Ngày này 30 năm trước, một chiều Chúa nhật như mọi Chúa nhật khác, tôi tham dự Thánh lễ tại Nhà thờ Lớn Hà Nội. Điều ngạc nhiên là xung quanh tôi, trong nhà thờ đầy rẫy những gương mặt lạ mà người công giáo nhìn qua cũng biết rằng họ là những người không phải tín hữu công giáo. Quan sát kỹ thái độ của họ, tôi biêt họ là công an.
Tôi thấy lạ, bởi chưa khi nào có hiện tượng lộ liễu đến thế. Thánh lễ diễn ra bình thường, không có một lời nào nói về một sự kiện trọng đại: Ngày hôm đó, tại quãng trường Thánh Phê rô, Vatican, Đức Giáo hoàng John Paull II đã tổ chức Đại lễ phong Thánh cho 117 Thánh tử đạo Việt Nam.
Chuyện 30 năm trước
Mãi về sau này, chúng tôi mới được biết về Đại lễ phong Thánh này, bởi Giáo hội Công giáo Việt Nam lúc bấy giờ cũng không thể có một trang báo, một thông báo hay một văn bản nào để thông tin đến giáo dân sự kiện trọng đại đối với Giáo hội Việt Nam và giáo hội hoàn vũ đến vậy.
Nhiều câu chuyện về Đại lễ phong Thánh này đã được kể lại, hẳn nhiên không phải là câu chuyện ở Quãng trường Thánh Phê rô, mà là chuyện ở ngay tại quê hương các Thánh tử đạo: Việt Nam.
Chúng tôi được nghe kể lại rằng trước đó, ngay trước khi phong thánh cho 117 vị chân phước tử đạo Việt Nam, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã làm mọi cách để phản đối và yêu cầu hủy bỏ việc này.
Thậm chí, tờ Công giáo và Dân tộc, một tờ báo giả danh của người Công giáo nhưng là cánh tay nối dài của Cộng sản đã từng có ý định xin chữ ký để làm thỉnh nguyện thư hoãn việc phong Thánh này. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn và nhiều Giám mục, linh mục Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ nên ý định phá hoại này đã bị dập tắt.
Ngay từ cuối năm 1985, nhà cầm quyền CSVN đã bắt đầu chiến dịch dùng truyền thông bẩn thỉu để làm mất uy tín của các vị Thánh tử đạo Việt Nam. Thậm chí nhà cầm quyền còn hạch sách các chủ chăn bằng mọi cách, giám sát, câu lưu và bao vây mọi hoạt động của người công giáo, nhất là các linh mục, giám mục.
Đức cha Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám mục Thái Bình kể lại: “Nhân vật nổi bật và có công nhất chính là Đức Hồng Y Giuse-Maria Trịnh Văn Căn. Có lẽ ngài cùng với một số một các Đức cha Việt Nam và ngoại quốc đã âm thầm chuẩn bị tiến tới việc phong hiển thánh. Đức Hồng Y Giuse-Maria thường được đánh giá trong cuộc sống là “người hiền lành đến mức dễ dàng”. Song, trong việc phong thánh, ngài tỏ ra hết sức kiên cường, gan dạ vô cùng. Chúng tôi nhớ, trong cuộc họp dưới sự điều hành của ông Bộ trưởng Bộ Công An là ông Mai Chí Thọ, ông này đã lớn tiếng thoá mạ một số các thánh tử đạo, nhưng lập tức bị Đức Hồng Y phản ứng bằng cách khóc lớn tiếng trong cuộc họp và mạnh mẽ nói rằng: “Ông không được thoá mạ tổ tiên cha ông chúng tôi”, và cuộc họp vì thế đã bị chấm dứt. Sau này, có tin cho biết rằng, ông Thọ bị trách cứ là “suýt nữa cụ Trịnh Văn Căn ngã xuống thì lúc đó con số phong hiển thánh sẽ là 118 vị chứ không phải là 117 vị.”
Trong những ngày Đại lễ Phong Thánh được long trọng tổ chức tận Vatican xa xôi, người giáo dân Việt Nam không hề được biết, nhưng nhà cầm quyền Hà Nội đã ngồi tưởng tượng ra rằng giáo dân sẽ tập trung biểu tình nhân dịp này, hoặc Vatican cố tình chọn phong Thánh vào ngày 19/6 là ngày truyền thống Quân lực Việt Nam Cộng hòa, rằng nhiều vị Chân phước sắp được phong Thánh là các tay sai của đế quốc thực dân gây tội ác với nhân dân…
Và họ đã giăng một lực lượng hùng hậu công an, cán bộ và chi khá lớn tiền của của người dân cho việc chống lại những bóng ma các Thánh tử đạo Việt Nam và chống lại người Công giáo Việt Nam hiện tại.
Thế nhưng, Đại lễ Phong Thánh cho 117 vị chân phước Việt Nam, một Đại lễ Phong Thánh lớn nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo hoàn vũ cho đến lúc bấy giờ vẫn tiến hành trọng thể và được cả thế giới vui mừng hân hoan chào đón. Khắp nơi trên thế giới tuốn về Roma, chỉ có những người con cháu các Thánh tử đạo Việt Nam bị gông cùm trong đất nước cộng sản là không thể có mặt. Điều đó như một cái tát, một bằng chứng đanh thép về cái gọi là “Quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam được bảo đảm” mà nhà nước Cộng sản luôn ra rả tuyên truyền.
Mãi sau này, tôi mới biết rằng, nhà nước CSVN đã bị chính con đẻ của mình phản bội và bị hớ nặng trong vụ việc này. Ngoài việc chi hàng đống tiền của, lo lắng đến mất ăn mất ngủ mấy năm trời, còn bị cả thế giới phỉ nhổ.
Kẻ phản bội này chính là cái tổ chức mang tên Ủy Ban Đoàn kết Công giáo mà nhà nước đã đẻ ra, nuôi báo cô từ những năm 1953 để âm mưu lập một giáo hội tách biệt với Giáo hội Hoàn vũ, một giáo hội do Đảng Cộng sản vô thần lãnh đạo, chi phối theo kiểu Trung Cộng.
Sở dĩ cái Ủy ban này phản bội, chỉ đơn giản vì những người mang áo Linh mục nhưng đã bán linh hồn cho ma quỷ, nhân viên, cán bộ… trong cái Ủy ban này ngày càng lộ rõ sự ăn hại và vô dụng. Bởi Giáo hội Công giáo không dễ bề khuất phục và mua chuộc, nên nhà cầm quyền đã có ý định cho “giải ngũ” đỡ nuôi tốn cơm thừa. Do thấy nguy cơ mất việc và lợi lộc, cái Ủy ban này đã ngồi vẽ ra những “âm mưu” những tai hại và đem ra đe dọa nhà cầm quyền vốn đã thấy tôn giáo như bóng ma ám ảnh nhà nước vô thần.
Chính vì vậy, nhà cầm quyền CSVN đã hoảng hốt và nếm trọn quả đắng trong việc đối phó với việc phong Thánh.
Đôi nét về cách giết chết một tôn giáo: Phật giáo
Thời kỳ trùm kín chăn tách biệt với thế giới bên ngoài buộc phải qua sau cuộc khủng hoảng sụp đổ không tránh khỏi của hệ thống cộng sản trên toàn thế giới, nhà cầm quyền CSVN muốn vào sân chơi của thế giới nhằm kiếm dola, buộc phải thay đổi biện pháp đối với tôn giáo tại Việt Nam.
Trước đây, trong thời kỳ “Cách mạng về tư tưởng và văn hóa” – một trong 3 cuộc cách mạng chính của cộng sản – nhà cầm quyền đập bỏ hết tất cả đền đài, chùa chiền, miếu mạo, cướp đất đai của mọi nhà thờ nhằm tiêu diệt hoàn toàn “tư tưởng phong kiến, thực dân lạc hậu” để “xây dựng nền văn hóa mới XHCN”.
Nhưng khi không thể tiêu diệt niềm tin của người dân, nhất là sau khi cái bánh vẽ “Thiên đường XHCN” bị bóc mẽ và sụp đổ cả về lý thuyết lẫn thực tiễn, nhà cầm quyền CSVN chuyển sang chiêu bài mới, chính sách mới về “tự do tôn giáo”.
Đối với Phật giáo, do hệ thống tôn giáo này lỏng lẻo, nhà cầm quyền CSVN đã gom tất cả 9 hệ phái Phật giáo - dù rất khác nhau về giáo lý và giáo luật – vào một rọ gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” cho dễ bề cai trị. Hệ thống đó, đã lấy ba thứ “Đạo pháp - Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” trộn thành nồi lẩu mắm làm đặc sản cho phật tử.
Những công trình đền chùa, thu hút đông người dân, được các con sâu lớn trong hệ thống chính trị bỏ số tiền khổng lồ cướp được sau một thời gian làm quan cai trị, để xây to lớn, hoành tráng và kinh doanh.
Nhiều trò mê tín dị đoan được dung dưỡng, tung hô và ngang nhiên lôi cuốn từ lãnh đạo cộng sản cho đến người dân như phát ấn Đền Trần, Chùa Hương, Chùa Bái Đính…
Đặc biệt, để khuynh loát hệ thống tôn giáo, một chính sách “không tiêu diệt được thì đồng hóa và đổi màu” đã được tiến hành cách tinh vi và có quy mô lớn, có hệ thống từ chính sách đến thực tiễn.
Mới đây, khi một ông sư chết, người ta mới biết rằng ông ta có đến tận 50 năm tuổi đảng. Kỳ lạ thay là một người mang áo cà sa, tu hành theo Phật giáo lại là thành viên của đảng Cộng sản vô thần hơn nửa thế kỷ.
Thế nhưng, con số đó không phải là ít.
Hệ thống sư sãi được đào tạo chính từ những trường Công an, An ninh chính trị rồi bổ nhiệm đi các chùa trong vai trò sư sãi nhằm quản lý và đầu độc người dân. Trong dân gian hiện nay, người ta cho rằng không dưới 95% sư sãi được đào tạo bài bản từ ngành công an. Những người chân tu chỉ còn cách im lặng vào núi. Sư sãi được bổ nhiệm như những “ sĩ quan, chiến sĩ đi làm nhiệm vụ đặc biệt”.
Nhiều phật tử cho biết rằng những người có gia đình, vợ con ở Thanh Hóa, sẽ được bổ nhiệm làm sư sãi ở vùng xa hơn như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, những người có vợ con ở Bắc Ninh, được bổ nhiệm làm nhiệm vụ ở các chùa như Ninh Bình, Hải Phòng… và được trang bị xe cộ phương tiện để sau những ngày “làm công tác tu hành” thì về thăm vợ con, gia đình.
Điều cơ bản để phá hoại hệ thống Phật giáo một cách bài bản và nham hiểm nhất, đó là đưa đủ thứ hầm bà lằng vào phá nát hệ thống giáo lý nhà Phật. Nhiều hiện tượng, sự việc trái hẳn với giáo lý nhà Phật như lên đồng, xem bói, xem ngày giờ, cầu an, giải hạn… đều được đưa vào chùa chiền và bằng nhiều cách mê hoặc để thu tiền dân.
Nhà cầm quyền CSVN đã biến chùa chiền trở thành nơi mua bán, cầu cúng, xin xỏ lộc phước, mua quan bán chức, vay vốn, trả nợ… bằng tiền.
Với đội ngũ sư công an, những hiện tượng cấm kỵ đều đã trở thành bình thường trong hệ thống Phật giáo hiện nay như sư sãi cổ động cho chiến tranh, bạo lực, dùng giáo lý nhà Phật để giải thích, bào chữa cho hiện tượng oan sai, hà hiếp dân lành của chế độ công an trị.
Người ta đã không lấy làm ngạc nhiên khi một kẻ mang áo cà sa, như Thích Thanh Quyết, nơi cái gọi là Quốc hội, đã yêu cầu xây dựng đất nước theo mô hình của nhà nước “côn đồ quốc tế” Bắc Hàn hoặc cho rằng ngay cả Phật có đến nghìn tay, nghìn mắt mà vẫn có oan cho Thị Kính, thì việc hệ thống pháp luật Việt Nam án oan đến 30% là rất nhỏ?
Tệ hại hơn, nhiều sư sãi còn đóng vai trò tuyên giáo của đảng để dâng đất cho giặc, bán đất nước, lãnh thổ nhằm vinh thân phì gia.
Thế nên, ngày nay mới sản sinh ra những quái sư như Thích Chân Quang đã ngang nhiên mạ lỵ cả truyền thống đánh giặc giữ nước ngàn năm nay của cha ông ta, hèn hạ nhận rằng Việt Nam là đàn em của Trung Cộng, và ngày xưa, Lý Thường Kiệt đánh Trung Quốc xâm lược là… “hỗn”.
Cũng không thiếu những kẻ khoác áo cà sa nhà Phật, nhưng dẫn đầu trong việc làm ác đức bất nhân, đi ngược lại với Giáo lý nhà Phật bằng cách chống lại tôn giáo khác như Thích Nhật Từ.
Và hệ thống Phật giáo nát bét, những hiện tượng sư sãi chơi thuốc lắc, ma túy, mại dâm, gái gú… đã trở thành chuyện thường ngày ở Phật giáo quốc doanh Việt Nam ngày nay.
Nhiều tôn giáo khác cũng đa bị khuynh loát và điều khiển theo hướng “tôn giáo Chủ nghĩa xã hội” theo cách đó.
Và Phật giáo Việt Nam đang ở trong sự cùng cực về đại nạn “mạt pháp” dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản.
Sau khi khuynh loát được hệ thống Phật giáo một cách cơ bản, nhà cầm quyền CSVN đã ưu tiên Phật giáo quốc doanh về mọi mặt, từ việc xây chùa chiền to lớn, đến cấp đất bạt ngàn nhằm đào tạo “công an sư” phục vụ cho đảng.
Ngược lại Giáo hội Công giáo càng ngày càng bị bóp nghẹt, hạn chế một cách bài bản và tinh vi.
(Còn nữa)
Ngày 19/06/2018, Kỷ niệm lần thứ 30 ngày Đại lễ Phong 117 Thánh tử đạo Việt Nam.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét