Đọc một bài báo không chỉ là đọc nội dung bài báo. Mà nếu để ý chúng ta sẽ biết được nhiều điều đằng sau bài báo đó. Đơn giản là mỗi bài báo đều có một tiểu sử, một lịch sử riêng của nó.
Đọc bài báo chúng ta còn biết được người viết báo và toà soạn báo. Biết tác giả hiểu đề tài tới đâu, tại sao tác giả lại viết, và tại sao toà soạn lại chọn đăng đề tài đó và bài đó trong vô số đề tài khác nhau và có thể viết bằng các hướng khác nhau. Đăng đề tài đó thì có lợi gì, và cho ai? Toà soạn báo càng uy tín thì càng nghiêm ngặt trong việc chọn đăng bài. Vì vậy mỗi bài báo họ đăng đều có một thông điệp đằng sau đó chứ không hẳn là chỉ đăng tin.
Mỗi bài báo cung cấp một góc nhìn khác nhau đối với một sự kiện, mà đôi khi để hiểu hết sự kiện đó chúng ta cần đọc nhiều bài báo khác nhau, đặt trong các bối cảnh, để từ đó mới có một góc nhìn đầy đủ. Và nếu chỉ có đọc một bài báo thì nếu suy xét chúng ta sẽ vấn vương với nhiều dấu hỏi. Vì vậy mà đọc một bài báo còn giúp người đọc đặt ra nhiều câu hỏi để hiểu hơn về sự việc.
Riêng với bài báo của Xinhua (Tân Hoa Xã) về đặc khu Vân Đồn, chúng ta trước hết đọc nội dung bài báo rồi sau đó sẽ là lời bình. Nội dung của bài báo Xinhua để trong phần Phụ lục dưới cùng (1).
Tại sao chúng ta lại để tâm tới Xinhua? Đơn giản là vì Xinhua là cơ quan truyền thông lớn nhất và ảnh hưởng nhất của Trung Quốc. Nó là một tờ báo và một cơ quan của đảng Cộng sản Trung Quốc. Chủ tịch của Cơ quan Thông tấn Xinhua là một Uỷ viên Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Xinhua là một cơ quan cấp bộ trực thuộc chính quyền trung ương của Trung Quốc. Xinhua có trang web chính là www.news.cn/english, và có ba cơ quan trực thuộc là Reference News (là tờ báo phổ biến chủ yếu trong nội địa), CNC World (là tờ báo tiếng Anh), và xinhuanet.com (là tờ báo đăng nội dung về đặc khu). Nói như vậy để thấy tin đăng trên xinhuanet là một tin được duyệt xét kỹ, tuân theo kỉ luật của đảng Cộng sản Trung Quốc, có uy tín, và chắc chắn là có một thông điệp nghiêm túc chứ không phải đơn thuần là thích thì đăng.
VỀ NỘI DUNG
Bài báo đăng ngày 9/12/2016, tức cách đây gần 2 năm, gồm có 6 đoạn và nội dung chính của 6 đoạn lần lượt như sau:
1. Cần tới 12 tỉ đô-la Mỹ để xây đặc khu Vân Đồn, phía bắc tỉnh Quảng Ninh, trước năm 2030, theo báo chí trong nước.
2. Quảng Ninh đã huy động được gần 1,8 tỉ đô-la Mỹ để đầu tư vào hạ tầng. Nguyễn Mạnh Tuấn, trưởng cơ quan quản lý đặc khu Quảng Ninh, được báo Tuổi Trẻ trích lời, nói.
3. Một sân bay quốc tế có tên Vân Đồn, được xây ở huyện Vân Đồn, cách thành phố Hạ Long khoảng 50 km, đang được xây với số vốn gần 314 triệu đô-la Mỹ, và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2018.
4. Một khu phức hợp, bao gồm một casino, và các đường trong đặc khu đang được xây dựng.
5. Quảng Ninh đang lên kế hoạch xây đường cao tốc nối Hạ Long với huyện Vân Đồn và thành phố Móng Cái, và với thành phố cảng Hải Phòng gần đó.
6. Chính quyền Việt Nam đã đồng ý về nguyên tắc rằng ba đặc khu sẽ được xây trên toàn quốc, bao gồm Vân Đồn – bắc Quảng Ninh, Vân Phong ở giữa tỉnh Khánh Hoà, và Phú Quốc ở nam Kiên Giang.
LỜI BÌNH
Đây là một bài báo hay, ngắn gọn và súc tích. Chỉ với 6 đoạn, mỗi đoạn chỉ một câu, nhưng dẫn đủ 6 ý. Tôi đã thử tìm đọc gần hết các bài báo về đặc khu trước ngày 9/12/2016 (ngày đăng của bài trên Xinhua) trên Google mà không thấy được một bài nào có nhiều nội dung hơn và ngắn gọn hơn bài này.
Nếu như thông tin về dự án đặc khu Vân Đồn cần tới 12 tỉ đô-la Mỹ để xây được đăng tải trên vài tờ báo của Việt Nam (xem ở (2) và (3)), thì các thông tin ở đoạn 2 và 3 trên thật không dễ tìm. Tôi đã tìm đọc một số bài đăng trước ngày 9/12/2016 nhưng chưa tìm thấy các thông tin trên báo khác về việc Quảng Ninh đã huy động được 1,8 tỉ đô-la Mỹ và việc Vân Đồn xây sân bay với số vốn 314 triệu đô-la.
Nói như vậy có nghĩa là gì? Nghĩa là các cơ quan thu thập tin tức của Trung Quốc khá quan tâm về dự án đặc khu của Việt Nam, ít nhất là tại Vân Đồn.
Xinhua là một cơ quan thu thập tin tức cấp bộ của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, vì vậy mà bản tin này tuy không nói ra nhưng nó cho thấy rằng cơ quan cấp cao nhất, ngay trong trung ương đảng Cộng sản của Trung Quốc, đã biết một cách khá chi tiết về đặc khu.
Từ đây, các câu hỏi đặt ra là, họ thu thập tin tức này để làm gì? Tại sao họ nên thu thập? Và họ thu thập từ những nguồn nào?
Bài báo không đề cập đến nhưng độc giả cần đặt câu hỏi rằng số tiền 1,8 tỉ đô-la Mỹ mà Quảng Ninh dùng để xây cơ sở hạ tầng có nguồn từ đâu? Huy động từ ai?
1,8 tỉ đô-la Mỹ là một khoản tiền lớn, nó gần bằng 1% GDP của Việt Nam. Và so với khoản thu ngân sách mà chính phủ Việt Nam thu được từ tất cả các nguồn trong năm 2016 là khoảng 55 tỉ đô-la Mỹ (chính xác là 1.101.377 tỉ đồng) thì nó tương đương với 3,3% ngân sách chính phủ (4).
Trung Quốc thông qua các ngân hàng phát triển chuyên tài trợ cho các dự án nhằm phục vụ cho chiến lược Một Vành Đai, Một Con Đường mà Vân Đồn và Hải Phòng là các cảng nằm trên Con Đường Tơ Lụa Trên Biển, vậy có phải Quảng Ninh đã huy động vốn từ các ngân hàng phát triển Trung Quốc để xây dựng đặc khu không? Và nếu họ đã vay thì với các điều khoản nào?
Năm 2014, Trung Quốc đã cung cấp các khoản vay trị giá 20 tỉ đô-la Mỹ cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và năm 2016 cung cấp thêm 11,5 tỉ đô-la Mỹ nữa để đẩy mạnh phát triển hạ tầng nhằm phục vụ cho dự án Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Quốc (5). Vậy Việt Nam đã vay chính thức là bao nhiêu từ Trung Quốc và đã dùng nó vào việc gì? Có phải dùng số tiền vay mượn này để đầu tư vào Vân Đồn không? Và nếu đã đầu tư vào Vân Đồn với các dự án kém khả thi về kinh tế thì lấy gì trả và nếu không trả được thì sao? Điều khoản vay là gì?
Đọc bản tin trên Xinhua độc giả cũng có thể liên hệ với một bản tin khác cung cấp thông tin Quảng Ninh với Bí thư tỉnh uỷ Phạm Minh Chính đã hợp tác với Giáo sư Đào Nhất Đào của Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thâm Quyến trong việc xây dựng đặc khu. Vậy câu hỏi tiếp theo sẽ là hợp tác theo kiểu gì, Phạm Minh Chính đã nhận được sự chỉ đạo gì trong việc xây dựng đặc khu Vân Đồn? Có thông tin nào thuộc diện bảo mật an ninh được tiết lộ qua giáo sư Đào Nhất Đào và đưa nó tới các cơ quan thu thập thông tin của chính quyền trung ương Trung Quốc? (6)
Và cuối cùng, dù không nói ra nhưng bản tin chính nó đã cho thấy các hoạt động xây dựng đặc khu đã rầm rộ diễn ra từ rất lâu trước khi chính quyền Việt Nam tung ra dự luật để dò ý dư luận trước khi thông qua. Việc hoãn thông qua dự luật chỉ là đòn nhằm hạ nhiệt dư luận để rồi cuối cùng sẽ lại thông qua.
LỜI KẾT
Bản tin trên dĩ nhiên là một miếng ghép nhỏ mà một độc giả bình thường sẽ thấy nó chỉ là một mẩu tin bình thường và dễ bỏ qua. Nhưng nếu bạn là một người tò mò, luôn đặt câu hỏi và muốn biết nhiều hơn về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong các dự án đặc khu, bạn cần nhiều miếng ghép như vậy mới hình dung hết bức tranh trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam.
____
Tham khảo:
(1) Xinhua. 2016-12-09. 12 bln USD needed to build special economic zone in northern Vietnam. Truy cập ngày: 21/06/2018. Nguồn: http://www.xinhuanet.com/english/2016-12/09/c_135892998.htm
(2) Vietnamnet. 2014-03-26. How to find $12 billion to build Van Don SEZ?. Truy cập ngày: 21/06/2018. Nguồn: http://english.vietnamnet.vn/fms/business/98316/how-to-find–12-billion-to-build-van-don-sez-.html
(3) Báo Đầu Tư. 2014-03-25. 12 tỷ USD làm đặc khu Vân Đồn, huy động thế nào?. Truy cập ngày: 21/06/2018. Nguồn: http://baodautu.vn/12-ty-usd-lam-dac-khu-van-don-huy-dong-the-nao-d2397.html
(4) Trading Economics. Vietnam Government Revenues. Truy cập ngày 21/06/2018. Nguồn: https://tradingeconomics.com/vietnam/government-revenues
(5) VOA News. 2016-03-23. China Offers $11.5B in Loans, Credit to Southeast Asia. Truy cập ngày: 21/06/2018. Nguồn: https://www.voanews.com/a/ap-china-southeast-asian-leaders-seek-greater-cooperation/3250705.html
(6) Tạp chí Cộng sản. 2014-03-21. Phát triển đặc khu kinh tế – kinh nghiệm và cơ hội. Truy cập ngày: 21/06/2018. Nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=26386&print=true
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét