Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

3656 - Đàm phán với Mỹ, Bắc Triều Tiên không quên Trung Quốc

Thanh Hà

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trong một chuyến thăm Bắc Kinh, Trung Quốc. Bức ảnh được hãng tin Nhà nước KCNA công bố ngày 20/07/2018. KCNA via REUTERS


Ông Kim Jong Un lần thứ ba viếng thăm Trung Quốc trong vỏn vẹn ba tháng, để hội kiến chủ tịch Tập Cận Bình, chỉ một tuần sau thượng đỉnh lịch sử với tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore. Theo giới quan sát, qua động thái này, Bình Nhưỡng đưa ra thông điệp rất rõ ràng là không quên những quyền lợi của Bắc Kinh dù đang trong giai đoạn tương đối "hòa dịu" với Washington. Câu hỏi được đặt ra : Vậy các lợi ích của Trung Quốc là gì ? Hay nói một cách khác, Trung Quốc đang theo đuổi những mục đích gì trước viễn cảnh phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ?
Khác với hai lần trước, chuyến viếng thăm Bắc Kinh lần thứ ba của Kim Jong Un trong hai ngày, 19 và 20/06/2018, đã được báo chí Trung Quốc đưa tin rất sớm, nhưng nội dung các cuộc trao đổi giữa nguyên thủ hai nước chưa được công bố. Theo một chuyên gia Trung Quốc được AFP trích dẫn, Kim Jong Un đích thân "báo cáo" với Tập Cận Bình về buổi làm việc lịch sử với Donald Trump, đây cũng là dịp để Bình Nhưỡng tìm kiếm hậu thuẫn và có thể cả tư vấn của Bắc Kinh.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhấn mạnh, Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đang "thắt chặt quan hệ và củng cố tầm nhìn chiến lược" trên nhiều vấn đề nhằm "góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực". Về phần Kim Jong Un, ông tuyên bố Bắc Triều Tiên hài lòng trước "mối bang gần gũi, thân tình như anh em một nhà" với Trung Quốc.
Dù đang rất bận rộn vì lịch trình ngoại giao, từ Nhật Bản đến Nga đều muốn gặp riêng, nhưng Kim Jong Un vẫn dành thời gian để sang Bắc Kinh, là bằng chứng rõ rệt nhất chứng tỏ một mối quan hệ đặc biệt, gắn bó và chiến lược giữa Bắc Triều Tiên với nước láng giềng to lớn sát cạnh là Trung Quốc.
Về phần Trung Quốc, tương tự như Washington, Bắc Kinh cũng muốn Bình Nhưỡng ngưng các chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa, nhưng Trung Quốc dường như đã bị hụt hẫng khi Donald Trump và Kim Jong Un thông báo trực tiếp đối thoại với nhau.
Tuy hài lòng trước viễn cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên lắng dịu, nhưng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không muốn Mỹ và Bắc Triều Tiên quá thân thiện với nhau, có nguy cơ ảnh hưởng tới quyền lợi kinh tế và an ninh của Trung Quốc. Nói một cách ví von, Bắc Kinh không muốn cái bắt tay lịch sử giữa Kim và Trump ở Singapore làm đảo lộn thế cân bằng ở châu Á.
Dường như lo ngại đó của ông Tập đã được cả Donald Trump lẫn Kim Jong Un cùng nhanh chóng xua tan khi tổng thống Hoa Kỳ ngay tại Singapore đã thông báo ngưng các cuộc tập trận với Hàn Quốc và thậm chí là Washington còn nghiên cứu khả năng rút quân khỏi phía nam bán đảo Triều Tiên. Đó chính là điều mà Trung Quốc mong muốn hơn cả.
Về mặt ngoại giao, Bắc Kinh đã thắng lớn tại thượng đỉnh Kim- Trump ở Singapore hôm 12/06/2018. Dù vắng mặt, nhưng bóng dáng Trung Quốc vẫn luôn lởn vởn tại thượng đỉnh này. Kim Jong Un đến gặp tổng thống Hoa Kỳ bằng một chiếc máy bay của hãng hàng không Trung Quốc. Tất cả các nhà quan sát đều cho rằng, đây là một chi tiết cho thấy ảnh hưởng rất lớn của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng và trọng lượng của Trung Quốc trong cuộc gặp trọng đại này.
Quan trọng hơn nữa là văn bản đã được hai ông Donald Trump và Kim Jong Un đặt bút ký tại Singapore : Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa, đổi lại Mỹ - Hàn đình chỉ các chương trình tập trận chung. Đó là sáng kiến của Bắc Kinh mà ông Tập Cận Bình đã đề xuất với phía Mỹ.
Sau cùng, trên phương diện kinh tế, hội nghị Singapore vừa chấm dứt, Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế xóa bỏ cấm vận Bắc Triều Tiên. Điều mà đến nay Washington xem là còn quá sớm để quyết định. Nhưng chính trên hồ sơ này Bình Nhưỡng cần đến sự yểm trợ của người anh cả Bắc Kinh.
Tiếp Kim Jong Un tại Bắc Kinh hôm qua, ông Tập Cận Bình không quên nhắc nhở rằng "nhờ những nỗ lực của Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và tất cả các bên liên quan, bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á chắc chắn là đang trông thấy một tương lai tươi sáng và viễn cảnh hòa bình, thịnh vượng đang mở ra". Đồng thời, nguyên thủ Trung Quốc không quên chúc mừng lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã đi đúng hướng khi đặt ưu tiên vào phát triển kinh tế đất nước.
Còn trong quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc, chuyên gia Shin Bum Cheol thuộc Viện Nghiên Cứu Chính Trị Asan, tại Seoul nhận định : "Ảnh hưởng của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên cũng là một lá chủ bài để ông Tập Cận Bình đem ra mặc cả với Donald Trump trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang đọ sức trên hồ sơ thương mại."
Không chỉ với Mỹ, hay Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh còn đang ghi được cả những bàn thắng với Hàn Quốc : Trước thượng đỉnh Liên Triều với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ngày 27/04/2018, cũng ông Kim Jong Un, vợ và em gái đã lần đầu tiên sang tận Bắc Kinh gặp chủ tịch Tập Cận Bình. Seoul phải hiểu rằng, Trung Quốc sẽ theo dõi sát phát triển quan hệ Liên Triều trong tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét