Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

3434 - Vì sao Bình Thuận bạo loạn?

Phạm Chí Dũng
Cali Today

Cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu diễn ra ôn hòa ở Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác, nhưng riêng tỉnh Bình Thuận thì không.
Vào năm 2015 khi người dân Phan Rí Cửa từ phản đối đến phản kháng vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại xã Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận thải bụi than và xỉ vào môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng, không chỉ trên đất liền mà làm ô nhiễm cả biển, nhiều video và hình ảnh công bố trên mạng xã hội đã cho thấy về thực chất đã xảy ra một cuộc chiến nhỏ giữa người dân và lực lượng cảnh sát cơ động mà chính quyền huy động để đàn áp cuộc biểu tình. Sau một hồi giằng co, đám đông dân chúng Bình Thuận ào lên khiến vỡ tan hàng rào cảnh sát cơ động. Những hình ảnh khi đó mô tả ‘cảnh sát cơ động chạy như vịt’, vứt bỏ cả khiên và dùi cui.
Ba năm sau biến cố trên, lịch sử lặp lại ở Bình Thuận, nhưng còn trầm trọng hơn. Quan hệ chính quyền – dân chúng đã mất tăm từ ‘đối thoại’, mà thay vào đó trở thành đối kháng.
Không có nhiều bằng chứng cho thấy người dân Phan Thiết và Phan Rí Cửa khi đi biểu tình vào ngày Mười tháng Sáu có mối quan tâm đặc biệt đến những khuất tất chính trị và nhân quyền của hai Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Mà trên hết, họ đi biểu tình vì nhu cầu môi sinh và môi trường mà đã bị Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 phá hủy với sự bao che trắng trợn của chính quyền tỉnh Bình Thuận
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 do Tập đoàn Điện khí Thượng Hải (Trung Quốc) thi công từ tháng 8/2010, với 15% là vốn đối ứng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), còn lại là vốn tín dụng xuất khẩu ưu đãi của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và ODA của Chính phủ Trung Quốc.
Như vậy, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có nguồn gốc rất rõ từ Trung Quốc, kèm thêm những dấu hiệu không còn quá mơ hồ của một đám quan chức ‘Việt gian’.
Vào tháng Tư năm 2015, hàng ngàn người dân đã đổ ra quốc lộ 1A đoạn chạy qua Bình Thuận, gây ách tắc giao thông Bắc – Nam kéo dài hàng chục km. Hành động này được xem là bất đắc dĩ để thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội và buộc chính quyền Bình Thuận phải giải quyết vô số đơn thư khiếu nại tố cáo của người dân về nạn xả thải ô nhiễm của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, trong đó có mối nghi ngờ rất lớn vào động cơ ăn chia giữa một số quan chức cao cấp của tỉnh Bình Thuận với phía Trung Quốc…, nhưng không hề được giải quyết thỏa đáng.
Song thay vì lo cho dân, đối thoại với dân và tìm cách hạn chế ô nhiễm của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nếu không muốn nói là phải đóng cửa nhà máy này, chính quyền và công an Bình Thuận đã đàn áp thô bạo người dân, khởi tố và truy tố dẫn đến bỏ tù một số người dân vô tội.
Nỗi phẫn uất của người dân Phan Rí Cửa nói riêng và Bình Thuận nói chung đã dâng cao kể từ vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, mau chóng hình thành tâm lý đối đầu và đối kháng với chính quyền vào bất cứ tình huống va chạm hay xung đột nào giữa công an, quan chức chính quyền với dân.
Cuộc biểu tình ngày Mười tháng Sáu đã thêm giọt nước tràn ly, sau khi ly đã tràn ở Bình Thuận trong những năm qua. Khi một số người biểu tình bị công an bắt bớ theo thói quen thẳng tay đàn áp và đánh đập dã man người dân, đoàn người biểu tình đã lập tức phản ứng. Họ kéo đến trụ sở Ủy ban nhân và Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận để đòi người. Nhưng thay vì tiếp dân và đối thoại, những quan chức lãnh đạo tỉnh lại trốn biệt trong khi bắt lực lượng công an và cảnh sát cơ động ra dàn trận để chống lại đoàn biểu tình. Bạo động và bạo loạn đã phát sinh từ bầu không khí tức nước vỡ bờ và thù địch như thế. Không quá khó hiểu là sau khi đã phá tung được hàng rào cảnh sát cơ động, đoàn biểu tình đã chiếm lĩnh trụ sở chính quyền Bình Thuận và một số thanh thiếu niên ‘quá khích’ đã đập phá trụ sở, đốt xe công an… như một hành động trút giận và trả đũa vì công an bắt người biểu tình.



Đoàn người biểu tình xô đổ cổng trụ sở Ủy ban nhân và Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận để đòi người. Ảnh: Diễn đàn Dân chủ Tiến bộ

Thế còn chính quyền phản ứng ra sao?
Một dư luận viên là Mai Thanh Hải than thở trên facebook của mình: “Lạ nỗi, không có hành động tự vệ nào từ cơ quan chức năng và lực lượng bảo vệ pháp luật, dù là động thái rất nhỏ”.
Thêm một lần nữa ‘cảnh sát cơ động chạy như vịt’.
Hành động tháo chạy của lực lượng ‘còn đảng còn mình’ trước đoàn biểu tình phẫn nộ của dân cho thấy không chỉ là sự bất xứng về tương quan số đông, mà còn là xuất phát từ tâm trạng công an sợ bị người dân trả thù.
Với số lượng người biểu tình lên đến hàng trăm ngàn người tại Sài Gòn và diễn ra trên hơn 50% tỉnh thành ở Việt Nam, cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 đã chứng tỏ cái sức mạnh biển trời của nó trước con thuyền mục nát của chính quyền. Rất nhiều công an từ cao xuống thấp đang cảm nhận ngày càng rõ về hồi chuông báo tử đối với chế độ đang vang rền những tiếng quyết định. Chẳng còn bao lâu nữa…
Vậy thì tại sao cảnh sát cơ động, các nhân viên an ninh và cả các đơn vị bộ đội lại chịu cam tâm làm ‘chó săn’ cho đám lãnh đạo đảng và chính quyền chỉ biết ăn không dám chịu?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét