Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

3559 - Đánh giá rất cao tính 'thật thà' của ông Tổng Bí thư

Ánh Liên (VNTB)


Sau sự biến biểu tình 10.06 - 11.06, hàng loạt sự phản ứng từ phía nhà nước đối với người dân và cuộc biểu tình là 'tiêu cực'.

Bỏ qua những ý kiến từ phía Công an, Tuyên giáo, dư luận viên,… Hãy đến với ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người mới đây đã chính thức lên tiếng trong cuộc gặp và tiếp xúc với cử tri quận Thanh Xuân, Hà Đông (Hà Nội).

Người đứng đầu ĐCSVN đã cho biết, dân biểu tình do bàn tay của phần tử phá hoại hay lòng yêu nước của nhân dân đã bị lợi dụng.Đầu tiên, ông Tổng Bí thư đã 'can đảm' hơn báo đài trong nước, ít nhất về mặt ông thừa nhận chủ thể của ngày 10.06 là 'dân' thay vì 'đám  đông'; hành vi của chủ thể là 'biểu tình' thay vì 'tụ tập đông người'.


Tiếp xúc cử tri sáng 17.06, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, kẻ xấu lợi dụng lòng yêu nước của người dân để kích động biểu tình.
Người đứng đầu đảng cộng sản nhấn mạnh:'Lòng yêu nước bị kẻ xấu lợi dụng, kích động biểu tình'. Điều này cũng đồng thời thừa nhận sự vận dụng lòng yêu nước một cách sáng tạo và tài tình của đảng cộng sản đã bị phá vỡ thế độc quyền. Vì lâu nay, trong tiến trình xác lập tổ chức đảng cộng sản nên hình hài hiện nay, những đảng viên gộc của đảng từng nhiều lần 'lợi dụng, kích động' người dân biểu tình, mà tiêu biểu nhất là cuộc biểu tình kết hợp với cướp chính quyền vào mùa thu năm 1945. Và dĩ nhiên, với những điều kiện hội tụ đó, thì dù chủ thể nào, cũng là 'kẻ xấu' trong mắt kẻ cầm quyền.

Điều thứ hai, việc huy động hàng ngàn người xuống đường, ở nhiều tỉnh thành khác nhau, với nhiều biểu ngữ và nhiều độ tuổi khác nhau là một việc chưa có tiền lệ từ sau năm 1975 đến nay. ‘Thế lực thù địch; bàn tay phá hoại’ đã đi sâu vào quân chúng, huy động được quần chúng, đốc thúc được quần chúng; nắm bắt được quần chúng, đồng nghĩa toàn bộ bộ máy tuyên truyền trong dân đã bị phá vỡ. Nói cách khác, chính quyền hiện tại với công cụ tuyên truyền gầy dựng nên chính thể đã không còn nhiều hiệu lực như trước, thậm chí, tính 'tuyên truyền' còn bị giảm sút, nhiều nơi còn bị phản tác dụng. 

Thứ ba, theo Tổng bí thư, 'Đảng, Nhà nước có chủ trương xây dựng đặc khu từ những năm 90 thế kỷ trước, và Thủ tướng Võ Văn Kiệt thời đó đã khảo sát Vân Phong (Khánh Hòa), học hỏi kinh nghiệm quốc tế, thí điểm cơ chế nhằm thu hút đầu tư'. 

Quan điểm này đồng nghĩa với việc xác nhận rằng, từ chủ trương cho đến khi ra một quyết định đã kéo dài gần... 30 năm.Trong khi, việc tiến hành cải cách hay thay đổi nền kinh tế lại phải xuất phát từ tính 'chớp lấy cơ hội, thời cơ' nhằm đáp ứng cho sự hội nhập sâu rộng. 30 năm trước, đặc khu kinh tế có thể là chủ trương đúng, nhưng 30 năm sau lại có khi lỗi thời như nhiều phân tích, phản biện độc lập từ trí thức chỉ ra trước đó. Nếu tiếp tục cho rằng, sự ra đời đặc khu lần này là bước đột phá về tư duy và phát triển kinh tế, thì trừ phi... thế giới ngừng phát triển trong 30 năm để chờ Việt nam tiến hành chủ trương của mình. 

Thứ tư, vị Tổng Bí thư dẫn trường hợp 'Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khảo sát Vân Phong' là muốn nói rằng, việc này đã có tính kế thừa, tính toán từ rất lâu. Nhưng việc dẫn ra quan điểm này lại càng cho thấy, tính hấp tấp và nôn nóng, khi thay vì 'thí điểm; một đặc khu để làm thí điểm cơ chế, thì lần này lại tiến hành 3 đặc khu ở ba miền đất nước. Điều này có đi ngược với chủ trương của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đi ngược với đường lối 'thí điểm, từng bước một' vì tính chất nhạy cảm mà ngay cả bản thân ông Tổng Bí thư cũng phải thừa nhận?

'Đây là vấn đề rất khó, mới, nhạy cảm nên chúng ta làm rất thận trọng', Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Thứ năm, Tổng Bí thư quy kết rằng: 'Quyết định dừng lại để lắng nghe có thêm thời gian hoàn thiện từ chiều mùng 8/6, sao mùng 10-11/6 lại vẫn cứ đi biểu tình phản đối luật đó? Tức là chứng tỏ có ý đồ khác rồi'.

Biểu tình là để cho chính quyền nhận thấy dân hoàn toàn không mong muốn đặc khu và thời hạn ghi trong luật là 99 năm. Việc nhà nước 'dừng lại' nó không hoàn toàn đáp ứng với nguyện vọng của người dân, bởi 'dừng lại' thì nó có thể tiếp tục, trong khi người dân muốn nó phải được 'hủy bỏ'. Dân biểu tình, chỉ có một 'ý đồ' duy nhất, là dừng lại đặc khu vốn đã lỗi thời và không còn chứng minh được tính đứng đắn về cả mặt 'thí điểm' của nó (con số đặc khu đã vượt qua 1).

Thứ sáu, 'Đảng vì nước, vì dân thôi, không có mục đích nào khác'. Vậy thì Đảng phải chấp nhận chủ trương và chính sách của mình sẽ không theo một đường thẳng với sự 'đồng thuận cao'. Sự tham gia tích cực của người dân vào hoạch định chính sách nhà nước chính là một cơ sở để tạo nên sự bền vững và phát triển cho chính chủ trương, chính sách đó. Sự tham gia này tạo nên tính đa chiều và làm nên yếu tố 4.0 mà cuộc cách mạng do 'Chính phủ kiến tạo' vẫn ngày đêm nhấn mạnh. 

Nếu đảng  thực sự vì nước, vì dân - thì đảng đó phải tôn trọng quan điểm khác biệt, tôn trọng quyền được biểu tình của người dân, thay vì sử dụng bộ máy tuyên truyền - trấn áp đồ sộ để 'bịt miệng và mị dân' như những ngày qua (bao gồm: coi hoạt động biểu tình là phi pháp và gây rối; phát giấy về đặc khu và cho người dân ký đồng tình; sử dụng bộ máy trấn áp biểu tình tại Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 17.06; sử dụng một số văn nghệ sĩ có tiếng tăm để 'phê phán' người biểu tình chân chính và coi họ là 'con nghiện cần tiền'; sử dụng loa đài để ngăn cản quyền hiến định của nhân dân;...). Đó là chưa kể việc Quốc Hội tự đánh mất vai trò và vị trí 'giám sát tối cao' của mình khi bà Chủ tịch Quốc Hội khẳng định kiên quyết bàn ra Luật bởi bản thân BCT đã quyết hay bản thân Quốc Hội thực hiện sự 'đồng thuận, dân chủ' bằng chủ trương 'biểu quyết kín'.

Cuối cùng, một lần nữa đánh giá rất cao tính 'thật thà' của ông Tổng Bí thư, khi ông khẳng định mạnh mẽ luật an ninh mạng là để bảo vệ chế độ. Không vòng vo, không nhân danh 'an ninh quốc gia', không nhân danh dân tộc,... Nói như Luật sư Luân Lê: 'Thẳng thắn như ông ấy tôi thấy còn tốt hơn hẳn là mọi loại lý luận vòng vo hươu vượn vớ vẩn như của truyền thông hay tuyên giáo thường hay đưa dẫn.'

Trong một sự trùng hợp, vào ngày 17.06.1953, Liên Xô đã ra lệnh cho một sư đoàn được vũ trang của mình tiến vào Đông Berlin để đàn áp một cuộc nổi dậy của các công nhân và người biểu tình chống chính phủ Đông Đức. Đợt tấn công của Liên Xô đã đặt ra tiền lệ cho các can thiệp sau này vào Hungary vào năm 1956 và Tiệp Khắc vào năm 1968.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét