ USD sẽ được phân bổ cho EDI trong năm 2019. Hầu hết nguồn tài trợ này sẽ được sử dụng để dự trữ đạn dược ở các nhà nước tiền tuyến, tăng cường cơ sở hạ tầng của không quân, tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung được tăng cường với các lực lượng đồng minh, và luân phiên đưa các lực lượng bổ sung của Mỹ vào khu vực. Ngoài ra, khoảng 200 triệu USD sẽ được dành cho nhiệm vụ "tư vấn, huấn luyện và trang bị" của Lầu Năm Góc ở Ukraine.
Giống như người đồng cấp của mình ở chiến trường Thái Bình Dương, Tướng Scaparrotti hóa ra cũng có một danh sách mong muốn đắt đỏ gồm những vũ khí cho tương lai, trong đó có các máy bay, tên lửa tiên tiến và các vũ khí công nghệ cao khác mà ông khẳng định là sẽ chống lại các lực lượng đang được hiện đại hóa của Nga. Ngoài ra, công nhận trình độ thành thạo của Nga trong chiến tranh mạng, ông kêu gọi đầu tư đáng kể vào công nghệ mạng, và giống như Đô đốc Harris, ông bóng gió một cách bí ẩn về sự cần thiết phải tăng cường đầu tư vào một kiểu lực lượng hạt nhân nào đó có thể "sử dụng được" trên một chiến trường châu Âu trong tương lai.
Giữa Đông và Tây: Bộ chỉ huy Trung tâm
Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ giám sát một loạt đáng kinh ngạc các cuộc xung đột chống khủng bố ở khu vực rộng lớn và ngày càng bất ổn kéo dài từ ranh giới phía Tây của PACOM đến ranh giới phía Đông của EUCOM.
Trong phần lớn lịch sử hiện đại của mình, CENTCOM tập trung vào hoạt động chống khủng bố và đặc biệt là các cuộc chiến tranh ở Iraq, Syria và Afghanistan. Tuy nhiên, giờ đây, ngay cả khi cuộc chiến trường kỳ trước đó đang tiếp diễn, Bộ chỉ huy đã bắt đầu bước vào tư thế chuẩn bị cho một phiên bản mới theo kiểu Chiến tranh Lạnh được xét lại của một cuộc đấu tranh vĩnh cửu, một “kế hoạch” - gợi lại một thuật ngữ đã lỗi thời - nhằm kiềm chế cả Trung Quốc lẫn Nga ở Đại Trung Đông.
Trong cuộc điều trần gần đây trước Ủy ban quân vụ Thượng viện, chỉ huy CENTCOM, Tướng Joseph Votel, đã tập trung vào tình trạng của các chiến dịch của Mỹ chống IS ở Syria và chống Taliban ở Afghanistan, nhưng ông cũng khẳng định rằng việc kiềm chế Trung Quốc và Nga đã trở thành một phần không thể thiếu trong sứ mệnh chiến lược tương lai của CENTCOM: "Chiến lược quốc phòng được công bố gần đây đã xác định đúng đắn sự hồi sinh của cuộc cạnh tranh nước lớn với tư cách thách thức an ninh quốc gia chủ yếu của chúng ta và chúng ta nhận thấy các tác động của sự cạnh tranh đó trên khắp khu vực".
Votel khẳng định rằng thông qua việc ủng hộ chế độ Bashar al-Assad ở Syria và các nỗ lực nhằm giành ảnh hưởng với các bên tham gia then chốt khác trong khu vực, Nga đang đóng vai trò ngày càng đáng chú ý trong AOR của CENTCOM. Trung Quốc cũng đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng địa chính trị của nước này cả về kinh tế lẫn thông qua một sự hiện diện quân sự nhỏ nhưng đang gia tăng. Votel khẳng định rằng cảng do Trung Quốc quản lý tại Gwadar ở Pakistan trên Ấn Độ Dương và căn cứ mới của Trung Quốc ở Djibouti trên Biển Đỏ, đối diện với Yemen và Saudi Arabia, là đặc biệt đáng quan ngại. Ông tuyên bố rằng các cơ sở như vậy góp phần vào "tư thế quân sự và triển khai sức mạnh" của Trung Quốc trong AOR của CENTCOM và là những dấu hiệu về một tương lai đầy thách thức đối với quân đội Mỹ.
Votel trình bày rằng trong những hoàn cảnh như vậy, CENTCOM có phận sự tham gia cùng PACOM và EUCOM trong việc chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc và Nga. "Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để xử lý các mối đe dọa này, không chỉ ở những khu vực có sự hiện diện của chúng, mà còn ở những khu vực mà chúng có tầm ảnh hưởng". Không cung cấp bất kỳ chi tiết nào, ông tiếp tục nói: "Chúng tôi đã phát triển các kế hoạch và các quy trình rất phù hợp để thực hiện việc đó".
Ý nghĩa của điều đó, dù trong hoàn cảnh tốt nhất, cũng là không rõ ràng. Nhưng bất chấp những gì Donald Trump đã nói trong chiến dịch tranh cử về việc Mỹ rút khỏi Afghanistan, Iraq và Syria ngay khi IS và Taliban bị tiêu diệt, điều dường như ngày càng trở nên rõ ràng là quân đội Mỹ đang chuẩn bị đóng quân vô thời hạn các lực lượng của mình ở các quốc gia đó (và có thể cả các quốc gia khác) trên khắp khu vực thuộc trách nhiệm của CENTCOM - đương nhiên là để chống khủng bố, nhưng cũng để bảo đảm rằng sẽ có một sự hiện diện quân sự thường xuyên của Mỹ ở các khu vực có thể chứng kiến sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng giữa các cường quốc chủ chốt.
Một lời mời dẫn đến thảm họa
Theo cách tương đối nhanh chóng, các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đã tiếp tục tuyên bố rằng Mỹ đang ở trong một cuộc chiến trường kỳ mới bằng việc phác thảo những đường nét của một đường ranh giới kiềm chế kéo dài từ bán đảo Triều Tiên vòng quanh châu Á qua Trung Đông tới các vùng thuộc Liên Xô trước đây ở Đông Âu và cuối cùng tới các quốc gia Scandinavia. Theo kế hoạch của họ, các lực lượng quân đội Mỹ - được tăng cường bởi lực lượng quân đội của các đồng minh đáng tin cậy - cần đồn trú ở mọi phân đoạn của đường ranh giới này, một kế hoạch hoành tráng nhằm chặn đứng những bước tiến giả định về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga, mà hẳn sẽ khiến cho trí tưởng tượng phải choáng váng trước tầm với toàn cầu của nó. Phần lớn lịch sử trong tương lai có thể được định hình bởi một nỗ lực quá lớn như vậy.
Những câu hỏi về tương lai bao gồm cả việc liệu điều này có là một chính sách chiến lược đáng tin cậy hoặc thực sự bền vững hay không. Việc cố gắng kiềm chế Trung Quốc và Nga theo cách như vậy chắc chắn sẽ kích động các động thái đối phó, một số động thái chắc chắn sẽ khó chống lại, trong đó có các cuộc tấn công mạng và nhiều kiểu chiến tranh kinh tế khác nhau.
Và nếu người ta hình dung rằng một cuộc chiến chống khủng bố trên khắp nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn của hành tinh thể hiện một tầm với toàn cầu đáng kể nhưng quá sức đối với một cường quốc duy nhất, thì hãy chờ đợi. Việc duy trì các lực lượng lớn và được trang bị vũ khí hạng nặng trên 3 mặt trận mở rộng cũng sẽ tỏ ra quá tốn kém và chắc chắn sẽ mâu thuẫn với các ưu tiên chi tiêu trong nước và có thể kích động một cuộc tranh luận gây chia rẽ về việc khôi phục dự thảo này.
Tuy nhiên, câu hỏi thực sự - không được nêu lên ở Washington vào thời điểm này - là: Tại sao phải theo đuổi một chính sách như vậy ngay từ đầu? Không còn cách nào khác để kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc và hành vi khiêu khích của Nga hay sao? Điều dường như đặc biệt đáng lo ngại về chiến lược 3 mặt trận này là khả năng rất lớn nó gây ra sự đối đầu, tính toán sai lầm, leo thang và cuối cùng là chiến tranh thực sự, thay vì đơn giản chỉ là việc lên kế hoạch hoành tráng cho chiến tranh.
Ở nhiều điểm khác nhau dọc theo đường ranh giới trải dài trên toàn cầu này - Biển Baltic, Biển Đen, Syria, Biển Đông, biển Hoa Đông chỉ là vài cái tên có thể kể ra - các lực lượng đến từ Mỹ và Trung Quốc hoặc Nga vốn đã tiếp xúc với nhau ở mức đáng kể, thường tranh giành vị thế theo cách có tiềm năng gây thù địch. Bất cứ lúc nào, một trong những cuộc chạm trán này cũng có thể kích động một trận chiến hỏa lực dẫn tới sự leo thang ngoài dự tính và cuối cùng có thể là một cuộc chiến toàn lực. Từ đó, hầu như mọi chuyện đều có thể xảy ra, thậm chí là cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Rõ ràng, các quan chức ở Washington cần suy nghĩ kỹ trước khi ràng buộc Mỹ với một chiến lược mà sẽ khiến cho điều này ngày càng có khả năng xảy ra và có thể biến cái vốn vẫn là việc lên kế hoạch cho cuộc chiến trường kỳ trở thành một cuộc chiến trường kỳ thực sự với những hậu quả gây chết chóc.
Michael T. Klare là giáo sư nghiên cứu về hòa bình và an ninh thế giới tại Học viện Hampshire. Bài viết được đăng trên Foreign Policy in Focus.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét