Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

3633 - Bất mãn ẩn nấp dưới bề mặt thành công trong kinh tế ở Việt Nam


Việt Nam tự hào là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, người dân lạc quan và một chính phủ ổn định. Nhưng dưới bề mặt của các con số mang tính tích cực là sự bất mãn của công chúng được thể hiện qua nhiều cuộc biểu tình trên khắp đất nước trong những ngày gần đây.

Vào ngày Chủ Nhật(17/6), hàng trăm cảnh sát chống bạo loạn đã được triển khai ở thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại lớn nhất của đất nước, để ngăn chặn người dân biểu tình, sau khi hàng ngàn người đã đổ ra nhiều đường phố trên toàn quốc vào tuần trước đó. Những người biểu tình đã phản đối chống lại kế hoạch thông qua Luật Đặc khu kinh tế, với nỗi lo sợ rằng thời hạn thuê đất 99 năm sẽ dẫn đến việc Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ, cũng như Luật An ninh mạng mà họ tin rằng sẽ hạn chế quyền tự do biểu đạt trực tuyến.

Alexander Vuving, một nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương ở Hawaii cho biết: “Có một sự thất vọng trong toàn xã hội. Trong suốt 10 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, họ đã thấy sự tiến bộ trong việc tạo ra sự giàu có. Đồng thời, mọi người đã nhìn thấy rất nhiều vụ bê bối tham nhũng. Và người Việt Nam rất nghi ngờ về ảnh hưởng của Trung Quốc.”
Biểu tình của người dân Việt nam chống Luật về đặc khu
Hệ thống một đảng của Việt Nam bị chi phối bởi một lãnh đạo tập thể liên quan đến Tổng bí thư của Đảng Cộng sản và các bộ trưởng. Các nhà hoạt động và blogger thách thức tính hợp pháp của đảng và chính phủ có thể bị bỏ tù - hiện có 169 nhà hoạt động bị cầm tù, theo Hạ nghị sỹ Chris Smithcủa đảng Cộng hòa ở bang New Jersey, người đã tổ chức phiên điều trần về Việt Nam.

Tại tỉnh Bình Thuận, cảnh sát truy tố tám người về tội gây rối trật tự công cộng, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ở Bình Thuận vào hai ngày10-11/6, với một số xe bị đốt cháy, toà nhà hành chính địa phương bị phá huỷ, và 45 cảnh sát bị thương, theo Bộ Công an.

Nơi gia công hàng

Người Việt đã được hưởng lợi rất nhiều từ những mở cửa kinh tế của Việt Nam. Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế trung bình 6,3% trong giai đoạn 2005-2017, thu nhập bình quân đầu người tăng 6 lần lên 2.385 USD năm ngoái từ mức 396 USD năm 2000, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê. Nền kinh tế đã tăng 7,38% trong Quý I và Ngân hàng Thế giới đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế 2018 của Việt Nam lên 6,8% từ 6,5%. Nền kinh tế phát triển và được thúc đẩy bởi đầu tư từ các công ty nước ngoài như Samsung Electronics Co., LG Electronics và Nestle SA, biến Việt Nam thành một cường quốc sản xuất hàng tiêu dùng cho thế giới.

Tuy nhiên, mức độ không tin tưởng của chính phủ tồn tại giữa người dân thường, và các mối quan ngại của họ được thể hiện trên mạng xã hội.

Một điểm đáng chú ý là mối quan hệ của Việt Nam với người láng giềng khổng lồ Trung Quốc, một quốc gia mà người Việt đã có cuộc chiến biên giới ngắn vào năm 1979. Một cuộc thăm dò ý kiến ​​do Pew thực hiện năm ngoái cho thấy chỉ 10% người Việt Nam xem Trung Quốc như một nhân tố tích cực. Căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải kéo dài giữa Việt Nam và Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh đưa giàn khoan thăm dò vào các vùng nước tranh chấp vào giữa năm 2014. Động thái này đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây chết người ở Việt Nam và đụng độ trên biển giữa các tàu bảo vệ bờ biển của hai bên.

Tinh thần chống Trung Quốc 

“Tinh thần chống Trung Quốc rất sâu sắc ở Việt Nam," theo Carlyle Thayer, giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Australia tại Canberra.

Hàng ngàn người phản đối, lo ngại về khả năng dự luật Đặc khu sẽ cho phép Trung Quốc có được ảnh hưởng trên toàn quốc với thời hạn thuê 99 năm, đã tham gia nhiều cuộc biểu tình ở nhiều nơi, từ Hà Nội đến thành phố HCM trong ngày 10/6.Tổng cộng, khoảng 300 người đã bị bắt giữ, bao gồm cả công dân Hoa Kỳ Will Nguyễn, người bị cáo buộc gây rối trật tự công cộng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết tại một cuộc họp báo Hà Nội hôm thứ Năm tuần trước.

Người Việt Nam cũng quan ngại về Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua tuần trước. Luật này yêu cầu các công ty như Facebook Inc. và Google Inc. của Alphabet Inc. lưu trữ dữ liệu của người dùng địa phương trong nước. Có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, luật này cũng cấm người dùng Internet tổ chức, khuyến khích hoặc đào tạo người khác vì mục đích chống nhà nước, truyền bá thông tin sai lệch, gây khó khăn cho chính quyền và làm tổn hại đến hoạt động kinh tế xã hội.

Không giống như các cuộc biểu tình trước đó như các cuộc biểu tình năm 2016 chống lại thảm họa môi trường gắn với Tập đoàn Formosa Plastics của Đài Loan, các cuộc biểu tình gần đây liên quan đến nhiều công dân bình thường và người nhà hoạt động ít nổi tiếng hơn, Vuving nói.

Nhà đầu tư không nao núng

Sự bất mãn ngầm trong dân chúng về "tham nhũng lớn và thiếu minh bạch của chính quyền địa phương," theo ông Lê Đăng Doanh, một nhà kinh tế học và cựu cố vấn chính phủ ở Hà Nội. "Điều rất quan trọng là chính phủ phải nói nhiều hơn trước công chúng để giải quyết các vấn đề này trước khi chúng trở thành vấn đề lớn giữa các công dân."

Hiện tại, sự bất mãn này sẽ không ngăn cản các nhà đầu tư vào Việt Nam, một quốc gia phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài để tăng trưởng, theo ông Bernard Lapointe, Trưởng phòng nghiên cứu tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt. "Nguy cơ lớn nhất đối với Việt Nam, trong trường hợp leo thang bất bình đẳng xã hội, sẽ là một sự sụt giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài."

Các nhà lãnh đạo chính trị đang làm việc để giảm bớt sự tức giận của công chúng. Quốc hội đã hoãn bỏ phiếu về dự luật Đặc khu kinh tế cho đến cuối năm nay và loại bỏ điều khoản cho thuê 99 năm.


Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng kêu gọi công dân tin tưởng các nhà lãnh đạo của đảng và giữ bình tĩnh, theo một tuyên bố được đăng trên trang web của chính phủ hôm thứ Hai. Đảng này, ông nói thêm, "không có mục đích nào khác ngoài mục đích cho đất nước và cho người dân của nó."

Nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét