Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

3614 - Quyền dân và hiện thực ‘bước chân máu’

Ánh Liên


Tổng Bí thư trong buổi tiếp xúc cử tri gần đây cho biết, đã đề cập đến cụm từ ‘bảo vệ quyền công dân’, trong ngữ cảnh tán thành Quốc Hội thông qua luật An ninh mạng.

Nhưng trước đó, người đứng đầu Đảng đã răn đe bằng quan điểm: ‘Xem những thành phần bị công an bắt là ai? Toàn là bất hảo cả’, vị Tổng bí thư đề cập đến cuộc biểu tình ngày 10.06 – 11.06.

‘Toàn kẻ bất hảo cả’

Dựa trên quan điểm của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bài viết sẽ điểm lại những ‘kẻ bất hảo’ là ai.

Đó là chàng ca sĩ hát nhạc lính Nguyễn Tín [1], người đã xuống đường ngày 10.06, và đến ngày 15.06 anh đã được mời lên Công an phường 15 – quận Tân Bình để làm việc. Kết quả ‘kẻ bất hảo’ này đã bị tấn công tới tấp bằng những cú bạt tay, cú đấm tập trung vào đầu, và cả bóp cổ,… theo đúng phong cách ‘luật rừng’ ('Luật này là của bọn anh, a nói chó là mèo thì nó là mèo, anh nói mèo là chó thì nó là chó.' - [1+]) mà viên an ninh đã tuyên bố trước mặt. Và tuyên bố của viên an ninh: 'Mày đéo nhận thì cũng đi 88 (Điều 88 BLHS 1999)' [2]. 

Người biểu tình bị 'côn đồ' (bịt khẩu trang, áo xanh đọt chuối) trấn áp. Ảnh: Le Dung Vova
Đó là nhà báo Khánh Mai [3], từng làm việc tại báo Đất Việt, người bị hốt lên đồn vì lỡ… chụp hình trúng vào ngày 17.06. Không gian làm việc tại đồn là ‘đoàn người lê lết nằm ngồi, bị lăn tay, chụp hình’ hệt như một thước phim về ‘Nhật ký Anne Frank’. Là tiếng ‘đánh huỳnh huỵt, tiếng hét to’ của những người bị đánh vì có dấu hiệu chống đối, tức mức đã có người bị ‘chấn thương và hôn mê’. Là không còn tuân thủ Bộ Luật tố tụng hình sư; chà đạp hiến pháp bằng việc xâm nhập điện thoại Iphone và đọc toàn bộ tin nhắn ở các ứng dụng.

Là Trương Thị Hà [4] – cô nữ luật sư thực tập, người từng yêu cầu Chánh án Hà Nội chấm dứt hành vi vi hiến khi ngăn cản người dân tham gia phiên tòa công khai. Người mà khi vào ‘đồn’ – kêu gọi vô vọng ‘quyền im lặng, phản biện ôn hòa, yêu cầu luật sư’ và bị đáp trả bằng những bạt tay.

Là Nguyễn Ngọc Lụa [5], một giáo dân đạo Công giáo, người chứng kiến cảnh sử dụng luật rừng trong đồn công an ngày 17.06, và cô đã khóc trong buổi livestreams nói về cảnh tượng hãi hung, cảnh tượng mà cô ví nó ‘chẳng khác gì một cuộc bách đạo Đạo Công giáo’.

Là một Facebooker Ly Nguyễn [6], người ‘tự nhiên có mấy người nặc thường phục, mặt bịt khẩu trang đập vào xe, giật điện thoại, kẹp chặt cổ’ vì ‘chụp hình. May mắn Facebooker này có người em trai làm to ở Bộ Công an (theo Facebooker Nguyen Lan Thang), và kết quả cô đã được thả ra sau hàng loạt hành động…. trấn áp, khi mà nguyên nhân bị ‘đàn áp’ là chụp ảnh lại không hề tồn tại.

Là một nam giới tên Trịnh Toàn, người bị đánh đập đến mức chấn thương sọ não và tràn máu não tại đồn công an.

Chủ nhật, ngày 17.06.2018, có 200 người thuộc diện ‘bất hảo’ bị bắt giữ vì lỡ có mặt tại địa điểm đó, lỡ chụp hình, lỡ đi với nhóm người. Tất nhiên, họ đều là công dân của nhà nước pháp quyền XHCN, họ đều tuân thủ quyền hiến định, quyền tự do đi lại,… và kết quả họ bị bắt và được quy vào thành phần ‘toàn kẻ bất hảo cả’ nếu như dựa trên quan điểm của ông Tổng Bí thư.

Và 'biện pháp nghiệp vụ' ngành công an chưa bao giờ được đặc tả một cách trung thực đến thế.

Rồi sao?

Cuộc ‘trấn áp’ mà công an Tp. HCM phối hợp với các đơn vị khác (nếu có) thực hiện vào ngày 17.06 đã thành công tốt đẹp. Nó đập tan cuộc biểu tình từ trong trứng nước trên nguyên tắc thà nhầm hơn bỏ sót.

Đối với các thành phần ‘cứng đầu’ và từng có ‘tiền sử biểu tình’, lực lượng công an đã uy hiếp và bẻ gãy tinh thần từng người một trên nguyên tắc bất diệt: không đánh cho có, có đánh cho khai. Và luật rừng được tuyên bố là luật duy nhất được áp dụng trong đồn vào thời điểm ngày 17.06; hệ thống Hiến pháp và Luật pháp đặt bên ngoài vòng đồn để dễ dàng tiến hành trấn áp và mang lại sự thành công của trấn áp (?!).
Một người được cho là đã tham gia vào việc bắt giữ và trấn áp đầy bạo lực người biểu tình. Ảnh: Nhật ký biểu tình
‘Phẩm giá con người’ trở thành một cái đinh trong mắt của lực lượng thi hành trấn áp biểu tình lúc đó, và nó cần được dở bỏ, bởi nó không áp dụng cho ‘toàn kẻ bất hảo cả’.

Ở một sự trấn áp và bạo lực để giữ gìn chính quyền, thì những biện pháp mà Luật sư Luân Lê phản đối như: ‘bắt bớ người dân không cần (trát) lệnh của toà án hay viện kiểm sát trong một vụ án hình sự; đánh người đi biểu tình đến bất tỉnh và chấn thương sọ não, tràn máu não’ lại được coi là biện pháp an ninh cần thiết để đảm bảo dẹp tan cuộc biểu tình trong ngày 17.06.

Đây là chiến công hiển hách dâng lên Đảng, lên Tổng Bí thư; là chiến công xuất sắc mà Công an Tp. HCM tiến hành nhằm ‘ổn định an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội’. Với quan điểm xác định, bất kỳ ai xuống đường trong và sau ngày 10.06 đều là ‘đối tượng bất hảo cả’.

Một sự kiện xấu?

Trấn áp ngày 17.06 trở thành một bài học quý giá về trấn áp quyền con người nhân danh an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Những cảnh máu me, bạo lực, và ‘luật rừng’ không khác những gì mà những ‘lão thành cách mạng’ – những người làm nên thể chế CHXHCN Việt Nam hay kể về giai đoạn bị ‘kẻ thù đàn áp’. Và cũng như thế, mỗi trận đàn áp tạo nên một lớp người cứng rắn mới, chí khí mới, kiên cường mới; những lớp người ‘nuốt máu và nước mắt’ vào trong để làm nên một ‘tương lai mới’.

Trấn áp và bạo lực; xâm phạm quyền công dân và bất chấp luật pháp từ phi vụ Trịnh Xuân Thanh, bắt việt kiều Mỹ, trấn áp biểu tình, soạn thảo Luật an ninh mạng,… của ngành công an có vẻ khiến cho hình ảnh Việt Nam trở nên đen hơn, và ngoại giao Việt Nam phải muối mặt nhiều hơn (?).
Những nhánh hoa hồng trên hàng rào gai sau đợt trấn áp ngày 17.06.

Bạo lực diễn ra với dùi cui, nắm đấm,… những tưởng uy hiếp được tinh thần và trấn áp được tinh thần những người biểu tình, nhưng có vẻ nó càng gia tăng sự phẫn nộ và lòng… căm thù - liệu công an Tp. HCM có nhận biết được điều này?. Nó biến những công dân bình thường trở thành những công dân phẫn nộ. Nó khiến cho 'xã hội tin dần' về một thời kỳ công an trị? Nó biến 'thằng chỉ quan tâm làm từ thiện như mình, các anh làm cho mình trở nên thù địch' [7].

Bạo lực từng khiến cho chế độ được thành lập, nhưng trong thời kỳ không gian phẳng này, bạo lực có phải là sự tăng tốc nhanh sự nỗi giận trong dân bởi chính quyền đã không thực sự lắng nghe họ nói gì, muốn gì, cần gì? [8]. Không ai sẽ trả lời tốt câu này bằng chính những đảng viên, đặc biệt là ông Tổng Bí thư ĐCSVN, người lo ngại ‘mất chế độ’ bằng cách ‘gia tăng đàn áp’ nhằm ‘‘bảo vệ quyền công dân’.

Quyền dân của những người cộng sản thực tế trong thực tế chỉ thấy toàn máu, và nước mắt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét