Luật giáo dục đại học sửa đổi tới đây sẽ đề cập đến việc nhập giáo trình đào tạo từ nước ngoài về áp dụng tại mô hình đào tạo của Việt Nam.
Tại phiên chất vấn và trả lời trước Quốc hội vào sáng 6 tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tào Phùng Xuân Nhạ cho biết đã tham mưu cho Chính phủ thu hút đầu tư vào giáo dục chất lượng cao. Theo đó, ngoài thu hút đầu tư cơ sở vật chất, còn nhập các chương trình, giáo trình đào tạo của các nước tiên tiến để sinh viên có thể tiếp cận chương trình học theo tiêu chuẩn quốc tế ngay trong nước, mà không phải đi du học. Ông Nhạ nói rằng cụ thể việc này sẽ được bàn trong luật Giáo dục Đại học sửa đổi tới đây.
Nhận định về chủ trương này của Bộ Giáo dục, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một chuyên giao giáo dục, nguyên giáo sư đại học Liège, hiện đang sống ở Việt Nam nói với RFA:
Đây rõ ràng là sự bất lực, một sự thất bại. Hành động này chứng tỏ rằng sau 33 năm hòa bình lập lại, nền giáo dục Việt Nam đã đi đến chỗ bế tắc, và họ loay hoay thoát ra khỏi bế tắc đó bằng cách đi vòng vo.
Đây là sự thú nhận nền giáo dục VN đã đưa ra từ những chính sách trước đây khi ở miền Bắc và sau này ở miền Nam sau 1975 tới giờ, tất cả các chính sách đó đã đi đến chỗ thất bại. Bây giờ họ tìm cách cải cách, đổi mới, cải tạo nhưng tôi thấy nó chỉ mang tính trình diễn chứ không thực chất.
Trả lời câu hỏi vì sao chủ trương này chỉ mang tính hình thức, chứ không đem lại hiệu quả thực sự, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng phân tích:
Thứ nhất không phải là nội dung của giáo trình từ trung học đến đại học. Giáo trình lấy từ Phần Lan, Mỹ, hay Hàn Quốc về, đâu có cần nhập đâu, có khi trên mạng cũng có. Nhưng vấn đề là các giáo sư VN, nhất là những người bằng dởm học dởm, đọc có hiểu không mà dạy. Phải có nghiên cứu khoa học, có một quá trình dày mới có thể giải thích, giảng giải khoa học một cách sâu sắc và đủ đem lại hứng khởi cho người sinh viên. Không phải cứ lấy giáo trình về rồi đọc cho học sinh chép.
Theo GS. Hưng, vấn đề thứ hai là ngay cả khi những giáo sư giỏi ở VN hiểu được giáo trình, nhưng cốt lõi là nền giáo dục VN không được xây dựng trên cơ sở nền giáo dục vì dân, vì con người, vì sinh viên. Nó thiếu tính nhân bản và triết lý giáo dục để xây dựng con người tự do, giúp con em phát triển và có óc sáng tạo.
Điều ông cho rằng phải làm ngay, mà làm không tốn một đồng xu nào đó là ngưng hết những quan điểm hơn 70 năm nay đó là coi học đường là chỗ để tuyên truyền chính trị. Ông cho rằng VN đang đặt lợi ích của một nhóm người lên cao hơn lợi ích của cả dân tộc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều năm nay liên tục đề cập đến chuyện đi nhập chương trình giáo dục của các nước phát triển như Hàn Quốc hay Phần Lan. Ý tưởng này không được các chuyên gia ủng hộ vì họ cho rằng gốc rễ vấn đề không phải nằm ở chương trình đào tạo.
Trước đây VN cũng từng áp dụng dự án cải cách giáo dục tiểu học có tên VNEN. Theo chương trình này thì các lớp học được tổ chức theo kiểu học sinh tự quản, học sinh tham gia nhiều hơn vào các hoạt động có tính chất định hướng nghề nghiệp, giảm bớt gánh nặng bài tập của học sinh. Chương trình theo kiểu như vậy lần đầu tiên được tổ chức tại vùng nông thôn Colombia ở Nam Mỹ và được cho là thành công. Tuy nhiên tại VN, các chuyên gia cho biết chương trình này đã thất bại và gặp phải sự phản đối mạnh từ phía phụ huynh và giáo viên.
Cựu đại biểu Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, hiện là Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia và Phát triển Nhân lực, nhận định với RFA về chủ trương nhập giáo trình nước ngoài:
Theo tôi, hiện nay tất cả các giáo trình đại học đều đã có ở VN, nhưng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 có nhiều thay đổi, tiến bộ, nên chắc nhập thêm để tham khảo thôi, chứ nhập để thay thế thì không đúng. Nhập để đặc biệt cho đào tạo tiến sĩ. Theo tôi nghĩ chắc để đào tạo trên đại học. Chứ hiện nay trường đại học nhiều như thế làm sao nhập về được.
Thứ hai là đã Việt hóa rồi. Trường đại học VN là dạy bằng tiếng Việt, chứ không dạy bằng tiếng nước ngoài. Cho nên chỉ là tài liệu tham khảo thôi.
Vào cuối năm ngoái, Bộ Giáo dục Đào tạo VN đã đưa ra dự thảo chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ cho đến năm 2025. Dự thảo vấp phải sự phản đối từ phía dư luận và cả chuyên gia. Họ cho rằng VN hiện tại đã có quá nhiều giáo sư, tiến sĩ mà chất lượng “chẳng ra sao”.
Đáp lại câu hỏi rằng liệu nhập giáo trình nước ngoài có giúp giảm số lượng du học sinh của VN như những gì ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói hay không, GS. Nguyễn Đăng Hưng phản bác:
Người ta đi du học vì không còn tin tưởng nên giáo dục VN nữa. Tất cả phụ huynh có điều kiện đều muốn gửi con đi, vì họ biết ở trường đang bị đầu độc, bị nhồi nhét. Các giáo chức thì tìm cách dạy thêm, dùng trường học thành chỗ kiếm tiền. Tôi không vơ đũa cả nắm, không nói ai cũng như thế, nhưng không khí chung nó như vậy nên phụ huynh họ ngán ngẩm.
Rồi con em đi học về thì kể chuyện ở trường bao nhiêu chuyện xảy ra, học sinh đánh nhau, văng tục chửi thề. Làm sao phụ huynh yên tâm được được?
Theo thống kê, hiện nay có khoảng 130.000 du học sinh Việt Nam học tập ở nước ngoài (tại gần 50 quốc gia) tăng hơn gấp đôi so với con số này vào năm 2009. Trong đó khoảng 10% đi học bằng tiền ngân sách nhà nước, học bổng của chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và du học tự túc chiếm đến 90%.
Tuy nhiên vấn đề lớn nhất mà VN phải đối mặt liên quan đến du học sinh đó là tình trạng chảy máu chất xám, được hiểu là đi du học nhưng không trở về nước làm việc. Một số liệu khảo sát cách đây vài năm của ngành Giáo dục cho thấy có tới 60% đến 70% số du học sinh Việt Nam ở lại nước ngoài sau khi học xong để học tiếp, hoặc tìm việc ở nước sở tại.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nêu ra một nghịch lý đó là chính giới lãnh đạo VN lại là những người không tin tưởng nền giáo dục trong nước nhất, bởi vì phần đông trong số họ gửi con ra nước ngoài học tập.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng đồng tình rằng không phải cứ nhập giáo trình về thì số lượng du học sinh sẽ giảm:
Việc tăng cường đào tạo trong nước sẽ không làm giảm đi việc đi học nước ngoài, mà giúp những người không có học bổng và gia đình không có điều kiện đi nước ngoài thì đào tạo trong nước là một phương thức giúp ích.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho rằng để sinh viên không phải du học thì điều đầu tiên phải làm là thay đổi tinh thần và môi trường giảng dạy, học thuật để lấy lại niềm tin của cả phụ huynh và học sinh. Chứ không phải chỉ nhập giáo trình nước ngoài là giải quyết được mọi chuyện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét