Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

3487 - Trump-Kim ai được cái gì?

Ngô Nhân Dụng

Các hội nghị thượng đỉnh thường nặng về lễ nghi, trình diễn hơn là các quyết định chính sách. Cuộc họp “Trump-Kim Summit” vừa qua, phần trình diễn thành công nhất. Hai lãnh tụ, một cường quốc đứng đầu thế giới về kinh tế cũng như vũ lực, một nước nhỏ nghèo mạt nhưng có bom nguyên tử, trước đây mấy tháng còn “chửi nhau” tàn tệ và dọa đánh nhau bằng bom hạch tâm, nay đã bắt tay và đứng bên nhau như những người bạn tri âm. Riêng hình ảnh đó, cho cả thế giới chứng kiến, đã là một thành công.
Trong hai người Trump và Kim, ai cũng có một thứ gì đó để đem về nước mình. Chủ Tịch Kim Jong Un đem về được những gì? Được Tổng Thống Donald Trump khen ngợi không tiếc lời. Ba ngày sau khi ông Trump mạt sát thủ tướng Canada là “không lương thiện và yếu ớt.” Một ngày trước khi gặp Kim, ông Trump còn tiếp tục kể tội lãnh tụ tất cả các nước G-7 khác trên Twitter là họ lợi dụng kinh tế Mỹ.


Ông Kim cũng mang về được hình ảnh những lá cờ “Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên” bay phất phới bên cạnh là cờ Mỹ quốc. Hình ảnh ông Kim ngồi, đứng, ngang hàng với một tổng thống Mỹ. Đó là điều mà hai đời ông nội và ông bố của ông Un ước mơ nhưng không được. Triều đại họ Kim ngày càng vững chắc hơn.
Ông Trump tuyên bố trước khi về nước: Chúng ta không nhượng bộ điều nào cả (we haven’t given up anything). Nhà bình luận Gerald F. Seib của nhật báo Wall Street Journal, tiếng nói uy tín nhất của đảng Cộng Hòa, viết: “That isn’t quite true, of course.” Nói vậy không đúng sự thật, tất nhiên.
Gerald F. Seib liệt kê các nhượng bộ: Ngay từ đầu, ông Trump đã vứt bỏ quân bài mạnh nhất của mình khi cho ông Kim một địa vị chính đáng và được quốc tế công nhận (giving Mr. Kim legitimacy and international recognition up front). Điều này không thể đẩy nó vào trong lọ được, như câu truyện Aladin trong “Ngàn Lẻ Một Đêm.”
Tổng Thống Trump tặng Chủ Tịch Kim một món quà vô giá: Ông hứa sẽ tôn trọng an ninh của Bắc Hàn. Cụ thể, ông tuyên bố Mỹ sẽ ngưng các cuộc tập trận cùng với quân đội Nam Hàn. Nhà bình luận Seib còn nhắc đến một điều có thể hiểu ngầm: Mỹ sẽ không tính chuyện tấn công Bắc Hàn nữa. Tháng Tám năm ngoái, ông Trump còn dọa ông Kim những “lửa và cuồng nộ mà thế giới chưa bao giờ thấy” (fire and fury like the world has never seen).
Bây giờ coi xem tổng thống Mỹ đã lượm hái được những gì.
Trước hết, thành công lớn nhất của ông Trump là ông Kim Jong Un hứa, trong bản tuyên cáo chung, sẽ giải giới toàn diện vũ khí hạch tâm của Bắc Hàn. Trong tiếng Anh, chỉ viết ngắn gọn “complete denuclearization.”
Nhưng thân phụ ông Un trước đây đã từng hứa như vậy nhiều lần với các vị tổng thống Mỹ trước; và còn được nghe những lời lẽ cụ thể hơn. Năm 1992, Nam Bắc Hàn đã ký thỏa hiệp không thí nghiệm và sản xuất bom nguyên tử, không nhận và tàng trữ bom của các nước khác, không tinh luyện uranium để có thể chế bom. Năm 1995, Quốc Hội Mỹ buộc Tổng Thống Bill Clinton không được mở cửa kinh tế cho Bắc Hàn nếu họ không tôn trọng thỏa hiệp này. Những không nói gì về việc giám sát, thanh tra. Hai bên gặp nhau lần cuối cùng vào năm 1993. Năm 2002, Nam Hàn, Nhật Bản và Mỹ kết luận rằng Bắc Hàn không thi hành hiệp ước!
Đời Tổng Thống George W. Bush, năm 2002 và 2005, ông Kim Jong Il còn nhượng bộ nhiều hơn, cụ thể hơn, khi đồng ý cả việc thanh tra công việc xóa bỏ vũ khí nguyên tử, được ký kết với Mỹ, có Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn làm chứng. Chính phủ Bush nghĩ rằng họ Kim đã thay đổi, thấy phát triển kinh tế quan trọng hơn bom hạch tâm. Năm 2009, ông Kim Jong Il thử hỏa tiễn, và không chấp nhận thanh tra giám sát. Bản thỏa ước đó trở thành vô giá trị. Bắc Hàn lại thử bom nguyên tử và hỏa tiễn. Bản tuyên cáo Trump-Kim không nói gì đến những chữ “giám sát, thanh tra.”
Cựu Tổng Thống Barack Obama bắt buộc Iran tiếp nhận các thanh tra Liên Hiệp Quốc tới giám sát việc xóa bỏ các trung tâm nghiên cứu và lò thí nghiệm hạch tâm; và cho tới nay các thanh tra xác nhận Iran tuân thủ đầy đủ.
Đối với ông Trump một lời hứa của ông Un là đủ chấp nhận. Vì ông tin vào “tình thân rất đặc biệt” (very special bond) mà ông đã tạo được giữa mình và ông Un, sau mấy tiếng đồng hồ gặp gỡ. Ông Trump nói: “Tôi tin rằng chúng tôi sẽ có một mối quan hệ tuyệt vời. Tôi không nghi ngờ gì cả” (I think we will have a terrific relationship. I have no doubt).
Ông Trump cũng nhận được một quà tặng nhỏ của ông Kim. Ông Kim đi thăm phố xá Singapore, và bước vào khu giải trí Marina Bay Sands Hotel, như đã được sắp xếp. Khách sạn này của ông vua sòng bài Sheldon G. Adelson, một người bạn thân đã nhiệt liệt ủng hộ Tổng Thống Trump khi ông tranh cử. Sang năm, biết đâu Chủ Tịch Kim Jong Un sẽ xin qua Mỹ thăm khu giải trí Mar-a-Lago ở Florida?
Nhìn lại những gì hai ông Kim và Trump đem về nước, chúng ta phải tự hỏi: Ông tổng thống Mỹ có cần bay nửa vòng trái đất mới đạt được những chuyện đó hay không? Ông có thể “tuýt” qua “tuýt” lại với ông Kim là nói được đủ những điều trên!
Điều mà các nhà chính trị Mỹ lo ngại nhất là chế độ Bắc Hàn không bao giờ thay đổi chính sách ngoại giao cố hữu từ hơn nửa thế kỷ. Từ đời Kim Nhật Thành (Kim Il Sung), qua Kim Chính Nhật (Kim Jong Il), triều đại này tồn tại vì luôn luôn đe dọa sẽ gây chiến tranh toàn diện trên bán đảo Triều Tiên. Kim Jong Un (Kim Chính Ân) còn đe dọa bắn hỏa tiễn nguyên tử qua Mỹ. Ông Un dọa được như vậy, vì chế độ đã bỏ ra bao nhiêu tỷ đô la chế bom và làm hỏa tiễn. Có ai tin rằng ông Un sẽ vứt bỏ lá bài quan trọng nhất của mình hay không?
Trước khi đi phó hội, Tổng Thống Donald Trump đã tuyên bố ông không cần chuẩn bị chi nhiều, ông chỉ quan tâm đến “thái độ” của ông Kim, mà ông tin rằng gặp nhau phút chốc ông đã khám phá ra sự thật. Ông Kim Jong Un đã thành công, ông Trump tỏ ra ông hoàn toàn tin tưởng.
Và quả nhiên ông Trump không chuẩn bị chi nhiều thật. Cho nên ông không đòi hỏi ông Kim những chi tiết mà người khác phải hỏi. Một điều ai cũng nhắc nhở ông là chữ “giải giới hạch tâm toàn diện” (complete denuclearization) Trump hiểu một cách, Kim hiểu cách khác. Đối với ông Trump, có lẽ đó chỉ là một chi tiết không quan trọng.
Trong vài tuần lễ trước cuộc gặp gỡ, các nhà thương thuyết Mỹ và Bắc Hàn đã tranh luận gay go về chi tiết đó. Câu hỏi là: Bắc Hàn sẽ giải giới như thế nào? Nhưng hai bên không thể nào đồng ý với nhau được. Phái đoàn Mỹ muốn bên kia phải chấp nhận các điều kiện cụ thể. Bên kia nhất định lờ đi, không bàn. Họ đành chịu, vì Tòa Bạch Ốc không muốn họ cứng rắn quá. Lo rằng cuộc họp thượng đỉnh tan vỡ trước khi bắt đầu! Nhưng cuộc họp thượng đỉnh vừa rồi có đưa tới kết quả nào hay không, điều đó hoàn toàn tùy thuộc hai bên có thể hiểu chữ denuclearization giống nhau hay không.
Complete denuclearization, chữ này có nghĩa là ngưng nghiên cứu các võ khí mạnh hơn không? Có dính đến kho hỏa tiễn hay không? Có bao gồm những vũ khí hóa học và sinh học hay không?
Tổng Thống Trump cũng không yêu cầu Chủ Tịch Kim hứa phải tôn trọng nhân quyền, một điều mà tất cả các tổng thống Mỹ trước đây đều nhấn mạnh khi nói với các chế độ độc tài. Ông Trump là người thực tế. Làm sao có thể yêu cầu một người tôn trọng nhân quyền khi hắn ta đang bỏ tù hàng trăm ngàn người không cần xét xử, hành hình những tướng lãnh bị nghi ngờ bằng “khuyển quyết” (cho chó cắn đến chết), từng đưa ông dượng ruột ra bắn (bằng súng cao xạ), và ra lệnh giết anh ruột mình bằng thuốc độc?
Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in nhận định rằng dù cuộc họp thượng đỉnh thế nào thì cũng chỉ là một bước mở đầu cho một diễn trình lâu dài. Việc giải giới vũ khí nguyên tử mà Bắc Hàn mất cong chế tạo và tích lũy từ mấy chục năm sẽ cần thời gian. “Không biết bao lâu,” ông Moon thú nhận, “Một năm. Hai năm, hay lâu hơn.” Ông Trump cũng đồng ý, coi đây là một chuyện lâu dài.
Tổng Thống Trump còn giữ một quân bài tẩy: Không nói gì đến việc nói lỏng cấm vận kinh tế. Ông còn có thể dùng đòn cấm vận để ép ông Kim Jong Un phải nói chuyện đứng đắn và nói gì phải làm theo đúng.
Nhưng thế giới đã thay đổi. Trong tình hình “hòa hoãn” chưa từng có trên bán đảo Triều Tiên, Nga và Trung Cộng có thể không cần phải thi hành lệnh cấm vận Bắc Hàn của Liên Hiệp Quốc như trước nữa. Trong thực tế, Trung Cộng đã nới lỏng. Giá nhà đất ở vùng biên giới Trung Quốc và Bắc Hàn tăng vọt vì người ta biết việc giao thương sẽ trở lại và mạnh hơn trước. Các nước Châu Âu và Canada, Nhật Bản, Nam Hàn thì sao? Họ còn muốn chiều ý chính phủ Mỹ hay không? Hiện nay Nga, Trung Cộng và các nước Châu Âu vẫn tiếp tục giao thương với Iran mặc dù Mỹ quyết định tẩy chay.
Một ngộ nhận lớn nhất của các chính phủ Mỹ là nghĩ rằng họ Kim sẵn sàng từ bỏ vũ khí nguyên tử để đổi lấy được phát triển kinh tế. Các lãnh tụ Cộng Sản không suy nghĩ như vậy. Đối với họ Kim, dân đói cũng không sao. Điều này đã được thực chứng với hai triệu người chết đói. Họ chỉ muốn nắm vững quyền hành. Hơn 60 năm nay, họ vững quyền nhờ bạo lực. Vũ khí hạch tâm là chìa khóa bảo vệ chế độ. Bây giờ ông Kim Jong Un sắp lột xác hay chăng? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét