Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Hà Nội vào ngày 31 tháng 3 năm 2018. (Ảnh minh họa) AFP
Hai dự thảo luật gây nhiều tranh cãi nhất và sóng gió nhất sau kỳ họp Quốc hội thứ 5, khoá XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam tạm thời đã có kết quả. Vấn đề là cả hai dự luật này đều bị người dân phản đối với nguyên nhân có liên quan sâu rộng đến Trung Quốc và các chính sách của Trung Quốc.
Nỗi khắc khoải từ năm 1951
“Tôi thấy cái nỗi khắc khoải nhất của ông ấy là ông ấy lo cho âm mưu ngày càng lộ liễu, càng nguy hiểm của Trung Quốc, độ can thiệp ngày càng sâu vào nội tình của đất nước Việt Nam.” Ngay lúc bấy giờ nỗi ray rức nhất của ông là ông thấy mưu toan của Trung Quốc là bàn tay đã thọc sâu quá rồi vào trong nội tình của đất nước.”
Nhân vật mà Giáo sư Tương Lai nhắc ở trên là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong một lần gặp mặt vào tháng 5 năm 2008.
Cũng trong một bài viết mới nhất do Giáo sư Tương Lai email cho chúng tôi, ông kể lại một số chi tiết cho thấy “nỗi khắc khoải” của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thực chất đã xuất hiện từ năm 1951. Năm 1951 trở về sau khi vượt Trường Sơn ra Việt Bắc dự Đại hội II của Đảng, ông Võ Văn Kiệt được cử “đi thực tế” rút kinh nghiệm về công tác thuế nông nghiệp tại nông thôn miền Bắc. Từ khi đó, ông bắt đầu hiểu ra và nói rằng “dị ứng” với những bài học mà các cố vấn Trung Quốc chuyển tải vào nước ta. Vì thế, ông từ chối không đi Bắc Kinh và xin trở về ngay Nam Bộ.
Một số tài liệu ghi rõ, khoảng thời gian năm 1946-1954 xảy ra cuộc chiến tranh Pháp – Việt Minh, không ai là không biết tầm quan trọng của viện trợ của Cộng Sản Trung Quốc cho Cộng Sản Việt Nam. Đặc biệt, một chi tiết quan trọng trong bài viết của tác giả Phạm Cao Dương vào năm 2009 có ghi rõ: Trung tuần tháng 8 năm 1950, khi hai đoàn cố vấn quân sự, một do Vi Quốc Thanh và Đặng Dật Phàm cầm đầu từ Quảng Tây và một do Trần Canh hướng dẫn từ Vân Nam đến bộ chỉ huy tiền phương của Việt Minh ở Quảng Uyên, Cao Bằng và được Võ Nguyên Giáp và Trần Đăng Ninh đón tiếp và thuyết trình.
Theo ông Phạm Cao Dương, đây là thời điểm then chốt bắn phát súng đầu tiên cho tầm quan trọng của viện trợ mà Cộng Sản Trung Quốc dành cho Cộng Sản Việt Nam.
Chi tiết này được tác giả Qiang Zhai đề cập thêm trong cuốn “China and the Vietnam wars” là trong chuyến đi Bắc Kinh từ 25-6 đến 8-7-1955 của Hồ Chí Minh, Bắc Kinh đã đồng ý viện trợ 800 triệu tệ (200 triệu USD) để xây 18 dự án, trong đó có nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy điện Hà Nội, nhà máy dệt Nam Định.
Cũng theo tác giả Qiang Zhai, vào tháng 5-1963, lúc miền Nam đang căng thẳng trong cuộc khủng hoảng Phật Giáo, Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ sang Hà Nội, nói với Hồ Chí Minh: “Trung Quốc đang đứng bên cạnh các đồng chí. Nếu chiến tranh bùng nổ,Trung Quốc là hậu phương.”
Theo lời kể lại của Giáo sư Tương Lai, ông Võ Văn Kiệt đã nhìn thấy sức ép của Bắc Kinh thời điểm diễn ra Hội nghị Genève. Việc Bắc Kinh viện trợ vũ khí và cố vấn giúp Việt Nam đánh thực dân xâm lược nhằm tạo ra toan tính lâu dài để chờ ngày bành trướng, buộc chính quyền Việt Nam phải ngừng chiến và chấp nhận vĩ tuyến 17.
Đặng Tiểu Bình phát động cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 là câu trả lời rõ ràng nhất cho âm mưu bành trướng của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam. AFP
Sau đó, Đặng Tiểu Bình phát động cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 là câu trả lời rõ ràng nhất cho âm mưu bành trướng của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam.
Tựu chung lại, để nhận định một cách khái quát nhất về thời điểm này, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho biết:
“Suốt 4 ngàn năm lịch sử của mình, cuộc chiến tranh chủ yếu của Việt Nam là với phương Bắc. Qua bao nhiêu thời, từ khi Bắc thuộc rồi lấy lại độc lập. Có độc lập rồi thì đến thời tiền Lê, Lý, Trần, hậu Lê, Nguyễn, Tây Sơn thì đều chống trả với phương Bắc. Ngay cả đến thời kỳ cận đại thì năm 56 bị xâm lấn ở Hoàng Sa, 74, 79 rồi 88. Nhân dân Việt luôn luôn phải phòng vệ trước phương Bắc mặc dù vẫn phải giữ cái hữu nghị đối với họ.”
Việt Nam thời kỳ đổi mới
Thời gian gần đây, trong nước tung ra một video lời phát biểu của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an, Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân Trương Giang Long công khai cảnh báo: “Trung Quốc, không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chúng ta. Mà không phải thời ông Tập Cận Bình đâu, ông khác lên cũng sẽ như vậy thôi. Câu chuyện là, bao giờ họ sẽ lấy và lấy bằng cách nào…”
Theo Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, bắt đầu vào thập niên 90, cả Trung Quốc và Việt Nam đều bắt đầu chính sách mở cửa. Ông đánh giá Việt Nam lúc đó có những cái tích cực hơn cả Trung Quốc.
“Những người chủ trương đổi mới phải nói là ông Võ Văn Kiệt, là 1 trong những người thực hiện thành công, rất tốt cái đổi mới, mở cửa cho Việt Nam. Cái đó tôi nghĩ không chỉ người trong nước mà cả thế giới cũng công nhận như thế.”
Năm 1986, Việt Nam bắt đầu công cuộc “Đổi mới” chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Với cuộc cải cách này, Việt Nam đã đưa GDP tăng trưởng liên tục từ năm 1986 đến 1996 với mức tăng trưởng bình quân 6,6%/năm. Lạm phát từ 3 con số được đưa về 12,7% năm 1995 và 4,5% năm 1996. Một thành tựu vẫn luôn được nhắc đến khi nói về giai đoạn này là Việt Nam từ một nước thiếu ăn đã có dư gạo để xuất khẩu.
Giáo sư Tương Lai cũng ghi nhận thành tựu kinh tế của Việt Nam giai đoạn này là nét độc đáo của một tầm nhìn mang đậm hình ảnh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
“Trong bối cảnh ấy, ông Kiệt đã tranh thủ mời những chuyên gia của chế độ cũ tham gia với ông, như ông Oánh, ông Nguyễn Văn Hảo, đặc biệt ông ấy thành lập 1 nhóm gọi là nhóm Thứ Sáu để sinh hoạt và góp ý kiến.”
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Bửu Sơn, những năm về sau, những chính sách tích cực về kinh tế của Đặng Tiểu Bình làm cho Trung Quốc có những thành công rất lớn và tốc độ phát triển kinh tế mạnh hơn.
Ngược lại, với Việt Nam thời điểm đó, ông Huỳnh Bửu Sơn chia sẻ:
“Trong khi đó, cái đổi mới của Việt Nam đến khoảng đầu năm 2000, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế Châu Á làm cho kinh tế Việt Nam chậm lại trong 1 thời gian, đương nhiên nó làm cho nền kinh tế của mình không phát triển như trước.
Như vậy, trong mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế thì 1 chuyện xảy ra đó là mình mua hàng của Trung Quốc nhiều hơn, dẫn đến chuyện nhập siêu của mình càng lớn và quan hệ ngoại thương giữa mình và Trung Quốc càng lớn.”
Hiện tại
Mặc dù nhấn mạnh rằng nhập siêu không gọi là một “lệ thuộc”, nhưng theo ông Huỳnh Bửu Sơn, do vị trí địa lý của 2 quốc gia, và giá mua nguyên vật liệu từ Trung Quốc luôn rẻ hơn từ các nước khác.
“Nhất là khu vực kinh tế quốc doanh của Việt Nam lại có nhu cầu về nguyên liệu vật tư rất mạnh từ Trung Quốc.”
Một ví dụ về ngành dệt may, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2017, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc về Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD (khoảng 204.800 tỷ đồng), chiếm hơn 42,7% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này.
Ở một lĩnh vực khác, Trung Quốc là nhà đầu tư nhiều dự án nhiệt điện tại Việt Nam, than mua từ thị trường này cũng đang có giá cao nhất so với các thị trường khác. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết từ đầu năm đến hết tháng 8, cả nước nhập khẩu gần 9,374 triệu tấn than, tổng giá trị kim ngạch đạt gần 934 triệu USD.
Sự phụ thuộc của Việt Nam vào nền kinh tế Trung Quốc như ông Huỳnh Bửu Sơn đã phân tích ngày càng thể hiện rõ. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là người đưa ra quan điểm đồng thuận. Bà cho biết nền kinh tế Việt Nam hiện đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc về nguồn cung cũng như xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam. Đây cũng chính là nguyên nhân cho nỗi lo khi dự thảo Luật Đặc khu ra đời
“Mối nguy của việc 3 đặc khu có thể biến thành các lãnh thổ của Trung Quốc ở Việt Nam là rất lớn. Chính vì vậy ngay những người dân bình thường ở Việt Nam cũng bày tỏ lo lắng.”
Vào tháng 9-2017, ông Lưu Vân Sơn, ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc, trong chuyến kinh lý Hà Nội có lời miêu tả mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là “Hai nước có cùng số phận”.
Ngầm ý của câu nói này ra sao, có lẽ đã thể hiện rõ trong những chuyển biến ở Việt Nam, từ kinh tế, chính trị, cho đến du lịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét