Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

3448 - Dự luật Đặc Khu ‘hoàn toàn không phục vụ kinh tế’

VIỆT NAM

    Đảo Phú Quốc được dự định trở thành đặc khu kinh tế thu hút các nhà đầu tư về du lịch


Các đặc khu kinh tế mà Việt Nam đang dự tính xây dựng không có tác dụng thử nghiệm gì về thể chế mà chỉ giúp làm giàu cho những người đầu cơ bất động sản, một nhà kinh tế đồng thời là nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội nói với VOA.

Ông Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển IDS, nói rằng Việt Nam không nên học tập kinh nghiệm ở một nơi khác ở một thời điểm khác vốn không thích hợp với hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, ông A cũng nêu lên quan ngại những đặc khu này có thể làm lợi cho các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

Dự luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, hay còn gọi là Luật đặc khu, vốn được Quốc hội trì hoãn cho đến tháng 10 mới thông qua do sức ép từ dư luận, đã tạo nên làn sóng biểu tình phản đối mạnh mẽ trong và ngoài nước do lo ngại dự luật này sẽ mở đường cho những nhà đầu tư Trung Quốc chiếm giữ những vị trí trọng yếu của đất nước.

Trao đổi với VOA, ông A nêu ra ba lý do chính khiến ông ‘phản đối kịch liệt’ dự luật đặc khu này: không đem lợi ích gì về kinh tế, không có tác dụng thử nghiệm thể chế và quan ngại về an ninh.

Về kinh tế, ông A cho rằng ba đặc khu kinh tế được dự định mở ra ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là ‘nhắm vào ba địa điểm đã được giới kinh doanh bất động sản đã ào ào đổ vào đầu tư’ lâu nay.

Ông gọi việc thành lập các đặc khu này là “hợp thức hóa các ưu đãi cho các nhà đầu tư bất động sản” và so sánh với việc sát nhập Hà Tây vào Hà Nội trước kia.

“Khi nghe ngóng có ý định như thế, các quan chức đã cấu kết với các doanh nghiệp bất động sản đã mua hết số đất có thể phát triển bất động sản được. Sau đó họ ra luật hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội, điều đó đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư bất động sản kiếm những khoản lời khủng khiếp,” ông giải thích và cho rằng do đó về mặt kinh tế thì các đặc khu này ‘không hiệu quả’.

Về việc thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao vào các đặc khu, ông A cho rằng “đó chỉ là mong mỏi hão huyền”.

“Các nhà đầu tư công nghệ cao chỉ đầu tư vào những nơi thật sự có trí tuệ, có đông lao động có trí tuệ như ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là những nơi tập trung lực lượng có thể thúc đẩy công nghệ cao như vậy,” ông giải thích. “Ở Hà Nội, hơn hai mươi mấy năm nay Khu công nghệ cao Hòa Lạc chình ình ra đấy mà không thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao nào vào.”

“Tôi dám cá là khi luật này được thông qua thì sẽ không có nhà đầu tư công nghệ cao nào nhảy vào để đầu tư ngoài những chuyện như casino hay khách sạn này kia,” ông khẳng định.

Nguyên do phản đối thứ hai mà ông A đưa ra là các đặc khu không có tác dụng thử nghiệm thể chế mới để có thể áp dụng cho toàn quốc vì “nền kinh tế Việt Nam hiện đã rất mở rồi”.

Ông nói Việt Nam không nên học tập mô hình của Trung Quốc từ cách nay bốn thập niên vì khi ấy Trung Quốc hình thành các đặc khu vào lúc nền kinh tế của họ còn khép kín với bên ngoài nên các đặc khu của họ có tác dụng rất lớn trong việc thử nghiệm các chính sách cải cách mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài mà sau đó được nhân rộng ra trên toàn quốc.

“Nền kinh tế Việt Nam có lẽ mở cửa nhất ở khu vực bây giờ. Đã có rất nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài,” ông nói. “Không cần mở cửa thêm nữa.”

“Việt Nam đúng là còn rất nhiều rào cản về thể chế và việc tháo dỡ rào cản bằng luật là rất cần thiết. Lẽ ra Chính phủ nên làm và khơi dậy những nguồn trong nước nhưng họ lại không làm,” ông nói.

Theo ông thì trong dự thảo luật đặc khu này “không có những quy định gì về thể chế vượt trội có thể mang ra áp dụng cho toàn quốc” cộng thêm việc quy mộ của các đặc khu này ở cấp rất nhỏ nên không có tác dụng về thử nghiệm thể chế như ở Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã bật đèn xanh để thành lập các đặc khu Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu và Hạ Môn để thử nghiệm những chính sách mới trong công cuộc cải cách khai phóng cũng như để thu hút đầu tư nước ngoài. Bốn đặc khu ban đầu này đã thành công để rồi sau đó được nhân rộng ra khắp cả nước.

“Độ mở của nền kinh tế Việt Nam bây giờ không phải như tình trạng 30, 40 năm trước đây của Trung Quốc,” ông giải thích.

“Giả sử Việt Nam làm đặc khu kinh tế vào thời điểm 25, 30 năm trước thì lại khác.”

“Chúng ta không thể mù quáng đi học tập kinh nghiệm của nước khác vào thời điểm khác,” ông nói thêm và thừa nhận rằng việc thế giới mở đặc khu không phải là chuyện gì mới mẻ nhưng bên cạnh sự thành công của Trung Quốc thì cũng có những đặc khu ở Nam Á, ở châu Phi ‘bị thất bại hoàn toàn’.

Về lý do an ninh, ông cho rằng ba địa điểm dự định mở đặc khu ‘rất nhạy cảm về an ninh quốc gia’.

Dù luật đặc khu không đề cập đến Trung Quốc và trên thực tế mở cửa cho bất kỳ nhà đầu tư nào đủ điều kiện và quan tâm, nhưng ông A cho biết những quan ngại về Trung Quốc ‘không phải không có cơ sở’.

Ông đưa ra dẫn chứng là nhà máy bô xít ở Tây Nguyên, mặc dù không phải đầu tư của Trung Quốc mà đứng ra đầu tư là Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, nhưng tiền vay là của Trung Quôc và công nghệ là mua của Trung Quốc.

“Khi người ta xây xong (nhà máy bô xít) thì người lao động Trung Quốc ở đó,” ông cho biết.

“Với những điều không tường minh cho lắm trong dự thảo, người ta chỉ có thể nghĩ là tạo điều kiện cho doanh nghiệp Trung Quốc đến mà thôi,” ông nói và nêu ra dẫn chứng trong dự thảo Luật đặc khu có đề cập đến ‘công dân của nước láng giềng’.

Nếu bỏ qua quan ngại về an ninh thì theo ông A, nếu không phải là nhà đầu tư Trung Quốc mà là các nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản hay Tây Âu vào thì ông cũng phản đối vì ‘bản chất những quy định hiện thời trong dự thảo này hoàn toàn không phục vụ gì cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam cả.”

Một điều nữa cũng làm cho ông A lo ngại là nếu tập trung nguồn lực vào các đặc khu này thì ‘sẽ làm mất nguồn lực, mất thời gian’ để phát triển những khu vực khác.

“Quốc hội, Chính phủ phải tập trung tháo dỡ những nút thắt kinh tế mà lại làm những chuyện vô bổ như thế,” ông nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét