Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

3611 - MỘT KHÔNG, NĂM CÓ - LẤY GÌ CỨU NƯỚC?


Nhiều nước nhỏ đã biến mất, trở thành quận huyện của một nước lớn nào đó. Xưa nay, khắp các châu lục đã và đang diễn ra cuộc đấu tranh “cướp nước, bán nước, cứu nước” giữa các quốc gia lớn, nhỏ; giữa nhân dân với các loại quyền lực cai trị  ‘bán nước, buôn dân’, coi dân là đầy tớ của bộ máy cai trị, không phải là chủ nhân của đất nước.

Nhân loại ngày nay vẫn còn phải chứng kiến và phản kháng sự tàn phá phi nhân của các thứ chủ nghĩa bành trướng, thực dân cả cũ lẫn mới.

- Chủ nghĩa thực dân cũ: dùng sức mạnh quân sự xâm chiếm nước khác, yếu hơn, nhỏ hơn, di dân chính quốc đến thuộc địa chiếm cứ đất đai, thiết lập bộ máy cai trị, nhân sự chủ yếu là người chính quốc nhằm khai thác sức người, sức của ở thuộc địa, phục vụ nhu cầu của chính quốc. Thuộc địa kiểu cũ này dễ thấy vì quan hệ chủ tớ không che dấu  tuy vẫn có khẩu hiệu “giáo hóa”,”khai hóa”…

- Chủ nghĩa thực dân mới: không chiếm cứ lãnh thổ, không đưa dân chính quốc chiếm cứ đất đai. Bộ máy cai trị là người bản địa nhưng phục vụ lợi ích của chính quốc, là tay sai của chính quốc. Bộ máy cai trị bản địa huy động, khai thác nhân, vật, tài lực của nước mình phục vụ lợi ích của chính quốc. Thuộc địa kiểu mới này khó thấy. Mối quan hệ chủ tớ được gọi là hữu nghị, anh em. Một thuộc quốc kiểu mới như vậy còn là thứ hàng hóa cho các đại cường ra giá với nhau trong quan hệ đối tác.

- Chủ nghĩa thực dân cũ-mới: Bộ máy cai trị thuộc quốc là người bản địa (bộ máy tay sai) đồng thời di dân chiếm cứ đất đai, khai thác nhân, vật, tài lực thuộc quốc phục vụ nhu cầu của chính quốc. Đó là chủ nghĩa bành trướng đang phá nát các nước nhỏ ở châu Á.

Các nghiên cứu về các thứ chủ nghĩa thực dân cũ, mới cho thấy do nhu cầu trong nước tăng nhưng bộ máy cai trị (đảng, nhà nước) không đủ sức thỏa mãn nên chủ trương xâm lăng, khai thác tài nguyên nước khác cho nhu cầu nội địa. Mặt khác do mầm mống bất mãn, bạo loạn do bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng nên thế lực cai trị đề cao chủ nghĩa dân tộc cực đoan (Chauvinism – chủ nghĩa dân tộc nước lớn), chủ trương bành trướng để lừa mị, ru ngủ dân và dùng nó để trấn áp bất mãn bên trong. Trung quốc xưa nay thường dùng chiêu thức này do nước lớn này chưa lúc nào là quốc gia ổn định, phát triển lành mạnh.

Nhưng tại sao một nước biến mất, trở thành thuộc quốc, quận, huyện của nước khác là điều cần quan tâm cho toàn dân Việt Nam?

Xin giới thiệu một tổng kết các nguyên nhân làm một quốc gia trở thành quận, huyện cho một nước lớn nào đó: “Một không, Năm có”.

Không gì? Có gì? Bởi vì không phải nước nhỏ nào cũng biến mất.  Nó chỉ biến mất khi hội đủ điều kiện: “Một không, Năm có”.

Có 6 yếu tố làm một nước nhỏ  biến mất, trở thành quận, huyện của một nước lớn, người viết tóm tắt một cách bình dân: “1 không, 5 có”. Việt nam là quốc gia có bài học kinh nghiệm sâu sắc về “1 không, 5 có” này.

1 không

Không có tổ chức đảng đối lập, nên không có tiếng nói phản biện (báo chí, đài phát thanh, truyền hình tư nhân), người dân không được công khai phản biện, không được xuống đường bày tỏ tâm tư, nguyện vọng. Nếu người dân làm vậy (lên mạng xã hội phản biện chẳng hạn) thì bị buộc tội: bị lợi dụng, gây rối, phản động, tay sai ngoại bang, và bị tù đày…

5 có

1/ Bộ máy cai trị bị lũng đoạn: (mua chuộc, bôi đen, cài cắm tay trong…, chủ nghĩa thực dân mới). Đế quốc cai trị thuộc địa không bằng thái thú, toàn quyền. Bộ máy cai trị là người bản xứ, làm theo mệnh lệnh quan thầy, thỏa mãn mọi lợi ích của quan thầy. Người dân nếu ngu muội sẽ nghĩ là có độc lập, tự chủ.

Đấy là thực trạng mà Thiếu tướng Trương Giang Long, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị kiêm Giám đốc Học viện Chính trị CAND đã tiết lộ 2 năm trước: https://www.youtube.com/watch?v=MRvz9qfUtUY.

2/ Cư trú xen kẻ (bán nước từng phần – đặc khu… thực dân cũ). Tuy thế đế quốc bành trướng vẫn không tin tưởng bộ máy cai trị bản địa nên đồng thời di dân chiếm đất, thành lập các điểm dân cư xen kẻ (tên gọi mới là “đặc khu”). Các điểm dân cư xen kẻ này còn thực hiện nhiệm vụ truyền bá văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán chính quốc cho dân bản địa (đền thờ thần thánh Trung quốc ở Formosa- Hà tĩnh…), “thuần hóa”, “giáo hóa”, “đồng hóa” văn hóa  bản địa. Lâu dần người dân bản địa coi các vị anh hùng, thần thánh, trời Phật của chính quốc  linh thiêng, bản lĩnh hơn anh hùng, thần thánh, trời Phật của dân tộc mình.

3/ Hôn nhân chéo, tạo ra các thế hệ lai tạp cho đến khi dân bản địa mất luôn bản sắc giống nòi.

4/ Trừng trị “Khi quân, phạm thượng” (“nói xấu đảng, nhà nước, xuyên tạc, bôi nhọ…”): bộ máy cai trị bản địa lo ngại có phản ứng trái chiều nên ra lệnh (luật lệ) cấm người dân bàn tán, truyền nhau các suy nghĩ không đồng thuận trên nhiều lĩnh vực khi mà người chính quốc ngày các lấn lướt dân bản địa. Nhà cai trị nắm hết các phương tiện phổ biến tin tức, người dân chỉ còn truyền miệng và lên mạng xã hội phát biểu quan điểm, nhận thức, bày tỏ thái độ yêu nước, bảo vệ tổ quốc. Do đó có luật buộc tội hoang báo, “khi quân phạm thượng”, lên mạng xã hội thì bị tội chống phá đảng, nhà nước, phá hoại tình đoàn kết anh em đồng chí (luật an ninh mạng…).

5/ Đe dọa tấn công vũ trang: Đó là thủ đoạn thực thực hư hư mà nhiều đại cường thường sử dụng có hiệu quả như Mỹ - Triều, Trung - Việt. Chính quốc và tay trong viện dẫn chiêu thức này để hù dọa người dân: phải hữu nghị, không gây mất đoàn kết anh em để tránh xung đột vũ trang, nhưng khi có thời cơ thì đánh chiếm bằng vũ lực. Quốc tế có phản đối thì cũng là “sự đã rồi”.

Việt Nam đang trong tình trạng “1 không, 5 có”?

Vậy phải làm gì để cứu nước, cứu dân?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét