Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

3497 - Trận Vân Đồn và tham vọng của Nguyên chúa

Nguyễn Giang

Quan Lạn
Trên đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn có đền thờ danh tướng Trần Khánh Dư và Đình Quan Lạn thờ hai anh em họ Phạm, có công đánh giặc Nguyên Mông ở Thế kỷ 13. Ảnh PHUONGPHUONG

Hơn 730 năm về trước, vào đầu năm 1288, Trần Khánh Dư đánh đắm đoàn thuyền tải lương của quân Nguyên ở Vân Đồn, góp phần cứu Đại Việt khỏi bị chiếm đóng.
Bành trướng ra biển, nhà Nguyên gặp hai thất bại lớn: xâm lăng Nhật Bản bị thần phong đánh tan thuyền, và ba lần đánh Đại Việt không đạt. Về tầm vóc, trận Vân Đồn không lớn bằng trận Bạch Đằng (trên sông) nhưng lại tạo bước ngoặt cho cuộc chiến chống Nguyên của nhà Trần lần ba. James A. Anderson và John K. Whitmore nhận định "trận Vân Đồn đã lật ngược thế cờ" (turned the tide), và chia đôi đạo quân xâm lược".


Kublai KhanBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionThuyền buồm mang tên Kublai Khan - Hốt Tất Liệt, vào cảng Hong Kong. Trung Quốc ngày nay đề cao nhà Nguyên và dùng tên triều đại này đặt cho cả tàu chiến.

Trước hết, ta cần xem sự phát triển của đế quốc Mông Cổ từ thời Thành Cát Tư Hãn và công nghệ quân sự của họ.
Khi 'lập quốc' (1206) trên thảo nguyên, Thành Cát Tư Hãn chỉ có các đội kỵ binh.
Bí quyết thành công của ông không chỉ là dựa vào tài cung tên của quân lính, mà còn đến từ cách tổ chức đặc biệt.
Không phong 'con ông cháu cha' làm tướng, Thành Cát Tư Hãn đã 'dân chủ hóa' quân đội, ai có tài được thăng chức, lên chỉ huy các đơn vị 10, 100 đến 1000 quân.
Từ một nhóm nhỏ, ông liên kết các bộ lạc du mục, xây dựng liên minh quân sự và tiến tới lập đội quân 80 nghìn chiến binh.
Trong quá trình chinh phục, Mông Cổ thu hút tướng tài, hàng binh Hán, Hồi, Uighur, Trung Á, Nam Á, Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ và cả người châu Âu.
Kỵ binh Mông Cổ vừa có thể bao vây, tập kích, dùng cung nỏ tấn công, dùng gươm ngắn đánh giáp lá cà, hoặc mang theo thuốc nổ để đốt phá, công thành.
Phát kiến dùng đầu mũi tên bằng xương thú nặng và xuyên phá tốt hơn đầu tên gỗ, lại nhẹ hơn nên bay xa hơn mũi tên sắt giúp kỵ binh Mông Cổ có ưu thế lớn.
Quá trình bành trướng xuống Tây Á và đánh châu Âu khiến quân Mông Cổ học và tiếp thu rồi tự thiết kế xe đánh thành, máy bắn đá trọng lực, hỏa pháo và chất nổ.
Nhu cầu vận tải quân sự đưa họ bước vào lĩnh vực thủy quân và hải quân.
Năm 1265, sau 10 năm Mông Kha (Mongke) đánh Tống không nổi, em trai ông là Hốt Tất Liệt Đại Hãn (Kublai Khan) thắng Tống ở Tứ Xuyên, thu 146 thuyền.
Đây là thủy đội đầu tiên tạo cơ sở cho nhà Nguyên phát triển các hạm đội.
Không chỉ đa văn hóa tới mức cho người Âu như Marco Polo làm quan, Mông Cổ còn thu thập kiến thức hàng hải, thiên văn địa lý từ Thế giới Ả Rập, gồm các bản đồ đi biển xa và kỹ thuật tàu buồn để phát triển hải đội hùng mạnh.


Kublai KhanBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionKublai Khan tức Hốt Tất Liệt Đại Hãn là hoàng đế nhà Nguyên, sau khi nối ngôi anh trai, Mông Kha (Mongke) đã xây dựng thủy đội để tiêu diệt nhà Nam Tống rồi đánh Đại Lý và Đại Việt

Nhưng trước khi vươn ra biển đánh Nhật Bản, Đại Việt, Chiêm Thành và Java, quân Nguyên đã có trận đánh lớn dùng thủy quân ở Trung Quốc.
Chừng 5000 thuyền của Nguyên xuôi dòng Hán Thủy để bao vây và công phá Tương Dương, thành trì lớn cuối cùng của nhà Nam Tống.
Trận Tương Dương đi vào lịch sử quân sự như một trong 10 trận đánh lớn nhất thời Trung Cổ trên thế giới.
Sau khi hạ Tương Dương vào năm 1273, đến tháng 2/1276, thủy quân Nguyên tiến tới Hàng Châu để tiêu diệt tàn quân Tống.
Trận hải chiến Nhai Sơn (1779) đã giết chết cả trăm nghìn quân dân, quan lại nhà Tống.
Vị ấu đế cùng hoàng hậu và các đại thần đã trẫm mình tự vẫn ở Vịnh Hàng Châu, nhiều tướng tá chạy sang tỵ nạn ở Đại Việt, nước đồng văn đồng chủng.

Vì sao đánh Đại Việt?

Trước đó, nhà Nguyễn đã có hai lần đánh Đại Việt.
Lần đầu vào năm 1258, nhà Nguyên đem quân vào Đại Việt để tìm đường ngược lên phía Bắc nhằm khép lại vòng vây diệt Nam Tống.
Quân Nguyên cũng đã hạ nhà Đại Lý (Vân Nam ngày nay) nhưng vẫn phải đối mặt với hàng chục bộ lạc 'nổi loạn' và nhà Trần là nước triều cống cho Tống.
Lần thứ hai vào năm 1285, quân Nguyên muốn nhà Trần cho "mượn đường" đánh Chiêm Thành, nhằm kiểm soát tuyến đường biển sang Ấn Độ Dương.
Vấn đề địa chính trị khi đó giống hệt như hiện nay khi các vùng biển lại trở thành nơi hải quân các nước tranh giành ảnh hưởng.


Nhà NguyênBản quyền hình ảnhBETTMANN
Image captionTranh vẽ chiến thuyền nhà Nguyên đi sang Ấn Độ Dương

Tham vọng của Hốt Tất Liệu là biến đế chế 'bình nguyên' của ông thành cường quốc đại dương.
Toa Đô (Sogetu, người sau bị quân Trần bắn chết ở Hưng Yên) có tước hiệu quan phụ trách thương thuyền, tiếng Anh gọi là 'superintendent of trade'.
Nhà lữ hành người Ý, Marco Polo đi cùng thuyền Nguyên đánh Chiêm Thành trở về Đại Đô, đã viết lại nhiều về Chiêm Thành, Chân Lạp, Côn Đảo.
Cũng mục tiêu chinh phục biển của nhà Nguyên khiến họ quyết tâm đánh Đại Việt lần ba.

Ý nghĩa của trận Vân Đồn

Đại Việt Sử ký Toàn thư và Nguyên Sử đều ghi lại khá rõ trận Vân Đồn.
Các đảo nay là Cái Bầu và Quan Lạn cách bờ biển Việt Nam và Trung Quốc 50-100 km từng là điểm lý tưởng để buôn bán và phòng thủ.
Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi rằng năm 1149, thuyền từ Java, Xiêm La và Lo Hac (Marco Polo viết là Locach, một tên gọi Campuchia), đến xin vua Lý Anh Tông cho phép được buôn bán trên các đảo Vân Đồn.


Vân ĐồnBản quyền hình ảnhPHUONGPHUONG
Image captionSử viết Trần Khánh Dư ém đoàn thuyền giữa các ngọn núi trên biển để phục kích và đánh đắm đoàn thuyền tải lương của Trương Văn Hổ

Trong trận đánh Chiêm Thành, quân Nguyên dong thuyền từ Quảng Đông và Phúc Kiến đến thẳng điểm nay gần Quy Nhơn nhưng trong trận đánh Đại Việt, một đoàn thuyền đi từ Hải Nam qua Vân Đồn.
Trước khi động binh, Nguyên làm động tác chính trị - ngoại giao là phong Trần Ích Tắc làm An Nam Quốc Vương, coi như không công nhận vua Trần Nhân Tông nữa.
Trấn Nam Vương Thoát Hoan (Toghan) làm tư lệnh chỉ huy ba mũi thủy bộ tiến vào Đại Việt mà công tác chuẩn bị diễn ra từ cuối 1286.
Sang năm 1287, Ô Mã Nhi (Omar Batu) đưa thuyền đến bờ biển Đại Việt, thắng trận nhưng để lại đoàn thuyền tải lương và hậu cần chừng 100 chiếc đi sau.
Chuyện tiền quân đi quá nhanh, hậu cần không theo kịp cũng xảy ra ở Thế Chiến 2 khi các binh đoàn thiết giáp Panzer Division của Đức đã vào đến Liên Xô mà hậu cần chưa sang tới Ba Lan.
Nhưng trong trường hợp của quân Nguyên, Ô Mã Nhi đã dừng lại ở vùng nay là Hải Phòng để chờ hai cánh quân nữa nhằm dồn binh lực đánh trận lớn.
Trần Khánh Dư sau khi thua trận đầu đã tập kích đoàn thuyền lương thắng lợi, khiến Trương Văn Hổ phải "đổ hàng vạn thạch lương xuống biển" tháo chạy.
Phí Củng Thìn phụ trách đoàn tàu hậu cần vì gió lớn đã không vào lãnh hải Đại Việt được nên đành quay về Quỳnh Châu tập kết cùng họ Trương.
Thiếu lương lại bị khí hậu hành hạ, nên sau một loạt trận tiếp theo đều thua, Thoát Hoan quyết định lui quân.
Trên đường rút, quân Nguyên bị đánh và thua to trên sông Bạch Đằng, mất hàng trăm thuyền.

Bài học gì từ lịch sử?

Trong lịch sử quân sự thế giới, các chiến dịch thủy bộ (amphibious warfare) ít hơn nhiều so với số trận đánh trên mặt biển hoặc chỉ trên bộ.
Nổi tiếng nhất trong Thế Chiến 2 là cuộc đổ bộ từ Anh sang Pháp trong ngày D-Day năm 1944.
Ngày nay, các chuyên gia quân sự nói một trận đổ bộ từ Phúc Kiến sang Đài Loan nếu xảy ra sẽ là thách thức lớn cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa.
Đặt trận Vân Đồn trong chiến dịch của Nguyên (1287-88) gồm 700 thuyền với hàng trăm nghìn quân triển khai trên cả ba địa bàn: biển, sông và đất liền, ta sẽ thấy rõ hơn có ý nghĩa trọng yếu của nó.
Cuộc kháng chiến chống Nguyên lần ba tuy thắng lợi nhưng Đại Việt bị suy yếu nghiêm trọng và vua Trần vẫn chấp nhận triều cống vì Nguyên còn rất mạnh.
Trong các thập niên sau đó, nhà Nguyên tiếp tục đánh Java (1293) và Pagan (nay thuộc Myanmar, 1300).
Khi đem quân sang Java, nhà Nguyên chỉ dùng thuyền đi men bờ biển Đại Việt chứ không xâm phạm vào.
Nhưng trận Java cũng thất bại và Hốt Tất Liệt không bành trướng được lãnh thổ ra các xứ Đông Nam Á.
Tuy thế, di sản của các chuyến viễn chinh là người Hán, người Hồi giáo Vân Nam, người Chiêm Thành, Java, Ả Rập và Ấn Độ đã gặp nhau, giao chiến và giao thương.
Cuộc đi biển của Trịnh Hòa, người Hồi giáo Vân Nam gốc Bukhara, vào thời Minh cũng nằm trong trào lưu này và để lại dấu ấn sâu sắc cho đến thời nay.
Sau đó nhà Thanh gốc du mục lại bế quan tỏa cảng và tự cô lập hàng thế kỷ.


Phải đến tận bây giờ Trung Quốc, với dự án 'Một Vành đai Một Con đường', lại đang vươn ra, trên biển, trên bộ và cả trên mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét